Nhớ những ngày đầu dạy ABC

Chủ nhật - 22/09/2013 20:26
Nhà giáo Hồ Hải Thuỵ chia sẻ những kỉ niệm về thời gian giảng dạy Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, từ năm 1961 đến năm 1969.
Nhớ những ngày đầu dạy ABC
Nhớ những ngày đầu dạy ABC
Sau khi tôi về nhận công tác tại Tổ Việt ngữ (thuộc Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội) - một phần(1) tiền thân của Khoa Tiếng Việt, rồi Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - được ít lâu thì một hôm gặp anh Nguyễn Tài Cẩn giữa đường, anh kéo tôi vào một quán chè chén ven đường tâm sự. Anh hỏi tôi: - Về dạy abc à? Vui hay buồn? Câu hỏi của anh đúng là chứa nhiều tâm sự. Lúc đó, còn có người cho rằng về Tổ Việt ngữ là đi dạy abc, chẳng có gì là làm khoa học cả. Riêng tôi, lúc ấy tôi lại nghĩ khác, các anh Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Văn Tu, Hoàng Tuệ, Nguyễn Tài Cẩn chẳng đã từng làm giáo viên abc sao? Anh Cẩn lại tiếp, vừa cười: - Dạy abc là tốt đấy. Chứ tôi mà có quyền, tôi còn bắt cậu phải đi học abc cơ. Đến đây thì tôi thật sự không hiểu ý anh. Anh bèn thong thả kể lại câu chuyện hồi anh còn ở bên Liên Xô. Hồi đó, anh thấy (Bắc) Triều Tiên cử một số giáo viên người Triều Tiên dạy tiếng Triều (nay ta quen gọi chung là tiếng Hàn) cho sinh viên ngoại quốc ở Triều Tiên, sang Liên Xô làm sinh viên dự các lớp học tiếng Hàn từ lớp abc đến lớp nâng cao. Như vậy là các giáo viên này vừa (với tư cách người học) học được cách người Liên Xô dạy tiếng Hàn như thế nào, vừa (với tư cách bạn học cùng lớp) nắm bắt được những phản ứng của sự tiếp xúc ngôn ngữ giữa các thứ tiếng khác nhau với tiếng Hàn, vì trong lớp thường có sinh viên nói nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Trong khi kể chuyện, anh Cẩn vẫn luôn tỏ ý thán phục sự tinh khôn của những người lãnh đạo Triều Tiên lúc đó (riêng về việc này). Sau đó, anh chỉ vào mặt tôi và nói đùa lần nữa: - Rồi tôi sẽ tìm cách bắt cậu sang Liên Xô hoặc Pháp đi học abc tiếng Việt. Chia tay anh, từ đó tôi trăn trở về cách làm “Triều Tiên” mà không cần phải đi Liên Xô hay Pháp. Cứ mỗi khi có sinh viên thuộc quốc gia có thứ ngôn ngữ mà tôi chưa từng tiếp xúc để tìm hiểu phản ứng với tiếng Việt, là tôi xung phong nhận dạy lớp ấy ngay. Tôi bắt đầu bằng cách tìm hiểu về thứ ngôn ngữ đó. Việc này lúc đó khá dễ dàng, vì sách Liên Xô (bán rất nhiều ở cửa hàng sách ngoại văn Tràng Tiền với giá rẻ không thể tưởng tượng nổi, vì 1 rúp chỉ tính chuyển đổi bằng 2 đồng Việt Nam) về các thứ ngôn ngữ rất sẵn, chẳng hạn sắp dạy sinh viên Nhật thì ra hiệu sách mua cuốn Uchebnik yaponskogo yazyka, dạy sinh viên Lào thì mua cuốn Izuchaem laoskij yazyk, về nghiền ít hôm để nắm những nét cơ bản về ngôn ngữ đó. Sau đó mỗi khi dạy sinh viên học bài tiếng Việt mới thì tôi lại tranh thủ học ngược lại, nghĩa là học thứ tiếng của họ qua những từ vựng tiếng Việt mà họ dịch sang tiếng họ, kết hợp với phần ngữ pháp trong các cuốn sách Nga. Thế là cứ sau một năm học vỡ lòng, sinh viên nước ngoài biết tiếng Việt đến đâu thì tôi cũng biết được tiếng của họ xêm xêm như vậy (có thể kém hơn đôi chút thôi). Dần dà tôi thấy hiện lên khá rõ nét những sự khác nhau trong mối quan hệ tiếp xúc giữa tiếng Việt và các thứ tiếng khác, giúp tôi dạy có hiệu quả hơn trong những năm về sau. Vất vả nhất là những năm nào phải nhận dạy hai lớp cho hai loại sinh viên, nghĩa là đồng thời phải học hai thứ tiếng. Đối với tôi, cách tìm hiểu các thứ ngôn ngữ khác nhau để dạy tốt tiếng Việt như thế này đem lại nhiều điều bổ ích rõ rệt, nhưng cũng xin kể mấy mẩu chuyện vui về hậu hoạ có thể xảy ra do việc làm như vậy. Một cái hậu hoạ cũng do máu mê nghề nghiệp. Tôi nhận dạy một lớp sinh viên Cuba. Cuba nói tiếng Tây Ban Nha. Mà trong thành ngữ tiếng Pháp có câu: “Người Tây Ban Nha học tiếng Pháp hai năm, người Pháp học tiếng Tây Ban Nha hai tháng”, có nghĩa là tiếng Tây Ban Nha dễ hơn tiếng Pháp nhiều. Tôi lại bắt đầu “học ngược” cùng với sinh viên, họ học được bao nhiêu từ tiếng Việt thì tôi học được bấy nhiêu từ tiếng Tây Ban Nha. Nhưng chỉ một hai tháng sau tôi vượt xa họ, vì tôi bắt đầu nói chuyện với họ bằng tiếng Tây Ban Nha trong khi họ còn đang bập bẹ tiếng Việt. Họ đâu có biết khi họ vất vả học “revolución” của họ là “cách mạng” thì tôi đã biết đó là cái “révolution” của Pháp mà tôi biết từ hồi còn nhỏ. Cứ như thế, trong khi họ đánh vật với những từ tiếng Việt như “hiện nay”, “giải thích”, “thông tin”, “thí dụ”, vv. thì tôi chỉ cần lẳng lặng chuyển từ vốn tiếng Pháp sang tiếng Tây Ban Nha là OK ngay: présent > presente, explication > explicación, information > información, example > ejemplo, vv. Cuối năm học, tự nhiên tôi nói chuyện với họ bằng thứ tiếng Tây Ban Nha khá thuần thục đến mức làm họ ngạc nhiên. Tất nhiên cũng phải kể đến công của cuốn sách rất mỏng mà phương pháp rất hay Uchite ispanskij của Liên Xô. Và thế là ... tự nhiên tôi nhận được tin buồn(2) là phải đi Cuba dạy tiếng Việt, nơi mà không nói chuyện điện thoại về nhà được, thư từ thì hàng tháng mới đến nơi, đằng đẵng một niên học. Và việc điều tôi đi Cuba cũng là điều tôi xa rời hẳn cái nghiệp dạy abc chính quy, nghĩa là không dính dáng gì với cái tổ chức dạy tiếng Việt cho người nước ngoài của nhà nước nữa. Nhưng liên tục cho đến khi về hưu, tôi được mời dạy tiếng Việt (và cả tiếng Anh, Pháp) cho các đại sứ quán ở Hà Nội. Tôi nhớ có một trường hợp rất đặc biệt có liên quan đến nghề nghiệp: Có một người Pháp mời tôi dạy tiếng Việt. Ngày đầu, anh ta yêu cầu tôi dạy thật đầy đủ, chu đáo, học thật chứ không phải học để lấy chứng chỉ như một số quan chức ngoại giao khác(3). Nghe vậy, tôi cũng đặt luôn yêu cầu: Anh phải tuyệt đối học theo cách tôi dạy. Và đó là trường hợp duy nhất mà tôi dạy theo kiểu thí nghiệm mà tôi ấp ủ từ lâu, nhưng không có điều kiện “thử nghiệm”. Tuần đầu, tôi chỉ giơ ra trước mặt anh học viên một bản ghi các nốt nhạc, dòng lời nhạc thì toàn là chữ “la”. Tôi đọc bằng tiếng Việt: “Trong đầm gì đẹp bằng sen” và yêu cầu anh ta nhìn nốt nhạc và nhại lại tôi bằng “la là là lạ là la”. Chưa đầy một tuần, hầu như anh đã thuộc và ngâm được ư ử ba bài “hát” (anh ta nói như vậy vì thấy toàn nốt nhạc): "Trong đầm gì đẹp bằng sen, Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Nhị vàng bông trắng lá xanh, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn." "Ba cô đội gạo lên chùa, Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư. Sư về sư ốm tương tư, Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu." "Trên trời mây trắng như bông. Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây. Ba cô má đỏ hây hây Đội bông như thể đội mây về làng." (thơ Ngô Văn Phú) Nghĩa là cả một tuần đầu, chúng tôi chỉ “hát” truyền khẩu với nhau, không nhìn thấy chữ, nhất là không nhìn thấy những cái dấu thanh điệu. Tất nhiên buổi học có lúc có vẻ chán. Nhưng với một học viên thật sự nghiêm túc và một giáo viên thật sự muốn làm thí nghiệm, mọi sự đều trôi chảy. Từ tuần sau, chúng tôi vào bài như bình thường. Kết quả sau hơn 3 tháng học tập, anh học viên rất tự hào khoe với tôi là người Việt nào nghe anh nói chuyện cũng khen sao nói đúng giọng Hà Nội mà không lơ lớ “như Tây”. Cái thí nghiệm của tôi đã đánh chết cái bản năng chống trả các thanh điệu của những học viên vốn có ngôn ngữ không có thanh điệu. Thật ra ai chẳng biết hát?! Nhưng vào ngay bài đầu mà nhìn thấy cái dấu sắc thì ai chẳng đọc là “lá”, trong khi thật ra nó là cái gì đó như “la-á” nếu chưa nhìn thấy cái dấu mà chỉ nghe hoặc nhìn nốt nhạc. Sau cùng, trong khi dạy tiếng, cần luôn chú ý đến khía cạnh văn hoá của thứ tiếng đó. Người Pháp thường đặt tên cho các cuốn sách học tiếng của họ là “Langue et civilisation”. Cũng là một chuyện vui về khác biệt văn hoá: Trong khi phục vụ ăn uống cho sinh viên Cuba, cứ sau mỗi tuần lại có buổi hỏi ý kiến để cải tiến bữa ăn. Mấy tuần liền, sinh viên Cuba kêu là cà phê nhẹ quá. Anh chị em nhà bếp của ta tăng độ đậm đặc lên dần đến một lúc sinh viên không chịu nổi phải la lên là đặc quá. Lúc bấy giờ mới vỡ lẽ là: nặng-nhẹ và đặc-loãng là hai phạm trù khác hẳn nhau. Hút 10 điếu thuốc lá nhẹ không thoả mãn bằng chỉ cần có nửa điếu thuốc lá nặng, đối với người nghiện. Chỉ vì ở ta lúc đó chỉ có một loại cà phê, trong khi ở Cuba thì có nhiều loại nặng nhẹ khác nhau. Điều quan trọng nhất khi chú ý đến khía cạnh văn hoá là đừng bao giờ nghĩ mình là trung tâm để đến nỗi đặt những câu hỏi ngớ ngẩn như: “Ở Cuba có mấy nhà máy bia?” Lúc đó đang thời chiến tranh chống Mĩ, một giáo viên của chúng ta, vốn chỉ biết có một nhà máy bia ở đường Hoàng Hoa Thám, nên đặt câu hỏi như vậy. Giá như bây giờ có ai hỏi anh ta là Việt Nam có bao nhiêu nhà máy bia, chắc anh ta cũng chịu. _________ (1) Gọi là một phần vì Tổ Việt ngữ (thuộc Khoa Văn) chỉ làm công việc dạy học, còn công việc nuôi ăn ở cho sinh viên nước ngoài lại do một bộ phận quản lí lưu học sinh (trực thuộc nhà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) đảm nhiệm. Nhập hai bộ phận này lại mới thành Khoa Tiếng Việt sau này. (2) Vào thời đó, đi nước ngoài, người ta thường chọn đi Đức, rồi đến Liên Xô, sau đó mới đến các nước Đông Âu, xếp gần dưới cùng là Trung Quốc và Cuba, vì thu nhập rất thấp. (3) Một số đại sứ quán yêu cầu nhân viên của họ trong thời gian công tác ở nước sở tại nào thì phải học thứ tiếng sở tại đó, điều này sẽ được ghi vào lí lịch công tác và được sứ quán chi trả tiền học.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay1,472
  • Tháng hiện tại39,690
  • Tổng lượt truy cập972,249
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây