Lịch sử phát triển

Thứ ba - 11/05/2021 21:40
Vào ngày 18-12-1968, một quyết định lịch sử đã ra đời. Đó là quyết định số 204 QĐ/TC của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp về việc thành lập “KHOA DẠY TIẾNG VIỆT NAM CHO LƯU HỌC SINH NƯỚC NGOÀI gọi tắt là KHOA TIẾNG VIỆT.
khoa Việt Nam học và Tiếng Việt
khoa Việt Nam học và Tiếng Việt
I.  Quá trình phát triển
Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày Khoa Tiếng Việt được thành lập, hơn 60 năm đã trôi qua kể từ ngày tổ Việt ngữ ra đời kể từ ngày tiếng Việt cho người nước ngoài được giảng dạy dưới mái trường này. Chừng ấy năm tháng, chừng ấy thời gian đã quá đủ để chúng ta có thể cùng nhau nhìn về một thời đầy ắp kỷ niệm và có quyền tự hào với những đóng góp của Khoa đối với Trường, đối với sự nghiệp chung của dân tộc và có thể tự tin bước vào chặng đường mới.

                                                                               Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 1991
Ngay từ năm 1956, tiếng Việt cho người nước ngoài đã được các giáo viên khoa Văn Sử giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ tháng 9 năm 1959, ba giáo viên đầu tiên được phân công về tổ Việt ngữ đặc trách việc giảng dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài là thầy Bùi Phụng, thầy Đỗ Thanh và cô Nguyễn Thị Hồng Mai. Cả ba người đều vừa tốt nghiệp Khóa 1 Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và sau đó, ngành tiếng Việt cho người nước ngoài đã phát triển nhanh chóng, với sự góp mặt của thầy Nguyễn Thạch Giang, thầy Hồ Hải Thụy và hơn 30 nhà giáo trong giai đoạn từ năm 1965, thời điểm tổ Việt ngữ chính thức được thành lập đến năm 1968.

Vào ngày 18-12-1968, một quyết định lịch sử đã ra đời. Đó là quyết định số 204 QĐ/TC của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp về việc thành lập “KHOA DẠY TIẾNG VIỆT NAM CHO LƯU HỌC SINH NƯỚC NGOÀI gọi tắt là KHOA TIẾNG VIỆT.


 

Khoa Tiếng Việt có nhiệm vụ:
  • Dạy cho học sinh nước ngoài đạt trình độ nghe, xem, nói, viết tiếng Việt đủ để vào học tại các Trường Đại học VN
  • Nghiên cứu xây dựng phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ngày càng được hoàn hảo.
  • Khi cần thiết sẽ đào tạo một số người nước ngoài trở thành phiên dịch cao cấp tiếng Việt” (Trích điều 1 của quyết định).
Thấm thoắt, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã đi qua một chặng đường đúng nửa thế kỷ kể từ ngày thành lập, với tên gọi Khoa Tiếng Việt rồi Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài năm 1995, và Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt từ tháng 4 năm 2008 cho đến nay.

                                                                                    Tham quan, dã ngoại những năm 60, 70
 

                                       Nhận bằng khen của Thông tấn xã Việt Nam tặng khoa tiếng Việt năm 1981

II. Thành tựu
Chúng ta không thể nào quên những tháng năm gian khổ của chiến tranh, cán bộ, giáo viên, nhân viên, cấp dưỡng và sinh viên của Khoa đã cùng nhau vượt qua khó khăn trong những ngày thiếu thốn đến từng quyển sách, quyển vở, từng miếng cơm manh áo nhưng không thiếu tình người, không thiếu tình thầy trò, bè bạn. Chắc các bậc tiền bối chưa thể nào quên hình ảnh 4 giờ sáng ngày 7-5-1967, đoàn người cả thầy lẫn trò cưỡi xe đạp xuất phát từ B7 bis Bách Khoa nhắm hướng hợp tác xã Vân Thủy, thôn Hưu Trưng, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây để đi sơ tán tránh bom Mỹ.

 Nhiều người chắc cũng chưa thể nào quên hình ảnh 4 giờ sáng, đoàn giáo viên mấy chục người của Khoa lặng lẽ lên sân bay để sang Căm-pu-chia làm nghĩa vụ quốc tế…
Trong chặng đường đã qua đó, Khoa đã đạt được rất nhiều thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu và quan hệ quốc tế.
Về đào tạo: Hơn 10.000 người nước ngoài đã học tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Khoa cũng như với các giáo viên của Khoa tại nhiều Trường Đại học, nhiều trung tâm Việt Nam học trên thế giới. Trong số đó nhiều người trở thành những nhà ngoại giao kỳ cựu, những phiên dịch viên cao cấp. Nhiều nhà Việt Nam học nổi tiếng trên thế giới đều đã có thời gian học tập, tu nghiệp tại Khoa. Đặc biệt có hơn 15 sinh viên nước ngoài đã trở thành Đại sứ, Đại diện lâm thời tại Việt Nam.

Đại sứ Palestine, ngài Saadi Salama, cựu sinh viên khoá 1980 – 1984 phát biểu trong lễ kỉ niệm 45 năm thành lập khoa Việt Nam học và tiếng Việt

                                                                  Tiếp các cựu sinh viên đã trở thành các đại sứ, tham tán

Khoa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt được giao là đào tạo tiếng Việt cho cán bộ, sinh viên Lào, cán bộ, sinh viên các trường đại học tại Căm-pu-chia trong 10 năm liên tục sau nạn diệt chủng Pôn Pốt. Nhiều sinh viên quốc tế được đào tạo tại Khoa đã trở thành những người viết tiếng Việt được mệnh danh “hay hơn cả người Việt” như anh Joe (biệt hiệu Dâu Tây) với những cuốn sách bán chạy nhất ở Việt Nam như: Tớ là Dâu, Ngược chiều vun vút… Thậm chí có cựu sinh viên còn làm thơ bằng tiếng Việt với một tình cảm sâu nặng và ngôn ngữ trau chuốt như những vần thơ sau đây trong bài thơ Yêu Hà Nội của anh Jorgen Anes người Na Uy:
Hà Nội đẹp
Bởi muôn vàn nét đẹp
Xao xuyến lòng tôi da diết lạ kỳ
Tôi thề nguyện sống cùng Hà Nội
Chút duyên đời xin gửi lại Việt Nam…
Về nghiên cứu, trong suốt những năm qua, các giảng viên của Khoa đã hoàn thành hơn 50 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và cấp Đại học Quốc gia, cấp Trường… Các bộ giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài do các giảng viên của Khoa biên soạn đều hữu ích và có đóng góp mẫu mực cho việc biên soạn sách dạy tiếng phù hợp với nhu cầu của từng giai đoạn. Nhiều công trình khảo cứu, biên soạn của các giảng viên trong khoa có tầm ảnh hưởng lớn như hơn 70 cuốn sách của Phó Giáo sư Nguyễn Thạch Giang, công trình Từ điển Việt-Anh đồ sộ được trao giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ của cố Phó Giáo sư Bùi Phụng, các công trình về ngữ pháp, từ điển từ công cụ, hư từ của Phó Giáo sư Đỗ Thanh, Giáo sư Hoàng Trọng Phiến, Giáo sư Đinh Văn Đức, cố Phó Giáo sư Nguyễn Anh Quế…

                                                                                  Hội nghị Khoa học quốc tế năm 1996

                   Hội thảo khoa học cùng Khoa Việt Nam học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh năm 2007

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Khoa đã đạt được một số thành tựu đặc biệt xuất sắc như sau:
1. Biên soạn thành công Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia (quyết định số 17/2015/TT-BGDĐT, ngày 01/09/2015).
2. Biên soạn thành công Định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia (Quyết định ban hành Định dạng đề thi số 2097/QĐ-BGDĐT và Quyết định phê duyệt Tài liệu hướng dẫn xây dựng đề thi và chấm thi theo Định dạng đề thi đánh giá nănglực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài số 2098/QĐ-BGDĐT, ngày 21/6/2016).
3. Biên soạn thành công Chương trình Đào tạo giáo viên tiếng Việt cho người nước ngoài một cách có hệ thống.
4. Đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài cho Chính phủ (5 khóa với tổng số hơn 200 giáo viên từ hơn 15 nước, và đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo giáo viên tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài theo đúng tinh thần của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị.)
5. Đặc trách chuyên môn cho đề án Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài (Quyết định số 1382/QĐ-TTg, ngày 12/7/2016)
6. Biên soạn thành công Khung chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (thuộc đề án Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, Quyết định số 14/QĐ-TTg, ngày 6/01/2017).
7. Chủ trì và biên soạn thành công Bộ tài liệu song ngữ (Việt – Anh) dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao phó.
8. Đang chủ trì và biên soạn Đề án cấp Nhà nước (do Đại học Quốc gia Hà Nội điều phối) có nội dung Tăng cường giảng dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài (2020-2023).
Quan hệ quốc tế của Khoa ngày càng mở rộng, các sinh viên, thực tập sinh, nhà nghiên cứu sang Khoa học tập và nghiên cứu thuộc nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu nổi tiếng từ khắp bốn biển năm châu với đủ mọi màu da, mọi nền văn hóa đang tăng lên nhanh chóng. Vào những ngày văn hóa quốc tế truyền thống của Khoa vào dịp Lễ Giáng sinh và Năm mới, Khoa chúng ta như một ngày hội của hành tinh thu nhỏ.

          Đặc biệt, các nhà giáo của Khoa chính là những sứ giả truyền bá tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam không chỉ ở Khoa mà còn ra thế giới. Từ Washington của Hoa Kỳ đến Berlin của Đức, từ Tokyo của đất nước Mặt trời mọc đến Luân Đôn của Anh Quốc, từ Cao Hùng Đài Loan đến Kuala Lumpur của Malaysia, từ Stokholm của Thụy Điển đến Seoul của Hàn Quốc đều in dấu chân các thầy cô Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt với sứ mệnh cao cả là sứ giả của Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam.
Hiện nay, Khoa tiến hành cùng lúc các nhiệm vụ đào tạo:
  1. Dạy tiếng:
  • Giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài,
  • Giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài

                                                                               Kỷ niệm Lam Kinh năm 2012
 
  1. Đào tạo Cử nhân:
Chuyên ngành Việt Nam học
  • Hệ dành cho sinh viên Việt Nam
  • Hệ dành cho sinh viên quốc tế
  • Hệ đào tạo bằng tiếng Anh

                                                                              Lễ tốt nghiệp K55 khoa Việt Nam học và tiếng Việt

Chuyên ngành Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài
(đã đào tạo được nhiều khoá từ 2015 trở về trước)

                                                      Phòng đọc của Khoa năm 1999
  1. Đào tạo Sau đại học:
  • Thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học: đã được hơn 5 khoá với nhiều thế hệ học viên có chất lượng tốt.
Khoa đang trên lộ trình xây dựng Chương trình Tiến sĩ Việt Nam học với sứ mệnh hướng tới một môi trường học tập chuyên nghiệp, quốc tế hoá, góp phần xây dựng hình ảnh và uy tín học thuật của Khoa và Ngành.

Với 10 khóa đã được mở và triển vọng về một tiền đồ tươi sáng cho ngành học này của Khoa, của Trường dường như đã thấy rất rõ. Từ chỗ khóa 55 là khóa đầu tiên, Khoa còn tuyển chủ yếu là sinh viên nguyện vọng 2, đến năm học 2012 – 2013 và 2013 – 2014, điểm chuẩn đầu vào của Khoa đã đạt top 5 trong 16 đơn vị đào tạo của Trường ĐHKHXH&NV. Từ năm 2015, Khoa đã mở ngành Cao học Việt Nam học, và 2 Khóa đã bảo vệ Luận văn, với số học viên Cao học hàng năm trên dưới 20 học viên, trong đó học viên Quốc tế chiếm số đông.
Khoa đã đào tạo được 10 khoá sinh viên hệ cử nhân Việt Nam học với khoảng hơn 1000 sinh viên đã và đang theo học. Đối với hệ bồi dưỡng ngắn hạn và liên kết quốc tế, Khoa có mối quan hệ đối tác với hơn hàng nghìn sinh viên thuộc hơn 30 quốc tịch khác nhau.
Hiện nay Khoa có 28 giảng viên và nhân viên cùng với hơn đội ngũ hơn 30 cộng tác viên, hơn 15 giảng viên thỉnh giảng. Đội ngũ cán bộ của Khoa hiện là một đội ngũ có trình độ, có 4 PGS.TS, 13 Tiến sĩ, 3 Thạc sĩ và một số Nghiên cứu sinh trẻ đang làm Luận án Tiến sĩ cùng với đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình và có chuyên môn tốt.
Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt là một khoa duy nhất ở Việt Nam vừa đào tạo sinh viên quốc tế, vừa đào tạo sinh viên Việt Nam một cách chính thức. Với những đóng góp nổi bật của mình, Khoa đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì và nhiều Huân huy chương khác của các nước Lào, Căm pu chia, Bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam đối với những cống hiến của Khoa cho sự nghiệp Ngoại giao của đất nước.

                                                                             Gặp lại nhau trong ngày Nhà giáo tại B7bis

                                                                        Sáu thế hệ lãnh đạo tổ Việt ngữ và Khoa.
 

Tác giả: Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt

 Tags: vsl

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay1,347
  • Tháng hiện tại37,076
  • Tổng lượt truy cập910,715
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây