Giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào: Bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Việt khắp thế giới

Thứ năm - 05/12/2024 09:45
Khóa tập huấn Giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động thường niên của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) nhằm thúc đẩy công tác bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Việt khắp thế giới.
1tap huan day tieng viet 2025 24 1 (1)
1tap huan day tieng viet 2025 24 1 (1)
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và ngôn ngữ dân tộc
Năm 2024, Khóa tập huấn Giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức từ ngày 01 - 15/12/2024 tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, thu hút sự tham gia học tập trực tiếp tại Việt Nam của hơn 40 giáo viên kiều bào từ 09 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là các thầy cô giáo có tâm nguyện trao truyền các giá trị văn hóa, giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt cho con cháu và nhiều thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, trong những năm qua, Khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các giáo viên, tình nguyện viên đến từ nhiều nước; cho thấy nhu cầu dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ta ở nước ngoài rất lớn. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, sau 11 năm, khoá tập huấn đã thu hút sự tham dự của gần 900 giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp tích cực vào việc phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt trong nhiều cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao
Nhấn mạnh ngôn ngữ là hồn cốt của dân tộc, là cầu nối gắn kết các thế hệ người Việt dù ở bất kỳ nơi đâu, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dân tộc, thúc đẩy giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nổi bật là Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị luôn là kim chỉ nam cho công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các hoạt động hỗ trợ cộng đồng gìn giữ văn hóa và tiếng Việt.
Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2030. Đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cộng đồng ở nhiều nơi, với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú và thực chất, bước đầu tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
GS.TS.Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN khẳng định cam kết của nhà trường trong việc tổ chức giảng dạy hiệu quả khoá tập huấn
Theo GS.TS.Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN khẳng định, xuất phát từ trách nhiệm, sứ mệnh của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã triển khai nhiều dự án nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dân tộc. Với tâm huyết, trách nhiệm, chuyên môn, kinh nghiệm, đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cam kết mang lại những giá trị tốt nhất cho các học viên tham gia khoá đào tạo.
Khóa tập huấn Giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 được thiết kế bằng uy tín truyền thống của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, bằng kinh nghiệm sư phạm, lòng đam mê nghề nghiệp của các giảng viên và tinh thần hợp tác chân thành với mục tiêu cao nhất là: biến những bài học thành công cụ của nhà thực hành, bồi đắp lòng yêu mến tiếng Việt và niềm tin vào giá trị trường tồn của tiếng Việt đối với kiều bào xa xứ đang có mặt tại khoá học.
Các thầy cô giáo kiều bào bày tỏ niềm vinh dự khi được trở về Việt Nam tham dự khoá tập huấn về giảng dạy tiếng Việt
Điểm mới của khoá đào tạo là lần đầu tiên, chương trình đào tạo được thiết kế với 2/3 nội dung là các tình huống thực hành sư phạm. Theo đó, các thầy cô không chỉ được trang bị các phương pháp dạy tiếng Việt hiệu quả cho người nước ngoài, dự tiết học tiếng Việt tại trường tiểu học; thực hành kĩ năng giảng dạy, mà còn được trau dồi thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn hoá, lịch sử Việt Nam cũng như sự giàu đẹp trong ngôn ngữ dân tộc thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử của Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh.
Các giảng viên của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt được chọn để tham gia chương trình là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phương pháp dạy tiếng, là những nhà giáo được đào tạo bài bản hoặc tu nghiệp ở nước ngoài về lĩnh vực ngữ văn, khoa học xã hội, khoa học nhân văn. Đây cũng là đội ngũ nhà khoa học, nhà giáo trụ cột của Đề án Nhà nước: ‘Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài”, là những người góp phần trực tiếp và gián tiếp vận hành “Kênh dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”, ra mắt từ năm 2022 và hiện đang phục vụ hàng trăm kiều bào mỗi năm thuộc 25 quốc gia trên thế giới.
Hơn 40 thầy cô giáo là kiều bào tại các quốc gia trên thế giới tham gia khoá tập huấn năm 2024
Dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài: Sứ mệnh cao quý
Đó là sự trân trọng mà TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN dành tới các cơ quan chức năng, các thầy cô giáo là kiều bào Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới đang tham gia vào công việc giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
TS. Lê Thị Thanh Tâm bày tỏ, đối với các thầy cô giáo tại VNU-USSH, Ủy ban Nhà nước Người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một địa chỉ gắn bó bền bỉ hơn một thập kỉ ghi dấu bước đường cống hiến không ngừng cho sự nghiệp giảng dạy tiếng Việt của Khoa Việt Nam học & tiếng Việt và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Thông qua các hoạt động đầy ý nghĩa của Ủy ban và chủ trương hết sức nhân văn của Bộ Ngoại giao trong việc thúc đẩy khát vọng lan tỏa tiếng Việt trên khắp thế giới, đội ngũ chuyên gia đầu ngành về giảng dạy tiếng Việt của Việt Nam học & tiếng Việt đã liên tục tham gia vào các Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào từ những năm đầu thế kỉ 21, trong đó, Khoa chính thức tham gia sâu về nội dung chuyên môn từ năm 2013 đến nay.
 TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phát biểu tại Lễ khai mạc Khóa tập huấn Giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài 2024
“Sự hiện diện của các anh chị em học viên kiều bào tại Việt Nam luôn là một động lực đặc biệt mạnh mẽ đối với những người làm công tác giảng dạy tiếng Việt như chúng tôi, bởi vì: dạy tiếng Việt ở VN đã là một trách nhiệm, nhưng dạy tiếng Việt ở nước ngoài cho chính người Việt lại là một sứ mệnh cao quý xét trong bất kì bối cảnh nào” - TS. Lê Thị Thanh Tâm nhấn mạnh.
Chị Hiền Ni Sả - Giáo viên Trường Song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du (Lào) chia sẻ kỳ vọng được nâng cao năng lực giảng dạy, học hỏi thêm về các phương pháp sư phạm hiện đại, cách sử dụng giáo trình và tài liệu một cách linh hoạt để truyền cảm hứng cho học sinh khi tham gia khoá tập huấn
TS. Nguyễn Thụy Anh - tác giả Bộ sách Chào tiếng Việt trao đổi cùng các học viên tại tọa đàm “Chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài” trong khuôn khổ khoá tập huấn
Với vai trò nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những đóng góp đặc biệt giá trị đối với toàn bộ quá trình truyền dạy, quảng bá và lan tỏa tiếng Việt, bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Từ năm 2020 đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng chiến lược đầu tư bài bản, quyết liệt đối với nhiệm vụ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tiên phong và nỗ lực xây dựng các chương trình đào tạo, các dự án tầm vóc lớn của quốc gia và dân tộc, Đại học Quốc gia Hà Nội đã để lại dấu ấn chiến lược giáo dục nhân văn, nhãn quan quản trị đại học nhạy bén với quá trình gần 05 năm quyết liệt đầu tư và hoàn thiện “Đề án tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Mô hình của Đề án trọng tâm này đã góp phần chuyển hóa các giá trị hàn lâm thành thực tiễn ứng dụng khoa học công nghệ một cách thiết thực, nhằm mục tiêu phục vụ hiệu quả cho hơn 5,3 triệu kiều bào.
Là một thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã trực tiếp thực hiện sứ mệnh “dạy tiếng Việt cho lưu học sinh, xây dựng phương pháp dạy tiếng, đào tạo phiên dịch cao cấp” được trao từ năm 1968 (từ Khoa Tiếng Việt thuộc Đại học Tổng Hợp Hà Nội, nay là Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).  Trải qua hơn 60 năm truyền thống và 56 năm thành lập, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trở thành một địa chỉ uy tín bậc nhất Việt Nam về công tác dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Từ năm 2012 đến 2020, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hoàn thành 6 hạng mục có tính dẫn dắt đối với hệ thống đào tạo quốc tế về tiếng Việt. Đó là việc biên soạn thành công Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia; Biên soạn thành công Định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia; Biên soạn Chương trình Đào tạo giáo viên tiếng Việt cho người nước ngoài một cách có hệ thống, chuyên nghiệp; Đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài cho Chính phủ (hơn 10 khóa với hàng nghìn giáo viên từ nhiều nước trên thế giới) và đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo giáo viên tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài theo đúng tinh thần của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị; Đặc trách chuyên môn cho đề án Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài; Biên soạn thành công Khung chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (thuộc đề án Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, Quyết định số 14/QĐ-TTg, ngày 06/1/2017).
Vào tháng 08/2024, tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vinh danh những đóng góp quan trọng, nổi bật và tiêu biểu trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay2,790
  • Tháng hiện tại111,565
  • Tổng lượt truy cập1,835,036
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây