Những sinh viên nước ngoài đưa Tiếng Việt ra thế giới

Thứ Sáu, 05/01/2024, 09:05

Khi 3 sinh viên nước ngoài đến từ Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) kết thúc màn thi hùng biện "Tiếng Việt chạm vào trái tim thế giới", cả hội trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh như vỡ òa bởi những tràng pháo tay, những tiếng hò reo cổ vũ không ngớt.

Nhiều khán giả tham dự đã không thể tin đó là người nước ngoài đang hát quan họ, câu ca ví giặm và điệu hát ru Nam bộ. Phải yêu và rung động với tiếng Việt đến mức nào, các bạn sinh viên nước ngoài mới hát được các bài hát "3 miền" tha thiết như vậy. Họ đã thả hồn mình sâu lắng, hòa quyện vào văn hóa Việt Nam và xứng đáng giành giải Nhất…

svnn 1.jpg -0
Các bạn sinh viên Okabe (giữa), Sayo (thứ hai từ phải qua), Arabella Bennett (thứ tư từ phải qua) xuất sắc giành giải Nhất trong đêm chung kết cuộc thi.

1.Ba sinh viên nước ngoài có màn hùng biện đặc sắc, đã đưa "Tiếng Việt chạm vào trái tim thế giới" đó chính là Okabe Chikara, Mizuguchi Sayo (người Nhật Bản) và Bennett Arabella (người Australia) -  họ đều là sinh viên quốc tế thuộc Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngoài 3 "diễn viên chính", tiết mục còn có sự tham gia biểu diễn múa của các bạn sinh viên quốc tịch Nga, Úc, Mỹ, Trung Quốc, Ukraina, Ba Lan và Việt Nam. Màn hùng biện này đã chinh phục Ban giám khảo cả ở nội dung sâu sắc và hình thức biểu đạt truyền cảm.

Khi chàng sinh viên Okabe Chikara cất lên những câu thơ như: "Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể/ Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn/ Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc…", cả hội trường lặng đi xúc động, cảm phục chàng trai Nhật Bản Okabe. Okabe như dẫn dụ người nghe đắm chìm vào hai từ "đất nước" thiêng liêng. Đó là quê hương, là tổ quốc, gắn với lãnh thổ và chủ quyền, gắn với nền văn hóa độc đáo trong chiều dài lịch sử. "Đất nước" là máu thịt của người dân Việt Nam, là tình yêu đôi lứa, là thiên nhiên tươi đẹp, là miếng ngon suốt 4 mùa, là tinh thần chiến đấu và chiến thắng trước mọi thử thách gian lao bảo vệ Tổ quốc.

"Đất nước này là Đất nước của nhân dân/ Đất nước của ca dao, thần thoại", bài hùng biện đã làm sống dậy một tinh thần yêu nước sâu sắc của người Việt với thông điệp sâu xa: Tiếng Việt, tiếng mẹ, tiếng lòng của dân tộc đã, đang và sẽ là sức mạnh mềm của người Việt. Ở khắp nơi trên mảnh đất này, đâu đâu cũng có những địa danh như những lời khẩn cầu cho hòa bình: Đó là Thái Bình, Hòa Bình, An Hòa, An Cư, An Lạc… Trên tất cả là khát vọng được sống bình an và yêu thương trong một cộng đồng tình nghĩa, nhân ái.

Bạn nữ sinh viên Nhật Bản Sayo với kinh nghiệm 9 năm học piano, kĩ năng thẩm âm và nhạc cảm tuyệt vời đã nhập tâm sâu sắc vào tiếng Việt qua làn điệu quan họ biết mấy thân thương: "Người về em chẳng cho về/ Em lấy vạt áo em đề bài thơ", đến câu dân ca ví giặm của miền Trung dằng dặc nỗi niềm: "Chớ anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở/ Chớ anh đến bến đò thì đò đã sang sông…". Các bạn sinh viên nước ngoài đã cho chúng ta thấy một Việt Nam của thơ ca, một xứ sở được tôn vinh bởi những nhà thơ đã dùng tiếng của riêng dân tộc mình để nuôi dưỡng mạch sống của văn hiến, văn hóa Việt Nam.

Theo thứ tự công nhận của tổ chức UNESCO, chúng ta đã cống hiến 7 danh nhân văn hóa kiệt xuất: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, danh y Lê Hữu Trác - những nhà thơ này đã dùng tiếng Việt giúp người đọc khắp năm châu hiểu hơn về tâm hồn tươi sáng và đẹp đẽ của người Việt. Màn hùng biện của Okabe, Sayo và Bennett Arabella đã đưa người nghe hiểu ngọn nguồn tiếng Việt ở những tầng nghĩa sâu xa lấp lánh: Tiếng Việt sinh ra cùng với sự sinh thành của dân tộc; tiếng Việt là tiếng lòng của dân tộc, là văn hóa mẫu tính của người Việt. Tác phẩm hùng biện này, theo đánh giá của Ban giám khảo, đã thực sự đưa "Tiếng Việt chạm vào trái tim thế giới"…

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, tác giả kịch bản và chỉ đạo nội dung toàn bộ chương trình hùng biện của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ, chị vô cùng cảm phục và tự hào về các bạn sinh viên quốc tế của Khoa và Trường đã có một màn trình diễn chân thật và thăng hoa nhất. "Niềm vui này không chỉ là niềm vui chiến thắng trong một cuộc thi, mà cao quý hơn, đó là niềm vui lớn lao của sự cộng hưởng mối quan tâm sâu sắc của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam đối với đất nước, con người, văn hóa và văn hiến Việt Nam".

Theo tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm, Okabe là người nước ngoài vô cùng cầu thị khi tiếp cận tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Trái tim và tâm trí của Okabe lúc nào cũng sẵn sàng đón nhận tiếng Việt, em luôn mở lòng, mở trí với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Okabe nói vui, có lẽ "kiếp trước Okabe là người Việt" bởi sự gắn bó sâu sắc không thể giải thích được giữa một người con của núi Phú Sĩ với nền văn hóa tình nghĩa của người Việt.

Còn hai cô gái Sayo và Arabella không bao giờ bỏ cuộc, rất kiên trì, có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình đến cùng. Vì lẽ đó mà họ đã chiến thắng ở một sân chơi chuyên nghiệp và đa dạng văn hóa nhất của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam.

2.Trước khi đến với vòng chung kết cuộc thi toàn quốc "hùng biện tiếng Việt dành cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023", Okabe, Sayo và Arabella đã trải qua gần 2 tháng tập luyện cho vòng sơ khảo, thi đấu với 35 đội tuyển xuất sắc của toàn miền Bắc. Sau khi đoạt giải Nhất vòng sơ khảo, các em tiếp tục có hơn 3 tuần để học và tập kịch bản mới, trong khi hằng ngày vẫn phải lên lớp học tập. Áp lực về thời gian khiến họ phải tranh thủ cơ hội một cách tối đa. Khó khăn nhất đối với sinh viên nước ngoài là phải vượt qua tường thành ngữ âm. Để chiến thắng, họ không chỉ học phát âm theo từ điển, theo phát âm thông thường của người Việt mà cần phát âm một cách biểu cảm - điều này khó gấp nhiều lần, đòi hỏi bản thân họ phải thực sự rung động với tiếng Việt, chỗ nào cần nói nhanh, nói chậm, tiết tấu như thế nào, chỗ nào âm thanh phải sáng lên, chỗ nào giọng nói phải trầm xuống.

Okabe chia sẻ, bài hùng biện chỉ được diễn ra trong 7 phút dành cho 3 thí sinh, mỗi thí sinh chỉ biểu diễn gần 2,5 phút hùng biện nhưng mỗi ngày trung bình, các bạn luyện cách phát âm, cách nói biểu cảm 80-100 lần. Trong thời gian chạy nước rút chuẩn bị cho vòng chung kết thì không may Okabe bị sốt xuất huyết nặng, em phải vào bệnh viện cấp cứu; nhưng khi khỏe lại một chút, Okabe cầm ngay lấy kịch bản, ngồi trên giường bệnh để tập. Đến khi xuất viện về nhà, bác sĩ và các thầy cô dặn Okabe cần nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe nhưng em vẫn miệt mài tập.

Cả Okabe, Sayo hay Arabella đều ý thức rất tuyệt vời muốn biến tất cả những thông điệp hàm chứa trong kịch bản thành của họ, thành rung động của họ để họ có thể diễn cách tự nhiên nhất, thần thái nhất, có hồn nhất. Tuy nhiên, có những từ khiến họ rất khó phát âm, như Okabe hay nói từ "đất nước" thành "đật nước" (khi biểu diễn, may mắn thay, Okabe lại phát âm chuẩn từ "đất nước" - PV), còn Sayo rất khó khăn để phát âm được từ "con" do trong tiếng Nhật không có các chữ như ô, ơ, o. Mỗi lần tập, Sayo phải ghi âm phần hướng dẫn của thầy cô để về nhà nghe và nhắc lại. Em cũng nghe một số video của ca sĩ trên Youtube để hát theo đúng giai điệu.

Arabella Bennett được giao hùng biện về các nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, giọng nói lúc bổng lúc trầm, nhưng cũng nhờ khổ luyện mà khi diễn, Arabella Bennett đã nói trôi chảy, được khán giả ủng hộ nhiệt tình. Các bạn sinh viên nước ngoài đã biểu diễn như một ca sĩ thực thụ. Họ đã không phụ sự kỳ vọng, sự chăm sóc và dạy dỗ, luyện tập của các thầy cô giáo Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt.

Okabe còn kể thêm với tôi rằng, 6 năm ở Việt Nam, em đã học tiếng Việt mọi nơi mọi lúc. Hằng ngày trên đường đi học, Okabe luôn lắng nghe các bà bán hàng rong trên phố rao các từ dân dã như "ép dẻo, ép plastic", "bánh khúc, xôi lạc", để bắt chước cách nói. Về nhà em học nói tiếng Việt qua CD thu âm sẵn. Kiên trì từng chút, từng chút, với một tinh thần học tiếng Việt cầu thị, khả năng nói tiếng Việt của Okabe được cải thiện rất nhanh.

Em muốn truyền cảm hứng về Việt Nam cho cả người Việt Nam và người Nhật, muốn vậy em phải giỏi tiếng Việt", Okabe bày tỏ. Cũng nhờ tinh thần học tập nghiêm túc, cầu thị mà hai năm qua, Okabe dẫn đầu toàn Khoa Việt Nam học và tiếng Việt về kết quả học tập… Cả ba sinh viên đều có nhiều dự định ấp ủ sau khi kết thúc khóa học tại Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù có thể họ vẫn ở lại Việt Nam (như Okabe) hay về quê hương làm việc (như Sayo…), nhưng họ vẫn mãi yêu Việt Nam, họ sẽ mãi là nhịp cầu để đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra thế giới… 

Năm 2023, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam. Hiện có khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại 160 cơ sở đào tạo tại Việt Nam, hằng năm có thêm từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh mới được tiếp nhận. Bộ GD & ĐT tổ chức cuộc thi này nhằm khẳng định tiếng Việt là cầu nối quan trọng gắn kết quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế. Việc nâng cao năng lực tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài luôn được Bộ GD & ĐT xem là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc..

Thu Phương
.
.
.