TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức 15:25:32 Ngày 11/08/2023 GMT+7
Đào tạo ngành Việt Nam học theo định hướng liên ngành
Hội thảo “Nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học theo định hướng liên ngành” do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức đã quy tụ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực Việt Nam học.

Hội thảo với chủ đề “Nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học theo định hướng liên ngành” do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đồng tổ chức với các Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Ngoại Ngữ - Đại học Huế.

Bên cạnh 04 cơ sở đào tạo Việt Nam học đồng tổ chức, Hội thảo đã thu hút thêm sự quan tâm của các chuyên gia, nhà chuyên môn của các cơ sở đào tạo Việt Nam học trong cả nước như trường Đại học Hồng Đức, trường Đại học Phú Yên, trường Đại học Sài Gòn, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh, trường Đại học Duy Tân, trường Đại học Văn Lang,…

Việt Nam học với tư cách là một ngành đào tạo tại các trường đại học đến nay đã được gần 3 thập niên, trong quá trình phát triển ấy, tự bản thân nó đã đòi hỏi sự giao lưu, đối thoại và hội nhập.

Với đối tượng nghiên cứu là đất nước, con người, xã hội, văn hoá Việt Nam, các học giả, nhà chuyên môn và đặc biệt là các cơ sở đào tạo Việt Nam học trong cả nước đều mong muốn được trao đổi, bàn thảo về công tác đào tạo, nghiên cứu Việt Nam học theo định hướng liên ngành.

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Việt Nam học

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn khoa học ý nghĩa nhằm kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực Việt Nam học cũng như trong cộng đồng nghiên cứu, đào tạo về Việt Nam học trong cả nước.

Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN GS.TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo

GS.TS Hoàng Anh Tuấn kỳ vọng các nội dung được thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng ở các lĩnh vực khác nhau trên cơ sở thế mạnh của từng trường đại học, hướng tới phối hợp thực hiện các chương trình, đề án, đề tài khoa học về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt TS. Lê Minh Chiến cho rằng, hội thảo là diễn đàn giao lưu học thuật giữa các đơn vị trong lĩnh vực đào tạo Việt Nam học, mở ra cơ hội hợp tác, liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học và giảng dạy tiếng Việt trong bối cảnh hiện nay. Hội thảo hướng đến những chủ đề cốt lõi nhằm tiếp tục hoàn thiện khung chương trình đào tạo, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Việt Nam học theo định hướng liên ngành.

Với ý nghĩa đó, nội dung của Hội thảo tập trung các vấn đề: nghiên cứu Việt Nam học phục vụ đào tạo theo định hướng liên ngành; đào tạo Việt Nam học tại các trường đại học; các vấn đề Việt ngữ học và phương pháp dạy tiếng Việt.

Hội thảo đã tuyển chọn 66 bài trong 72 bài viết từ các nhà nghiên cứu của các cơ sở đào tạo Việt Nam học và các ngành liên quan. Các tham luận đã đề cập những vấn đề xoay quanh chủ đề Hội thảo, trong đó tập trung vào ba lĩnh vực chính: Nghiên cứu Việt Nam học phục vụ đào tạo theo định hướng liên ngành; đào tạo Việt Nam học tại các trường đại học; các vấn đề Việt ngữ học và phương pháp dạy tiếng Việt.

Nội dung của các bài tham luận cho thấy, nghiên cứu và đào tạo Việt Nam không những cấp thiết, mà còn là triển vọng trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày nay.


Các đại biểu tham dự Hội thảo “Nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học theo định hướng liên ngành”

Xây dựng mạng lưới các cơ sở nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học trong cả nước và quốc tế

Tại hội thảo, các nhà khoa học khẳng định đây là hội thảo có chất lượng chuyên môn cao, vừa đề cập đến những vấn đề rất căn bản, vừa đề cập đến những vấn đề rất thiết thực của nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học trong bối cảnh phát triển và hội nhập toàn cầu.

Theo đó, các nhà khoa học thống nhất về quan niệm nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, trong đó phải coi Việt Nam học theo định hướng liên ngành là yêu cầu phát triển của Việt Nam học Việt Nam hiện đại, xác định những nội dung cốt lõi và những phương pháp chủ đạo của Việt Nam học để tiến tới hoàn thiện khung chương trình chuẩn đào tạo cử nhân Việt Nam học cho cả sinh viên Việt Nam và quốc tế. Đây là cơ sở khắc phục tình trạng đào tạo Việt Nam học tràn lan và có phần tùy tiện của khá nhiều cơ sở đào tạo hiện nay.

 

Hội thảo đã quy tụ các nhà khoa học đầu ngành về Việt Nam học tham gia, đóng góp ý kiến

Hội thảo đã mở ra rất nhiều vấn đề mà giá trị, tạo điều kiện để các nhà khoa học tiếp tục triển khai với quy mô rộng hơn, với những nội dung có chiều sâu hơn để giúp cho các cơ sở đào tạo ngành Việt Nam học trong cả nước có những cơ sở khoa học mà đề ra các quyết sách để thực thi các giải pháp phát triển ngành Việt Nam học.

Sau hội thảo, Ban tổ chức hội thảo cũng đã kiến nghị với lãnh đạo các cơ sở đào tạo ngành Việt Nam học tiếp tục mời các nhà khoa học quốc tế, các nhà khoa học trong nước tổ chức một số hội thảo quy mô lớn hơn, để những ý tưởng được đề xuất trong hội thảo này sẽ tiếp tục được phát triển, tiếp tục được hoàn thiện.

Đặc biệt, hội thảo là sự khởi đầu hướng tới xây dựng mạng lưới các cơ sở nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học trong cả nước và quốc tế; hướng tới thành lập Hội Việt Nam học, đồng thời kiến nghị Bộ Nội vụ xây dựng mã vị trí việc làm cho chuyên ngành Việt Nam học.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa 04 trường đại học có đào tạo trong lĩnh vực nghiên cứu về Việt Nam học, các bên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy, tăng cường phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng trên các lĩnh vực khác nhau trên cơ sở thế mạnh của từng trường đại học.

 Nguồn: Đại biểu nhân dân 

 Quốc Việt - Đại biểu nhân dân
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ