KHOA VIỆT NAM HỌC VÀ TIẾNG VIỆT VĨNH BIỆT PGS. TS. ĐỖ VĂN THANH (THẦY ĐỖ THANH).

Thứ sáu - 06/11/2020 16:40
KHOA VIỆT NAM HỌC VÀ TIẾNG VIỆT VĨNH BIỆT PGS. TS. ĐỖ VĂN THANH (THẦY ĐỖ THANH).
KHOA VIỆT NAM HỌC VÀ TIẾNG VIỆT VĨNH BIỆT PGS. TS. ĐỖ VĂN THANH (THẦY ĐỖ THANH).
Điếu văn đọc tại Nhà tang lễ BV 108, số 5 Trần Thánh Tông
ĐIẾU VĂN PGS.TS. ĐỖ VĂN THANH
          Kính thưa Ban tổ chức tang lễ!
          Kính thưa đại diện các cơ quan, đoàn thể!
          Kính thưa toàn thể tang quyến! Thưa quý vị và các bạn!
          Hôm nay, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐHKHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, tộc họ nội ngoại, bà con khối phố, đồng nghiệp, bạn bè, học trò…cùng trong niềm tiếc thương vô hạn, long trọng tổ chức lễ truy điệu để tiễn biệt PGS.TS. Đỗ Văn Thanh về cõi vĩnh hằng!
          Thầy Đỗ Thanh thân thương của chúng ta không còn nữa!
          Thầy từ giã cõi trần thanh thản, nhẹ nhàng trong ngôi nhà đầm ấm của gia đình, vào đêm ngày 2 tháng 11 năm 2020 (nhằm ngày 17 tháng 9 năm Canh Tý), hưởng thọ 85 tuổi. Dẫu biết vô thường sẽ đến, nhưng mỗi chúng ta hôm nay đều cảm thấy một sự mất mát lớn lao trước sự ra đi của Thầy, một cây đại thụ của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, tiền thân là tổ Việt ngữ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa.
          Thầy Đỗ Văn Thanh sinh ngày 2 tháng 10 năm 1936 tại Phú Xuyên, Hà Tây. Thuở bé, Thầy học tiểu học ở quê nhà. Từ năm 1950, Thầy học cấp 2-3 ở Thanh Hóa. Năm 1954, Thầy tốt nghiệp cấp 3 trường Đào Duy Từ (nay là trường cấp 3 Lam Sơn), Thanh Hóa. Năm 1955, Thầy về Hà Nội. Năm 1956, Thầy trở thành sinh viên Khóa 1 Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1959, Thầy tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy thuộc tổ Ngôn ngữ. Thầy là thành viên của “nhóm Việt ngữ” do GS. Nguyễn Kim Thản, tổ trưởng tổ Ngôn ngữ gầy dựng năm 1959 cùng thầy Bùi Phụng, cô Đặng Thị Hồng Mai. Sau khi tổ Việt ngữ trực thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập vào năm 1964, Thầy tiếp tục ở lại làm việc và cống hiến cho Khoa cả quãng đời tuổi trẻ cho đến lúc xế chiều. Người sinh viên quốc tế đầu tiên được Thầy giảng dạy là chị Zi-mo-ni-na In-na, người Nga. Sau này, chị trở thành dịch giả văn học có tiếng, được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương hữu nghị.
          Trong suốt chặng đường phát triển sự nghiệp của một nhà giáo, chuyên gia về giảng dạy tiếng Việt, thầy Đỗ Thanh đã trải qua những năm tháng miệt mài học tiếng Nga ở xứ sở bạch dương, Liên bang Nga, tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mat-xco-va mang tên Lomonoxop từ năm 1974. Tháng 12 – 1978, Thầy đã bảo vệ thành công luận án PTS (nay là TS) đề tài liên quan đến lý thuyết và thực hành dịch ở Viện Đông Phương học. Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop, Ngày 28 tháng 1 năm 1983, Thầy vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1988 – 1989, Thầy đi dạy tiếng Việt ở Căm-pu-chia. Năm 1989, Thầy trở về Khoa và gắn bó đến ngày nghỉ hưu. Năm 1991, Thầy được phong học hàm Phó Giáo sư và được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Hành trình học thuật dài gần 40 năm đời người của một trí thức đầu ngành Khoa Tiếng Việt được gói trong câu thơ rất đỗi chân thành của Thầy:
“Người còn thì đã đành rồi
Người hưu thì sẽ suốt đời nhớ Khoa”
          Vốn khiêm nhường, Thầy tự nhận rằng mình học chuyên ngành Văn học Trung Quốc nên rất ngỡ ngàng ở tuổi 20 khi được phân công giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. “Nhưng vì lòng yêu nghề và ý thức tổ chức” mà thầy đã “ở lại” và “chung thủy” với Khoa” – lời bộc bạch này được ghi lại trong bài tùy bút “Nhớ lại những ngày đầu” nhân kỉ niệm 45 năm thành lập Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt năm 2013.
          Mối tình chung thủy ấy với nghề, với nghiệp, với đời đã giữ cho Thầy một sự nghiệp đáng tôn vinh trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước lúc bấy giờ. Là một trong ba trụ cột lớn của tổ Việt ngữ, sau là Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, thầy Đỗ Thanh đảm nhiệm công việc của Chủ nhiệm bộ môn “Tiếng Việt đối chiếu” (sau này là So sánh – Đối chiếu) gần hai thập kỉ với các công trình lớn, có giá trị đối với người làm nghề như: Giáo trình tiếng Việt thực hành đầu tiên của Khoa (1959), Giáo trình “Tu từ học thực hành tiếng Việt”, Giáo trình “Tiếng Việt thực hành” dùng cho học sinh Căm-pu-chia, Giáo trình “Tiếng Việt thực hành” viết chung với Nguyễn Văn Mệnh và Nguyễn Thị Bích Thanh, Giáo trình “Cú pháp tiếng Việt”. Ngoài ra, Thầy cũng là tác giả của hơn 10 cuốn sách dịch từ tiếng Nga thuộc các lĩnh vực văn học, tâm lý học, ngôn ngữ cùng rất nhiều bài báo, công trình quan trọng khác. Đặc biệt, cuốn “Từ điển từ công cụ trong tiếng Việt” do Thầy biên soạn, NXB Giáo dục phát hành, rất nổi tiếng, được tái bản hàng chục lần. Thầy cũng là ân sư của biết bao thế hệ học trò, trong đó có những người sau này cũng tiếp nối sự nghiệp của thầy, trở thành những nhà nghiên cứu, nhà giáo có uy tín trong và ngoài nước.
          Không chỉ là một chuyên gia dạy tiếng, Thầy còn là nhà báo với các bút danh Thanh Đăng, Thanh Tuấn, Tuấn Thanh, Tuấn Đăng, Đăng Tuấn. Trong thời kì sung mãn của trí tuệ và cảm hứng cống hiến, Thầy đã dịch nhiều tài liệu có ích về lý luận văn học, văn học nước ngoài, ngôn ngữ học để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy cho trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1980 đến 1990, Thầy được đặc trách dạy chuyên đề “Lý luận dịch” cho khoa Phiên dịch của trường Đại học Ngoại ngữ. Đối với học giới và các thế hệ học trò, Thầy được tôn vinh là chuyên gia đầu tiên của Việt Nam về Lý thuyết và thực hành dịch.
          Sinh thời, thầy Đỗ Thanh là người chân thật, giản dị, quảng giao, có tâm hồn thuần hậu, nhạy cảm. Thầy sáng tác rất nhiều thi phẩm giàu cảm xúc và chứa chan tình đời, tình người. Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, tiền thân là Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thứ hai trong niềm thi hứng của người Thầy có công đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình vinh quang của Khoa.
          Thầy mất đi, cơ quan, bạn bè mất một người đồng nghiệp cao niên dạn dày kinh nghiệm và chân thành, lịch lãm, tận tụy với công việc; gia đình mất đi một người chồng, người cha thủy chung, hiền từ, trách nhiệm; bà con lối phố mất đi một người người láng giềng tử tế, thân tình.
          Sinh ra vào mùa thu, mất đi vào mùa thu, cuộc đời đơn sơ và cao nhã của một trí thức Hà thành đã kết thúc; nhưng di sản mà thầy Đỗ Thanh để lại vẫn còn nguyên vẹn trong sự nghiệp chung của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
          Niềm ưu ái và thương nhớ Khoa trong trái tim thầy Đỗ Thanh hẳn vẫn còn lưu luyến mãi trong những câu thơ thiện lương của thầy:
          “Người còn gắng gỏi thêm ra
          Người đi có dịp lân la tìm về”
          Khuôn viên Khoa Tiếng Việt xưa giờ đã phủ đầy bóng lá xanh của cây vú sữa Takano, cây khế, cây trứng cá, hàng trúc xanh. Mỗi bóng lá sẽ vẫn lưu giữ tâm hồn tinh anh của các bậc tiền hiền, trong đó có thầy Đỗ Thanh, nhân chứng cho tâm huyết và tầm vóc của một thế hệ trí thức vì tình yêu mà có thể làm nên tất cả.
          Xin kính cẩn tiễn biệt Thầy, chứng nhân tuyệt đẹp của hành trình tiếng Việt trên mọi ngả đường ra thế giới.
          Xin tất cả các vị có mặt ở đây dành một phút mặc niệm để tiễn đưa PGS. TS. Đỗ Văn Thanh thân yêu về cõi vĩnh hằng.
          Phút mặc niệm bắt đầu!
          Xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị!
          (TS. Lê Thị Thanh Tâm chấp bút)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay3,170
  • Tháng hiện tại74,393
  • Tổng lượt truy cập1,797,864
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây