TRUYỀN THỐNG VĂN CHƯƠNG ĐÔNG Á – NHỮNG NẺO ĐƯỜNG GẶP GỠ VÀ THÀNH TỰU NHÌN TỪ HIỆN ĐẠI

Thứ tư - 31/03/2021 14:48
Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á (Vietnamese and Japanese Literature viewed from an East Asian perspective)
TRUYỀN THỐNG VĂN CHƯƠNG ĐÔNG Á –  NHỮNG NẺO ĐƯỜNG GẶP GỠ VÀ THÀNH TỰU NHÌN TỪ HIỆN ĐẠI
TRUYỀN THỐNG VĂN CHƯƠNG ĐÔNG Á –
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG GẶP GỠ VÀ THÀNH TỰU NHÌN TỪ HIỆN ĐẠI

Cuốn Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á (Nxb Văn hóa – Văn nghệ ấn hành năm 2013) do Đoàn Lê Giang, Nhật Chiêu, Trần Thị Phương Phương tuyển chọn vốn là một công trình tập hợp các bài viết trong Hội thảo quốc tế Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á (Vietnamese and Japanese Literature viewed from an East Asian perspective) được tổ chức tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2011 với sự tài trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản Japan Foundation.
Sách dày 782 trang, ngoài phần Lời nói đầu, sách gồm có phần nội dung và phụ lục. Phần 1: Văn học cổ điển Việt Nam – Nhật Bản  có 25 bài (chiếm khoảng 377 trang), phần 2: Văn học hiện đại Việt Nam – Nhật Bản có 27 bài (chiếm khoảng 373 trang); Thư mục Văn học Nhật Bản ở Việt Nam có 15 trang thống kê 244 đầu tư liệu, sách báo, kể cả các bài viết trên các trang mạng học thuật hướng tới chủ đề Hội thảo do Ths. Ngô Trà Mi thực hiện.
Trong số 52 tác giả có bài viết được tuyển chọn vào công trình này có 43 nhà nghiên cứu Việt Nam thuộc các đơn vị nghiên cứu như: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Viện Văn học, Viện Hán Nôm, Đại học Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Lạt, Đại học An Giang,… Tính quốc tế của tập sách thể hiện qua 9 bài viết của 9 học giả quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau (5 học giả Nhật, 1 học giả Mỹ, 1 học giả Trung Quốc, 2 học giả lãnh thổ Đài Loan).
Cuốn sách mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu mới về văn học Đông Á dựa trên khối tư liệu đồ sộ được giới thiệu một cách chi tiết và thú vị, đồng thời nó cũng cho thấy khả năng kết nối các ý tưởng tìm kiếm những đối tượng khoa học cá biệt nhưng mang tính điển hình. Các bài viết dường như không phải những vấn đề rời rạc mà có độ “kết dính” cao trước chủ thể văn học Đông Á. Cuốn sách này cũng chứng minh tiềm năng phối kết nhiều trường phái nghiên cứu, nhiều ngành nghiên cứu, chứa đựng sự hô ứng giữa kỹ năng thông diễn và mức độ tái hiện “một sự thực” giao lưu văn chương, văn hóa suốt nhiều thế kỷ ở khu vực Đông Á.
Phần Văn học cổ điển Đông Á có 6 bài nghiên cứu thuần túy về văn học Nhật Bản (của các tác giả Araki Hiroshi, Ngô Trà Mi, Nguyễn Thị Mai Liên, Trần Thị Chung Toàn, Komatsu Kazuhiko, Nguyễn Đình Phức), số còn lại tập trung vào nghiên cứu tích hợp, diễn giải về quá trình giao lưu, bản chất giao lưu và viễn cảnh giao lưu văn học Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc. Có thể chia phần này thành ba cụm bài như sau:
- Cụm bài về bối cảnh văn hóa, văn học, mỹ học Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc gồm các bài: Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á của Đoàn Lê Giang, Dĩ văn hội hữu – phương thức giao lưu văn học Việt Nam – Trung Quốc – Nhật Bản của Đoàn Ánh Loan, Tác phẩm Thiền uyển tập anh trong bối cảnh văn hóa – văn học Đông Á của Nguyễn Hữu Sơn. Các tác giả Hạ Lộ (Xia Lu), Nguyễn Thanh Tâm, Vũ Thị Thanh Trâm, Lê Thị Thanh Tâm đi vào một số “ngõ ngách” sâu hơn của quá trình giao lưu văn chương Đông Á với những bài viết có chủ đề về tiểu thuyết Hán văn ở Việt Nam, văn học dịch, mỹ học Mono no aware và văn chương Nhật Bản.
- Cụm bài về phân tích, so sánh loại hình học gồm bài viết của các tác giả Nguyễn Thanh Phong, Hà Văn Lưỡng, Nguyễn Anh Dân, Nguyễn Thị Oanh với nhóm chủ đề nghiên cứu tập trung vào thể loại truyện cổ dân gian Nhật Bản trên nhiều phương diện khảo sát; các tác giả Nhật Chiêu, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phan Thị Hồng, Phạm Văn Ánh, Nguyễn Thị Lam Anh cung cấp nhiều thông tin học thuật quan trọng qua loạt bài nghiên cứu về các thể thơ senryu, haiku, lục bát, thơ thiền, từ, tiểu thuyết Nhật Bản và Việt Nam.
- Cụm bài về phân tích giá trị tác giả, tác phẩm gồm các bài viết của các tác giả Phan Thu Vân, Kawaguchi Kenichi, Trần Ích Nguyên (Chen Yi-Yuan) với các tác phẩm được khảo sát: Nguyên Thị Vật Ngữ (Truyện Genji), tác phẩm của Nguyễn Du và Bakin, Nhật Bản kiến văn lục của Trương Đăng Quế.
Phần Văn học hiện đại Đông Á chỉ có 3 bài nghiên cứu thuần túy về tác gia văn học Nhật: Ishikawa Takuboku (1886 – 1912) đời thơ lưu lạc của Nguyễn Nam Trân, Natsume Soseiki và điểm nhìn Đông Á – Những hình ảnh phân biệt đối xử trong Lang thang Hàn Quốc – Mãn Châu của Tokunaga Mitsuhiro, Oe Kenzaburo: Băn khoăn giữa Hiroshima và châu Á của Karen Thornber. Con số ít ỏi những bài viết này (so với 6 bài nghiên cứu thuần túy về văn học Nhật Bản ở phần văn học cổ điển) cho thấy rõ một sự trộn lẫn các nguyên tắc tiếp cận văn học theo xu thế đương đại như một bằng chứng về sự tác động mạnh mẽ không ngừng của tiến trình toàn cầu hóa. Tiến trình đó không cho phép người đọc “đơn lập hóa” một hiện tượng văn học; nó khiến người ta chú ý đến bối cảnh, ngữ cảnh, viễn cảnh nhiều hơn một vấn đề đơn lẻ. Ngay cả trong những bài viết mà nhan đề có vẻ như chỉ tập trung vào một hiện tượng văn học Nhật nêu trên thì cách tiếp cận bên trong của chúng vẫn vươn ra khỏi những vấn đề của văn bản, của thưởng thức nghệ thuật mà nhắm đến một chân trời rộng lớn hơn của những cắt nghĩa về cộng đồng, ý thức hệ, nhân sinh quan. Cách hiểu ấy cho phép người ta đọc văn chương bằng nhiều thứ âm vang khác. Với tinh thần như vậy, phần Văn học hiện đại Đông Á có thể tạm chia thành ba cụm bài:
 
học wed
hình ảnh 01
 
- Cụm bài về trí thức đầu thế kỷ XX  gồm các bài Hai cách nghĩ, hai hành xử trước thực tế mới – Trường hợp Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi của Nguyễn Đức Mậu, Hình ảnh Nhật Bản trong trước tác của Phan Bội Châu thời kỳ ở Nhật (1905-1909) của Nguyễn Tiến Lực, Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình dân tộc vào đầu thế kỷ XX của Vĩnh Sính, Truyền dẫn và chuyển hóa trong văn chương Đông Á cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX của Trần Hải Yến. Loạt bài này là một điếm nhấn rất đáng chú ý của cuốn sách, gợi mở nhiều vấn đề hệ trọng về cách cắt nghĩa những nấc thang trưởng thành trong bức “phù đồ” tư duy sáng tạo và kiến tạo các giá trị tinh thần của cư dân Đông Á. Đặc biệt, các nghiên cứu nói trên cũng khẳng định rõ nét chân dung và sức ảnh hưởng sâu đậm của các trí thức Việt Nam trong cuộc chuyển mình của thời đại giai đoạn đầu thế kỷ XX qua các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội có tính duy tân của họ.  
- Cụm bài về ảnh hưởng văn học Nhật nói riêng, văn học Đông Á nói chung đối với văn học Việt Nam gồm một số bài viết gợi dẫn nhiều suy nghĩ sâu sắc về mỹ học tiếp nhận của các tác giả Nguyễn Đình Chú, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Hữu Hiếu, Imai Akio, Vương Gia (Wang Jia), Phạm Quang Trung, Lê Ngọc Thúy, Lưu Hồng Sơn, Huỳnh Vĩnh Phúc, Đỗ Thị Mỹ Lợi, Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Lê Ngọc Phương, Trần Thị Thục…
- Cụm bài về phân tích, đánh giá hiện tượng văn học Nhật Bản trong khu vực và trên thế giới gồm các bài viết có giá trị tham khảo tốt của Trần Thị Phương Phương, Trần Thị Tố Loan, Phan Tuấn Anh, Phạm Phú Phong, Nguyễn Vũ Quỳnh Như, Nguyễn Công Lý. Đặc biệt, bài “Sự thật” tuyệt đối trong tự sự: Tiếp nhận và cải biên Rashomon ở Việt Nam của Nguyễn Nam (trang 555-580) cung cấp cho người đọc một “đường lối” mới mẻ và cuốn hút nhằm nhận biết giá trị “cải biên” như một xu thế “giải trung tâm” từ một hiện tượng văn học Nhật cùng với sức di chuyển, chuyển hóa, tái tạo sự sống của nó ở những nền văn hóa khác biệt.
Nhìn chung, các nghiên cứu trong cuốn sách Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á bao quát được những vấn đề rất trọng tâm:
  1. Làm sáng tỏ bối cảnh giao lưu văn chương Đông Á theo lịch đại trên tất cả các phương diện: văn hóa, xã hội, chính trị, nghệ thuật, quan niệm văn học, mỹ học.
  2. Khơi gợi, đánh giá, làm mới lại những hiện tượng văn học đỉnh cao, những tác gia có uy tín trong khu vực.
  3. Vươn tới chiều rộng của bối cảnh so sánh, chiều sâu của phân tích ý tưởng.
  4. Trình bày một “không gian học thuật” bao gồm các phương pháp tiếp cận hiện đại và sự kết hợp các phương pháp ấy ở tầm quốc tế.
Việc lấy mối quan hệ Nhật Bản và Việt Nam làm hạt nhân để phóng chiếu các quan điểm lịch sử, mỹ học và ý thức hệ văn học lên toàn bộ nền văn chương Đông Á là một đóng góp lớn của cuốn sách - một công trình hiếm hoi tuy có xuất phát điểm là Kỷ yếu của một Hội thảo khoa học nhưng vẫn đảm bảo các chuẩn mực về tính hệ thống. Điều này cũng cho thấy tiến trình hiện đại hóa và quốc tế hóa các nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam là bức thiết và trong chừng mực nào đó, không phải là không có thành tựu.
Lê Thị Thanh Tâm
(Tiến sĩ, ĐHKHXH&NV, ĐHQG HN)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay5,299
  • Tháng hiện tại108,150
  • Tổng lượt truy cập1,670,971
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây