Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt

https://vsl.ussh.vnu.edu.vn


Nguồn lực văn hoá với phát triển kinh tế ở làng Việt cổ Đường Lâm, Hà Nội

Thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã chứng minh rằng, văn hoá không phải là sự phản ánh thụ động, là sản phẩm tự nhiên của kinh tế. Bản thân sự phát triển kinh tế cũng không phải chỉ do các nhân tố kinh tế đơn thuần tạo ra. Động lực của sự phát triển kinh tế một phần quan trọng lại nằm trong văn hoá.
Nguồn lực văn hoá với phát triển kinh tế ở làng Việt cổ Đường Lâm, Hà Nội

Nguồn lực văn hoá với phát triển kinh tế ở làng Việt cổ Đường Lâm, Hà Nội

TS. Nguyễn Thị Phương Anh Khoa Việt Nam học và tiếng Việt Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN Thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã chứng minh rằng, văn hoá không phải là sự phản ánh thụ động, là sản phẩm tự nhiên của kinh tế. Bản thân sự phát triển kinh tế cũng không phải chỉ do các nhân tố kinh tế đơn thuần tạo ra. Động lực của sự phát triển kinh tế một phần quan trọng lại nằm trong văn hoá. Chính vì vậy, trong xu thế nỗ lực tìm một con đường phát triển bền vững, vì tự do và hạnh phúc của con người, mỗi quốc gia, khu vực, vùng miền, không chỉ quan tâm tới những chỉ báo về GDP, HDI... mà cần phải biết khai thác nguồn lực văn hoá của mình, biến nguồn lực văn hoá thành những sức mạnh vật chất và tinh thần, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.     Trong lễ phát động Thập kỷ quốc tế văn hoá vì phát triển, UNESCO đã nhấn mạnh: “Khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra mà tách rời môi trường văn hoá thì kết quả thu được sẽ rất khập khiễng, mất cân đối cả về mặt kinh tế lẫn văn hoá, đồng thời tiềm năng sáng tạo của mỗi dân tộc sẽ bị suy yếu đi rất nhiều”. Đảng và Nhà nước Việt Nam ta cũng đã khẳng định mạnh mẽ: “Kinh tế và văn hoá gắn bó với nhau hết sức chặt chẽ. Kinh tế không tự mình phát triển nếu thiếu nền tảng văn hoá và văn hoá không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Phát triển trên cơ sở kết hợp hài hoà kinh tế và văn hoá là sự phát triển năng động, có hiệu quả và vững chắc nhất”. Để góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững, Hà Nội cần huy động sức mạnh của mọi nguồn lực, trong đó, nguồn lực văn hóa được xem như là ưu thế của mảnh đất ngàn năm văn vật, nơi hội tụ và toả sáng của văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, Nghiên cứu “Nguồn lực văn hóa với phát triển kinh tế ở làng Việt cổ Đường Lâm, Hà Nội” là một yêu cầu khách quan và cấp thiết nhằm khai thác nguồn lực văn hoá để phát triển kinh tế của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay. Trong báo cáo này chúng tôi sẽ tập trung vào phân tích, tìm hiểu nguồn lực văn hóa của cảnh quan tự nhiên làng cổ Đường Lâm được coi là thế mạnh. có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế của làng. Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, giao lưu và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, sự tồn tại của một ngôi làng cổ thuần Việt là hết sức hiếm. Chính vì lẽ đó, làng cổ Đường Lâm, Hà Nội là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo. Từng yếu tố cấu thành ngôi làng ấy về mặt cảnh quan, kiến trúc, di tích là những sản phẩm văn hóa vật thể đặc sắc, có khả năng phát triển kinh tế du lịch.  Làng cổ Đường Lâm có niên đại khoảng 500 năm. Lịch sử phát triển của ngôi làng gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc[1]. Làng cổ Đường Lâm là một trong những địa điểm cư dân sớm quần tụ và lập làng. Trong quá trình sinh tụ ở mảnh đất này, người dân làng cổ Đường Lâm đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần đặc sắc. Đó là cảnh quan môi trường, những kiến trúc quần cư độc đáo, đó là các di tích lịch sử văn hóa như đình, chùa, lăng, miếu, các ngôi nhà cổ cùng hệ thống tri thức bản địa như kỹ thuật làm gạch đá ong, kỹ thuật làm tương… Sự phong phú trong hệ thống các sản phẩm văn hóa đã tạo nên sức hấp dẫn của làng cổ Đường Lâm đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Những năm gần đây, cùng với sự định hướng của chính quyền, người dân làng cổ Đường Lâm đã bước đầu biết khai thác nguồn lực các sản phẩm văn hóa này để phát triển kinh tế du lịch.
1. Nguồn lực văn hóa: không gian, cảnh quan, kiến trúc
Không gian cư trú truyền thống của người làng cổ Đường Lâm được hình thành trong quá trình khai phá vùng rừng rậm, đồi gò để hình thành nên xóm, làng. Làng cổ Đường Lâm nằm trong vùng chân núi Tản Viên hùng vĩ, “thuộc vùng tứ giác nước - được bao bọc bởi sông Hồng, sông Đà, sông Tích và sông Đáy”[2]. Địa thế đó đã tạo nên một vùng cảnh quan thiên nhiên hết sức kỳ thú của vùng đất bán sơn địa với những đồi gò, rộc sâu, ruộng ven sông vô cùng phong phú và đa dạng. Đến Mông Phụ ngày nay, chúng ra vẫn thấy cấu trúc phân bố cư trú truyền thống được bảo tồn hầu như nguyên vẹn: hệ thống đường phân nhánh hình xương cá giữa các làng và cấu trúc hướng tâm (đình làng) khá đặc biệt của các đường ngõ xóm chính. Đó là cách thể hiện vai trò tinh thần quan trọng của ngôi đình với cộng đồng làng xóm.  Với kết cấu kiến trúc cảnh quan này, sân đình như một “ngã sáu” trung tâm của hệ thống đường làng, chúng “xòe ra’ như những nan quạt tỏa về các xóm, cũng như quy tụ được mọi con đường làng về đình làng. Một điểm vô cùng đặc biệt ở làng cổ Đường Lâm là dù xuất phát ở điểm nào (đến hoặc đi) trên đường làng, không bao giờ người dân quay lưng lại một cách trực diện với hướng chính của đình. Nó góp phần tôn thêm sự tập trung, gia tăng tính cố kết cộng đồng của dân làng, tạo nên không gian linh thiêng, tôn kính trong tâm thức của người dân đối với đình làng và Thành hoàng làng. Nó cũng tạo nên một không gian rộng rãi, thoáng đãng và rất đẹp cho trung tâm của làng. Có thể nói đây là một “tầm nhìn” độc đáo về quy hoạch. Cách thức bố trí “trật tự’ trong quy hoạch đường làng - ngõ - xóm, sự tồn tại gần như nguyên vẹn của cánh cổng làng thâm u trầm mặc dưới gốc đa cổ thụ, những tường nhà xây bằng đá ong đã tạo nên một không gian độc đáo, riêng của làng quê vùng bán sơn địa. Đặc điểm của ngôi làng cổ này cùng với các thiết chế xã hội, tín ngưỡng và không gian văn hóa đã phản ánh khá đầy đủ về quá trình hình thành vùng đất, cư dân nơi đây với lối sống, cách sinh hoạt trong xã hội phong kiến.  Làng cổ Đường Lâm  hiện nay có 7 di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, 2 di tích cấp Thành phố. Nhìn chung các di tích lịch sử văn hóa ở đây còn khá nguyên vẹn, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc và có niên đại qua nhiều thế kỷ, có địa thế hài hòa với thiên nhiên. Những di tích lịch sử văn hoá - kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng như Cổng làng  Đường Lâm, đình Mông Phụ, chùa Ón, các nhà thờ họ, quán, điếm, miếu, giếng... có mặt ở làng cổ. Nét độc đáo về kiến trúc những ngôi nhà cổ có sân, vườn, bếp, nhà ngang, giếng nước, cổng có mái che... Các nhà thờ họ, miếu, quán, giếng cổ, ngõ và kèm theo đó là hệ thống cảnh quan môi trường sinh động. Sự hiện tồn của các ngôi nhà cổ, giếng cổ và ngôi đình làng chính là những bằng chứng rõ nét nhất về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất, con người nơi đây. Giá trị lịch sử không những thế còn được phản ánh trong những thực hành nghi lễ, tín ngưỡng để phản ánh đời sống vật chất và lịch sử tộc người ở làng cổ Đường Lâm. Kiến trúc, kết cấu nhà ở truyền thống của người dân Đường Lâm cho thấy sự gắn bó với cảnh quan thiên nhiên thật là mật thiết. Nhà nào cũng có sân, vườn trồng cây cối, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề phụ. Hầu hết các gia đình đều chọn hướng nam hoặc ghé nam (đông nam hay tây nam) cho căn nhà của mình với quan niệm “lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng nam” để vừa tránh được nắng hắt vào mùa hè vừa tránh được gió mùa đông bắc. Trung bình nhà ở Đường Lâm có diện tích trên dưới 300 m2 và nhà nào cũng có khuôn viên, truyền thống này đến nay vẫn còn được duy trì. Xung quanh khuôn viên nhà ở thường được bao bọc bằng tường đá ong trét mạch đất. Cổng nhà bao giờ cũng mở lệch về một phía, không hướng thẳng vào gian chính giữa nhà, đó là một tục kiêng kỵ theo phong thuỷ khi làm nhà ở đây. Cổng vào sân cũng được xây bằng gạch đá ong, cửa cổng thường làm bằng gỗ và có then cài tay quay. Loại then này có tác dụng người ở ngoài hay người ở trong đều có thể đóng vào mở ra khi cần thiết. Điều này cũng là một đặc điểm đã tạo nên tính cộng đồng và tính tự trị của làng. Bố trí trong khuôn viên nhà thường có nhà chính (hay còn gọi là nhà trên), nhà phụ (hay còn gọi là nhà ngang), bếp, khu vệ sinh, chuồng trâu, bò, lợn, gà, sân, vườn. Hầu hết các gia đình ở Đường Lâm không có ao thả cá. Đây cũng là đặc điểm chung của những nhà vùng ven đồi, bán sơn địa. Ngôi nhà chính (còn gọi là nhà trên), thường được xây trên một nền cao hơn nhà ngang và nhà bếp. Nhà chính là nơi sinh sống của gia đình, thờ cúng tổ tiên và thần thánh, là một thứ tài sản để truyền lại cho con cháu, có thể lớn gấp hai hay ba lần nhà phụ, là nơi tập trung những đặc tính kiến trúc, điêu khắc trang trí vv… Để xây một ngôi nhà chính người ta phải tiết kiệm hàng chục năm. Dù nhà to hay nhà bé, người ta đều phải tiến hành các thủ tục, nghi lễ rất cẩn thận để cầu xin sự phù hộ độ trì, che chở của trời đất thần thánh, phải xem tuổi, xem ngày lành tháng tốt để làm lễ động thổ (lễ cúng thần thổ địa để xin đất làm nhà), lễ cất nóc, lễ gài sào, lễ khánh thành nhà mới. Nhà chính thông thường có từ 3 đến 5 gian, nhà lớn thường là 5 gian 2 chái, không có nhà có số gian chẵn. Theo quan niệm truyền thống của người Việt số lẻ tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi phát triển vì vậy không có ai làm nhà có số gian chẵn. Nhà thường là ba, năm hoặc bảy gian. Người Đường Lâm thường truyền tụng câu: "Nhất gian cô quả, nhị gian lung, tam gian phú quý, tứ gian bần”. Số gian lẻ còn đáp ứng luật thẩm mỹ dựa trên sự đối xứng, vì theo truyền thống, bàn thờ tổ tiên phải đặt ở gian giữa. Vì vậy đại đa số  nhà ở Đường Lâm thuộc dạng ba gian, năm gian hay năm gian hai chái (dĩ). Hiên nhà cũng là một yếu tố đặc biệt được chú ý trong ngôi nhà của người Đường Lâm. Nếu như Pierre Gourou nhận xét rằng:“Ở đồng bằng sông Hồng, những nhà có hiên và những nhà không có hiên ở sát cạnh nhau”[3], thì ở Đường Lâm nhà nào cũng có hiên, hiên nhà chạy dọc suốt chiều dài mặt tiền nhà, hẹp nhất là 90 cm, rộng nhất là 160 cm, gọi là “hiên một chiếu”, có nghĩa là hiên rộng đủ chỗ trải một cái chiếu. Những nhà có chái (dĩ), hiên bố trí dọc cả ba gian nhà chính ở mặt trước. Ngoài hiên thường có bức dại che nắng được làm bằng tre dùng  làm nơi cất  một số vật dụng trong gia đình hoặc để trống. Hiện nay một số ít nhà đã sửa chữa, xây kín hiên bằng gạch, trát xi măng từ nền nhà đến trần và để cửa sổ thông ra sân hoặc dựng cửa chớp bằng gỗ thay cho cánh dại bằng tre truyền thống. Một số chuyên gia nghiên cứu nhà ở truyền thống cho rằng: “Hiên là một không gian chuyển tiếp, trung gian giữa nội và ngoại, giữa nhà và vườn. Hiên cũng đóng vai trò khá quan trọng trong sinh hoạt của gia đình: là nơi phơi quần áo, nơi chứa đựng khoai sắn, nơi kê gác những dụng cụ nông nghiệp, nơi người ta ngồi đan lát, vá may[4]. Cho nên nếu nhìn bề ngoài hiên thì khó thấy hết được giá trị lịch sử, kiến trúc của một ngôi nhà cổ ở Đường Lâm. Các ngôi nhà ở Đường Lâm đều được dựng theo kiểu 4 hoặc 6 hàng chân cột. Các cột đều được dựng trên những hòn kê bằng đá. Lòng nhà của loại nhà có 4 hàng chân hẹp hơn nhà  6 hàng chân. Để mở rộng thêm không gian sử dụng nội thất, một số nhà có thêm một hàng nữa ngoài hiên. Vì thế  có những nhà có 5 hoặc 7 hàng chân cột. Nhà có kích thước các gian chính lớn hơn gian phụ. Những nhà lớn 5 gian 2 chái thì ba gian chính hoặc 5 gian chính thường có kích thước bằng nhau. Độ cao của nhà hầu hết là một tầng, nhà thường có nền hiên cao bằng nền nhà. Mái nhà không được cao hơn đình làng, chủ yếu làm hai mái dốc, hai đầu hồi nhà được xây kín, giật cấp lên đỉnh mái. Ngói lợp mái cũng có nhiều loại khác nhau. Mái đình, chùa, miếu, nhà gỗ đa số được lợp bằng ngói mũi hài, bên dưới lót thêm ngói vuông. Nhưng loại ngói mũi hài có kích cỡ rất nhỏ (10x15x1,5cm), nên một ngôi nhà 5 gian thì phải cần một số lượng ngói rất lớn thì mới phủ kín hết được. Sau này nhà ở Đường Lâm đã chuyển sang lợp mái loại ngói móc hay còn gọi là ngói tây, hay ngói sông Cầu cỡ lớn (3,8x21x3cm). Những loại ngói móc hay ngói tây khi được lợp vào các ngôi nhà gỗ đều có những ưu điểm làm cho nhà trở nên rất mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông, nhất là nằm trên sàn nhà vào mùa hè. Ngày nay, các loại ngói hài, ngói móc ít được sản xuất, nên nhiều gia đình đã sử dụng loại ngói xi măng có kích thước lớn hơn, giá thành thấp hơn, độ bền và độ thẳng cao hơn nhưng lại không có được tác dụng điều hoà nhiệt độ trong nhà như các loại ngói truyền thống. Gỗ làm nhà ở Đường Lâm thường là gỗ xoan rừng đã ngâm trong bùn đen khoảng một năm để lên nước nâu bóng có thể chống được mối mọt suốt cả trăm năm. Cửa nhà phổ biến được làm theo kiểu bức bàn ‘‘thượng song hạ bản’’ chủ yếu là bào trơn đóng bén, gỗ đặc không chạm khắc, chỉ có đường viền. Mỗi gian thường có 4 cánh và mỗi cánh có 2 mộng ghép vào ngưỡng cửa, then cài bằng gỗ ở đà ngang trên cửa. Ngưỡng cửa bằng gỗ đặc, cao khoảng 40 cm và cách nền khoảng 10 cm. Theo kinh nghiệm của người dân ở đây, để khoảng cách  giữa nền nhà và cửa như vậy có mục đích thông khí và tránh ẩm thấp mối mọt cho ngưỡng cửa. Nhà ở Đường Lâm có chung một nhược điểm là hầu hết các nhà gỗ truyền thống đều thiếu ánh sáng. Nhà không có cửa sổ và trần thấp, bức đố lụa thì kín như bưng. Bộ phận chịu lực chính của những ngôi nhà ở Đường Lâm là cột gỗ. Các cột gỗ thường được đặt lên trên chân tảng bằng đá. Không dùng tường chịu lực như nhà hiện đại ngày nay, nhà ở Đường Lâm hầu hết dùng hệ khung gỗ chịu lực. Chính vì vậy, một ngôi nhà gỗ có thể tháo ra lắp lại nếu chủ nhà có nhu cầu sửa chữa hoặc mua bán. Ngoài ngôi nhà chính còn có nhà dưới, gồm nhà ngang và bếp. Nhà ngang không phải là một hiện tượng phổ biến như nhà bếp, vì vậy nhiều gia đình không làm nhà ngang. Nhà bếp và nhà ngang thường đối diện song song và vuông góc với nhà chính, đôi khi nhà bếp nằm ở phía ngoài vườn trước mặt nhà. Nếu nhà chính hướng nam thì nhà bếp thường nằm ở phía đông nhà chính, tức là phía hữu, vì gian này giành cho phụ nữ và nơi lưu trữ lương thực đúng với thứ tự “nam tả, nữ hữu”. Vị trí này rất thuận tiện cho người phụ nữ thường phải qua lại nhiều lần giữa nhà trên và nhà dưới nhưng không phải ngang qua trước bàn thờ tổ tiên. Ở Đường Lâm cũng như ở đồng bằng sông Hồng, để tránh hoả hoạn, nhà bếp không làm liền kề với nhà chính hoặc nối nhà chính bằng một hành lang. Một số gia đình dành một phần nhà bếp làm chuồng lợn hoặc chuồng gà, cũng có những trường hợp chuồng gà, chuồng lợn nằm ở trong vườn. Đối diện với nhà bếp và vuông góc với nhà chính, nhà ngang cũng không dính liền vào nhà chính. Đây là loại nhà nhỏ với bộ sườn đơn giản dùng làm kho chứa dụng cụ nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, thuổng, máy tuốt lúa, nong, nia, rổ rá, xe đạp.v..v. trước đây còn có những dụng cụ như cối xay, khung cửi, cối giã gạo. Sân cũng là một bộ phận thiết yếu của nhà ở nông thôn có nhiệm vụ nối liền các không gian lại với nhau tạo nên thế liên hoàn, liên tiếp, hài hoà. Nhà chính, nhà ngang, nhà bếp cùng qua sân để ra ngõ. Sân thường có hình chữ nhật và được lát bằng gạch Bát Tràng hoặc gạch nung. Nhằm đáp ứng nhu cầu phơi sấy nông sản và cũng đáp ứng nhu cầu vệ sinh như tránh được nước đọng bùn lầy vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa hè. Sân cũng góp phần vào thẩm mỹ chung của một thiết kế kiến trúc, tạo nên một không gian cân đối thăng bằng giữa nhà và vườn. Sân cũng là nơi để đưa ánh sáng vào nhà. Ngoài ra, ngôi nhà ở Đường Lâm người ta rất kiêng xây nhà để mái đao đâm vào gian giữa nhà người khác hoặc không được xây nhà chắn trước cửa nhà của người khác. Đặc biệt, kiểu kiến trúc nhà ở Đường đã tạo nên mối liên hệ chặt chẽ với nhau qua từng chi tiết, kiến trúc có không gian tổng thể phong phú, kết hợp trong và ngoài nhà một cách khéo léo. Không gian chuyển tiếp từ trong ra ngoài sân theo kiểu “kín” của ngăn nhà sử dụng, “nửa kín, nửa mở” của hiên và “mở” của sân, vườn, ao, đã kéo thiên nhiên vào sát công trình để làm tăng vẻ duyên dáng và gần gũi. Cảnh quan ngoài nhà hòa quện với không gian nội thất trong nhà thông qua sự chuyển tiếp từ ngoài vườn, đến sân, đến hiên, vào trong nhà qua hệ thống cửa mở rộng ở các gian, hoa lá của cây cối trong khuôn viên nhà hòa cùng hoa văn trên các vật dụng, hoa văn trên bộ vì, trên vách tạo thêm sự sống động cho ngôi nhà truyền thống. Với kiểu dáng kiến trúc mộc mạc gần gũi với thiên nhiên, phong cảnh, kiến trúc nhà ở truyền thống Đường Lâm vẫn giữ được những nét riêng độc đáo và bản địa, do đó đã không bị đồng hóa trong nền kiến trúc phương Đông nói chung. Tóm lại: Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Đường Lâm hôm nay vẫn giữ được nhiều kiến trúc, kết cấu không gian nhà ở của một làng cổ thuần Việt. Hiện nay ở Đường Lâm còn lưu giữ được hơn 800 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 200 năm. Nét đặc sắc của ngôi nhà ở Đường Lâm chính là sự kết hợp hài hoà giữa điều kiện tự nhiên vốn có với những kinh nghiệm dân gian của ông cha đúc kết được từ ngàn đời xưa để xây dựng nên những ngôi nhà truyền thống  mang đặc trưng kết cấu ngôi nhà của cư dân nông nghiệp, chưa bị tác động nhiều của lối sống đô thị. Những luật lệ và quan niệm dân gian trong xã hội xưa vẫn để lại dấu ấn đậm nét trong sinh hoạt thường ngày, các thực hành tín ngưỡng, xây dựng nhà ở và cách tổ chức sinh sống của người dân trong làng. Phần đông các gia đình ở làng cổ Đường Lâm vẫn duy trì cuộc sống với nhiều thế hệ cùng sinh sống trong một gia đình (thường là 3 đến 4 thế hệ). Nền kinh tế của làng chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kinh tế gia đình kiểu tự cung, tự cấp: lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, nghề thủ công… Chỉ có các gia đình vốn xuất thân từ quan lại, người buôn bán, hoặc những nhà nhiều ruộng mới có điều kiện xây dựng các căn nhà có chất lượng tốt. Minh chứng rõ nét nhất về điều đó là những ngôi nhà gỗ cổ, có giá trị hiện còn tồn tại đến ngày nay đều thuộc sở hữu của các dòng họ quyền qúy, các gia đình khá giả hoặc gia đình quan lại. Vật liệu làm nhà chủ yếu là vật liệu có sẵn ở địa phương như: đất, đá, gỗ, gạch, ngói, rơm rạ, tre, nứa… và đặc biệt là đá ong. Đây chính là nhân tố quan trọng hình thành nên một sản phẩm đặc sắc riêng có, tạo nên tên gọi “làng cổ đá ong”. Giá trị thẩm mỹ - nghệ thuật của ngôi làng còn thể hiện ở ngay trong không gian tổng thể của ngôi làng; trong tư tưởng quy hoạch không gian cảnh quan và bố trí các công trình công cộng, công trình dân dụng; trong thiết kế tổ chức hệ thống đường giao thông nội bộ của ngôi làng (hệ thống đường làng “dẻ quạt” như đã nói ở trên…). Từ đường quốc lộ vào, có thể tiếp cận được bằng giao thông chạy vòng quanh làng. Cổng làng cổ Đường Lâm nằm dưới bóng đa cổ thụ hơn ngàn năm tuổi, bên cạnh đó là một cái ao chung của làng, gợi tả một không gian đặc trưng của làng quê truyền thống, nhưng đồng thời lại là một bức bình phong sinh thái độc đáo nhằm tách rời khung cảnh làng quê khỏi ồn ào, náo nhiệt của chốn thị thành. Cái độc đáo nhất trong tư duy thẩm mỹ của người dân làng cổ Đường Lâm nằm chính ở việc lựa chọn đất để xây dựng đình làng (trung tâm văn hóa tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của làng). Đình làng tọa lạc trên một vị trí cao nhất của ngôi làng. Đình làng được ví như đầu một con rồng. Hai bên đình làng có 2 giếng nước trong mát quanh năm. Hai giếng nước này được ví như mắt rồng. Chiếc sân phía trước đình là không gian thoáng đạt tạo độ mở cho không gian ngôi đình. Đây cũng là “ngã sáu” trung tâm của hệ thống đường làng. Những con đường tỏa đi từ đây được ví như râu rồng. Chính không gian văn hóa - kiến trúc này của làng cổ Đường Lâm đã tạo không chỉ cho người dân trong làng mà còn đối với khách du lịch mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn. Chính nhờ không gian này, người ta có thể ước tính được giá trị lịch sử của những công trình kiến trúc. Trước khi được công nhận là làng Việt cổ đầu tiên của cả nước, khái niệm “du lịch” và ý tưởng “kinh doanh du lịch” trong suy nghĩ của người dân còn hết sức mờ nhạt và ít được quan tâm. Chưa có cơ quan, ban ngành nào phụ trách, quản lý về du lịch. Hoạt động du lịch trong làng chủ yếu mang tính tự phát, thường là các chương trình tham quan, dã ngoại của các nhóm học sinh, sinh viên về ngắm cảnh làng quê. Hoặc, các hướng dẫn viên du lịch của các hãng lữ hành lớn ở Hà Nội và các vùng khác đưa du khách đến làng cổ Đường Lâm rong các tuyến du lịch kết hợp khi tham quan vùng đất cổ Ba Vì. Trong giai đoạn đầu tiếp xúc với hoạt động du lịch, nội dung giới thiệu về quần thể các làng cổ ở Đường Lâm. Làng cổ Đường Lâm đã là một điểm du lịch văn hóa, một điểm tham quan hết sức quyến rũ. Với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, hệ thống các di tích, những sinh hoạt văn hóa truyền thống, lối sống cộng đồng, phong tục tập quán… đã cho chúng ta thấy làng cổ Đường Lâm có không gian văn hóa, môi trường sống mang tính cổ xưa. Đây chính là điều kiện quan trọng để xây dựng các chương trình tham quan du lịch. Các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch lễ hội, du lịch tham quan nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là phát triển du lịch làng quê phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần sẽ đem lại nguồn lợi lớn về mặt kinh tế cũng như văn hóa xã hội cho cư dân nơi đây. Trên cơ sở khai thác hợp lý các giá trị văn hóa cho phát triển du lịch chính là hướng tới truyền thuyết dân gian về giếng làng, về các danh nhân, hệ thống thần tích, thần sắc và các nghề truyền thống trong làng như nghề làm tương, nghề làm bánh… được đánh giá là những tài nguyên đặc sắc cho phát triển du lịch. Sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2006, các làng Việt cổ ở Đường Lâm được mọi người trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn và trở thành điểm thu hút khách du lịch. Trong một thời gian dài, làng Việt cổ ở Đường Lâm hợp tác với JAICA của Nhật Bản trong việc giữ gìn, khai thác các nguồn lực văn hóa của làng để phát triển du lịch. Cùng với JAICA, người dân Đường Lâm đã biết tổ chức hoạt động du lịch tại làng chuyên nghiệp hơn. Nhiều sản phẩm du lịch đã được thực hiện tại đây. Người dân làng cổ Đường Lâm cũng nhận thức khá rõ ràng về vai trò của các sản phẩm văn hóa đối với sự phát triển kinh tế của làng. Khi được hỏi về mức độ quan trọng của các yếu tố: nguồn lực tài chính, tiếp cận thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, tay nghề chuyên môn, chính sách pháp luật, số lượng lao động, truyền thống quê hương, cảnh quan của làng… đối với sự phát triển kinh tế của dân làng thì đa số các ý kiến trả lời đều cho rằng cơ chế chính sách, truyền thống quê hương và cảnh quan  văn hóa là những yếu tố tác động nhiều nhất đến quá trình phát triển kinh tế của làng. Đối với người dân làng cổ Đường Lâm với nghề thuần nông, số lượng ruộng đất không nhiều lại chia cắt như hiện nay thì tay nghề chuyên môn hay số lượng lao động không có ý nghĩa nhiều đối với sự phát triển kinh tế của hộ gia đình nói riêng và của cả làng nói chung. Họ cũng đã nhìn ra khả năng của cảnh quan văn hóa, truyền thống quê hương hay sản phẩm văn hóa chính là nguồn lực mang lại sự phát triển kinh tế của làng cổ Đường Lâm.  Khi được hỏi, yếu tố nào quyết định đến sự phát triển kinh tế hộ gia đình ở làng cổ Đường Lâm hiện nay thì người dân ở đây cho rằng: Ở làng cổ Đường Lâm, những nhà có kinh tế khá giả hơn cả là những gia đình có nhà cổ đẹp tham gia vào hoạt động du lịch. Chứ trông chờ vào nghề nông thì không thể khá được. Chúng tôi vẫn quan niệm “dĩ nông vi bản” nhưng khó làm giàu bằng nông nghiệp lắm. Ruộng đất ngày một ít đi. Nhà nào có nhà cổ đẹp, biết cách làm ăn thì thu nhập cũng khá đấy. Rõ ràng người dân làng cổ Đường Lâm cũng đã nhận thức được vai trò của sản phẩm văn hóa nhà cổ, làng cổ đối với sự phát triển kinh tế. Từ trưởng thôn đến dân làng đều cho rằng nhà cổ, cảnh quan làng cổ là yếu tố tác động mạnh, có tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế nơi đây. Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động, từ tiềm năng đến hiện thực vẫn còn là khoảng cách. Có khai thác được lợi thế sản phẩm văn hóa làng cổ để phát triển kinh tế hay không cho đến nay vẫn là bài toán mà chính quyền sở tại và người dân còn đang đi tìm lời giải.
2. Nguồn lực văn hóa: các sản vật - sinh hoạt - trải nghiệm
Đến làng cổ Đường Lâm, du khách không chỉ được thưởng ngoạn kiến trúc cổ độc đáo, tìm hiểu về cuộc sống của cư dân làng cổ mà còn được tìm hiểu không gian sống của người nông dân Việt Nam từ xa xưa đến nay, thưởng thức những sản vật đặc trưng của làng. Nếu lưu lại dài ngày, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân qua chương trình homestay. Ngoài ra, du khách cũng được trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp như trồng cấy, thu hoạch mùa màng, bắt cá… Các hoạt động này thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước cũng như học sinh, sinh viên tham gia, trải nghiệm.  Về làng cổ Đường Lâm hôm nay, du khách không thể không dừng chân ở quán nước trước cổng đình làng để uống một bát nước chè xanh và thưởng thức món kẹo dồi thơm ngon, bánh chè lam nồng ấm hay đĩa chè kho ngọt lịm. Kẹo dồi, chè lam, chè kho… chính là những món quà quê thường thấy ở Việt Nam. Những món quà quê đó trước đây chỉ được các bà, các chị làm trong những ngày lễ tết. Nay, nó đã trở thành hương vị hấp dẫn của du lịch làng cổ Đường Lâm. Các bà, các chị không còn làm những thức đó trong dịp lễ tế hay lúc rảnh rỗi nữa. Những thức quà quê mộc mạc, bình dị đó giờ được người dân làm theo hướng chuyên nghiệp để phục vụ du khách hay làm món quà gửi người thân nơi xa. Du khách đến đây đều bị hấp dẫn bởi những thức quà quê mang hương vị riêng của làng cổ Đường Lâm. Bởi đó là những thức quà kết hợp được những sản vật của địa phương và đậm tính mộc mạc, bình dị như chính người dân nơi đây. Rõ ràng, du lịch đã giúp cho những thức quà quê được “trình làng”, được người dân trong và ngoài nước biết đến. Nó không chỉ dừng lại ở đó mà còn giúp người dân có cách thức mưu sinh mới ngoài việc đồng áng.  Đến làng cổ Đường Lâm, du khách cũng có thể mua về nhà những chai tương mang hương vị riêng của Đường Lâm. Tương ở Việt Nam nổi tiếng ở nhiều nơi khác nhau và đã đi vào câu ca như: “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”, “Tương Cự Đà - cà làng Đám” hay “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần”. Người làng Đường Lâm có câu: “Còn trời, còn đất, còn mây, Còn ao rau muống, còn đầy chum tương”. Tương được sản xuất ở làng cổ Đường Lâm cũng có chất lượng không thua kém các làng tương khác và mang sắc thái riêng. Từ trước đến nay, tương không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình ở Đường Lâm. Đến nay, khi du lịch phát triển thì tương trở thành đặc sản dành cho du khách khi về thăm di sản tại các làng Việt cổ ở Ðường Lâm. Vào thăm những ngôi nhà cổ đá ong mộc mạc được kết cấu bởi vật liệu đặc trưng của Kẻ Mía, xứ Ðoài, du khách sẽ bắt gặp ở góc sân nhà nào cũng có những chum, hũ đựng tương. Hiện nay, những người làm tương nơi đây vẫn giữ cách làm truyền thống bằng tay và dùng nước mưa hay nước giếng Nghè - giếng cổ tại làng - làm tương vừa để lưu giữ chút hồn quê, vừa để tạo nên vị thơm ngon đặc trưng cho tương của Mông Phụ. Việc phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển du lịch không những làm hình thành nên một hoạt động kinh tế mới mà còn góp phần hình thành nên nhiều lĩnh vực dịch vụ mà trước đây chưa có trong làng. Cùng với du lịch, nhiều loại hình dịch vụ cũng hình thành như dịch vụ lưu trú, ẩm thực… Khách du lịch đến tham quan du lịch tại làng Việt cổ Đường Lâm trước đây đều chỉ đến tham quan trong một buổi rồi đi. Nay, du khách có thể lưu trú dài ngày do hệ thống các dịch vụ ở đây đã phát triển, nhiều sự lựa chọn về ăn, nghỉ lại trong các ngôi nhà cổ mang đặc trưng nhà ở dân gian của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.  Tại làng Việt cổ Đường có Công ty cổ phần du lịch làng cổ Đường Lâm tổ chức đón tiếp dịch vụ “lưu trú tại nhà dân” (Homestay). Với những ngôi nhà cổ có tuổi đời khoảng 100 đến trên 200 tuổi chủ yếu tập trung ở Mông Phụ giúp du khách có nhiều sự lựa chọn cho quá trình lưu trú dài ngày của mình. Khi lựa chọn dịch vụ này, du khách sẽ cùng trải nghiệm cuộc sống nông thôn yên bình với người dân nơi đây. Lưu trú tại nhà dân, du khách được sống trong không gian riêng biệt, tìm hiểu tỉ mỉ, rõ nét hơn về những điều quan tâm, hứng thú. Hơn nữa, du khách sẽ được trực tiếp tham dự vào các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng của ngôi làng Việt cổ. Những trải nghiệm này sẽ đưa du khách đi từ thú vị này đến thú vị khác mà không ở đâu có được. Nhiều du khách nước ngoài vô cùng thích thú loại hình dịch vụ này. Nó hấp dẫn khách du lịch không chỉ một lần mà còn thu hút ngày càng nhiều du khách tham dự.  Đến nay đã có hơn 13 hộ gia đình tham gia kinh doanh dịch vụ này. Tuy nhiên việc phục vụ kinh doanh dịch vụ ăn uống còn gặp nhiều khó khăn, phương thức phục vụ vẫn còn đơn điệu và hạn chế vì tay nghề chế biến và trình bày món ăn còn quá thô mộc, thiếu hẳn tính chuyên nghiệp. Để khắc phục những nhược điểm trên, tháng 4/2011, Công ty Cổ phần du lịch làng cổ Đường Lâm do hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thu và ông Nguyễn Văn Vững ở Mông Phụ chính thức đi vào hoạt động. Hoạt động của Công ty được đặt dưới sự hỗ trợ của Ban Quản lý di tích làng cổ ở Đường Lâm và Hiệp hội Lữ hành Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu sự chuyên môn hóa trong hoạt động kinh doanh du lịch của dân làng, góp phần cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ tới khách du lịch. Sự kiện này đã góp phần phát triển dịch vụ ẩm thực theo hướng chuyên nghiệp. Nó cũng giúp dịch vụ này dần đi vào quy củ. Thông thường, khách du lịch đến thăm làng được bố trí ăn tại một nhà cổ truyền thống theo sự sắp xếp của hướng dẫn viên hoặc du khách tự lựa chọn. Các món ăn chính ở đây thường gồm thịt gà, cá kho, canh chua, thịt lợn rán, rau muống luộc chấm tương, bánh tẻ, cà muối… Hiện nay, thực đơn phục vụ khách đã có nhiều thay đổi với những món rất đặc trưng. Làng cổ Đường Lâm giờ nổi tiếng với những món đặc sản như gà Mía, thịt quay dòn với hương vị khác biệt, những món gắn liền với tương truyền thống như cà ngâm tương, củ cải ngâm tương, đặc sản “tuyệt chiêu” thịt lợn luộc ngâm tương… Những thức này đã tiếp tục làm nức tiếng danh hiệu “Cơm phố Mía” tại Đường Lâm. Cùng với các món trên, làng cổ làng cổ Đường Lâm hụ còn hấp dẫn thực khách với những thức truyền thống nổi tiếng đã đi vào ca dao: “Dù ăn bánh kẹo mười phương Không bằng kẹo lạc bộn đường quê tôi Trắng phau là phong kẹo dồi Dòn tan kẹo bột, bồi hồi tình quê Chè kho ngọt lịm đam mê Nhớ cơm phố Mía, tìm về Đường Lâm”. Từ đầu năm 2011, một số hoạt động vui chơi giải trí đã được tổ chức và đưa vào phục vụ khách du lịch bao gồm: tham quan làng cổ bằng xe đạp, các dịch vụ trải nghiệm đời sống của nông dân nông thôn như trồng và hái rau, dạy nấu các món ăn Việt, tát nước bằng gầu sòng, thổi cơm, cấy lúa… Các hoạt động này thường đi kèm với dịch vụ nghỉ tại nhà dành cho khách du lịch quốc tế. Hiện nay làng cổ Đường Lâm chưa có các quầy hàng lưu niệm chuyên nghiệp. Đồ lưu niệm, các món quà quê, đặc sản của làng… chỉ được bán tại các sạp hàng, các quán nước nhỏ ven đường và trong một số nhà cổ tham gia vào dịch vụ du lịch. Tại đây gà Mía là giống gà đặc thù của địa phương được người dân tuyển chọn và giữ gìn nhiều đời. Đặc điểm của giống gà này là thịt da vàng thơm, cánh màu tím, chân màu vàng. Giống gà này nổi tiếng là “đầu công mình cốc”, là biểu tượng cho sự sung túc đủ đầy, trước đây là sản vật để tiến vua. Hiện nay, có nhiều gia đình trong đó có Mông Phụ tập trung nuôi gà Mía để phục vụ nhu cầu của khách thập phương.  Một số sản vật khác của địa phương cũng trở thành hàng hóa đem ra giới thiệu với khách du lịch. Món tương Đường Lâm hiện nay trở thành món quà lưu niệm độc đáo mà các du khách thường lựa chọn mua khi đến thăm Đường Lâm. Cứ vào tháng 6 hàng năm, nhiều gia đình ở Đường Lâm lại làm tương để ăn và bán cho du khách. Nổi tiếng nhất ở Đường Lâm là cơ sở làm tương của gia đình ông Hà Tiến Thể. Sân nhà ông có đến vài chục chum tương loại 100 lít. Có những ngày, gia đình ông bán hàng trăm lít tương cho khách du lịch trong và ngoài nước. Việc phát triển nghề làm tương hiện nay không những đã phần nào làm thay đổi phương thức mưu sinh của người dân, mà còn là cách làm giàu hiệu quả. “So với mức sống ở nông thôn thì làm tương cũng cho thu nhập khá, đảm bảo được cuộc sống cho gia đình. Giờ khách du lịch đến làng đông nên tương lại càng được chuộng và đắt hàng”. Tương làng cổ Đường Lâm nổi tiếng, nay đã trở thành sản phẩm đặc trưng mang dấu ấn Đường Lâm. Đây là thứ quà quê, là sản phẩm văn hóa ẩm thực đang được gìn giữ cùng với các giá trị văn hóa của Mông Phụ.  Số liệu thống kê thông qua việc bán vé tham quan di tích ở làng cổ Mông Phụ - Đường Lâm thời gian qua cho thấy lượng khách du lịch tăng trưởng đáng kể. Nếu những năm 2000, 2001 mới chỉ có lác đác vài trăm lượt khách du lịch đến thăm làng cổ thì năm 2005 đã có hơn 4.000 lượt khách du lịch đến. Liên tục trong 5 năm qua, lượng khách du lịch đã tăng lên gấp hơn 6 lần, đến cuối năm 2010 có 30.000 lượt khách du lịch mua vé tham quan làng cổ. Năm 2011 có khoảng 46.000 lượt khách. Sáu tháng đầu năm 2016 đón tiếp trên 15 vạn lượt khách. Tính trung bình một ngày có khoảng 300-500 lượt khách du lịch ghé thăm làng cổ Mông Phụ - Đường Lâm. Tăng trưởng bình quân về khách đạt 49.6%/năm. Khách du lịch quốc tế chiếm tỷ trọng khoảng 40%-41% tổng số khách du lịch đến làng cổ Mông Phụ - Đường Lâm. Đáng chú ý là từ năm 2008 trở lại đây, thị trường khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng ổn định ở mức 32.6%/năm. Lý do khách quốc tế đến với làng cổ chủ yếu là do sức hấp dẫn của cảnh quan sinh thái một làng quê nông thôn điển hình với những phong tục, tập quán được bảo tồn gần như “nguyên vẹn”, các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt. Vì vậy họ mong muốn được trực tiếp trải nghiệm đời sống văn hóa nơi đây. Nguồn thu chính từ hoạt động du lịch do Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm thống kê được chủ yếu từ nguồn thu bán vé tham quan thắng cảnh. Bắt đầu từ năm 2008, Ban Quản lý làng cổ ở Đường Lâm chính thức thu tiền vé tham quan với mức giá đồng hạng dành cho người lớn là 15.000 đồng và trẻ em là 7.000 đồng. Với mức thu này, năm 2008 thu được 204 triệu đồng; năm 2009 thu được 350 triệu đồng, năm 2010 thu được 450 triệu đồng và năm 2011 thu được 700 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm 2016 thu phí từ khách tham quan đạt gần 1.6 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn thu chính thức từ việc bán vé thắng cảnh, các nguồn thu khác tản mạn trong dân từ các hoạt động dịch vụ bổ sung như dịch vụ phục vụ ăn uống, dịch vụ hướng dẫn viên, bán hàng hóa đặc sản làng quê… Nhìn chung, bước đầu cho thấy hoạt động dịch vụ du lịch có tác động tích cực đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Từ nguồn thu của một làng truyền thống với nghề phụ là làm mộc, nay nguồn thu của làng cổ Đường Lâm từ kinh tế du lịch nói riêng đã góp phần cải thiện mức sống của người dân. Không chỉ trực tiếp tham gia vào kinh doanh dịch vụ, việc hoạt động du lịch của các công ty chuyên nghiệp cũng góp phần gián tiếp tạo thu nhập cho người dân. Chẳng hạn, những người già trong làng làm công việc của những “hướng dẫn viên du lịch” (thuyết minh về di sản văn hóa quê mình). Tưởng rằng họ đã được “nghỉ hưu”, thụ hưởng sự chăm sóc của con cháu nhưng giờ đây, khi con cháu ra thành phố tìm việc làm tăng thu nhập gia đình những người già này trở thành một nguồn nhân lực, có thể làm tăng thu nhập gia đình. Hiện tượng này đã được phản ánh trên báo chí và các phương tiện truyền thông: “Hiếm có ngôi làng cổ nào lại độc đáo như ngôi làng cổ ở Đường Lâm, giới trẻ thì ra thành phố làm ăn còn người già ở lại trông làng và làm… du lịch”. Ở đó, có mấy bà cụ chừng 70 tuổi ngồi nhai trầu bỏm bẻm, trò chuyện rôm rả. Một vài cụ đứng lên đón khách và hỏi có muốn cụ đưa đi dạo quanh làng cổ không. Giá cả thì tùy lòng hảo tâm của khách…” Một số sản vật truyền thống của địa phương nhờ có hoạt động du lịch mà đem lại nguồn thu cho một số hộ gia đình đáng kể. Tương là món nước chấm lên men truyền thống không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình ở xứ Đoài. Nay, qua dịch vụ du lịch, món ăn truyền thống này cũng góp phần quan trọng vào việc tăng nguồn thu cho gia đình. Việc khai thác nguồn lực văn hóa để phát triển du lịch ở Đường Lâm đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Đường Lâm vốn là xã nông nghiệp thuần nông. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi (2015), hiện nay ở Đường Lâm tỷ trọng kinh tế nông nghiệp cũng khá khiêm tốn. Thu nhập chính từ nghề nông không cao khiến đời sống của người dân khá khó khăn. Vì thế, người dân làng cổ Đường Lâm từ lâu đã hình thành nếp sống tằn tiện, chắt chiu. Vì ở đây, các cụ có câu “Canh nông vi bản” - Phải có nông nghiệp mới có cơ bản, nhưng giờ chỉ có làm nông không sống được” (Điều tra năm 2015).  Hiện làng Đường Lâm có diện tích đất rộng 466 mẫu trong đó có 73 mẫu đất cư trú và 393 mẫu đất canh tác trải dài khắp xã với bán kính 5km. Nhưng vì là vùng đồi gò bán sơn địa trung du, do đó làm nông nghiệp rất khó khăn. Thực hiện chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội về nông thôn mới dồn điền đổi thửa đối với làng Đường Lâm là không thể vì đồi trũng không có cánh đồng mẫu lớn. Ví dụ: Nhà Bác Toàn có 7 sào ruộng nhưng nằm rải rác ở 13 chỗ, chỗ xa nhất gần 2 km. Chính vì vậy, không thể tập trung sản xuất lớn được. Học tập mô hình phát triển các dịch vụ du lịch làng nghề trên cơ sở khai thác các nguồn lực văn hóa, hiện nay, làng cổ Đường Lâm đang thử nghiệm một số dịch vụ du lịch trải nghiệm như trải nghiệm nông nghiệp, bắt cá bắt tôm, cho khách Tây vào cày ruộng thử nghiệm. Trên thực tế đã có sự hợp tác giữa Nhật Bản với Việt Nam về nghiên cứu, triển khai các dịch vụ này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những thử nghiệm ban đầu, mô hình này chưa được nhân rộng.

KẾT LUẬN

Thời đại ngày nay có nhiều nguồn lực để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia. Đó là các nguồn lực về tài nguyên, vốn, khoa học, kỹ thuật, con người và trình độ năng lực văn hoá của mỗi cộng đồng. Trong các nguồn lực đó, nguồn lực văn hoá đang được quan tâm bởi vai trò đặc biệt của nó đối với phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Nguồn lực này không những giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội, môi trường sống, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá cộng đồng trong quá trình phát triển. Nguồn lực văn hóa trước hết là con người vừa với tư cách là sản phẩm và chủ thể của mọi sáng tạo. Nguồn lực văn hóa là hệ thống sản phẩm văn hoá vật chất và tinh thần - kết quả sáng tạo của con người, có giá trị văn hoá và giá trị kinh tế. Nguồn lực văn hoá không chỉ tạo ra môi trường lành mạnh để con người sáng tạo, mà còn là sức mạnh nội sinh của phát triển. Việc khai thác các nguồn lực văn hóa trong phát triển cũng chính là quá trình trao truyền, phát huy phát triển các giá trị văn hoá. Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế, nguồn lực tiềm năng về văn hóa để đẩy mạnh, phát huy trong điều kiện hiện nay. Đó là nguồn lực con người, vẻ đẹp, sức mạnh, trí tuệ của con người Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc trước đây, cần được phát huy trong xây dựng đất nước hiện nay. Hà Nội là vùng đất ngàn năm văn vật, nơi hội tụ và toả sáng của văn hóa Việt Nam. Khai thác nguồn lực văn hoá để phát triển kinh tế là vấn đề cấp thiết của Thủ đô trong phát triển, hội nhập. Sản phẩm văn hóa chính là nguồn lợi kinh tế được người dân khai thác để phát triển kinh tế du lịch. Khách du lịch tìm đến làng cổ Đường Lâm trước hết là với mong muốn được thấy tận mắt thưởng lãm những ngôi nhà cổ và một không gian văn hóa thuần Việt. Sản phẩm văn hóa của làng cổ, nhà cổ, sản vật văn hóa.. chính là “điểm sáng” trong nguồn lực văn hóa của làng cổ Đường Lâm. Môi trường địa lý và môi trường văn hoá  đã tạo cho đời sống văn hoá cư dân làng cổ Đường Lâm những nét đặc trưng của nghề nông nghiệp lúa nước, mang lại đặc điểm quan trọng, chi phối và làm nên bản sắc văn hoá riêng của làng. Đặc điểm này đã mang lại nhiều phong tục tập quán tín ngưỡng điển hình của một làng quê vùng trung du bán sơn địa chịu sự chi phối của hai luồng văn hoá Việt Mường. Điều này đã mang lại những nét đặc sắc trong việc tổ chức cuộc sống cộng đồng, làng xóm, gia đình và dòng họ của người dân nơi đây.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Phương Anh (2005), Quan hệ tương tác của điều kiện tự nhiên với đời sống văn hóa cư dân làng Việt cổ Đường lâm, Hà Nội, luận văn Thạc sĩ Việt Nam học, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Lê Quý Đức (2005), Phát huy vai trò của văn hoá trong quá trình công nghiệp hoá nông thôn nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội. 4
  3. Lê Qúy Đức (2012), Nguồn lực văn hóa và vai trò của nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 4 (142), tr.10.
  4. Kiều Thu Hoạch (1999), Đường Lâm- Kẻ Mía đất văn vật ngàn năm Hà Tây làng nghề – làng văn. Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây.
  5. Nhiều tác giả, “Đình Mông Phụ”, nguồn http://mytour.vn/location/3883dinh-mong-phu.html, ngày truy cập 15/6/2012.
  6. Nhiều tác giả (1992), Hà Tây, làng nghề - làng văn (tập 1), Sở Văn hóa Thông tin thể thao, Hà Tây.
  7. Sở Du lịch Hà Tây (2007), Giải pháp tổ chức, khai thác hoạt động du lịch tại làng Việt cổ ở Đường Lâm thị xã Sơn Tây, Đề tài NCKH cấp Tỉnh, Hà Tây.
  8. Viện Bảo tồn di tích, Quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm - Tập phụ lục, Hà Nội, 2009, tr. 15-16.
  9. Viện Dân tộc học (1999), Tạp chí Dân tộc học số 4, số chuyên đề nghiên cứu về xã Đường Lâm, Hà Nội
  10. Viện Bảo tồn di tích, Quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm - Tập phụ lục, Hà Nội, 2009, tr. 15-16
  11. Viện Dân tộc học (1999), Tạp chí Dân tộc học số 4, số chuyên đề nghiên cứu về xã Đường Lâm, Hà Nội 139
  12. Viện nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng (2007), Định hướng và giải pháp bảo tồn kiến trúc các làng nghề truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ - Nghiên cứu thí điểm ở làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Đề tài NCKH cấp Bộ, Hà Nội.
  13. Trần Quốc Vượng (2009), Trên mảnh đất nghìn năm văn vật, Nxb Hà Nội.
[1] Kiều Thu Hoạch (1999), Đường Lâm- Kẻ Mía đất văn vật ngàn năm Hà Tây làng nghề – làng văn. Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây, tr.58. [2] Kiều Thu Hoạch (1999), Đường Lâm- Kẻ Mía đất văn vật ngàn năm Hà Tây làng nghề – làng văn. Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây, tr.33 [3]  Pierre Gourou (2003), Người Nông dân châu thổ Bắc Kỳ, Nxb Trẻ, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp,  tr.139. [4] Nguyễn Khắc Tụng (2003), Nhà cửa các dân tộc ở Trung du Bắc Bộ Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội, tr.163.  
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây