Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt

https://vsl.ussh.vnu.edu.vn


Type truyện cô Lọ Lem ở Việt Nam và một số nước châu Á

Truyện cổ tích vừa giàu tính dân tộc vừa mang tính quốc tế. Qua Bảng mục lục tra cứu type và motif truyện dân gian của Arne - Thompson, chúng ta thấy rõ rằng giữa các dân tộc có nhiều type truyện (kiểu truyện) giống nhau. Trong đó type truyện Cô Lọ Lem – Tấm Cám (510A, A – T) là một type truyện cổ tích rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam, Đông Nam Á, mà còn ở nhiều nước châu Á và trên thế giới. Sơ bộ thống kê có thể tìm thấy số dị bản ở Việt Nam là 38, Hàn Quốc có hơn 5 bản truyện, Nhật Bản có 40 truyện, miền Nam Trung Quốc có đến 47 bản truyện và Ấn Độ tìm thấy khoảng 8 bản truyện… Với số lượng hàng trăm dị bản ở khắp các nước có thể coi đây là type truyện “nổi tiếng nhất” trong kho tàng truyện dân gian của nhân loại.           Tìm hiểu về type truyện này đã có nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề của truyện từ nhiều khía cạnh khác nhau và bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng thể trong sự so sánh truyện của Việt Nam với các nước ở Châu Á.           Kế thừa các công trình nghiên cứu trên thế giới và mong muốn có một cái nhìn toàn diện hơn, trong bài báo này chúng tôi đi sâu nghiên cứu type truyện Cô Lọ Lem ở Việt Nam và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và đặc biệt là Ấn Độ theo phương pháp cấu trúc – loại hình, phương pháp phân tích so sánh type truyện và motif. Chúng tôi chủ yếu quan tâm đến sự tương đồng và khác biệt về nội dung, kết cấu và các motif cấu thành nên truyện, từ đó lý giải về văn hóa dân tộc ẩn chứa trong đó, tìm ra cội nguồn và hiểu được “đời sống thực” của truyện. Chúng tôi chọn một số truyện tiêu biểu để phân tích như: Tấm Cám (type Tấm Cám củaViệt Nam), Nàng Diệp Hạn, Muội Sẹo và Muội Xinh (type Cô Lọ Lem của Trung Quốc), Kông Chuy Pát Chuy (type Cô Lọ Lem – Kongwi và Patjwi của Hàn Quốc), Benizara và Kakezara (type Cô gái có duyên ngầm của Nhật Bản), Dêvkî Rânî (type Cô Lọ Lem của Ấn Độ)
Type truyện cô Lọ Lem ở Việt Nam và một số nước châu Á

Type truyện cô Lọ Lem ở Việt Nam và một số nước châu Á

Nguyễn Thị Thu Trang (2017), “Type truyện Cô lọ Lem ở Việt Nam và một số nước châu Á”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, tr.1111-1120.

Mở đầu

Truyện cổ tích vừa giàu tính dân tộc vừa mang tính quốc tế. Qua Bảng mục lục tra cứu type và motif truyện dân gian của Arne - Thompson, chúng ta thấy rõ rằng giữa các dân tộc có nhiều type truyện (kiểu truyện) giống nhau. Trong đó type truyện Cô Lọ Lem – Tấm Cám (510A, A – T) là một type truyện cổ tích rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam, Đông Nam Á, mà còn ở nhiều nước châu Á và trên thế giới. Sơ bộ thống kê có thể tìm thấy số dị bản ở Việt Nam là 38, Hàn Quốc có hơn 5 bản truyện, Nhật Bản có 40 truyện, miền Nam Trung Quốc có đến 47 bản truyện và Ấn Độ tìm thấy khoảng 8 bản truyện… Với số lượng hàng trăm dị bản ở khắp các nước có thể coi đây là type truyện “nổi tiếng nhất” trong kho tàng truyện dân gian của nhân loại. Tìm hiểu về type truyện này đã có nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề của truyện từ nhiều khía cạnh khác nhau và bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng thể trong sự so sánh truyện của Việt Nam với các nước ở Châu Á. Kế thừa các công trình nghiên cứu trên thế giới và mong muốn có một cái nhìn toàn diện hơn, trong bài báo này chúng tôi đi sâu nghiên cứu type truyện Cô Lọ Lem ở Việt Nam và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và đặc biệt là Ấn Độ theo phương pháp cấu trúc – loại hình, phương pháp phân tích so sánh type truyện và motif. Chúng tôi chủ yếu quan tâm đến sự tương đồng và khác biệt về nội dung, kết cấu và các motif cấu thành nên truyện, từ đó lý giải về văn hóa dân tộc ẩn chứa trong đó, tìm ra cội nguồn và hiểu được “đời sống thực” của truyện. Chúng tôi chọn một số truyện tiêu biểu để phân tích như: Tấm Cám (type Tấm Cám củaViệt Nam), Nàng Diệp Hạn, Muội Sẹo và Muội Xinh (type Cô Lọ Lem của Trung Quốc), Kông Chuy Pát Chuy (type Cô Lọ Lem – Kongwi và Patjwi của Hàn Quốc), Benizara và Kakezara (type Cô gái có duyên ngầm của Nhật Bản), Dêvkî Rânî (type Cô Lọ Lem của Ấn Độ)

1. Cấu trúc và nội dung của type truyện

Khi khảo sát các truyện trong type truyện cô Lọ Lem của Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ, chúng tôi nhận thấy có thể chia những truyện đó thành hai loại. Loại thứ nhất gồm những truyện có cấu trúc đơn giản, có một lớp truyện, kết thúc ở chỗ cô gái con riêng sau khi thử giày hoặc thể hiện một tài năng gì đó, lấy được người chồng xứng đáng (thường là vua, hoàng tử hoặc người có địa vị cao). Còn mẹ con mụ dì ghẻ bị trừng phạt. Cấu trúc Type thuộc loại này gồm bốn phần chính: I. Cô gái con riêng và người chị em cùng cha khác mẹ; II. Sự giúp đỡ thần kì; III. Lấy được hoàng tử. IV. Sự trừng phạt. Loại cấu trúc đơn giản này thường có ở type truyện Cô Lọ Lem – Cô Tro Bếp của châu Âu, châu Phi còn ở Châu Á thì không nhiều. Theo kết cấu này thì truyện của Nhật Bản (bản truyện tiêu biểu là Benizara và Kakezara - Chiếc đĩa đỏ và chiếc đĩa vỡ) [6, tr327-331] được xếp vào loại thứ nhất, chỉ dừng lại ở phần IV của nội dung type truyện. Truyện kể về cô gái con riêng Benizara chăm chỉ, tốt bụng và thông minh. Còn cô gái con mụ dì ghẻ độc ác là Kakezara thì lười biếng, xấu bụng và ngu dốt. Một ông chủ - quý ông giàu có tình cờ nhìn thấy cô gái mồ côi Benizara ở buổi xem kịch, trong trang phục kimônô rất đẹp do chiếc hộp thần kì của bà mẹ yêu tinh trong núi ban cho. Câu chuyện kết thúc ở chỗ ông chủ giàu có đi tìm cô. Ông nhận ra cô gái con riêng qua bài hát – bài thơ mà cô đã sáng tác và hát theo điều kiện thể lệ cuộc thi thực tế do quý ông đặt ra. Sau đó Benizara được đưa lên kiệu hoa đẹp về dinh thự của ông chủ. Còn Kakezara bị trừng phạt ngã xuống một con mương sâu mà chết khi mẹ cô muốn kéo cô đến dinh thự của quý ông giàu có kia. Loại thứ hai gồm những truyện có cấu trúc phức tạp, đầy đủ, gồm hai lớp truyện trở lên, không kết thúc ở chỗ cô gái con riêng lấy được chồng giàu sang và sống hạnh phúc, mẹ con người dì ghẻ nhận sự trừng phạt mà có sự phát triển thêm nhiều motif, nhiều tình tiết về những khó khăn, thử thách đặt ra cho nhân vật, kể về cô gái con riêng hiền hậu, ngây thơ đó bị mẹ con mụ dì ghẻ tìm cách giết hại nhiều lần. Cấu trúc Type thuộc loại này gồm sáu phần chính: I. Cô gái con riêng và người chị em cùng cha khác mẹ; II. Sự giúp đỡ thần kì; III. Lấy được hoàng tử; IV. Sự hãm hại và hóa kiếp nhiều lần; V. Nhận ra và đoàn tụ; VI. Sự trừng phạt. [4, tr423-424] Khác với truyện của Nhật Bản, truyện của Việt Nam, Hàn Quốc và Ấn Độ thuộc loại kết cấu thứ hai, đều gồm sáu phần và có thêm nhiều tình tiết phức tạp hơn. Cô gái con riêng sau khi lấy được chồng hoàng tử vẫn tiếp tục bị mụ dì ghẻ hãm hại và phải hóa kiếp nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau. Sau cùng trở lại làm người đẹp hơn trước và đoàn tụ với chồng. Còn mẹ con mụ dì ghẻ cuối cùng bị trừng phạt thích đáng. Trong truyện Tấm Cám của Việt Nam (bản kể của Vũ Ngọc Phan) [7, tr868-874], nhân vật Tấm - cô gái con riêng hiền lành ngây thơ và tốt bụng đã bị mẹ con mụ dì ghẻ hãm hại (chặt đổ cây cau khiến cho Tấm ngã xuống ao chết) để thay thế con gái mụ làm hoàng hậu. Cô gái con riêng đã phải hóa kiếp nhiều lần, biến hóa dưới nhiều hình thức: loài vật – cây - quả và sau cùng trở lại làm người đẹp hơn trước để đấu tranh giành lại hạnh phúc bị cướp đoạt. Cô gái mồ côi và người chồng được đoàn tụ sau một thời gian dài chia ly, đau khổ và tìm kiếm vô vọng. Cuối cùng mẹ con mụ dì ghẻ mới bị trừng phạt bằng cái chết. Truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc [13, tr 60-66] cũng kể về nhân vật Kông Chuy - cô gái con riêng tốt bụng đã bị mẹ con mụ dì ghẻ giết hại (Pát Chuy đẩy Kông Chuy ngã xuống ao gây ra cái chết của Kông Chuy) để thay thế Kông Chuy làm vợ quan huyện. Cô gái con riêng đã phải hóa kiếp hai lần, biến thành: bông hoa – viên ngọc đỏ và từ viên ngọc đỏ trở lại làm cô gái đẹp để đấu tranh giành lại hạnh phúc của mình. Kông Chuy đã nói rõ tội lỗi của Pát Chuy với quan huyện để quan huyện phân xử. Chính quan huyện đã giết chết Pát Chuy. Trong truyện Dêvkî Rânî của Ấn Độ [12, tr160-164], vào ngày ấn định làm đám cưới, bà mẹ kế đã cắm một cây kim dài, nhọn được phù phép vào đầu cô gái con riêng xinh đẹp là Dêvkî Rânî, khiến cô biến thành một con chim nhỏ rực rỡ, bay vút vào không trung rồi sau đó bà mẹ kế đưa con gái mình thế chỗ. Cuối cùng Dêvkî Rânî được trở lại làm người, đoàn tụ và kết hôn với tiểu vương. Hai người chung sống hạnh phúc cùng con bò mãi mãi. Còn người mẹ kế và con gái Mutkulî Rânî bị tiểu vương trừng phạt bằng cách cắt mũi và tai rồi đuổi cả hai mẹ con ra khỏi vương quốc. Riêng truyện của Trung Quốc, qua khảo sát chúng tôi thấy tồn tại cả hai dạng kết cấu của type truyện Cô Lọ Lem. Truyện Nàng Diệp Hạn của Trung Quốc [8, tr226-228] cũng có kết cấu đơn giản như truyện của Nhật Bản. Truyện dừng lại ở chỗ nàng Diệp Hạn đi vừa chiếc giày vàng và được vua Đà Hãn đem về nước cùng với nắm xương cá. Hai mẹ con mẹ ghẻ của Diệp Hạn thì bị phi thạch từ trên trời bắn trúng và chết cả hai. Tuy nhiên, truyện có thêm đoạn cuối nói về việc “vua Đà Hãn cần nhiều vàng bạc châu báu, đòi hỏi ở xương cá nhiều quá, cho nên một năm sau nắm xương cá không hiệu nghiệm nữa. Vua bèn đem chôn xương cá ở bờ biển, lấy một trum đấu hạt châu chôn theo, chung quanh lát vàng. Về sau, nhà vua bị bề tôi phế truất. Nhà vua ra chỗ chôn xương cá ngày trước tìm vàng ngọc, nhưng nước biển đã cuốn đi mất tất cả…” [8, tr228]. Trong khi đó, truyện Muội Sẹo và Muội Xinh [11, tr222-226] của dân tộc Hán Trung Quốc có thêm phần sau giống truyện của Việt Nam, Hàn Quốc và Ấn Độ. Cô gái con riêng Muội Xinh sau khi bị Muội Sẹo đẩy xuống giếng giết hại đã phải hóa kiếp thành chim sẻ và cây tre, rồi sau đó mới trở lại làm người. Muội Xinh còn phải trải qua nhiều thử thách do Muội Sẹo đặt ra để so tài như: dẫm lên quả trứng gà, trèo lên bậc thang dao, thi nhảy vạc dầu. Cuối cùng, cô gái con riêng mới giành được chiến thắng. Còn mẹ con mụ dì ghẻ bị trừng phạt: cô em chết do rơi xuống vạc dầu nóng bỏng, dì ghẻ chết do sợ hãi khi nhìn thấy cái đầu cháy đen của con. Cũng phải nói thêm rằng, type truyện Cô Lọ Lem của Trung Quốc có rất nhiều bản truyện. Theo học giả Trung Quốc Lưu Hiểu Xuân: “Hiện đã nắm được 72 dị bản của 21 dân tộc Trung Hoa” [11, tr6]. Trong luận án tiến sĩ “So sánh kiểu truyện Cô Lọ Lem của một số dân tộc miền Nam Trung Quốc với kiểu truyện Tấm Cám của Việt Nam”, Đường Tiểu Thi cũng đã khảo sát 47 bản truyện của miền Nam Trung Quốc. Hầu hết các truyện của Trung Quốc đều có kết cấu phức tạp gồm sáu phần như trên. Đây là lý do tại sao trong bài viết này, chúng tôi lại chọn hai bản truyện của Trung Quốc để phân tích. Căn cứ vào quy luật phát triển từ đơn giản đến phức tạp của kết cấu truyện, chúng tôi đồ rằng dạng truyện kết thúc ở chỗ cô gái lấy chồng và mẹ con mụ dì ghẻ bị trừng phạt là dạng truyện cổ hơn như truyện nàng Diệp Hạn. Đây được cho là văn bản cổ nhất của Trung Quốc do Đoàn Thành Thức đời Đường ghi trong cuốn Dậu Dương tạp trở ghi chép về type truyện này. Còn những truyện sau này ở dạng phức tạp hơn, có thêm phần tiếp theo của truyện. Như vậy, xét về mặt kết cấu của những truyện này, chúng ta thấy có sự khác nhau khá rõ. Những phần tiếp theo của truyện đã giúp tăng thêm sự hấp dẫn, sự sinh động đầy kịch tính của cốt truyện. Nó phản ánh cuộc đấu tranh giữa những xung đột trong gia đình nhưng cũng là cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội cũ đầy gay go, gian khổ - mà nhân vật chính – cô gái con riêng tốt bụng phải trải qua những biến cố cực kỳ ác liệt để cuối cùng chiến thắng, giành lại được hạnh phúc và cuộc sống tốt đẹp. Điều này thể hiện lý tưởng thẩm mỹ của tác giả dân gian trên mặt trận chống lại cái ác.

2. Những motif cơ bản của type truyện              

Qua khảo sát type truyện Tấm Cám của Việt Nam và Cô Lọ Lem của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, chúng tôi thấy có một số motif chính xuyên suốt các type truyện. Đó là các motif: - Đứa trẻ mồ côi bị ngược đãi - Sự giúp đỡ của các thế lực siêu nhiên      - Motif sự tái sinh, thay đổi hình dạng - Cái thiện được ban thưởng và Cái ác bị trừng phạt

2.1. Motif Đứa trẻ mồ côi bị ngược đãi

Motif Đứa trẻ mồ côi bị ngược đãi trong type truyện Cô Lọ Lem thể hiện mối quan hệ xung đột giữa dì ghẻ con chồng, xung đột giữa cô gái con riêng và người chị em cùng cha khác mẹ. Giáo sư Đinh Gia Khánh trong Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám đã lý giải nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện chủ đề dì ghẻ con chồng là vì “Gia đình có tính chất phụ quyền, với chế độ tư hữu, là tế bào của xã hội phong kiến, với sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn, với việc người bóc lột người. Người bóc lột người không những chỉ là hiện thực chủ yếu của xã hội phong kiến mà còn là một hiện thực của gia đình phong kiến. Vì vậy, không những có mẫu thuẫn giữa kẻ có quyền hành và người yếu thế, giữa kẻ giàu có và người nghèo khổ, giữa kẻ “ngồi mát ăn bát vàng” và người “hai sương một năng” trong xã hội mà lại còn có mâu thuẫn giữa vợ cả và vợ lẽ, dì ghẻ và con chồng, bố dượng và con vợ, anh cả và em út… trong gia đình”. Ông cho rằng “những mâu thuẫn đó có tính chất phổ biến trong xã hội có giai cấp ở tất cả các nước. Cũng chính vì vậy những mâu thuẫn đó cũng là những chủ đề phổ biến cho truyện cổ tích ở tất cả các nước”. [8, tr32-33] Cô gái con riêng mồ côi trong type truyện “Tấm Cám” của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đều ở trong hoàn cảnh phải sống với mụ dì ghẻ độc ác và cô con gái lười biếng của mụ. Cô gái con riêng phải làm quần quật suốt cả ngày trong lúc mẹ con mụ dì ghẻ sống ăn chơi nhàn nhã. Không những thế, cô gái mồ côi còn bị mắng chửi vô cớ, bị hắt hủi, bị chà đạp. Cô gái con riêng ngây thơ, hiền lành luôn bị mẹ con mụ dì ghẻ lừa dối và xúc phạm. Trong truyện Tấm Cám của Việt Nam, cô con gái riêng – Tấm “phải làm lụng quần quật suốt ngày; còn Cám được mẹ nuông chiều, chơi dông dài ngày nọ qua ngày kia”. Cô bị con gái mụ dì ghẻ trút mất giỏ cá, bị mụ dì ghẻ lừa đi chăn trâu “đồng xa” để bắt mất con bống cô nuôi, bị mụ dì ghẻ lừa trèo lên cây cau hái quả để cúng bố rồi chặt đổ cây để giết cô gái. Trong truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc, cô gái con riêng bị mụ dì ghẻ lừa đưa cho một cái cuốc gỗ sắp gãy bảo đi cuốc nương. Trong truyện Benizara và Kakezara của Nhật Bản, cô gái con riêng Benizara cũng bị bà mẹ kế đối xử “rất độc ác”. Mụ sai cô vào rừng nhặt hạt dẻ nhưng lại đưa cho cô “một chiếc giỏ bị thủng đáy” còn đưa cho con gái mụ một chiếc giỏ tốt. Cô gái con riêng trong truyện Dêvkî Rânî của Ấn Độ bị mẹ kế đối xử rất tàn nhẫn “bắt em phải chịu đủ mọi sỉ nhục”. Ngày qua ngày, cô bé đi chăn bò với một mẩu bánh khô làm đồ ăn và ít (hoặc không) quần áo che chở khỏi nắng, mưa. Trong truyện Nàng Diệp Hạn của Trung Quốc thì sau khi cha chết, mẹ ghẻ hành hạ cô gái con riêng, “thường sai cô đi hái củi ở những nơi nguy hiểm và gánh nước ở những chỗ sâu” [8, tr 226]. Mụ còn sai cô đi gánh nước ở xa để bắt cá mổ ăn. Trong lúc mẹ con mụ dì ghẻ ăn mặc đẹp đẽ để đi dự lễ hội (Tấm Cám, nàng Diệp Hạn), hoặc đi về bên ngoại ăn tiệc (Kông Chuy Pát Chuy), đi xem kịch (Benizara và Kakezara) thì mụ dì ghẻ độc ác giao cho cô gái con riêng những nhiệm vụ nặng nề và bắt cô phải hoàn thành. Những nhiệm vụ đó thường là: phải giã ba thúng thóc và ba thúng kê, bắt đổ đầy nước vào cái chum bị thủng đáy, bắt nấu cơm trong cái nồi thủng trôn (Kông Chuy Pát Chuy); ở nhà coi vườn (nàng Diệp Hạn); làm một số lượng công việc lớn (Benizara và Kakezara) hay nhặt thóc trộn gạo, nhặt kê trộn đậu, cắt cỏ…trong type truyện Tấm Cám của Việt Nam. Cô gái con riêng không những bị đối xử bất công mà còn liên tục bị mụ dì ghẻ hãm hại, phải chết đi sống lại nhiều lần, phải hóa kiếp nhiều lần để cuối cùng mới được trở lại làm người. Motif Đứa trẻ mồ côi bị ngược đãi vừa có ý nghĩa phê phán giai cấp bóc lột vừa phản ánh những hình thức thử thách đặt ra cho nhân vật.
  • Motif Sự giúp đỡ của các thế lực siêu nhiên hay Sự trợ giúp thần kì
Motif sự giúp đỡ của các thế lực siêu nhiên có ở nhiều truyện dân gian thể hiện qua những motif tình tiết như: sự thử thách của những vị thần cải trang, sự phù trợ của đồ vật thần, cây thần, loài vật thần, sự giúp đỡ của Tiên, của Bụt. Motif này phản ánh nhu cầu tâm lý tự nhiên của con người trước những khó khăn thử thách đặt ra trong cuộc sống. Sự trợ giúp thần kì thể hiện qua thế lực siêu nhiên thần thánh có quan hệ mật thiết với tôn giáo tín ngưỡng của nơi mà truyện kể đó ra đời và lưu truyền. Motif này có sự kết hợp giữa nhu cầu tâm lý của con người trước thế giới hiện thực đầy chông gai thử thách và tôn giáo tín ngưỡng riêng của từng dân tộc. Đây cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng của tác giả dân gian, thể hiện lý tưởng nhân đạo của tác giả dân gian. Trong truyện của Việt Nam, thế lực siêu nhiên đó là Bụt (Đức Phật), hiện lên khi cô Tấm cần sự giúp đỡ. Bụt chỉ cho Tấm mang cá bống về nuôi, mang xương cá bống về chôn, sai đàn chim đến giúp đỡ Tấm hoàn thành những công việc mà mụ phù thủy giao, ban thưởng cho Tấm quần áo đẹp để Tấm đi dự hội. Thế lực siêu nhiên đó bà mẹ yêu tinh đã giúp cô gái con riêng tìm đường về nhà khi cô đi nhặt hạt dẻ trong rừng và lạc vào nhà của yêu tinh (truyện Nhật Bản); là con trâu hóa thân của người mẹ giúp cô gái gỡ đống tơ rối, phân loại vừng và đậu xanh (truyện Trung Quốc); là người xõa tóc từ trên trời xuống giúp đỡ cô gái, chỉ cho cô đem xương cá cất đi để khi cần cầu nguyện sẽ được tất cả (truyện Trung Quốc) (trong bản dịch của Đinh Gia Khánh trong Sơ bộ tìm hiểu truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám dịch là “người đầu trọc từ trên trời xuống”, giáo sư Kiều Thu Hoạch đã chỉnh lý đoạn dịch sai này trong bài báo Sơ bộ tìm hiểu truyện Tấm Cám của Trung Quốc đăng trên Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4/1996). Trong truyện của Hàn Quốc, cô gái con riêng được thế lực siêu nhiên trong hình dạng con bò đen (bà mẹ đẻ đầu thai) từ trên trời bay xuống cày giúp; con cóc bít hộ đáy nồi, con rắn bít hộ đáy chum, lũ chim giã hộ thóc và kê. Truyện của Ấn Độ, thế lực siêu nhiên là con bò già của người mẹ đã mất. Con bò già nuốt miếng bánh khô của cô gái và nhả ra cho cô những thức ăn ngon lành bổ dưỡng, ban cho cô gái hình dáng xinh đẹp và luôn chăm sóc, giúp đỡ cô như một người mẹ những lúc cô gặp khó khăn. Trong thế giới tinh thần của con người, thế giới siêu nhiên luôn tồn tại bên cạnh thế giới thế tục. Yếu tố siêu nhiên trước hết có nguồn gốc từ tín ngưỡng phong tục cổ như tín ngưỡng vật linh, Tô tem giáo. Sau này do sự ảnh hưởng của những tôn giáo khác như Phật giáo, Đạo giáo, đạo Hindu…mà có thêm những nhân vật phù trợ khác nhau như Bụt, đạo sĩ, Tiên gắn với tôn giáo tín ngưỡng của nơi mà bản kể đó lưu truyền. Motif sự giúp đỡ của các thế lực siêu nhiên vừa mang chức năng trợ thủ cho nhân vật cô gái con riêng nhưng “cũng là trợ thủ cho tác giả dân gian thoát khỏi những bế tắc của hiện thực”[8, tr89]. Tuy nhiên, nhân vật không hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của thế lực siêu nhiên. Trái lại, họ vẫn phải tự mình quyết định số phận, tự mình vượt qua thử thách. Các thế lực siêu nhiên chỉ đóng vai trò là người hoặc vật “phù trợ”, “trợ thủ” cho nhân vật chứ không có vai trò quyết định.
  • Motif sự tái sinh, thay đổi hình dạng
Motif này bắt nguồn từ quan niệm về linh hồn của người nguyên thủy. “Người xưa tin rằng, ông bà cha mẹ sau khi chết đi trở thành linh thiêng và thường tìm cách phù trợ cho con cháu. Đó là cơ sở của việc thờ cúng vật tổ, của tô tem giáo thời công xã thị tộc nguyên thủy. Mỗi thị tộc thờ cúng một vật tổ; vật đó có thể là cây cỏ, nhưng thường là động vật. Vật đó là vật quen thuộc ở địa vực cư trú của từng thị tộc: chim, rắn, cá, sư, tử, gấu, bò tót...” [8, tr46] Khảo sát type truyện Cô Lọ Lem của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, chúng ta thấy sự thay đổi hình dạng, sự tái sinh diễn ra ở hai nhân vật cô gái con riêng và nhân vật người mẹ. Việc người mẹ sau khi chết đi hóa thành con vật linh thiêng để phù hộ cho con mình là một ký ức về vật tổ, về tô-tem giáo. Trong truyện của Trung Quốc, người mẹ hóa thành con trâu để ở bên con gái (truyện Muội Sẹo và Muội Xinh). Trong truyện của Hàn Quốc và Ấn Độ, con bò là hiện thân của người mẹ. Sau khi chết, người mẹ biến thành con bò đen từ trên trời bay xuống cho Kong Chuy áo, giày, kiệu, người hầu (truyện Kong Chuy Pát Chuy). Con bò, linh hồn của người mẹ trong truyện của Ấn Độ sau khi bị giết còn biến thành đạo sĩ Brâhman ban cho cô gái “tỏa sáng” ở bất cứ nơi nào cô đến, “khóc ra ngọc trai” và “cười rơi ra hồng ngọc” [12, tr162]. Sự thay đổi hình dạng của cô gái con riêng cũng diễn ra nhiều lần trong truyện của các nước châu Á: hóa kiếp thành con chim sẻ, cây tre (Muội Sẹo và Muội Xinh); hóa kiếp thành bông hoa, viên ngọc đỏ (Kong Chuy Pát Chuy); biến thành con chim nhỏ trong truyện Dêvkî Rânî của Ấn Độ. Đặc biệt trong truyện Tấm Cám của Việt Nam, cô Tấm đã chết đi sống lại bốn lần dưới hình thức chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị để sau cùng mới trở lại kiếp người. Theo quan niệm của người Ấn Độ, học thuyết về sự tái sinh bắt nguồn từ một huyền thoại nguyên thủy. Theo huyền thoại này thì “khi linh hồn từ mặt đất trở về trời, phải đi qua mặt trăng và phải ở đấy một thời gian. Sau đó, người thì được lên trời, người thì lại phải quay về mặt đất qua các trận mưa. Khi các linh hồn đến thì mặt trăng tròn đầy và khi các linh hồn ra đi thì mặt trăng lại khuyết. Đó là huyền thoại về thuyết tái sinh dạng sơ khai nhất. Theo thuyết này thì các linh hồn đều bị bắt giữ trong thế giới vật chất, nếu bị trừng phạt thì con người có thể hóa thân thành các thú vật hung dữ” [2, tr111]. Sau này, Phật giáo và Bàlamôn giáo đã tiếp thu lấy những tín ngưỡng nguyên thủy đó và nâng lên thành những giáo lý của mình. Tuy nhiên trong các type truyện Cô Lọ Lem – Tấm Cám, việc nhân vật chết đi sống lại nhiều lần, “liên tục biến hình” là do ảnh hưởng của tín ngưỡng nguyên thủy chứ không bắt nguồn từ thuyết luân hồi của Phật giáo. Trong nhiều bản truyện của Type truyện Cô Lọ Lem ở châu Á, linh hồn cô gái con riêng nhập vào con chim – cô gái bị giết chết và biến thành một loài chim đẹp. Phật giáo không thừa nhận có linh hồn khác với tín ngưỡng dân gian quan niệm có linh hồn. Phật giáo quan niệm có thuyết luân hồi nhưng từng kiếp trong quỹ đạo luân hồi ấy không cùng một chủ thể. Theo Đạo Phật, con người trong kiếp luân hồi mà bị đày làm loài vật thì đó là một sự trừng phạt.
  • Motif Cái thiện được ban thưởng và Cái ác bị trừng phạt
Motif cái thiện được ban thưởng và cái ác bị trừng phạt là một đặc điểm cấu tạo của truyện cổ tích thần kì, thể hiện quan niệm “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” của nhân dân. Trong type truyện Cô Lọ Lem của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, motif cái thiện được ban thưởng thể hiện ở chỗ cô gái con riêng là cô gái bản tính trong sáng, hiền lành, tốt bụng, thông minh, bị đối xử bất công, luôn sẵn lòng làm việc tốt và cuối cùng là nhận được sự giúp đỡ và được hạnh phúc. Trong truyện của Nhật Bản, cô gái con riêng đã không ngần ngại bắt chấy rận, chải đầu, phục vụ bà mẹ yêu tinh một cách vui vẻ khi bà yêu cầu; cô gái thể hiện trí thông minh và tấm lòng thánh thiện khi làm một bài thơ giản dị mà đầy ý nghĩa cao đẹp, chiến thắng cuộc thi tài mà ông chủ giàu có đặt ra. Cô gái được ban thưởng chiếc hộp thần kì chính vì biết cách đối xử tốt với vị thần trong hình dạng bà lão, chủ nhân của ngôi nhà trong rừng khi cô bị lạc vào đó. Cô gái được ban thưởng: lên kiệu hoa vè dinh ông chủ chính vì sự thông minh và tâm hồn cao thượng của cô (truyện Benizara và Kakezara). Cô bé Dêvkî Rânî ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó trong truyện Dêvkî Rânî của Ấn Độ được ban thưởng dưới hình thức: được linh hồn của người mẹ dưới hình dạng con bò giúp đỡ mỗi khi cô cần đến. Con bò nhả ra đầy ắp thức ăn ngon lành và bổ dưỡng nuôi lớn cô bé. Đạo sĩ Bà la môn (hiện thân của người mẹ) ban cho cô bé vẻ đẹp của mặt trăng và mặt trời. Cuối cùng, cô bé được kết hôn với tiểu vương và sống hạnh phúc mãi mãi. Cô Tấm trong truyện Tấm Cám của Việt Nam đã làm cho ông Bụt (Đức Phật) thương cảm mà giúp đỡ và ban thưởng vì sự ngây thơ, hiền lành và tốt bụng. Cô chăm chỉ làm việc, cô yêu quý và hết lòng chăm sóc con cá bống, cô có hiếu với người cha đã mất, cô bền bỉ đấu tranh khi bị hãm hại, cô đảm đang và khéo tay. Cô Tấm đã nhận được sự ban thưởng dưới hình thức: nhận được sự giúp đỡ của Bụt mỗi khi gặp khó khăn, Bụt hóa phép cho xương cá biến thành quần áo đẹp, ngựa và đôi giày để cô đi dự hội. Sự ban thưởng lớn nhất đối với Tấm là được làm vợ vua, được vua nhận ra nhờ miếng trầu têm hình cánh phượng đẹp và khéo của cô, được trở lại làm người đẹp hơn trước sau bao lần thay đổi hình dạng. Cuối cùng cô gái được đoàn tụ và sống hạnh phúc với vua. Chính vẻ đẹp về tâm hồn và thể chất đã đem đến hạnh phúc cho cô. Những nhân vật cô gái con riêng tốt bụng tiêu biểu cho lý tưởng của nhân dân về những con người nhân hậu, có lòng yêu thương con nguời và loài vật, trung thực và kiên cường. Những con người như thế xứng đáng được giúp đỡ và được ban thưởng. Đó là quan niệm rõ ràng của nhân dân về cái thiện và về cuộc đấu tranh bảo vệ cái thiện. Tồn tại song song với motif cái thiện được ban thưởng là motif cái ác bị trừng phạt. Hai motif này đều có cấu trúc nguyên nhân và kết quả. Nguyên nhân của cái ác thường là do lòng tham và sự đố kị. Qua khảo sát type truyện Cô Lọ Lem của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, chúng tôi nhận thấy cái ác và sự trừng phạt biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ở những mức độ khác nhau. Trong truyện của Trung Quốc, mẹ con mụ dì ghẻ bị phi thạch từ trên trời bắn trúng và chết cả hai (nàng Diệp Hạn). Cô em bị rơi xuống vạc dầu chết, còn mụ dì ghẻ chết vì nhìn thấy cái đầu cháy của con (Muội Sẹo và Muội Xinh). Trong truyện của Ấn Độ, mẹ con mụ dì ghẻ bị tiểu vương trừng phạt bằng cách cắt mũi và tai họ rồi đuổi cả hai mẹ con ra khỏi vương quốc (truyện Dêvkî Rânî). Riêng truyện Tấm Cám của Việt Nam, mức độ trừng phạt ta thấy nặng hơn: Cám chết do tắm nước sôi và mẹ Cám chết do ăn phải thịt con. Tội ác càng man rợ thì hình thức trừng phạt càng khủng khiếp. Mẹ con mụ dì ghẻ không những đối xử bất công với cô Tấm mà còn giết hại cô chết đi sống lại nhiều lần nên sự trừng phạt cũng nặng nề hơn. Motif cái thiện được ban thưởng và cái ác bị trừng phạt đã thể hiện lý tưởng nhân đạo và công bằng của tác giả dân gian trước cuộc đấu tranh của cái thiện chống lại các ác, thể hiện nguyện vọng của người dân lao động cái thiện phải thắng cái ác.

Kết luận

Như vậy, qua khảo sát nội dung, kết cấu và những motif chính cấu thành nên cốt truyện của một số truyện tiêu biểu trong type truyện Cô Lọ Lem ở một số nước châu Á: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, chúng tôi nhận thấy type truyện này ở các nước có nhiều nét tương đồng và dị biệt. Từ đó cho thấy quy luật vận động trong sáng tác dân gian, trong quá trình nẩy sinh và lưu truyền đã có sự bổ sung và sửa đổi theo điều kiện lịch sử - xã hội và hệ tư tưởng ở các dân tộc. Trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, bên cạnh sự bảo lưu các yếu tố văn hóa của cư dân bản địa còn là sự bổ sung vào đó những yếu tố mới cho phù hợp với thực tế xã hội của dân tộc mình. Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á. Từ nền tảng cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, dân tộc Việt Nam vẫn luôn giữ được những nét truyền thống của văn hóa bản địa kết hợp cùng những yếu tố giao thoa với các nền văn hóa khác như giao thoa văn hóa với Ấn Độ và Trung Hoa trong tiến trình phát triển. Việt Nam và Trung Quốc là những nước gần nhau về địa lý, có nhiều nét tương đồng về văn hóa và cội nguồn dân tộc. Còn Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc tuy cách nhau về địa lý, khác biệt nhau về cấu trúc xã hội, tiến trình lịch sử và tính cách dân tộc, song trong nhiều phương diện văn hóa, Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc lại có những điểm tương đồng. Điều đó có thể lý giải bởi ba nước đều nằm trong khu vực Đông Á, Châu Á; đều có sự giao lưu tiếp biến văn hóa với Trung Hoa và Ấn Độ. Cơ sở hình thành và chi phối những điểm tương đồng về kiểu truyện dân gian trong văn hóa Việt Nam và một số nước châu Á chính là cơ tầng văn hóa dân gian với một phức thể văn hóa lúa nước và ở thái độ tiếp nhận cởi mở, hòa đồng nhiều luồng tư tưởng văn hóa khác nhau của cư dân châu Á.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Tấn Đắc (2001), Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  2. Đỗ Thu Hà (2015), Giáo trình văn học Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Hiền (1996), “Nghiên cứu truyện dân gian Việt Nam theo bảng mục lục tra cứu típ và mô tip truyện cổ dân gian của Antti Aarne và Stith Thompson”, Tạp chí Văn hoá dân gian số 2, tr 13-19.
  4. Nguyễn Thị Huế chủ biên (2012), Từ điển Type truyện dân gian Việt Nam, NXB Lao động, Hà Nội.
  5. Đặng Văn Lung (Chủ biên) (1998), Lưu Thị Sinh, Đặng Linh Chi, Chi liêu, Trần lệ Cung, Truyện cổ Hàn Quốc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 238-246
  6. Nguyễn Thị Nguyệt (2010), Khảo sát và so sánh một số típ và mô típ truyện kể dân gian Việt Nam - Nhật Bản, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Nhiều tác giả (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), (2004), Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 6, Truyện cổ tích thần kỳ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  8. Đinh Gia Khánh (1999), Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội.
  9. Jeon Hye Kyung (2009), Nghiên cứu so sánh truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc và truyện Tấm Cám của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 3/2009, tr72-87.
  10. Park Yeon Kwan (2001), Bước đầu so sánh truyện cổ tích Việt Nam và Hàn Quốc, luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
  11. Đường Tiểu Thi (2008), So sánh kiểu truyện Cô Lọ Lem của một số dân tộc miền Nam Trung Quốc với kiểu truyện Tấm Cám của Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Văn học, Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH và NV, ĐHQGHN.
  12. D. H. Wadia (1894), Folklore in Western India, Indian Antiquary, vol XXIII, Bombay (Dévki Rání, tr 160 – 164)
  13. Viện Nghiên cứu văn hóa tinh thần Hàn Quốc (sưu tầm) (1984), Tổng quan văn học truyền khẩu Hàn Quốc 1-9, Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương xuất bản, tr60 - 66.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây