Lần đầu tiên tuyển sinh ngành Quản trị văn phòng, ngành Tâm lí học có CTĐT hệ chất lượng cao, triển khai tuyển sinh theo năng lực đối với hệ chất lượng cao và hệ chuẩn quốc tế… Đó là những thông tin mới nhất trong tuyển sinh ĐH 2014 tại Trường ĐHKHXH&NV.
Thêm ngành học mới
Năm 2014, Trường ĐHKHXH&NV tuyển sinh 20 ngành đào tạo, với tổng chỉ tiêu là 1500. Ngành học có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất là Đông phương học với 120 chỉ tiêu, tiếp đó là các ngành Báo chí, Khoa học Quản lí, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành với 100 chỉ tiêu mỗi ngành.
Đặc biệt,
ngành Quản trị văn phòng lần đầu tiên được tuyển sinh trong năm 2014 với 50 chỉ tiêu cho các khối thi A,C,D. Trước đây, ngành học này được đào tạo chung với ngành Lưu trữ học dưới tên gọi ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng. Nhưng trước nhu cầu ngày càng cao của xã hội, ĐHQGHN đã cho phép tách ngành học LTH&QTVP thành hai ngành Lưu trữ học và ngành Quản trị văn phòng.
Cũng từ năm 2014, ngành Tâm lí học bắt đầu tuyển sinh hệ chất lượng cao (CLC), nâng tổng số các ngành đào tạo CLC của Trường lên 05 ngành (gồm Lịch sử, Văn học, Khoa học Quản lí, Triết học, Tâm lí học).
Ngành Ngôn ngữ học triển khai tuyển sinh chương trình đào tạo chuẩn song song với chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế. Thí sinh dự thi vào ngành Ngôn ngữ học CTĐT chuẩn tại kì thi 3 chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Tuyển sinh ở cả 4 khối thi
Từ năm 2011, Trường ĐHKHXH&NV tuyển sinh thêm khối A bên cạnh các khối thi truyền thống (khối C,D) nhằm tăng cường khả năng tuyển chọn thêm nhiều thí sinh khá, giỏi đồng thời mở ra cơ hội học tập bình đẳng cho thí sinh các khối – những người ham thích và có năng lực học tập các ngành KHXH&NV. Sang năm 2012, Trường tuyển sinh thêm khối B. Đây là một quyết định nhận được sự ủng hộ của thí sinh và xã hội khi hồ sơ đăng kí dự thi khối A và B liên tục tăng qua các năm. Năm 2012, hồ sơ dự thi khối A vào trường đã tăng 200% so với năm 2011, cho thấy nhu cầu rất lớn của thí sinh khối này vào các ngành KHXH&NV.
Năm 2014, khối A được áp dụng tuyển sinh cho 15/20 ngành học, khối B tuyển sinh duy nhất cho ngành Tâm lí học.
Triển khai phương thức tuyển sinh đánh giá năng lực
Sau khi tham dự kì thi 3 chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nếu trúng tuyển và đã nhập học, tất cả các sinh viên trúng tuyển vào ĐHQGHN đều được phép đăng kí dự thi vào các chương trình đào tạo CLC, đạt trình độ quốc tế (Ngôn ngữ học) của Trường ĐHKHXH&NV. Kì thi này diễn ra vào đầu tháng 9/2014 theo phương thức tuyển sinh đánh giá năng lực, bao gồm bài thi năng lực chung và xét hồ sơ dựa trên kết quả học tập, rèn luyện bậc THPT, kết quả kì thi tuyển sinh theo 3 chung của Bộ GD&ĐT. Đây là một trong những điểm mới nhất trong tuyển sinh ĐH ở ĐHGQHN nói chung và Trường ĐHKHXH&NV nói riêng, nằm trong lộ trình đổi mới tuyển sinh ĐH chính quy giai đoạn 2014-2016.
Nhiều ưu đãi cho người học
Ngoài các CTĐT hệ chuẩn, nhiều năm qua, Trường ĐHKHXH&NV mở các CTĐT hệ CLC và CTĐT đạt trình độ quốc tế như một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và tạo cơ hội học tập tốt hơn cho sinh viên. Sinh viên theo học những CTĐT này được hưởng những ưu đãi đặc biệt.
CTĐT đạt trình độ quốc tế ngành Ngôn ngữ học là chương trình đào tạo thuộc Nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN, đã được triển khai từ 2008. Sinh viên được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 17 triệu đồng/năm. Sinh viên được tập trung học tiếng Anh trong năm học đầu tiên tại Trường ĐH Ngoại ngữ. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân đạt trình độ quốc tế tương đương văn bẳng của các trường ĐH đối tác nước ngoài.
Chương trình đào tạo chất lượng cao được tuyển sinh trong năm 2014 gồm các ngành Khoa học Quản lí, Lịch sử, Tâm lí, Triết học, Văn học. Sinh viên được hỗ trợ kinh phí đào tạo 7,5 triệu đồng/năm, được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để tối thiểu đạt trình độ B2 tương đương 5.0 IELTS. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân chất lượng cao.
Đào tạo cử nhân ngành Tâm lí học, chuyên ngành Tâm lí học lâm sàng học ngoại ngữ là tiếng Pháp do Tổ chức Đại học Cộng đồng Pháp ngữ (AUF) tài trợ. Sinh viên được hưởng các chế độ ưu đãi của AUF và có cơ hội chuyển tiếp lên các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Pháp của trường.
Sinh viên các ngành khoa học cơ bản (Chính trị học, Hán Nôm, Lịch sử, Nhân học, Triết học, Văn học, Việt Nam học) được hỗ trợ chi phí học tập và được học miễn phí các khoá học về phát triển kĩ năng nghề nghiệp, phát triển năng lực thông tin, tư duy tích cự và tranh biện, phương pháp học tiếng Anh… ngay trong năm đầu tiên.
Đào tạo bằng kép: cơ hội mở rộng
Đào tạo bằng kép được Trường ĐHKHXH&NV triển khai từ năm 2010. Theo đó, sau khi học hết năm thứ nhất, sinh viên có cơ hội học thêm một ngành thứ hai trong các ngành Báo chí, Khoa học quản lí, Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quốc tế học của Trường ĐHKHXH&NV hoặc ngành Tiếng Anh, Tiếng Trung của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN.
Học bằng kép là một xu thế mới rất được sinh viên và xã hội quan tâm. Bởi chỉ trong cùng khoảng thời gian, nếu biết sắp xếp kế hoạch học tập, sinh viên có thể tích luỹ đủ số tín chỉ đề lấy được hai bằng ĐH cùng lúc. Việc tích luỹ kiến thức của hai chuyên ngành đào tạo có sự bổ trợ lẫn nhau đã giúp sinh viên có rất nhiều lợi thế khi tìm việc làm sau khi ra trường.
Tư vấn tuyển sinh có nhiều đổi mới
Theo TS. Nguyễn Quang Liệu (Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên), công tác tư vấn tuyển sinh ĐH năm 2014 của Trường có nhiều đổi mới theo hướng cụ thể, thực tiễn và sát với nhu cầu của thí sinh. Đây là năm đầu tiên Trường triển khai chương trình “Đại sứ sinh viên” tại 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định và Hưng Yên. Trường đã tuyển chọn hơn 100 sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV đóng vai trò là những “đại sứ” trực tiếp đến các trường cấp ba trên địa bản 3 tỉnh trên để tư vấn tuyển sinh cho các em học sinh. Những sinh viên này được trải qua một khoá tập huấn về các kĩ năng và nội dung tư vấn.
Cũng theo TS. Nguyễn Quang Liệu, hoạt động tư vấn tuyển sinh không chỉ hướng tới việc cung cấp các thông tin về các ngành đào tạo của trường mình mà còn phải giúp các em học sinh hiểu rõ năng lực, sở trường của mình và lựa chọn được các ngành học phù hợp. Do đó, nội dung tư vấn năm nay cũng được đổi mới khi ngoài những thông tin về Trường, các “đại sứ” còn tư vấn cho học sinh những vấn đề liên quan khác: cách học và thi đại học tốt; cách chọn nghề phù hợp với năng lực, sở trường; các cơ hội nghề nghiệp của từng ngành đào tạo…