Mối quan hệ giữa văn học và báo chí trong ngôn ngữ tiểu phẩm của Ngô Tất Tố

Thứ tư - 22/05/2019 13:35
Ngô Tất Tố là một nhà văn lớn đồng thời cũng là một nhà báo lớn thời kỳ nửa đầu thế kỷ XX. Sự nghiệp sáng tác của ông bao gồm nhiều lĩnh vực như: tiểu thuyết, phóng sự, truyện ký lịch sử, khảo cứu, nghiên cứu phê bình văn học, dịch thuật… nhưng nổi bật nhất là tiểu phẩm trên báo chí. Trong gần 20 năm viết báo, Ngô Tất Tố đã để lại một khối lượng tiểu phẩm khá đồ sộ. Tính đến nay cùng với những tác phẩm mới tìm thấy, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được 1350 tác phẩm đăng báo của ông với 26 bút danh, nhưng chắc chắn đây chưa phải là con số cuối cùng.
Mối quan hệ giữa văn học và báo chí trong ngôn ngữ tiểu phẩm của Ngô Tất Tố
Mối quan hệ giữa văn học và báo chí trong ngôn ngữ tiểu phẩm của Ngô Tất Tố

ThS. Nguyễn Thị Thu Trang (2008), “Mối quan hệ giữa văn học và báo chí trong ngôn ngữ tiểu phẩm của Ngô Tất Tố”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội,  tr.345-354.

          Ngô Tất Tố là một nhà văn lớn đồng thời cũng là một nhà báo lớn thời kỳ nửa đầu thế kỷ XX. Sự nghiệp sáng tác của ông bao gồm nhiều lĩnh vực như: tiểu thuyết, phóng sự, truyện ký lịch sử, khảo cứu, nghiên cứu phê bình văn học, dịch thuật… nhưng nổi bật nhất là tiểu phẩm trên báo chí. Trong gần 20 năm viết báo, Ngô Tất Tố đã để lại một khối lượng tiểu phẩm khá đồ sộ. Tính đến nay cùng với những tác phẩm mới tìm thấy, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được 1350 tác phẩm đăng báo của ông với 26 bút danh, nhưng chắc chắn đây chưa phải là con số cuối cùng.

          Đặc trưng tiểu phẩm của Ngô Tất Tố thường là những bài văn xuôi ngắn gọn, khoảng từ 300 – 1500 chữ. Những tác phẩm này là “một thể loại của báo chí… mang hình thức của bút ký chính luận. Tuy nhiên nó dường như là một thể loại trung gian giữa báo chí và văn học, vừa mang những đặc điểm của báo chí, của bình luận (tư duy logic), vừa mang những đặc điểm của văn học (tư duy hình tượng)” [1, tr.86]

          Điều đáng chú ý, đặc trưng của các loại hình văn nghệ trong thế kỷ XX chính là sự tác động qua lại, sự giao thoa giữa các thể loại văn học, nghệ thuật. Sự tác động qua lại giữa văn học và báo chí cũng nằm trong sự phát triển chung này. Nhất là đối với những tác giả đồng thời vừa là nhà báo vừa là nhà văn như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng…thì sự ảnh hưởng này càng rõ nét. Trong một số bài báo của mình, Ngô Tất Tố đã kết hợp được sức thuyết phục logic trong kết cấu và lập luận của tiểu phẩm với sức truyền cảm bằng hình tượng, với khả năng điển hình hoá và nghệ thuật sử dụng ngôn từ... Song cũng cần phải nói thêm rằng không phải tất cả các tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố đều có giá trị văn học. Trong thực tế ông cũng có những bài báo là tiểu phẩm báo chí viết theo yêu cầu cập nhật, chỉ có giá trị thông tin và cũng không gây ấn tượng nhiều với người đọc. Ở đây chúng tôi muốn đề cập và tìm hiểu những tiểu phẩm tiêu biểu có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố văn học và báo chí thể hiện qua ngôn ngữ.

          Là một trong những nhà báo thành công ở thể loại tiểu phẩm, với ngòi bút sắc sảo, Ngô Tất Tố đã ghi lại bằng ngôn ngữ một cách toàn diện nhiều mặt của đời sống xã hội Việt Nam trong một chặng đường lịch sử: chính trị, kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán… Toàn bộ tiểu phẩm của ông làm thành một bức tranh rộng lớn và chân thực về xã hội thực dân phong kiến Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám. Bằng ngòi bút hiện thực, ông tố cáo, đả kích vào mọi mắt xích của bộ máy cai trị thực dân Pháp và bọn tay sai bán nước, đồng thời nói lên những nỗi thống khổ, tủi nhục cũng như khát vọng của quần chúng nhân dân. Ngô Tất Tố đã vượt xa những ông nghè ông cử của chế độ khoa cử để “hút thở cái không khí xã hội của K. Marx như tất cả các thiếu niên văn sĩ ở hàng tranh đấu” [3, tr.197]. Ngôn ngữ báo chí của ông vì thế vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, vừa đậm tính truyền thống.

          Với tư cách là một nhà báo, Ngô Tất Tố nhìn sự việc bằng “con mắt sự kiện” trên cơ sở tôn trọng tính chân thực của sự kiện khách quan và có chính kiến rõ ràng, nhất quán khi cầm bút. Chính vì vậy, khi tấn công vào cái “xã hội mũi lõ và áo thụng xanh” Ngô Tất Tố đã sử dụng nghệ thuật châm biếm, có khi là ngôn ngữ đả kích (thường dùng đối với kẻ thù), có khi là ngôn ngữ mang giọng điệu hài hước (thường dùng trong nội bộ nhân dân), hoặc có khi là ngôn ngữ trào lộng (thường dùng để viết khi bị kiểm duyệt, cấm đoán).

          Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ khi báo chí bỏ kiểm duyệt, ngòi bút của Ngô Tất Tố không ngần ngại đả kích trực diện vào bọn thực dân Pháp đầu sỏ cũng như bè lũ tay sai của chúng. Chỉ trích trò đểu cáng, giả nhân giả nghĩa của quan đầu tỉnh Bắc Giang phát chẩn số nước mắm quá ít, chỉ có 5 thùng để cứu tế cho gần 3000 dân Yên Thế, chia theo kiểu “đổ hết nước mắm vào bể nước, cho dân kéo đến mỗi người mút một cái, hoạ may mới được khắp”, Ngô Tất Tố chế nhạo bằng một giọng hài hước sâu cay: “Người ta chỉ nói “đội ơn quan trên” “nhờ ơn quan trên”, ai nói “mút ơn quan trên” bao giờ? Huống chi quan tuần là người thương dân (có thương mới chăm sóc đến giọt nước mắm của dân), nếu ngài không thể mút ơn của ai, quyết không khi nào ngài lại bắt dân mút ơn của mình” [4, tr.246] 

          Khi chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp và phát xít Nhật đối với báo chí công khai trở nên gắt gao, Ngô Tất Tố sử dụng lối viết quanh co, bóng gió thấm nhuần chất trào lộng đả kích. Có khi trong cả một bài báo, ông chỉ đặt một câu hỏi mà không hề kết luận. Câu trả lời dành cho độc giả (Đố biết ông Godart là người gì?)

          Trong trường hợp đối tượng bị phê phán là nội bộ nhân dân thì Ngô Tất Tố lại chuyển sang ngôn ngữ trào lộng hài hước như trường hợp cô Tây Hoẻn trong tiểu phẩm cùng tên. Cái cảnh hai vợ chồng cô Tây Hoẻn, một cô gái nông thôn ra thành phố biến chất và một tên lính Tây hạng bét về làng mới thật là kệch cỡm: “Một anh lính Tây mũi lõ râu xồm, mình cao bụng phệ dắt chiếc xe đạp đi bên cạnh người đàn bà phấn son sặc sỡ, quần áo lam, giày cao gót, chiếc ô xanh biếc, chiếu xuống bọ mặt bị mồ hôi loang lổ, bộ răng trăng nhom nhem khấp khểnh như rã rụa với bộ môi cong mỗi khi cười nói. Bộ môi ấy, bộ răng ấy đã làm cho dân làng nhận được là cô Hoẻn, con ông đĩ Hoét” [5, tr.127]. Ngôn ngữ của cô Tây Hoẻn thì đúng là ngôn ngữ của loại người me Tây, trơ tráo nhưng vẫn giương giương tự đắc: “Thây mẹ chúng nó, tôi lấy Tây thì tôi tức là đầm rồi, đứa nào vô phúc thì đụng đến lông chân tôi mà chơi, thầy đừng lo!” [5, tr.130]. Tiếng cười châm biếm bật lên mang thật nhiều ý nghĩa.

          Đặc trưng của thể loại tiểu phẩm là ngắn gọn vì vậy ngôn ngữ trong tiểu phẩm phải chính xác, súc tích, cụ thể, đồng thời mang sắc thái biểu cảm rõ rệt, vừa tạo sự sinh động, gợi mở cho người đọc, vừa thể hiện thái độ lời bình của tác giả trước sự kiện, hiện tượng mà mình phản ánh. Ở điểm này, Ngô Tất Tố đã sử dụng khá thành công ngôn ngữ với chức năng là “cái vỏ trực tiếp của tư duy, là phương thức làm phát lộ tác giả, từ khuynh hướng tư tưởng, thái độ sống, cách thức suy nghĩ, cho đến vốn tri thức, khả năng phát hiện vấn đề, khả năng phân tích và bóc trần bản chất của sự kiện” (PGS. TS. Vũ Duy Thông) [1, tr.233]. Vạch trần sự giả dối, lừa bịp của bọn thực dân khi rêu rao khẩu hiệu “Pháp-Việt đề huề” “Pháp-Việt hợp tác thân thiện”, Ngô Tất Tố đã ví nó như một “đứa con hoang” của một cuộc tình duyên cưỡng ép giữa người Pháp và người Nam. Còn thân thế của hai bên chẳng khác gì “một kẻ nằm trên giường. một người nằm dưới đất, một kẻ ăn thịt, một người gặm xương” làm sao mà thân thiện được. “Thế mà lạ thay cho cuộc tình duyên ấy, phân ly, đoạn tuyệt đã không bên nào muốn, nhưng ăn ở với nhau vẫn cứ khăng khăng hai ý tưởng, một bên thì kiêu căng kỳ thị, một bên thì phẫn uất căm hờn, cái không khí vui vẻ thuận hòa không dễ có, làm cho đứa con kia chịu cái giáo dục xấu, sinh ra cái tham bạo giả dối, làm cho hai bên cùng ngờ vực, cùng ghét bỏ ruồng rẫy, không muốn nhận nó. Ấy “hiệp tác” sinh ra “hiếp tác” cũng vì thế” [4, tr.345].

          Không thể phủ nhận vốn từ ngữ phong phú được dùng một cách chính xác và súc tích trong tiểu phẩm của Ngô Tất Tố. Chỉ với một từ hiếp tác cũng chính tỏ khả năng sáng tạo ngôn từ của ông. Hiếp tác là dùng quyền lực bắt người khác phải thực thi, phải đành chịu thua thiệt mà không làm gì được. Bọn thực dân Pháp đã dùng khẩu hiệu giả dối Pháp Việt hiệp tác để che đậy những hành động ức hiếp bất công đối với người An Nam. Ngô Tất Tố đã gọi đúng bản chất của hành động lừa bịp đó bằng một từ hiếp tác chứ không phải hiệp tác.

          Không chỉ sử dụng vốn từ Hán Việt một cách thành thạo, Ngô Tất Tố còn sử dụng rất chuẩn xác vốn từ thuần Việt. Để Lên án chính sách cướp đoạt và bóc lột dân chúng thuộc địa đến tận xương tuỷ của bọn “quốc mẫu”, Ngô Tất Tố đã dùng những từ ngữ thuần Việt giàu hình ảnh, mang tính chất biểu cảm rõ nét. Ông viết: “Đông Dương xưa nay vẫn có tiếng là một thuộc địa giàu có nhất của nước Pháp. Chẳng thế mà vẫn đứng đầu trong các việc đóng góp với quốc mẫu về quân phí, về quốc trái, về lạc quyên. Lại những con số suất cảng, nhập cảng hàng năm cộng lên con số kếch sù. Những quan lại công chức hàng năm biết bao gia đình khi nheo nhóc kéo sang, chẳng bao lâu đã phởn phơ kéo về, hành lý kĩu kịt. Lại biết bao nhiêu những tài chủ, nghiệp chủ và điền chủ cùng những danh công, đại thương, lập nên những công ty vĩ đại, những cổ phần, những thương phiếu trên thị trường quốc tế có một địa vị cao quý, làm cho bao kẻ thèm muốn cái xứ bờ môi ruộng mật này” [4, tr.335].

          Có thể nói, ngôn ngữ chính xác, nhuần nhị và súc tích chính là một trong những yếu tố quyết định làm cho tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố rất ngắn gọn, không có thành phần thừa, có lượng thông tin tối đa trong số từ tối thiểu.

          Mặt khác, tiểu phẩm của Ngô Tất Tố luôn mang tính “tả chân”, thường nói về người thật, việc thật mà rất ít khi dùng tính phiếm chỉ. Các nhân vật, sự việc được đề cập đến trong bài báo của ông đều có địa chỉ, tên tuổi, nghề nghiệp rõ ràng. Chính vì thế mà tính chiến đấu của bài viết cao, sức tố cáo mạnh mẽ. Ngôn ngữ tiểu phẩm do đó sắc sảo, giàu tính luận chiến. Trong ngôn ngữ bút chiến, Ngô Tất Tố luôn thể hiện thái độ dũng cảm, thẳng thắn, tập trung mũi dùi về một phía. Ông có khả năng nhìn nhận rõ bản chất của sự kiện, hiện tượng, vấn đề qua các mặt yếu kém, tiêu cực. Lên án loại người đục nước béo cò “thầy cò” lợi dụng sự cả tin của người dân quê mà đục khoét, thu lợi, Ngô Tất Tố thẳng tay phê phán: “Bọn thầy cò là bọn lái buôn lẽ phải, lại là bọn thợ chế ra tội ác nữa, họ chỉ là kẻ trên không chằng dưới không rễ thế mà người lương dân một khi đã mắc vòng kiện tụng thì họ hành sai dẽ khiến được như người ngoan đạo. Những cái công trình hàn gắn để gây nên cơ nghiệp, những của mồ hôi nước mắt đều bào bọt đem ra theo bọn thầy cò dắt díu đi toà này sở khác cho tới khi thật nghiệp ăn mày. Họ làm điên đảo cả trật tự trong gia đình, ngoài xã hội, thực là một cái tội ác tầy trời” [5, tr.104, 105].

          Tìm mọi cách để vạch mặt, bóc trần những âm mưu, thủ đoạn bóc lột của bộ máy chính quyền thực dân phong kiến, ngòi bút của Ngô Tất Tố luôn mang tính “dấn thân” mà không màng đến hậu quả. Ông vạch mặt chỉ trán từ những tên thực dân chóp bu như thống sứ Tholance, toàn quyền Brévié…đến những tên tay sai đầu sỏ như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Quang Chiêu, Phạm Huy Lục, Nguyễn Năng Quốc, Hoàng Trọng Phu…, cùng bọn tham quan. Bằng ngòi bút tiểu phẩm, Ngô Tất Tố đã cho thấy bộ mặt thật và những luận điệu tuyên truyền lừa bịp của thực dân Pháp và bè lũ tay sai: “Chẳng ai dùng đến chữ “đánh chiếm”, người ta đó là công cuộc rất nhân đạo của mấy nước văn minh vì thiên chức mà khai hóa cho những dân tộc dã man… Trăm lần đúng cả trăm. Hễ mở miệng trước mặt lũ dân bị chinh phục, mấy ông văn minh không bao giờ quên cái giọng chứa chan nhân nghĩa ấy. Tôi đương thành tâm kính phục mấy cái nhân đạo của mấy ông đó và muốn tin rằng ở trên đời này chỉ có cuộc khai hóa, không bao giờ có cuộc đánh chiếm. Thế nhưng tôi vẫn còn phân vân và tự hỏi thầm: “Nếu quả như vậy thì ra cái trận châu Âu đại chiến năm 1914 cũng do mấy ông Nhật nhĩ man định khai hóa cho nước Pháp à?” [4, tr.366-367].

          Nói đến ngôn ngữ bút chiến của Ngô Tất Tố, các nhà nghiên cứu như Phan Cự Đệ, Vũ Duy Thông đều cho rằng Ngô Tất Tố thường sử dụng cấu trúc “nâng lên để đập”. “Lúc đầu là dùng những hình tượng, lời lẽ rất “đại ngôn” để “làm ầm lên”, đưa đối tượng lên tầm tối quan trọng” “nâng lên tít mây xanh rồi bất ngờ cho rơi thụp xuống đất đen” như trường hợp của như trường hợp của nhà học giả Phạm Quỳnh trong tiểu phẩm Tiên sinh Phạm Quỳnh cãi lộn với ông Thượng Chi, hay Phạm Huy Lục trong Chỉ có ông ấy đáng làm dân biểu.

          Một đặc trưng khác của ngôn ngữ báo chí Ngô Tất Tố là giàu hình tượng và đa thanh. Đó là khả năng “tái hiện lại những hiện tượng của cuộc sống một cách cụ thể, sinh động bằng những từ ngữ gợi cảm, gợi hình, gợi thanh; nói cách khác, ngôn ngữ có tính hình tượng là ngôn ngữ rất giàu hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh, nhạc điệu…, có khả năng tác động mạnh mẽ, tác động sâu xa vào trí tưởng tượng và cảm nghĩ của người đọc” [2, tr.150].  Đây chính là đặc trưng văn học trong tiểu phẩm của Ngô Tất Tố. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi Ngô Tất Tố là một nhà báo, đồng thời cũng là nhà văn xuôi. Ngôn ngữ văn xuôi đã in đậm dấu ấn trong ngôn ngữ báo chí Ngô Tất Tố. Đặc trưng của ngôn ngữ văn xuôi là tính chất tạo hình và đa thanh. Đa thanh là vì có sự trộn lẫn ngôn ngữ người kể chuyện với ngôn ngữ nhân vật và trong ngôn ngữ nhân vật này lại có giọng điệu ngôn ngữ nhân vật khác. Sử dụng nhiều giọng điệu đan xen vào nhau là một biểu hiện của tính đa thanh trong ngôn ngữ tiểu phẩm của Ngô Tất Tố. Trong một tiểu phẩm của Ngô Tất Tố, ta bắt gặp nhiều giọng điệu, có khi là một cuộc đối thoại trực tiếp:

          “Hôm nọ trong bài, “ông Phạm Quỳnh cãi lộn với ông Phạm Thượng Chi” thấy anh kể ra một xâu dài chức tước của ông Quỳnh, tôi cũng khen anh là người nhớ kỹ. Tuy vậy, anh còn bỏ sót của ông ấy một chức rất trọng yếu.

          - Bỏ sót chức gì.

          - Chức Phó vẽ.

          - Anh thật nhà quê quá. Phạm tiên sinh là một nhà dở học giả, dở chính trị, ngài có thèm làm thợ vẽ bao giờ, sao anh dám tặng ngài chức đó?” [4, tr.109].

          Có khi là cách nói gián tiếp mỉa mai sâu cay về một đối tượng hay một vấn đề nào đó:

          “Thôi thì, ai trách phải chịu, đã gặp hãy nói:

          Ông Phạm Quỳnh là bạc tình lang.

          Ấy chết, nói vậy không đúng, chữa lại kẻo ông ta phản đối.

          Ông Phạm Quỳnh chẳng khác gì bạc tình lang.” [4, tr 91].

          Có lúc là “một cuộc giao thoại với nhiều giọng điệu khác nhau”, tạo nên một âm hưởng đa thanh trong khi bình giá, giải thích một sự kiện:

          “Vì cớ gì mà họ bầu ông Lục?

          Vì ông Lục là người có học

          Không phải.

          Vì ông Lục là dân biểu do dân bầu ra.

          Càng không phải

          Thế thì vì gì?

          Vì trời

          Anh vẫn chưa hết cái óc mê tín?

          Đâu phải? “Cái trời” tôi nói đây không phải là “cái trời” mù mù xanh xanh, mà nhiều người vẫn gọi là chúa tể của vũ trụ, “cái trời” tôi nói đây là “trời” của dân” [4, tr.96].

          Bên cạnh ngôn ngữ đa thanh, tính hình ảnh trong ngôn ngữ báo chí Ngô Tất Tố lại là kết quả của nghệ thuật sử dụng các biện pháp tu từ ngôn ngữ. Những phép ẩn dụ, so sánh ví von, lộng ngữ,, phản ngữ, chơi chữ… được ông vận dụng rất linh hoạt. Ngoài thủ pháp so sánh thường được Ngô Tất Tố sử dụng như đã nói ở trên, cũng có lúc Ngô Tất Tố lại sử dụng thủ pháp ẩn dụ (so sánh ngầm) chứ không nói một cách công khai, tạo cho người đọc sự tưởng tượng kín đáo. Trong tiểu phẩm Kêu thay cho mấy con chó Bắc Ninh, Ngô Tất Tố đả kích việc ra nghị định bắt người dân thuộc nội thành phải đóng sưu cho mỗi con chó 4 hào một năm, bất kể là chó Tây, chó An Nam hay chó Nhật. Tác giả viết: “Loài chó tuy hết thảy đều không có sản nghiệp, không có lương tháng, không có nghề gì kiếm ăn, nhưng cũng có con sướng, con khổ. Khổ là chó nhà nghèo, quanh năm ăn đói nhịn khát, sướng là chó nhà giàu, thường được no bụng luôn luôn. Vậy mà nhất luật bắt mỗi đầu chó đều phải 4 hào công sưu, e rằng không được công bằng” [4, tr.393-394]. Không trình bày sự bóc lột, đàn áp dân chúng của bọn quan lại “cha mẹ dân” nhưng qua hình tượng mấy con chó, Ngô Tất Tố đã gợi cho người đọc nghĩ đến chính sách thuế thân một thứ thuế cực kỳ vô nhân đạo do bọn thực dân Pháp đặt ra.

          Sử dụng các điển tích, điển cố, khai thác tục ngữ, ca dao, thành ngữ trong ngôn ngữ dân gian cũng là một thủ pháp Ngô Tất Tố hay dùng và dùng rất có hiệu quả. Nó làm cho ngôn ngữ của ông cô đọng hơn, dễ nhớ, dễ hiểu, giàu tính biểu cảm và gần gũi với lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân. Chẳng hạn, ông sử dụng câu tục ngữ “quan tha, ma bắt” để ví với bọn quan lại đẽo bóp dân chúng: “Hành động của họ chẳng khác gì một lũ tà ma. Bởi thế câu tục ngữ mới đem họ mà nối liền với ma trong câu “quan tha ma bắt” [6, tr.223].

          Hay khi mỉa mai về việc bảo tồn quốc tuý trong việc cải cách y phục của chị em phụ nữ, Ngô Tất Tố còn sử dụng cả bài ca dao xứ Bắc Kỳ,  tạo cho tiểu phẩm giá trị hài hước, châm biếm sâu sắc:

          “Tháng sáu có chiếu vua ra

          Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

          Chăng đi thì chợ không đông

          Đi ra, bóc lột quần chồng sao đang?

          Có quần dọn quán bán hàng

          Không quần ra đứng đầu làng trông quan…”

          [4, tr.443]

          Thành ngữ, quán ngữ cũng được Ngô Tất Tố sử dụng khá nhiều để làm giàu tính hình tượng cho ngôn ngữ tiểu phẩm. Những thành ngữ như: “tốt đất cò đậu” “nghe hóng nói hớt”, “của đi thay người” (Đa tạ ông thần sốt rét, Thời vụ, số107, 03/3/1939), “chia năm sẻ bảy”, “trơ như mặt thớt” (Chúng ta phải cảm ơn đi chứ, Thời vụ, số 88, 20/12/1938)… đều được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đạt hiệu quả nghệ thuật cao.

          Những câu thơ được Ngô Tất Tố sử dụng cũng góp phần làm cho ngôn ngữ tiểu phẩm trở nên giàu hình ảnh, lôi cuốn người đọc. Ngô Tất Tố đã mượn những câu thơ của những tác giả nổi tiếng trong lịch sử như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, mượn chuyện xưa để nói chuyện đời nay. Những câu thơ trong Truyện Kiều được tác giả vận dụng trong rất nhiều trường hợp. Trong bài Bà ấy chỉ hiểu lầm một câu trong Truyện Kiều, tác giả dẫn một câu Kiều đã bị hiểu lầm: “Buộc chân thôi cũng xích thằng nhiệm trao”. Sự hiểu lầm này đã gây những chuyện đau khổ tuyệt vọng. Trong bài Vài chấm nhỏ của thời đại đã qua, Ngô Tất Tố đã trích một câu trong Truyện Kiều “Kể trong các món chơi của trẻ con, đố lá là thứ có ích. Cổ nhân nghĩ ra kiểu ấy, không phải cốt để cho trẻ con tiêu khiển, các cụ còn muốn cho chúng nó thuộc hết các loài cây nữa; đọc Truyện Kiều thấy câu:

          “May thay giải cấu tương phùng

          Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa”

          [5, tr.337]

          Có tiểu phẩm ta lại bắt gặp thơ của Nguyễn Gia Thiều trong bài Cung oán ngâm khúc: “Cung oán ngâm khúc đã có một câu chí lý mà rằng:

          Có âm dương có vợ chồng

          Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê”

          [4, tr.418]

          Cả thơ của Nguyễn Khuyến cũng có mặt trong tiểu phẩm của Ngô Tất Tố: “Vậy thì với ông vô danh này cũng như với bác Nguyễn Khắc Mậu, tôi muốn can cả hai người bằng hai câu của cụ Yên đổ:

          Ai chẳng biết chán đời là phải

          Nhưng vội gì đã mải lên tiên”

          [4, tr.422]

          Đặc biệt ngôn ngữ tiểu phẩm Ngô Tất Tố còn được thể hiện dưới dạng hát nói như tiểu phẩm Gửi một bạn vệ quốc đoàn, Gửi bạn (báo Cứu quốc số xuân năm 1948 và 1949), dưới dạng văn tế như tiểu phẩm Nhớ viện xưa (Thời vụ, số 42, 05/7/1938) và dưới dạng chèo như tiểu phẩm Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (tạp chí Văn nghệ, số tháng 6/1954).

          Có  thể nói với tư cách là người nghệ sĩ trên mặt trận ngôn từ, Ngô Tất Tố xứng đáng là một tấm gương sáng cho những người làm báo ngày nay về nghệ thuật sử dụng “cái chữ”.  “Ngôn ngữ tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố đã kết hợp được nét sắc nhọn mạnh mẽ của ngôn ngữ báo chí với chất thâm thuý, nhuần nhị, hàm súc của ngôn ngữ văn chương…Ngôn ngữ không chỉ nhằm biểu đạt những ý tưởng một cách thông thường mà còn tham gia trực tiếp vào việc xây dựng và kiến trúc nội dung của tác phẩm” (GS. Hà  Minh Đức) [3, tr.453].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan Cù Ö chñ biªn (2005), Di s¶n b¸o chÝ Ng« TÊt Tè – ý nghÜa lý luËn vµ thùc tiÔn, NXB V¨n häc, Hµ Néi.
  2. Hµ Minh §øc chñ biªn (2001), Lý luËn v¨n häc, NXB Gi¸o dôc, Hµ Néi.
  3. Mai H­¬ng, T«n Ph­¬ng Lan tuyÓn chän vµ giíi thiÖu (2003), Ng« TÊt Tè vÒ t¸c gia vµ t¸c phÈm, NXB Gi¸o dôc.
  4. Ng« TÊt Tè (1996), Ng« TÊt Tè toµn tËp, tËp I (L÷ L­¬ng Nguyªn chñ biªn – Phan Cù §Ö giíi thiÖu, NXB V¨n häc, Hµ Néi.
  5. Ng« TÊt Tè (2005), Ng« TÊt Tè - ChuyÖn ng­êi ®­¬ng thêi (Cao §¾c §iÓm s­u tÇm, biªn so¹n), NXB Héi Nhµ v¨n, 2005.
  6. Ng« TÊt Tè (2005), TiÓu phÈm b¸o chÝ (Cao §¾c §iÓm s­u tÇm, biªn so¹n), NXB Héi Nhµ v¨n.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay2,145
  • Tháng hiện tại110,567
  • Tổng lượt truy cập1,673,388
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây