Lỗi sử dụng "còn" và "vẫn" trong tiếng Việt của người nước ngoài

Thứ sáu - 24/05/2019 10:19
Lỗi trong quá trình học một ngoại ngữ là một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong quá trình hình thành ngôn ngữ của người học ngoại ngữ. Lỗi của người học ngoại ngữ giúp người dạy đánh giá được những giai đoạn phát triển trong quá trình khám phá ngôn ngữ đích của người học, lỗi cũng giúp các nhà sư phạm và soạn sách phát hiện được chiến lược học của người học và giúp người nghiên cứu phát hiện thêm những đặc trưng của ngôn ngữ mà thông qua lỗi của người học, chúng mới được thể hiện rõ ràng hơn. Lỗi trong quá trình học và khám phá tiếng Việt của người nước ngoài cũng mang sứ mệnh như vậy. Trong bài này, chúng tôi đề cập tới lỗi sử dụng hai từ “còn” và “vẫn” ở cương vị phó từ, bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ; ( Đối với trường hợp “vẫn còn”, chúng tôi đánh giá lượng ngữ nghĩa và cách dùng giống như “vẫn”). Trong khi khảo sát lỗi, chúng tôi sử dụng một số thuật ngữ của lý thuyết phân tích lỗi (Error analysis) [2]  như chiến lược giao tiếp (communication strategy), chuyển di giảng dạy (transfer of training), vượt tuyến (overgeneralization).
Lỗi sử dụng
Lỗi sử dụng "còn" và "vẫn" trong tiếng Việt của người nước ngoài

PGS. TS. Nguyễn Thiện Nam

Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt

Trường ĐHKHXH & NV ĐHQGHN

I. Mở đầu:

Lỗi trong quá trình học một ngoại ngữ là một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong quá trình hình thành ngôn ngữ của người học ngoại ngữ. Lỗi của người học ngoại ngữ giúp người dạy đánh giá được những giai đoạn phát triển trong quá trình khám phá ngôn ngữ đích của người học, lỗi cũng giúp các nhà sư phạm và soạn sách phát hiện được chiến lược học của người học và giúp người nghiên cứu phát hiện thêm những đặc trưng của ngôn ngữ mà thông qua lỗi của người học, chúng mới được thể hiện rõ ràng hơn. Lỗi trong quá trình học và khám phá tiếng Việt của người nước ngoài cũng mang sứ mệnh như vậy.

Trong bài này, chúng tôi đề cập tới lỗi sử dụng hai từ “còn” và “vẫn” ở cương vị phó từ, bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ; ( Đối với trường hợp “vẫn còn”, chúng tôi đánh giá lượng ngữ nghĩa và cách dùng giống như “vẫn”).

Trong khi khảo sát lỗi, chúng tôi sử dụng một số thuật ngữ của lý thuyết phân tích lỗi (Error analysis) [2]  như chiến lược giao tiếp (communication strategy), chuyển di giảng dạy (transfer of training), vượt tuyến (overgeneralization).

II. Một số ý kiến về “còn” và “vẫn”

Đối với “còn” và “vẫn”, nhiều tác giả đã đề cập tới như Trần Trọng Kim [4], Bùi Đức Tịnh [10], Đái Xuân Ninh [6], Nguyễn Anh Quế [8], Hoàng Phê [7], Đỗ Thanh [9]...

Trần Trọng Kim thì không đề cập tới “vẫn” mà chỉ nhắc đến “còn” như sau:

“Khi người ta muốn biểu-diễn cái ý nói về một việc chưa xong hay một thể chưa thay-đổi, hoặc quan-hệ đến một việc khác, thì người ta dùng tiếng trạng tự: còn, hãy còn.

Nó còn ngủ

Bấy giờ nó hãy còn bé, chưa biết gì

Hôm qua lúc tôi đến nó hãy còn ngủ [4, tr.96]

Bùi Đức Tịnh trong “văn phạm Việt Nam thì xếp “còn”, “vẫn” vào nhóm “Trạng-từ biểu-diễn các thời của động-từ và tĩnh-từ”, và ông gọi đây là những trạng-từ đặc biệt (đang, còn, vẫn, hãy còn, đã, rồi, vừa, sắp, sẽ) mà không chỉ ra ngữ nghĩa [10, tr. 106].

Đái Xuân Ninh, trong “Sự hoạt động của từ tiếng Việt” cho rằng:

“Vẫn” biểu thị sự liên tục, kéo dài của động tác mà trước khi nói đã xảy ra. [6, tr.124]

Ví dụ:

Nó vẫn hát

Nó vẫn làm ăn như trước đây

Và cho rằng:

“Còn” là tình thái thời gian xác định động tác của động từ tiếp diễn đến khi nói hoặc đến một lúc nào đó của quá khứ hoặc tương lai.

Ví dụ:

Năm ấy anh ta còn học ở Đại học sư phạm.

Ngày mai chúng ta còn gặp nhau ở đây

“Đang” được thêm vào để nhấn mạnh ý tiếp diễn:

Nó đang còn học

Nó còn đang học. [6, tr.126]

Ta thấy rằng, tác giả đã dùng 2 nhóm từ gần nghĩa để giải thích cho “còn” và “vẫn”: “còn” thì dùng: “tiếp diễn đến khi nói”, “vẫn” thì dùng: sự liên tục, kéo dài của động tác mà trước khi nói xảy ra”. Thực chất tác giả không nêu được sự phân biệt giữa “còn” và “vẫn”.

Đỗ Thanh trong “Từ điển từ công cụ tiếng Việt” cho rằng:

“Còn” dùng để biểu thị sự tiếp diễn của một hành động, trạng thái:

Bố tôi còn làm việc, chưa nghỉ hưu [9, tr.40]

“Vẫn” + biểu thị sự tiếp tục tiếp diễn của một hành động trạng thái tính chất nào đó.

Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân

+ Khi biểu thị ý trái ngược, vẫn ở trong vế nghịch của câu:

Trời mưa, tôi vẫn đi

Chủ nhật và ngày lễ, cửa hàng vẫn mở cửa. [ 9, tr. 230]

Như vậy Đỗ Thanh đã nêu lên một ý nghĩa “ý trái ngược” của “vẫn” mà không thấy ở “còn”.Tuy nhiên rất tiếc là tác giả đã không nhắc đến sự liên quan giữa hai phó từ này. .

Theo chúng tôi, trong các tác giả có đề cập đến “còn” và “vẫn” thì Nguyễn Anh Quế (NAQ) [8] có nhắc đến sự liên quan giữa “còn” và “vẫn. NAQ cho rằng: "Vẫn" biểu thị hành động đang xảy ra chưa kết thúc (nghĩa 1), "vẫn" còn biểu thị ý nghĩa  một hành động, một trạng thái xảy ra thường xuyên không thay đổi hoặc chưa có gì thay đổi. "Còn" chủ yếu được dùng để biểu thị một hành động chưa kết thúc" [8, tr. 88]. Tác giả cho rằng về cơ bản "vẫn" và "còn" rất gần nhau về ý nghĩa. Tuy nhiên làm thế nào để nói cho hiển ngôn về sự khác nhau giữa "còn" và "vẫn" thì tác giả cũng chưa đề cập đến.

Nguyễn Văn Chính [1], trong luận án tiến sĩ ngữ văn có cho rằng "còn" và "vẫn"  khác nhau ở chỗ: "còn" có điểm dừng; "vẫn" tiếp tục mãi (không có điểm dừng), chúng tôi thấy rằng đây cũng là một nhận xét khá độc đáo.

III. Khảo sát lỗi dùng "còn" và "vẫn"

Trong một công trình về lỗi ngữ pháp tiếng Việt của người nước ngoài [5], chúng tôi có tình hình cụ thể như sau về “còn” và “vẫn”:

  • Dùng "còn" trong khi lẽ ra dùng "vẫn": 25 trường hợp
  • Dùng thiếu "vẫn": 5 trường hợp
1. Dùng "còn" trong khi lẽ ra dùng "vẫn"
Ví dụ :
  • Em đã trở về Úc hai tháng rồi. Bố mẹ, anh chị và các cháu của em còn khỏe. (Anh - A)

Câu được chữa (CĐC): ....... Bố mẹ, anh chị và các cháu của em vẫn khỏe.

  • Trời mưa nhưng em còn đi học. (Khơ me – K)

CĐC: Trời mưa nhưng em vẫn đi học.

  • Em có xe máy rồi nhưng em còn đi xe đạp vì em sợ tai nạn. (Nhật - N)

CĐC: Em có xe máy rồi nhưng em vẫn đi xe đạp.

Ở 3 ví dụ trên, sau khi thay "còn" bằng "vẫn" như trong các CĐC, câu tự nhiên hơn và đúng với ý muốn diễn đạt của người học hơn. Quả thật, "còn" và "vẫn" là hai từ vừa có chung nét nghĩa vừa có sự khu biệt nét nghĩa mà rất khó nhận biết. Cho tới nay, chưa có từ điển, sách ngữ pháp nào chỉ ra được sự phân biệt nét nghĩa giữa "còn"và "vẫn" một cách hiển minh. Trong khi đó nếu ta tìm từ tương đương trong các thứ tiếng khác để dịch "vẫn", "còn" thì hầu như (theo những tiếng mà chúng tôi biết) lại chỉ có một từ để biểu thị hai từ này của tiếng Việt.

Ví dụ tiếng Anh : "vẫn", "còn": "still"; tiếng Nhật: "mada", tiếng Trung Quốc là “hái”, tiếng Pháp là “encore”..., chỉ có tiếng Khơ me, là có thể dịch bằng hai từ "nâute" và"nâu". Trong lĩnh vực dạy học tiếng, khi một từ của ngôn ngữ A được thể hiện bằng nhiều từ của ngôn ngữ B thì sự phân biệt và nắm bắt nét nghĩa để dùng đúng là rất khó. Ở đây sự phân biệt giữa "vẫn" và "còn" là một sự phân biệt khá tinh tế, có thể cảm nhận được nhưng lại khó trình bày một cách hiển ngôn.

Chúng tôi cho rằng ý kiến của các tác giả đi trước như đã giới thiệu ở phần II của bài này có phần đúng nhưng chưa đủ. Chính cái yếu tố "đủ" mà chúng tôi sắp nêu lên ở đây sẽ góp phần giúp người học hiểu được sự khác nhau giữa "vẫn" và "còn". Đúng là "vẫn" và "còn" đều cùng chỉ một sự tiếp tục, chưa kết thúc của hành động nào đó. Tuy nhiên, sự phân biệt ở đây theo chúng tôi là: "còn" tại thời điểm phát ngôn chỉ biểu thị một sự tiếp tục của hành động, trạng thái, tính chất mà thôi.

Ví dụ:

Anh ấy còn ngủ.

Tôi còn ở Việt Nam 2 năm nữa.

"Vẫn" tại thời điểm phát ngôn, biểu thị một sự tiếp diễn, chưa kết thúc của hành động, trạng thái (sự tình) nhưng khác "còn" ở chỗ: "vẫn" mang nét nghĩa tình thái mạnh hơn (ý chí của chủ thể), điều quan trọng khi dùng "vẫn", ta thấy hoặc có thể hình dung ra một sự đối lập của sự tình trước "vẫn" và sau "vẫn".

So sánh:

Tôi còn ở Việt Nam 2 năm nữa (thông báo bình thường về kế hoạch).

Tôi vẫn ở Việt Nam 2 năm nữa (hàm ý có một sự tình "đối lập" nào đó nhưng việc ở Việt Nam 2 năm nữa là không thay đổi). Khi "vẫn" được dùng, câu có thể có nhiều hàm ngôn đối lập, chẳng hạn, hàm ngôn của câu trên có thể là:

(Dù sao) Tôi vẫn ở Việt Nam 2 năm nữa.

(Dù đã sắp hết tiền) Tôi vẫn ở Việt Nam 2 năm nữa.

(Vợ tôi muốn tôi về nước nhưng) Tôi vẫn ở Việt Nam 2 năm nữa.

(Dù đã giỏi tiếng Việt nhưng) Tôi vẫn ở Việt Nam 2 năm nữa.

Trong lúc đó, "còn" không kèm theo những hàm ngôn như vậy. Có thể thấy rằng ý nghĩa của "vẫn" rộng hơn, "còn" hẹp hơn nên chúng ta chỉ thấy sinh viên mắc lỗi về "còn" mà không thấy sinh viên mắc lỗi dùng nhầm "vẫn" thành "còn". Bởi vì  những trường hợp dùng sau "còn" được thì đều có thể dùng sau "vẫn" mà không sai ngữ pháp, tuy nhiên có thêm ý nhấn mạnh và tạo hàm ngôn mang nghĩa đối lập. Trở lại những câu sai đã dẫn của người nước ngoài, ta thấy ở ví dụ (1) người học viết : "... Bố mẹ, anh chị và các cháu của  em còn khỏe" trong khi cần dùng "vẫn khỏe" vì có một sự đối lập giữa một khoảng thời gian đã trôi đi với trạng thái "khỏe" ở đây là không thay đổi, bất chấp những điều kiện khác. Trong khi nếu dùng "còn" thì chỉ có ý nghĩa là một sự miêu tả khách quan  về một sự việc, không hàm ý nhấn mạnh. Ví dụ (2) làm cho ta thấy rõ hơn sự khác nhau giữa "còn" và "vẫn" khi biểu thị "ý chí" của chủ thể trong một tình huống khó khăn: "trời mưa" chắc chắn phải dùng "vẫn" chứ "còn" thì không thể biểu thị được ý nghĩa này.

Ví dụ (3) cũng là một sự đối lập giữa "có xe máy" và "đi bộ". Cũng chính do lý do đặc trưng "đối lập" này nên "vẫn" thường kết hợp với "nhưng" ở trước thành "nhưng... vẫn..." lý do chủ yếu của những lỗi này  là do chiến lược giao tiếp và chuyển di giảng dạy, tức là người học đã không được chú ý luyện tập về hiện tượng ngữ pháp này...

2. Dùng thiếu "vẫn":

Trong tất cả các trường hợp dùng thiếu “vẫn” người học đều dùng mẫu câu:

"Mặc dù/ tuy A nhưng B".

Ví dụ:

  • Mặc dù anh ấy bị bệnh nhưng anh ấy - đến trường. (K)
  • Tuy tôi rất bận nhưng tôi - giúp đỡ chị ấy. (Nhật)

Hai ví dụ trên cho ta thấy người học đã viết theo mẫu câu: "Tuy A nhưng B" và người học có cảm tưởng chắc chắn rằng họ đã viết đúng. Tuy nhiên mẫu câu đó chưa được chi tiết hoá hơn với sự xuất hiện của "vẫn":

"Tuy/ mặc dù A nhưng B vẫn C". Cho dù hai câu trên đọc lên không "phản ngữ pháp lắm" do cái cảm giác "Tuy A nhưng B" nhưng người Việt lại không nói như vậy mà phải dùng "vẫn" bởi "vẫn" thể hiện được đặc trưng đối lập giữa A và B. Thậm chí ta có thể bỏ "nhưng" mà không thể bỏ được "vẫn".

Tuy tôi rất bận, tôi vẫn giúp chị ấy.

Ở trường hợp dùng thiếu "vẫn" này, lý do mắc lỗi theo chúng tôi là do 3 nguyên nhân: Chiến lược giao tiếp, vượt tuyến và chuyển di giảng dạy.

Lý do chiến lược giao tiếp ở chỗ vì mục đích giao tiếp nên người học không ngại tạo nên những câu có thể chưa dám chắc đúng.

Lý do vượt tuyến ở chỗ: người học đã học và sử dụng "nhưng" trong nhiều trường hợp nhưng không có "vẫn", vì vậy, khi dùng mẫu : "Tuy... nhưng.... vẫn..." thì người học đã bị áp lực của những trường hợp dùng "nhưng" không cần dùng "vẫn" "lấn át".

Lý do chuyển di giảng dạy ở chỗ: người học ít được chú ý về yếu tố "vẫn" trong mẫu "Tuy/ mặc dù A nhưng... vẫn...". Quả thực là như vậy, khi dạy cho người nước ngoài kết cấu “ tuy/mặc dù A nhưng B’’, các giáo viên cũng như sách giáo khoa tiếng Việt thường không mấy để ý đến chức năng cũng như nghĩa tình thái của “vẫn” trong kết cấu này.

Kết luận

Tiếng Việt cho người nước ngoài quả đúng là “hòn đá thử vàng của một cách miêu tả ngữ pháp tiếng Việt” như GS Cao Xuân Hạo đã nói [3]. Những lỗi ngữ pháp tiếng Việt của người nước ngoài rõ ràng giúp ta nhìn vào được bản chất của một số hiện tượng ngữ pháp chưa được rõ ràng trong tiếng Việt. Cụ thể ở bài này, từ những lỗi về cách dùng từ “còn” và lỗi dùng thiếu từ “vẫn” của người học, chúng ta đã có thể chỉ ra nét nghĩa giống nhau và khác nhau cơ bản giữa “còn” và “vẫn” và chúng ta có thể hiểu được vì sao người nước ngoài sử dụng sai như vậy để có giải pháp giúp người học khắc phục được lỗi. Đối với sách giáo khoa tiếng Việt cho người nước ngoài, nhất thiết, những sự phân biệt như vậy giữa “còn” và “vẫn”/ “vẫn còn” cần được chú ý và luyện tập qua các loại bài tập chữa câu sai, bài tập lựa chọn, bài tập làm đầy câu...

THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Chính (2000) Vai trò của hư từ tiếng Việt trong việc hình thành thông báo phát ngôn, Luận án tiến sĩ ngữ văn, ĐHQG Hà Nội
  2. Corder, S.P. (1973) Introducing Applied Linguistics, Penguin.
  3. Cao Xuân Hạo (1995) Tiếng Việt cho người nước ngoài, hòn đá thử vàng của một cách miêu tả ngữ pháp tiếng Việt, Tiếng Việt như một ngoại ngữ, NXB GD, Tp. HCM.
  4. Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm (1940), Việt Nam văn phạm, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thiện Nam (2001) Khảo sát lỗi ngữ pháp tiếng Việt của người nước ngoài và những vấn đề liên quan, ĐHQG Hà Nội.
  6. Đái Xuân Ninh (1978) Hoạt động của từ tiếng Việt, NXBKHXH, Hà Nội
  7. Hoàng Phê, chủ biên (2003) Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển học & NXB Đà Nẵng.
  8. Nguyễn Anh Quế (1988) Hư từ trong tiếng Việt hiện đại, NXBKHXH, Hà Nội
  9. Đỗ Thanh (2007) Từ điển từ công cụ, NXBGD, Hà Nội.
  10. Bùi Đức Tịnh (1966) Văn phạm Việt Nam, Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục (Sài Gòn)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay4,194
  • Tháng hiện tại108,545
  • Tổng lượt truy cập1,517,261
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây