Dự báo thời tiết qua ca dao, tục ngữ của người Việt đồng bằng Bắc bộ

Thứ sáu - 31/05/2019 09:22
Lao động sản xuất ra của cải vật chất bao giờ cũng là một quá trình tương tác với điều kiện tự nhiên. Vì thế con người luôn luôn phải dựa vào tự nhiên để vừa tận dụng, khai thác những mặt thuận lợi đồng thời cũng phải tìm cách thích ứng, hài hoà với tự nhiên. Vi vậy việc khám phá để chinh phục và thích ứng với tự nhiên, phục vụ nhu cầu tồn tại và phát triển luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cư dân nông nghiệp. Khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, con người chỉ có thể quan sát thực tế để rút ra những quy luật nhằm thích ứng với tự nhiên và vận dụng nó vào đời sống hàng ngày. Chính vì thế ca dao, tục ngữ phản ánh về những hiện tượng khí hậu, thời tiết là một bộ phận quan trọng ra đời sớm nhất thể hiện những chiêm nghiệm và dự báo thời tiết của cha ông ta từ ngàn xưa để lại được lưu truyền trong kho tàng tri thức ca dao, tục ngữ của người Việt.
Dự báo thời tiết qua ca dao, tục ngữ của người Việt đồng bằng Bắc bộ
Dự báo thời tiết qua ca dao, tục ngữ của người Việt đồng bằng Bắc bộ
TS. Nguyễn Thị Phương Anh Khoa Việt Nam học và tiếng Việt Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

Lao động sản xuất ra của cải vật chất bao giờ cũng là một quá trình tương tác với điều kiện tự nhiên. Vì thế con người luôn luôn phải dựa vào tự nhiên để vừa tận dụng, khai thác những mặt thuận lợi đồng thời cũng phải tìm cách thích ứng, hài hoà với tự nhiên. Vi vậy việc khám phá để chinh phục và thích ứng với tự nhiên, phục vụ nhu cầu tồn tại và phát triển luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cư dân nông nghiệp. Khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, con người chỉ có thể quan sát thực tế để rút ra những quy luật nhằm thích ứng với tự nhiên và vận dụng nó vào đời sống hàng ngày. Chính vì thế ca dao, tục ngữ phản ánh về những hiện tượng khí hậu, thời tiết là một bộ phận quan trọng ra đời sớm nhất thể hiện những chiêm nghiệm và dự báo thời tiết của cha ông ta từ ngàn xưa để lại được lưu truyền trong kho tàng tri thức ca dao, tục ngữ của người Việt.

Để nương nhờ vào tự nhiên nhưng không hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên, con người phải hiểu được các cấu trúc và quy luật của yếu tố tự nhiên để đề phòng và kịp thời ứng phó. Trong ứng xử với tự nhiên, một mặt con người biểu thị sự quy phục, sợ hãi, nương nhờ vào tự nhiên nhưng mặt khác con người lại thể hiện sự vươn lên nắm bắt, làm chủ các quy luật của tự nhiên.

Nhưng thái độ sùng bái, tâm lý nương nhờ thiên nhiên của cư dân nông nghiệp được hiểu ra sao, đến mức độ nào không dễ gì có thể xác định được. Việc thống kê để tìm ra tần xuất những câu có nội dung phản ánh thái độ của cư dân với tự  nhiên có thể giúp chúng ra phần nào hình dung được mức độ đó.

Thực tế thống kê cho thấy, trong số 411 câu ca dao, tục ngữ nói về khí hậu thời tiết thì có 57 câu (chiếm tỉ lệ 14%) phản ánh nội dung con người phụ thuộc, nương nhờ, vào tự nhiên. 354 câu (chiếm 86%) nói về kinh nghiệm dự báo thời tiết. Chúng tôi tạm gọi loại này là con người làm chủ được tự nhiên. Những kinh nghiệm này rút ra thông qua việc quan sát trực tiếp và quan sát các sự vật trung gian.

1. Con người phụ thuộc, nương nhờ vào tự nhiên

Từ buổi bình minh của lịch sử, thiên nhiên là môi trường sống thân thuộc nhưng cũng hết sức khắc nghiệt đối với con người. Rừng rậm hoang vu, đầm lầy biển cả, mưa nắng thất thường… luôn là mối lo âu canh cánh trong lòng người nông dân “Ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả”. Nhưng rồi trước thiên nhiên - những đấng siêu nhiên đáng tôn sùng, người nông dân lại tự động viên an ủi mình “Biết sự trời mười đời chẳng khó”. Vì vậy cách khôn khéo nhất của người nông dân là gửi gắm lòng tin vào đấng tối cao là ông Trời để cầu xin Trời đất phù hộ độ trì cho con người và vạn vật tốt tươi, mưa thuận gió hòa. Họ luôn “Trông trời, trông đất trông mây, trông mưa, trông nắng  trông ngày trông đêm…”,” Ơn trời mưa nắng phải thì// Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu…”, “Nhờ trời mưa thuận gió hoà // Nào cầy nào cấy, trẻ già khuyên nhau // Chim, gà, cá, lợn, cành cau // Mùa nào thức nấy giữ màu nhà quê”, Lạy trời mưa thuận gió hòa // Để cho chiêm tốt, mùa tươi em mừng // Ngô khoai chẳng được thì đừng // Có nếp có tẻ trông chừng có ăn… Người Việt cũng như nhiều cư dân nông nghiệp khác thường mang tâm lí phụ thuộc vào thiên nhiên, kính sợ và phụ thuộc vào Trời.

Con số thống kê cho thấy trong tổng số 57 câu có nội dung con người phụ thuộc vào Thiên nhiên, Trời đất đều bắt đầu bằng các động từ có ý nghĩa cầu xin, trông mong và tỏ lòng biết ơn như: “Trông trời”, “Ơn trời”, “Lạy trời” để cầu xin trời đất mang đến cho họ những điều tốt lành, mưa thuận gió hòa.

Biểu đồ 1: Biểu thị hành động và đối tượng con người nương nhờ vào thiên nhiên

Hành động cầu xin của con người Đối tượng cầu xin của con người

Người nông dân chân lấm tay bùn, hồn hậu chất phác luôn tin rằng “cứ xin là Trời cho”, “cứ cầu là được”. Vì thế con người luôn cầu xin Trời ban cho Mưa - Nắng - Gió (nước, ánh sáng và không khí) để cuộc sống con người và mùa màng bội thu. Đặc biệt với nền sản xuất chính của người Việt là canh tác  lúa nước, mưa là một trong những yếu tố thời tiết có ý nghĩa quyết định trong nông nghiệp. Cho nên bà con nông dân đã nhận thức được từ rất lâu có mưa mới có nước để cày, bừa, cấy, gặt… “Không nước không phân // Chuyên cần vô ích; Phân tro không bằng no nước” …

Mưa liên quan đến việc được mùa hay mất mùa trong sản xuất nông nghiệp. Ánh sáng mặt trời thì cung cấp nguồn năng lượng cho cây trồng tiến hành quang hợp để duy trì và phát triển sự sống. Tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ đời sống của cây trồng từ khi hạt nảy mầm, phát triển cho đến khi cây ra hoa kết trái. Thiếu một trong ba yếu tố quan trọng đó sẽ dẫn đến mất mùa hoặc năng suất kém. Chính vì vậy người nông dân đã nương nhờ và gửi gắm niềm tin vào đấng siêu nhiên để mong ước cuộc sống ấm no. Mặc dù con người cũng phải vận lộn để chinh phục thiên nhiên ”Ngăn đồng đổ nước ra sông”, để điều tiết nước cho phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của cây trồng, nhưng đến khi con người cố gắng hết sức mà vẫn không được ông Trời đáp lại mà còn bị trừng phạt bởi thiên tai, hạn hán, lũ lụt... thì họ chỉ còn biết oán trách, dỗi hờn và lo âu: “Một mình lo bẩy lo ba / Lo từ nắng lửa, lo ra mưa dầu”; “Trách ai bằng trách ông trời”, “Trời nắng, trời gió, trời mưa mặc trời”, “Trách trời sao chóng rạng đông,... Vì thế, mọi người mong sao cho được “Trời yên bể lặng” thì mới được “yên tấm lòng”. Lòng mong mỏi, niểm hy vọng tha thiết đó đã được thể hiện qua những câu ca dao “Người ta đi cấy lấy công// Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề// Trông trời, trông đất, trông mây// Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm // Trông cho chân cứng đá mềm // Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng”.

2. Con người làm chủ tự nhiên

Miền Bắc là nơi có bốn mùa, mùa nào cũng có những thử thách khắc nghiệt đi kèm với những thuận lợi. Mùa xuân ấm áp cây cối tốt tươi cũng là mùa của sâu bệnh. Mùa hè nắng nhiều sinh hạn hán, mưa lắm hay gây ra lụt lội, mùa đông gió rét, sương muối tác hại đến vật nuôi, cây trồng… Bằng những chiêm nghiệm, quan sát trực tiếp các hiện tượng thiên nhiên và những biểu hiện của các vật trung gian người ta đã rút ra những kinh nghiệm có tính quy luật của các hiện tượng làm biến đổi thời tiết, khí hậu giúp người nông dân biết trước để góp phần hạn chế những tác hại của thiên tai và rủi ro trong sản xuất.

Qua số liệu thống kê cho thấy có 354 câu trên tổng số 411 câu nói về khí hậu, thời tiết, chiếm 86% có nội dung về thời tiết với đầy đủ các khía cạnh thể hiện con người đã cố gắng tìm cách để chinh phục và làm chủ thiên nhiên. Trong đó, 76 câu (chiếm 21%) qua quan sát những biểu hiện của động vật, 51câu (chiếm 15%) qua quan sát những biểu hiện của thực vật, 227 câu (chiếm 64%) nói về các hiện tượng tự nhiên khác cùng tham gia vào dự báo thời tiết.

Để hạn chế được thiệt hại do thiên nhiên gây ra, con người đã vươn lên nắm bắt các quy luật hoạt động của thiên nhiên trong không gian và trong thời gian: “Làm ăn biết vận biết tuần, biết tuần, biết vận mười phần lợi hơn”. “Biết tuần”, “Biết vận” là nói lên những kinh nghiệm dày dạn của người nông dân. Vẫn biết “Gió mưa là việc của trời”, nhưng ông cha ta đã nắm bắt được sợi dây liên hệ những việc của trời với các hiện tượng trên mặt đất. Họ không chỉ trông trời mà còn trông đất, trông mây, trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm mà họ còn giải mã được những ký hiệu về hiện tượng thời tiết để chủ động trong mọi công việc của nhà nông. Muốn làm chủ được thời tiết, người nông dân đã dựa vào việc quan sát các biểu hiện của sự vật trung gian và các hiện tượng tự nhiên để đoán định thời tiết rút ra những quy luật. Muốn làm được điều đó, người nông dân đã có những cảm quan riêng của mình bằng cách quan sát. Để hiểu sâu hơn ý nghĩa của những kinh nghiệm này, xin xem những phân tich cụ thể dưới đây:

2.1 Quan sát các hiện tượng tự nhiên

Theo các chuyên gia về khí tượng, thủy văn các hiện tượng về khí hậu thời tiết có thể chia thành 3 loại[1]: Hiện tượng xảy ra trong tầng khí quyển gần mặt đất như: mây, mưa, gió, sương… Những hiện diện trong khí quyển như dông, sấm, chớp… Những hiện tượng quang học trong khí quyển như cầu vồng, quầng, tán… Tất cả những hiện tượng thiên nhiên đó đã được phản ánh với mật độ khá dày trong kho tàng ca dao, tục ngữ về khí hậu thời tiết .

Bảng 1: Các hiện tượng tự nhiên tham gia vào dự đoán thời tiết

Hiện tượng tự nhiên Số lượng (câu) Tỉ lệ (%) Tổng (số lượng/ %)
Các hiện tượng tự nhiên tham gia vào dự báo thời tiết Hiện tượng ở tầng khí quyển gần mặt đất Mưa 29 12.8   77/33.9%
Nắng 22 9.7
Mây 8 3.3
Gió 11 4.9
Sương 7 3.0
Hiện tượng trong khí quyển Dông 7 3.0   27/12.0%
Sấm 5 2.2
Chớp 15 6.6
Hiện tượng quang học trong khí quyển Cầu vồng 6 2.6   43/ 19.0%  
Quầng 5 2.2
Tán 3 1.3
Trăng 12 5.3
Sao 6 2.6
Ráng 4 1.8
Mống 7 3.0
Thời gian nông lịch Tháng 29 12.8 29/13.0%
Các hiện tượng khác 51 22.1 51/22.0%
Tổng 227   100 227/100

Con số thống kê ở bảng 1 cho thấy người Việt tích lũy được một kho kinh nghiệm làm căn cứ dự báo hết sức phong phú về tình hình thời tiết qua mối quan hệ giữa các hiện tượng của tự nhiên. Con người có thể căn cứ vào các hiện tượng trong khí quyển, hiện tượng khí quyển gần mặt đất, hiện tượng quang học, thời gian nông lịch như “tháng”:  và các hiện tượng xung quanh khác để nhận biết được thời tiết sắp diễn ra như thế nào. Từ kết quả phân tích tư liệu cho biết các hiện tượng khí quyển gần mặt đất như: mưa, nắng, mây, gió, sương tham gia vào dự báo thời tiết, chiếm tỷ lệ cao nhất (33.9%) so với thời gian nông lịch và các hiện tượng tự nhiên khác tham gia vào dự báo thời tiết (22%). Chẳng hạn: Mặt trời có quầng thì hạn, mặt trăng có tán thì mưa, Mặt trăng úa đỏ trời sắp có mưa, Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa, Nắng lắm thì mưa nhiều, Sấm động gió ta;; Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm… Hay căn cứ vào các hiện tượng quang học trong khí quyển như: “quầng, tán, ráng, vồng, trăng, sao…” Ví dụ: Ráng mỡ gà ai có nhà thì chống; Nắng chóng trưa, mưa chóng tối; Mống đông, vồng tây, không mưa dây cũng bão giật”; Trăng quầng thì cạn (hạn hán), trăng tán thì mưa… Hiện tượng trong khí quyển như “Dông, sấm, chớp”; chẳng hạn như: “Chớp đàng đông nước đồng tràn ngập, Chớp Đông nhay nháy gà gáy thì mưa, Sấm ra cà trổ, Sấm tháng chín, nhịn ăn rau, Chớp bể chớ mừng, chớp rừng chớ lo”. Người nông dân có thể xem các hiện tượng của thiên nhiên cũng có thể dự báo được kết quả của mùa vụ, cây trồng “Cày ruộng tháng năm, xem trăng rằm tháng tám”.

Trong số các hiện tượng tự nhiên tham gia vào dự báo thời tiết thì mưa, nắng có tần số xuất hiện cao nhất so với các hiện tượng ở tầng khí quyển gần mặt đất, chiếm 33.9%. Vì vậy người dân rất chú trọng quan sát đến hai kiểu thời tiết này dưới nhiều góc độ. Tiếp đến là tần số xuất hiện của hiện tượng chớp, gió, mây. Bởi vì tất cả những hiện tượng này có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và nó xuất hiện thường xuyên trong thế giới tự nhiên nên đã được ông cha ta quan sát để rút ra kinh nghiệm và đưa vào lời ăn tiếng nói hàng ngày, gần gũi với đời sống của người dân. Những hiện tượng đó có thể quan sát ở nhiều góc độ, nhiều biểu hiện khác nhau. Và điều đó cũng chứng tỏ những biểu hiện báo hiệu trời mưa, nắng, gió được quan sát qua các kiểu hiện tượng báo trước như: chớp, gió mây, mống, ráng, trăng, sao... luôn là đối tượng tìm hiểu của người bình dân.

Thời gian nông lịch trong năm của người Việt từ ngàn xưa cho đến nay được chia thành 12 tháng: từ tháng giêng đến tháng mười hai hay còn được chia thành mùa: xuân, hạ, thu, đông. Theo đó, tất cả các hiện tượng thiên nhiên diễn ra hàng ngày đều được đề cập tương đối đầy đủ trong đó. Điều này đã được người nông dân đúc kết: “Qua giêng hết năm, qua rằm hết tháng”. Căn cứ vào thời gian mà người nông dân quan sát, chiêm nghiệm thời tiết trong ngày và trong năm “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối”, “Tháng bảy nước nhảy lên bờ”, “Tháng chín mưa rươi, tháng mười mưa cũ”, “Tháng ba mưa đám, tháng tám mưa cơn”, “Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân...Người dân Việt từ xa xưa đã quan sát hiện tượng để đưa ra những nhận xét tinh tế trước sự biến đổi của thời tiết. Không chỉ có sự khác biệt giữa mùa này, mùa kia mà còn có sự thay đổi rõ nét trong một mùa. Các tháng trong năm được nhắc đến nhiều nhất đó là tháng giêng, tháng bảy, tháng ba, tháng chin, tháng mười. Những hiện tượng thời tiết được cha ông ta quan sát cụ thể, tỉ mỉ và phải chăng ngày nay có một nền chiêm tinh học về dự báo thời tiết được kế thừa từ những tri thức dân gian của ông cha. Để rồi từ đó mới phát minh ra những công cụ đo nắng, đo mưa, tính gió, tính mây để dự báo thời tiết từng ngày cho con người như ngày nay.

Trong bảng thống kê các thực thể trong tự nhiên và các vật dụng trong nhà cũng tham gia vào dự báo thời tiết. Những đối tượng được quan sát chúng tôi xếp vào cột các hiện tượng khác có số lượng gồm 51 câu (chiếm 22.1%). Những thực thể ngoài thiên nhiên và đồ vật hiện hữu xung quanh đời sống hàng ngày của con người cũng đã có những biểu hiện ra bên ngoài mà con người quan sát được như:”Ao tù vẩn đục và hôi, bọt nổi lên nước thì trời sắp mưa”; “Chĩnh đổ mồ hôi mưa trôi đầy đồng”;”Đá đổ mồ hôi, mưa trôi đầy đồng”…

Dù có biểu hiện ở mặt này hay mặt khác nhưng tất cả các sự vật, hiện tượng tham gia vào dự báo thời tiết đều có những biểu hiện nhạy cảm và gần gũi với đời sống con người.

2.2 Dự báo thời tiết qua quan sát động vật

Việc quan sát động vật làm căn cứ cho dự báo thời tiết là một trong những nội dung quan trọng được người Việt đề cập trong kho tàng ca dao, tục ngữ. Tuy số lượng câu ca dao, tục ngữ không nhiều, chỉ với 76 câu, nhưng những chỉ báo thu nhận được qua biểu hiện của động vật là rất quan trọng vì đó là những đối tượng nhạy cảm với những giác quan có liên hệ chặt chẽ với tự nhiên. Các loài động vật báo hiệu thời tiết được phản ánh qua ca dao, tục ngữ có thể phân ra thành 5 nhóm như sau: Nhóm các loài chim, nhóm côn trùng, nhóm động vật lưỡng cư, nhóm động vật dưới nước và nhóm bò sát.

Bảng 2: Động vật tham gia vào dự báo thời tiết

Động vật Số lượng (câu) Tỉ lệ (%) Tổng (số lượng/ tỉ lệ%)
Động vật tham gia vào dự báo thời tiết   Nhóm các loài chim Én 17 23.0     30/37.4
6 8.0
Sếu 1 1.3
Ác 1 1.3
Bồ câu/Cu cu 3 4.0
Nhóm côn trùng Kiến 10 13.1     21/ 27.7  
Chuồn chuồn 5 6.5
Ong 2 2.6
Đom đóm 2 2.7
Mối 1 1.3
Tò vò 1 1.3
Nhóm động vật dưới nước 13 17.1 17/24.1
Ốc 3 4.0
Cua 1 1.3  
Nhóm động vật lưỡng cư Cóc 3 3.9 5/6.6
Ếch 2 2.7
Nhóm bò  sát Tắc kè 1 1.3 3/3.9
Rắn 2 2.7
Tổng 76 100 76/100

Những loài vật gắn bó với đồng ruộng thường có những biểu hiện dự báo về thời tiết. Hàng ngày trên cánh đồng của mình, người nông dân nhìn vào những loài vật để cảm nhận sự thay đổi của thời tiết. Từ đó, họ có cách ứng dụng thời tiết vào trong công việc canh tác của nhà nông cho phù hợp và kịp mùa vụ.

Trong số các con vật có khả năng báo hiệu thời tiết, được nhắc đến nhiều nhất là nhóm các loài chim, chiếm tỉ lệ 37.4%, trong đó số lần nhắc đến loài chim én chiếm tới 23%. Có thể én là con vật liên quan mật thiết đến hiện tượng nắng, mưa. Chẳng hạn: “Én bay thấp mưa ngập bờ ao // Én bay cao mưa rào lại tạnh, Én ra tháng ba, ngâu ra tháng bảy…”. Tiếp đến là nhóm côn trùng (kiến, chuồn chuồn, ong, đom đóm, mối, tò vò) chiếm 27.7%; nhóm động vật dưới nước (cá, ốc, cua) chiếm 24.1% đứng vị trí thứ ba là; nhóm động vật lưỡng cư (cóc, ếch) chiếm 6.5% và cuối cùng là nhóm bò sát (tắc kè, rắn) chiếm tỉ lệ thấp nhất là 3.9%.

Trong tổng số 16 loài vật tham gia vào dự báo thời tiết, sau con chim én với tần số nhiều nhất là 17 lần là con cò, xuất hiện 6 lần (tỉ lệ 8.0%), con ác, con sếu xuất hiện ít nhất là 1 lần (1.3%). Con én là một loài chim nhỏ trong tự nhiên, lông màu đen, cánh dài và nhọn, chân ngắn để có thể đậu được nhưng không thể đi lại được trên mặt đất. Chim én bay nhanh (35m/s), thường gặp nhiều vào mùa xuân. Vào những ngày cuối đông sang xuân, những đàn chim én di trú để tránh cái lạnh của mùa đông. Để rồi khi xuân về, én cùng gió bay về quê hương của mình và bắt đầu bước vào một cuộc sống mới. Ở Việt Nam, chim én được coi là sứ giả của mùa xuân, mùa xuân và chim én là hai biểu tượng có quan hệ mật thiết với nhau, nhất là ở nơi có khí hậu nhiệt đới như nước ta. Ở châu Âu, chim én trở thành một hình ảnh biểu trưng cho sự hồi quy vĩnh cửu và bố cáo về sự phục sinh. Trong thần thoại thế giới Celtic, chim én lại biểu trưng cho sự phì nhiêu, sự luân phiên và sự đổi mới. Còn trong Đạo Hồi, chim én biểu trưng cho đức lương thiện và là loài chim của thiên đường. Với khả năng nhạy cảm và tinh tế của loài chim én, người Việt đã quan sát chim én để biết được diễn biến của thời tiết sắp xẩy ra. Chim én đã được lưu truyền trong kho tàng ca dao, tục ngữ người Việt về nội dung dự đoán thời tiết khá đậm nét.

Tần số xuất hiện đứng thứ hai sau nhóm các loài chim là nhóm các con vật sống dưới nước: cá, ốc, cua xuất hiện 17 lần chiếm 24.1%. Trong số đó cá (nói chung) là một con vật được nhắc đến nhiều nhất 13 lần (tỉ lệ 17.1%). Trong đời sống người Việt, cá là sinh vật quen thuộc và gợi liên tưởng mạnh hơn cả. Với đặc điểm bản thể cá là một sinh vật mà đời sống gắn với không gian nước rộng lớn, cá có khả năng báo hiệu sự thay đổi của thời tiết “Cá ngoi mặt nước là trời sắp mưa, Gió bấc cá thu, sương mù cá đục, Mồng bốn cá đi ăn thề, mồng tám cá về cá vượt vũ môn”…

Nhóm côn trùng gồm có 5 loài vật: kiến, chuồn chuồn, ong, mối, tò vò tham gia vào dự báo thời tiết với tổng số xuất hiện 14 lần (chiếm tỉ lệ 18.6%) đứng thứ 3 trong nhóm thực vật tham gia vào dự báo thời tiết. Trong nhóm đó có chuồn chuồn xuất hiện nhiều nhất là chuồn chuồn 5 lần, kiến 3, ong 2, đom đóm 2, mối và tò vò 1 lần. Chuồn chuồn trong thiên nhiên là một trong những loài côn trùng có khả năng thể hiện giá trị thẩm mỹ cao của lớp sâu bọ do có đôi cánh chập chờn với các loài hoa, với thiên nhiên khoáng đạt. Vì vậy chuồn chuồn là loài vật rất nhạy cảm với thời tiết. “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm”

Nhóm động vật lưỡng cư chỉ có 2 loại (cóc, ếch) và nhóm bò sát (tắc kè, rắn) tham gia vào dự báo thời tiết. Đây là loại động vật rất nhạy với thời tiết, nhưng tính dự báo của chúng khá đơn điệu nên cũng chỉ được nhắc đến trong một số trường hợp.

2.3 Dự báo thời tiết qua quan sát thực vật

Nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển cây trồng và vật nuôi ở nước ta. Không chỉ căn cứ vào các loài động vật cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ còn dựa vào các loài thực vật để dự đoán thời tiết. Xin xem bảng thống kê dưới đây:

Bảng 3: Thực vật tham gia vào dự báo thời tiết

Thực vật Số lượng (câu) Tỉ lệ (%) Tổng (số lượng, %)
Thực vật tham gia vào dự báo thời tiết Cây trồng Cây lương thực Lúa 18 35.0 22/42.7
Khoai 4 7.9
Cây ăn quả Nhãn 3 5.9     12/23.8
Bưởi 2 4.0
Ổi 1 2.0
Dâu 2 4.0
Chuối 1 2.0
Sim 1 2.0
Trám 1 2.0
Cau 1 2.0
Cây hoa màu Dưa 3 5.9 6/11.7
2 3.9
Mía 1 2.0
Cỏ cây (có trong tự nhiên) Cây (Rễ) si 4 8.0 7/14.0
Tre 1 2.0
Xoan 1 2.0
Bàng 1 2.0
Cỏ Cỏ gà 3 5.9 4/7.8
Rêu 1 2.0
Tổng 51 100 51/100

Trong số các loài thực vật tham gia vào dự báo thời tiết, có thể chia ra thành 5 nhóm: Nhóm cây lương thực (lúa, khoai), nhóm cây hoa màu (dưa, cà, mía), nhóm cây ăn quả (nhãn, bưởi, ổi, dâu, chuối sim, trám, cau) nhóm cỏ cây (có trong tự nhiên) (cỏ gà, rêu, (rễ) si, tre, xoan, bàng). Nhóm cây lương thực tuy chỉ có mặt 2 loại lúa và khoai nhưng có tần số xuất hiện cao hơn cả 22/51 lần (chiếm tỉ lệ 42.7%), lúa xuất hiện 18 lần, khoai xuất hiện 4 lần. Điều này cũng dễ hiểu vì nền sản xuất của Việt Nam chủ yếu là sản xuất nông nghiệp trong đó cây lúa chiếm một vị trí rất quan trọng. Cây lúa rất gần gũi với người nông dân, lúa được coi là món ăn chính để nuôi sống con người. Vì vậy ngoài việc xuất hiện tên chính là lúa, chúng tôi còn thống kê được 23 lần xuất hiện với các tên của biến thể như: mạ, đòng đòng, thóc, gạo “Chớp đàng đông mưa dông mạ tốt; Trông mưa cho tốt lúa đòng // Cho khoai có củ, nạ dòng có con; Tre ngà trổ hoa, lúa mùa rồi hỏng // Tháng tám mưa trai, tháng hai mưa thóc, Tháng chín mưa rươi, tháng mười mưa mạ, Sấm động đằng Tây thì đầy bồ thóc,…

Các nhóm cây có tần số xuất hiện tiếp theo lần lượt là nhóm cây ăn quả 12 lần với 8 loài cây khác nhau, chiếm 23,8%, Nhóm cỏ cây (nói chung) xuất hiện 11 lần với 6 loại cây chiếm tỉ lệ 21.8%. Cuối cùng là loại cây hoa màu với số lần xuất hiện là 6 với 3 loại cây trồng chiếm tỉ lệ 11.7%. Trong nhóm thực vật, ngoài việc quan sát sự thay đổi của cây lúa, người nông dân còn rất chú ý đến những biểu hiện của cây nhãn, cỏ gà, rễ si, dưa, cà, chuối, tre… để dự báo thời tiết.

KẾT LUẬN

Từ những nhận định của các nhà nghiên cứu cho rằng: “Con người luôn trông chờ vào thiên nhiên” nhưng qua khảo sát và phân tích tư liệu ca dao, tục ngữ thì cho thấy con người thể hiện sự quy phục, nương nhờ vào thiên nhiên chỉ chiếm có 14%. Những câu ca dao, tục ngữ có liên quan đến dự báo thời tiết thể hiện con người vươn lên để nắm bắt được quy luật của thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên thì lại chiếm 86%. Điều đó cho phép tôi có nhận xét: Theo tư duy thông thường con người luôn phải nương nhờ, trông cậy vào tự nhiên nhưng trên thực tế Con người thể hiện luôn vươn lên nắm bắt quy luật để làm chủ tự nhiên.

Con người phụ thuộc vào Thiên nhiên, Trời đất đều bắt đầu bằng các động từ “Trông trời”, “Ơn trời”, “Lạy trời” để cầu xin trời đất mang đến cho họ những điều tốt lành. Trong đó: Mưa, nắng là hai hiện tượng có tần số xuất hiện cao nhất so với các hiện tượng tự nhiên tham gia vào dự báo thời tiết.

Chim én là con vật được nhắc đến nhiều nhất trong số các con vật tham gia vào báo hiệu thời tiết. Vi chim én là con vật liên quan mật thiết đến hiện tượng nắng, mưa; Cá là sinh vật quen thuộc và gợi liên tưởng mạnh hơn cả so với các loài vật dưới nước khác. Trong số các loài thực vật tham gia vào dự báo thời tiết thì cây lúa và những biến thể của cây lúa như: mạ, đòng đòng, thóc, gạo xuất hiện nhiều nhất. Điều đó chứng minh cây lúa không chỉ chiếm vị trí quan trọng. trong đời sống con người mà còn cả trong dự đoán, báo hiệu thời tiết, nông lịch.

Có thể thấy tuyệt đại đa số những câu ca dao, tục ngữ có liên quan đến tên gọi thực vật trên ruộng vườn và xung quanh nhà ở của người Việt đồng bằng Bắc Bộ tham gia vào dự báo thời tiết còn hầu như các tên gọi thực vật ở Nam Bộ không thấy xuất hiện. Điều đó càng khẳng định quá trình lịch sử của vùng đồng bằng Bắc Bộ hình thành lâu đời hơn, xa xưa hơn đồng bằng Nam Bộ. Do đó những loại cây vùng Bắc Bộ gắn bó hơn với đời sống của người Việt so với các loài thực vật được canh tác ở vùng đất mới khai khẩn sau này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Thúy Anh (2009), Ứng xử cổ truyền với tự nhiên và xã hội của người Việt châu thổ Bắc Bộ qua ca dao, tục ngữ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  2. Nguyễn Duy Cách (2001), Tri thức về lao động sản xuất qua ca dao, tục ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 4, tr.15.
  3. Nguyễn Nghĩa Dân (1987), Đạo lý trong tục ngữ, Tạp chí Văn học, số 5, tr.57-66.
  4. Chu Xuân Diên (2004), mấy vấn đề văn hóa và văn học dân gian Việt Nam, Nxb Văn nghệ TPHCM, tr.282.
  5. Vũ Dung, Thúy Anh, Vũ Quang Hào (1997), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  6. Vũ Minh Giang (2009), Lịch sử Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Giáo dục.
  7. Diệp Đình Hoa (2000), Người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Khoa học xã hội, HN
  8. Phan Huy Lê (chủ biên), (1997), Cuộc sống nông thôn ở châu thổ sông Hồng, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  9. Đỗ Kim Liên (2006), Trường ngữ nghĩa về cây lúa và các sản phẩm từ lúa phản ánh đặc trưng văn hóa lúa nước trong tục ngữ người Việt, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4 tr.34-39.
  10. Nguyễn Trọng Lực (1949), Tiếng nói của đồng ruộng (hay là nghề nông Việt Nam qua ca dao, tục ngữ), Nxb Khoa học Xã hội.H
  11. Hoàng Hữu Triết, (1973), Bước đầu tìm hiểu về khí tượng dân gian Việt Nam , Nxb Giáo dục, H, tr.5
  12. Trần Quốc Vượng (2005), Môi trường con người và văn hoá, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

[1]  Hoàng Hữu Triết, (1973), Bước đầu tìm hiểu về khí tượng dân gian Việt Nam , Nxb Giáo dục, H, tr.5

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay2,442
  • Tháng hiện tại50,836
  • Tổng lượt truy cập924,475
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây