Đặng Hoàng Giang
(Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (2010), số 6 (123), 72-76, Hà Nội.)
- Cuộc kinh dinh miền Tây Nam Bộ, dù chỉ kéo dài trong khoảng 50 năm thế kỉ XVIII, đã mở ra bước ngoặt lớn cho toàn bộ quá trình Nam tiến của người Việt. Sự xác lập trục quan hệ Hà Tiên - Thuận Hoá là động lực lớn của giai đoạn lịch sử này. Phần còn lại của bài sẽ lần lượt phân tích bối cảnh, nội dung, bản chất và hệ quả của nó.
Khoảng thời gian vừa nêu là giai đoạn huy hoàng (
splendid)
1 của lịch sử Hà Tiên nói riêng và lịch sử mở cõi của họ Nguyễn nói chung ở phía Tây đồng bằng Nam Bộ. Hà Tiên, từ chỗ là vùng đất “hoang nhàn”, được họ Nguyễn “nâng cấp” thành một trấn
2. Sau thập niên 30 thế kỉ XVIII, kế thừa thành quả khai phá của Mạc Cửu và những lớp lưu dân đầu tiên, Mạc Thiên Tứ đã nâng Hà Tiên lên một tầm vóc mới. Trong mắt người đương thời, Hà Tiên mang vị thế của một quốc gia, hay ít ra là một cõi bờ có quyền tự trị riêng của nó. Không phải ngẫu nhiên mà các tài liệu Trung Hoa đương thời gọi Hà Tiên là một tiểu quốc. Hay như sau này, bóng dáng một nước Hà Tiên, dù là “nước đệm”, cũng hiện hình qua khái niệm
buffer-state do nhiều học giả quốc tế sử dụng nhằm diễn đạt tình thế chính trị của nó: một quốc gia nhỏ bị kẹp giữa các nước lớn (Đại Việt - Đàng Trong, Siam, Chân Lạp).
Trong khi đó, với Thuận Hóa, đây là giai đoạn đẩy mạnh khai thiết đồng bằng miền Tây, với một tốc độ mau chóng hơn bất cứ thời kì nào trước đó. Hệ quả, cùng với sự mở rộng địa vực lãnh thổ, các chúa Nguyễn đã khuếch trương vị thế của mình xuống tận Nam cực MêKong. Đây là tiền đề cho phép họ nắm bắt các nguồn lợi mới nhiều hứa hẹn
3...
Sự bừng khởi đồng thời của hai thực thể hoàn toàn tách biệt về địa lí và hầu như chưa có những liên hệ trước đó hẳn không phải là những quá trình tự phát ngẫu nhiên. Lưu ý rằng, chúng diễn ra trong thời kì mà mối liên hệ giữa Hà Tiên và Thuận Hóa bắt đầu hình thành và liên tục được gia cố. Câu hỏi đặt ra: phải chăng có một cộng hưởng (
resonance) nào đó giữa sự xác lập trục quan hệ Hà Tiên - Đàng Trong với tình trạng phát triển đồng thời của chúng?
- Các biên khảo, nghiên cứu về Hà Tiên và Đàng Trong giai đoạn này thường không chú ý đặt các dữ kiện trong bối cảnh, mà, ở đó, sự kết nối giữa hai phía đã diễn ra. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu điển hình về nền thương mại Hà Tiên thế kỉ XVIII của GS. Li Tana và Paul A.Vandyke, mặc dù thái độ trọng thương của các chúa Nguyễn có được nhắc đến như là nhân tố hậu thuẫn từ bên trên, người đọc vẫn chưa thấy hiện lên mối gắn đặc biệt nào giữa Hà Tiên với Thuận Hoá so với các vùng đất Nam mới4. Nói cách khác, bóng dáng Thuận Hoá chỉ hiện hữu lờ mờ sau ánh vàng son của chủ thể đối diện. Trong khi, từ sau 1708 (như sẽ được chứng minh dưới đây), trong quan hệ này, sự xuất hiện của nhân tố đầu là nguyên nhân dẫn đến trạng thái phát triển mới của nhân tố sau và ngược lại.
Một công trình khác, của GS. Trần Kinh Hòa (Chingho A.chen), tiếp cận Hà Tiên từ góc độ quan hệ khu vực. Ở đây, Hà Tiên, cùng với Siam, Pontianak và Songkhala, hình thành nên một “không gian Hoa kiều” thế kỉ XVIII, nơi chứng kiến những mối quan hệ phức tạp, chồng chéo giữa các nhóm địa phương vùng Hoa Nam, đặc biệt là hai nhóm Tiều Châu và Quảng Đông do Phraya Taksin và Mạc Thiên Tứ cầm đầu
5. Với cách đặt vấn đề như vậy, dĩ nhiên, chúa Nguyễn và Đàng Trong không thuộc phạm vi đề cập của công trình. Cũng theo hướng tư duy khu vực học, gần đây, PGS.TS Nguyễn Văn Kim có một bài viết công phu:
Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực. Đầu bài đã chỉ rõ mục đích của tác giả: đánh giá vị thế Đàng Trong qua mạng lưới quan hệ khu vực mà nó xác lập. Mạng lưới ấy liên kết nhiều đối tượng, trong đó có Hà Tiên
6. Do bàn đến nhiều đối tượng khác nhau, phần nội dung liên quan đến trục quan hệ Hà Tiên - Thuận Hóa mới chỉ là những phác thảo ban đầu. Để tiếp tục thức nhận vấn đề, chúng ta cần những cứ liệu cụ thể, đa dạng hơn.
Rõ ràng,
sự hiện hữu của trục quan hệ Hà Tiên - Thuận Hoá trong khoảng 5 thập niên giữa thế kỉ XVIII chưa được quan tâm đúng mức trong các nghiên cứu liên quan. Tiểu luận này, muốn tiếp tục con đường của những người đi trước, bằng hai bước tư duy: một là,
xem trục quan hệ Hà Tiên - Đàng Trong là một đối tượng nghiên cứu; và, hai là,
một động lực quan trọng của lịch sử Hà Tiên nói riêng và lịch sử Nam tiến của người Việt nói chung ở miền Tây Nam Bộ.
- Bối cảnh hình thành quan hệ
4.1. Viễn tượng Trung Hoa và Đông Nam Á
a) Trung Hoa
Nửa sau thế kỉ XVII, Trung Hoa bước vào giai đoạn chuyển đổi quyền lực: triều Thanh của ngoại tộc Mãn Châu thế chỗ triều Minh của người Hán. Xã hội Trung Hoa biến động… Trung Hoa trong thế kỉ này và các thế kỉ sau đó chứng kiến một hiện tượng lịch sử quen thuộc: di cư (
migration). Dân Hoa Nam (Triều Châu, Phúc Kiến, Lưỡng Quảng…) ồ ạt tháo chạy khỏi Đại lục, hướng về Đông Nam Á. Quá trình này càng được đẩy mạnh từ sau 1684 - khi tân triều Mãn Thanh bãi bỏ sắc lệnh “hải cấm” của cựu triều
7. Đông Nam Á trở thành “miền đất hứa” (
The promised land) của Hoa kiều và thế kỉ XVIII được gọi là thế kỉ Trung Hoa (
The Chinese century)
8.
Nét chính toát lên từ lịch sử cộng đồng Hoa kiều Đông Nam Á thời kì này, đó là: “họ đã giúp đỡ những thủ lĩnh địa phương [của nơi họ đến] giành lấy quyền vị của mình, đã phục vụ họ như những chức sắc sở tại, thiết lập được địa bàn cư trú của họ với một chính thể tự trị, kế cả các nhà nước tự do. Những hoạt động có tính chất di thực như thế chỉ ra một cách rõ ràng mức độ lớn rộng của cộng đồng Hoa kiều phi êu lưu; và cũng đánh dấu sự hiện diện của cách quản lí có tổ chức, có sắp xếp của họ trong thế kỉ XVIII ở vùng Đông Nam Á”
9. Nhiều nhóm Hoa kiều, do một thủ lĩnh cầm đầu, đã tham gia mạnh mẽ vào đời sống của một số quốc gia khu vực. Bên cạnh cộng đồng người Hoa ở Đàng Trong, có thể kể đến trường hợp của Phraya Taskin có cha Hoa - mẹ Xiêm, làm vua Siam từ 1768- 1782; và một vài nhóm khác ở vùng trung tâm bán đảo Mã Lai: Patani, Ligor, Songkhla, Pontianak…
10
b) Đông Nam Á
Điểm chung của một số quốc gia Đông Nam Á thế kỉ XVIII, như nhiều học giả quốc tế thừa nhận: đã tồn tại xu hướng
giãn nở cấu trúc lãnh thổ, cấu trúc kinh tế - chính trị so với nền tảng khởi nguyên. Điều này có thể tạo ra xáo trộn ban đầu trong nội bộ mỗi nước. Nhưng đó chỉ là sự xáo trộn tạm thời, trước khi đi đến một trình độ thống nhất cao hơn ở giai đoạn sau. Yumio Sakurai và Takako Kitagawa viết: “thế kỉ XVIII có vẻ là thế kỉ huy hoàng nhất cho các hoạt động chính trị của Hoa kiều ở Đông Nam Á và cho sự hợp nhất nhà nước ở Burma (Miến Điện), Siam và Đại Việt; trong khi sự bành trướng thuộc địa của người Hà Lan ở vùng quần đảo (Inđônêsia) cũng được bắt đầu”.
11 Yumio Sakurai còn nhấn nhá ý này trong một bài luận xuất sắc khác: “Nói chung, khoảng từ giữa thế kỉ XVIII, một số nhà nước ở Đông Nam Á lục địa (
mailand Southeast) bắt đầu một quá trình đấu tranh lâu dài với nhau - nó đã kết thúc với việc thiết lập các vùng lãnh thổ của họ [theo hướng] xa dần các trung tâm ban đầu”.
12
Bacbara Watson Andaya cũng có một cách nhìn khá gần gũi với giới học giả Nhật Bản: “Từ một cái nhìn đương đại thuận lợi, [có thể thấy rằng], ở Đông Nam Á, sự phát triển có ý nghĩa nhất của giai đoạn cận thế là sự dịch chuyển tiệm tiến hướng đến các cộng đồng chính trị rộng mở hơn - những cái mà rồi đây sẽ thiết đặt nền tảng cho các nhà nước - dân tộc (
nation - state) sau này”.
13 Cụ thể hơn: “Vào cuối thế kỉ XVI, dễ dàng nhận ra một xu hướng rất rõ ràng trên lục địa Đông Nam Á. Bất kể đây vẫn là thời kì của sự cát cứ, phân quyền (
fragmentation), cơ sở cho sự thống nhất trong tương lai ở Siam, Miến Điện, Đại Việt đã ra đời; và các nhà nước này đã đánh dấu sức mạnh tiềm tàng của họ qua sự lấn lướt Ai lao và Chân Lạp”.
14
4.2. Đàng Trong và Hà Tiên trước thời điểm hình thành quan hệ
a) Đàng Trong
Từ thế kỷ XVI, chính quyền Thuận Hoá bắt đầu đẩy mạnh chiến lược Nam tiến. Vào cuối thế kỷ XVII, người Việt đã có mặt tại miền Đông Nam Bộ ngày nay. Năm Mậu Dần (1698), đời chúa Nguyễn Phúc Chu, thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Nam Bộ, lập hai dinh Phiên Trấn (Gia Định) và Trấn Biên (Biên Hoà).
Sự kiện 1698 trở thành cột mốc quan trọng trên bước đường Nam tiến của họ Nguyễn. Sau hành trình gần 100 năm, cư dân Việt đã xác lập được chỗ đứng trên vùng Đông Nam Bộ. Với một thế lực đang trên đà lớn mạnh, chúa Nguyễn hẳn còn muốn vươn xa tới những vùng đất bỏ ngõ của đồng bằng miền Nam. Vả lại, sự suy thoái của hệ thống thương mại ven biển miền Trung càng thúc đẩy người Việt chiếm lĩnh vùng đồng bằng mới ở phía Nam, nhất là khi chúng đem về quá nhiều nguồn lợi: “Từ đầu thế kỷ 18, một số lượng lớn thóc gạo đã bắt đầu được sản xuất tại đồng bằng này và sớm trở thành mặt hàng trao đổi chính của vùng. Sản xuất thóc gạo với mục đích thương mại chắc chắn là một trong những giai đoạn quan trọng nhất của Đàng Trong vào thế kỷ XVIII và là một biến cố có ý nghĩa trong lịch sử Việt Nam… Nó đã trở thành động cơ thúc đẩy bước phát triển xa hơn nữa xuống phía Nam của người Việt Nam và tạo cơ hội đẩy trọng tâm kinh tế xuống phía Nam. Tất cả những thứ đó cũng đủ để chế độ họ Nguyễn gia tăng nỗ lực đưa đồng bằng sông Cửu Long vào trong hệ thống chính trị và kinh tế của họ”.
15
b) Hà Tiên
Lịch sử Hà Tiên bắt đầu sang trang khi Mạc Cửu, một thương nhân Quảng Đông tị nạn ở Cao Miên, tổ chức dân “tứ chiếng” khai phá xứ này. Sự kiện đó diễn ra vào những năm 70 thế kỉ XVII. Tài liệu Nguyễn ghi nhận: Mạc cửu “mở phố xá, chiêu tập dân cư trú khắp nơi đến ở Phú Quốc, Cần Bột, Rạch Giá, Lũng Kì, Hương Úc và Cà Mau, lập thành 7 thôn xã”
16. Đầu thế kỉ XVIII, sau khi Mạc Cửu từ Siam trốn về, Hà Tiên trở nên phồn thịnh.
Bấy giờ, Hà Tiên là một điểm sáng đặc biệt: “Suốt vùng duyên hải nằm trong vịnh Thái Lan, cho đến cuối thế kỷ XVII, trung tâm thương mại nổi tiếng nhất là một cảng sông cũ: Banteay Meas trong tiếng Khmer, Kang Kou (cảng khẩu) trong cách gọi của người Trung Quốc... Một vài cảng khác từng tồn tại hoặc đã phát triển trong thế kỷ XVIII ở phía Tây Nam bộ, như Rạch Giá, Hòn Đất và Kampot, nhưng không một cảng nào [trong số các cảng vừa nêu] có thể liên kết được với sông Bassack (Hậu Giang). Chỉ có Banteay Meas, và Hà Tiên nằm ở cửa sông ấy, là có thể tiếp xúc được qua các lộ trình theo mùa với các nhánh hạ lưu Mekong gần Châu Đốc bằng cách xuôi theo dòng của nó, sau đó vượt qua một vùng nằm ở quãng dưới nữa, vùng mà thường ngập sâu dưới nước trong mùa mưa”.
17
Tuy nhiên, vị thế kinh tế nổi bật đã khiến Hà Tiên sớm “bị qui hoạch” trong chiến lược bành trướng của các quốc gia láng giềng, nhất là Ayutthaya. Nói khác đi, Hà Tiên khởi hưng đúng vào giai đoạn nhạy cảm của các nước lục địa Đông Nam Á: họ đang hối hả tiến về biển, về các đồng bằng phương Nam mới mẻ, màu mỡ và khai phóng. Do vậy, yêu cầu bức thiết của Hà Tiên, vào đầu thế kỉ XVIII, là kiếm tìm một thế lực chính trị để làm chỗ dựa căn bản. Trong bối cảnh đó, Thuận Hoá trở thành lựa chọn cuối cùng của họ.
- Nội dung - bản chất quan hệ
Quan hệ Đàng Trong - Hà Tiên không chỉ là quan hệ tâm - biên đơn thuần. Thực tế, trục quan hệ này mang hơi hướng của mô hình quan hệ triều cống (
tribute relation), một mô-típ quen thuộc trong truyền thống văn hoá - chính trị Nho giáo phương Đông
18. Tài liệu thế kỉ XIX ghi chép về cuộc hội ngộ giữa chúa Nguyễn và họ Mạc vào năm 1708 đượm lễ nghĩa Nho gia, gợi liên tưởng đến hàng loạt sự kiện dâng biểu - phong thần trong chính sử các nước Á Đông, đặc biệt là Trung Hoa: “Hiển Tông hoàng đế, năm thứ 17 Mậu Tý (1708), mùa thu, Cửu cùng thuộc hạ là bọn Trương Cầu, Lý Xá mang ngọc lụa đến tận cửa khuyết dâng biểu xưng thần, xin làm Hà Tiên trưởng. Chúa thấy Cửu tướng mạo khôi ngô kỳ liệt, tiến lui cung kính, cẩn thận, khen là trung thành, bèn ban sắc cho làm thuộc quốc, đặt tên trấn ấy là trấn Hà Tiên, trao Mạc Cửu làm chức Tổng binh, ban cho ấn và thao. Lại sai nội thần tiễn đưa Cửu ra ngoài cửa thành. Ai cũng cho là vinh dự”.
19
Một miêu tả khác: “Khi ấy, có một mưu sĩ họ Tô đến nói với Thái Công (chỉ Mạc Cửu) rằng: người Cao Miên … không thể nào dựa cậy lâu dài được. Chi bằng hãy xin hàng nước Việt, xin nhận chức và xưng thần để làm chỗ căn bản, nếu vạn nhất có xảy ra điều gì thì cũng có người giúp đỡ. Thái Công liền cho là phải bèn sắm sửa thuyền bè, mang theo thuộc hạ và tờ biểu văn, ra đến tận cửa khuyết để xin làm phiên thần. Đó là mùa thu, tháng 8 năm Giáp Ngọ,
20 Lê Triều Tiên Thánh Hiếu Minh Hoàng Đế năm thứ hai mươi tư. Nam triều Tiên Vương thấy Thái Công tướng mạo khôi ngô, dáng vẻ kiệt hiệt, cử chỉ kính cẩn, khen là người có lòng trung thành, bèn hạ chỉ cho làm thuộc quốc, đặt tên đất Thái Công cai trị là trấn Hà Tiên, phong (cho Thái Công) chức Tổng Binh, ban ấn tín và sai nội thần tiễn Thái Công đến tận cửa ải. Thực là một vinh dự đặc biệt hiếm thấy”.
21
Trong mô hình quan hệ nói trên,
Đàng Trong là nhà nước trung tâm, Hà Tiên là thuộc quốc - chư hầu. Hà Tiên vừa chấp nhận sở thuộc Thuận Hoá, vừa được triều đình trung ương ban nhiều đặc ân. Dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), Nguyễn Phúc Chú (1725 - 1738), Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1756), Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1776), Hà Tiên có được một không gian tự do để xây dựng và phát triển.
- Về kinh tế: Thời Mạc Thiên Tứ, Hà Tiên được cấp 3 chiếc thuyền Long Bài miễn thuế để giao thương với lân bang. Ưu ái hơn, chúa Nguyễn còn cho phép Hà Tiên đúc tiền riêng, 3 năm ra Huế cống nạp một lần. Sử chép: “Năm Đinh Mão (1747), tháng 4, Mạc Thiên Tứ sai người đi thuyền Long Bài ra Huế đem dâng chúa Nguyễn ngọc kim cương thuỷ hoả, ngọc hạc đính, 20 con trĩ, 1 con gà tây, 1 con chó tây, 5 con vẹt biết nói long ngũ sắc, nhiều thứ chiếu. Chúa Thế Tông ban 4 đạo sắc bổ nhiệm Cai Đội, Đội Trưởng làm việc ở Trấn cùng gấm, đoạn và đồ dùng cho Thiên Tứ, giao thuyền ấy chở về”.22 Ngoài ra, thuyền Hà Tiên đến giao dịch ở các cảng thuộc Đàng Trong cũng được miễn thuế khá nhiều so với thuyền nơi khác23.
- Về ngoại giao: Họ Mạc được quyền chủ động giao thiệp với bên ngoài. Dõi theo lịch sử miền Tây Nam Bộ trong khoảng 50 năm giữa thế kỉ XVIII, đằng sau các sự kiện gắn liền với mối quan hệ tay ba phức tạp giữa Đàng Trong - Siam - Cao Miên, luôn nổi lên vai trò “con thoi” năng động của Mạc Thiên Tứ. Trong nhiều trường hợp, ông đảm nhận vai trò là người thay mặt chúa Nguyễn giải quyết các vụ việc phát sinh ở vùng biên. Mạc Thiên Tứ cũng cho người mang thư đến Trung Hoa và Nhật Bản để đặt quan hệ thương mại. Trong một bức thư gửi Sô-Gun Nhật Bản viết bằng tiếng Khơmer vào năm 1742, Mạc Thiên Tứ tự gọi mình là “vua Chân Lạp” (Reacea Krong Kampucea Tiptei) . Căn cứ vào chi tiết này, Yumio Skurai và Takako Kitagawa cho rằng từ sau thập niên 30 thế kỉ XVIII, Hà Tiên nên được xem là một tiểu quốc (Ha Tien kingdom), mặc dù quan hệ triều cống của nó với Thuận Hoá không được đều kì cho lắm24.
- Về quân sự: Hà Tiên được xây đồn luỹ, lập quân đội riêng. Bấy giờ, dưới quyền Mạc Thiên Tứ là một quân đội đa tộc người: Việt - Hoa - Khơmer - Malay… Dựa vào hệ thống công sự quy củ và cách tổ chức bài bản25, quân đội Hà Tiên đã thành công trong các hoạt động tiễu phỉ và chủ động đánh chặn các cuộc lấn chiếm thường xuyên của liên quân Chân Lạp - Siam. Năm Kỉ Mùi (1739), quân đội Hà Tiên đã đánh bại cuộc gây hấn của vua Cao Miên là Nặc Thâm. Sau chiến công này, chúa Nguyễn phong Mạc Thiên Tứ chức Đô đốc tướng quân, ban cho áo bào đỏ, mũ, đai. Vợ ông cũng được chúa phong làm Phu nhân26. Bên cạnh đó, Hà Tiên còn được Thuận Hoá hỗ trợ quân sự khi cần thiết. Bởi vậy, năm 1771, khi Hà Tiên thất thủ trước cuộc tấn công dữ dội của người Thái, chúa Nguyễn đã giáng chức Nguyễn Cửu Khôi, triệt hồi Nguyễn Thừa Mân - hai tướng triều đình đóng giữ ở dinh Long Hồ vì đã không kịp thời ứng cứu họ Mạc.27
- Về văn hoá: Cha con họ Mạc lựa chọn mô hình Hán “Hán hóa” để phát triển. Mạc Thiên Tứ cho lập đền thờ Khổng Tử, mở trường dạy chữ Nho. Ông còn mời các Nho gia đồng hương sang thăm bản doanh và xướng hoạ thơ văn ca ngợi cảnh thái bình. Bản thân Mạc Thiên Tứ là một người được đào tạo giáo lí Nho gia rất bài bản. Xem thư đối đáp giữa ông và Nguyễn Cư Trinh, một túc Nho của Thuận Hoá thế kỉ XVIII, có thể thấy rằng: con người Mạc Thiên Tứ là sự hoà quện giữa cái phóng khoáng, mơ mộng của một thi sĩ với cái hùng tâm, tráng khí của một vị thủ lĩnh.28
- Hệ quả
Trong bối cảnh Đông Nam Á và Nam Bộ thế kỉ XVIII, sự tồn tại của một mô hình quan hệ mang tính chất nước lớn - chư hầu là một hiện thực lịch sử độc đáo, một lựa chọn khả dĩ cho chiều hướng phát triển của cả Thuận Hoá lẫn Hà Tiên.
Dựa vào một mô hình cổ điển để xây dựng quan hệ, chính quyền họ Nguyễn cho thấy: họ có ý thức định vị mình như một thực thể bắt rễ sâu vào mạch nguồn văn hoá chính trị phương Đông. Ở đó, quan hệ quân - thần với chữ “Trung” làm chất keo kết dính là một nội dung quan trọng, đủ sức vượt qua ranh giới tộc người hạn hẹp (Hoa - Việt) để mang một giá trị liên quốc gia. Chúa Nguyễn đã tự mình tái hiện hình ảnh của một bậc minh quân Nho Giáo truyền thống - một minh quân vừa ân vừa uy, vừa thắt vừa mở, vừa ràng buộc vừa vỗ về với chư hầu. Đó là hình ảnh mà Mạc Cửu và rất nhiều nhân vật Trung Hoa đương thời ra sức cứu vãn nhưng đã thất bại. Do vậy,
cách hành xử của họ Nguyễn trở nên ứng hợp với nhu cầu nội tâm của họ Mạc và cộng đồng Hoa dân, những người vẫn nặng lòng hoài cựu: khát khao được tồn tại với những giá trị văn hoá của chính họ.
Hơn nữa, ngay từ buổi đầu kết nối với Thuận Hoá, cộng đồng lưu dân đã được định hướng trong khuôn khổ của một cõi Hà Tiên giờ đây đã được “cơi nới” thành một Trấn. Vị thế Hà Tiên bỗng chốc đổi khác, không chỉ vì nó vừa được khoác chiếc áo chính danh từ chúa Nguyễn; quan trọng hơn, vai trò của nó đã được nâng cấp trong hệ thống mới.
Trong một tâm thế như vậy, họ Mạc và Hà Tiên không thể không đôn mình lên để đáp ứng những kì vọng mới từ phía Thuận Hoá. Tất yếu, nỗi niềm hồi quốc, tha hương sẽ chuyển hoá thành khát vọng xây dựng đất mới.
Cần lưu ý, bối cảnh vừa nêu đã tạo một hứng cảm sâu sắc trong tâm thức Mạc Thiên Tứ. Ông không ngần ngại thổ lộ ý thức tộc ng ười. Mạc tự nhận mình là người Việt, và Đàng Trong là “nước nhà” của ông:
Yêu nước nhà phải gài then chốt/Dự phòng khi nhảy nhót binh đao/Đêm bằng canh trống chuyền lao/Miễn an đất Chúa quản nào thân tôi29.
Thơ Mạc Công trĩu nặng nỗi niềm non nước, phản ánh trách nhiệm của người quân tử trước sự an nguy của quốc gia:
Dao kha thước thụ y nan định/Cận đãng giao đàm: mộng diệc lao/Thuỷ niệm thiên nhai mình võ lược/Kinh hoa tòng thử chẩm di cao (Giang thành dạ cổ). Tạm dịch:
Xa khua ngàn thước nhàn không ổn/Gần động đầm giao mộng khó êm/Mong tới chân trời rung võ lược/Kinh hoa từ đó chắc yên hàn.
30
Xuất phát từ nhận thức ấy, họ Mạc và cộng đồng lưu dân đã dấn thân mạnh mẽ cho sự phát triển của Hà Tiên và Thuận Hoá.
Dưới thời Mạc Thiên Tứ, Hà Tiên trở thành trung tâm năng động bậc nhất miền Tây, một xứ mở mang về phong hoá trên đất Nam Bộ. Các địa chí Nguyễn thế kỉ XIX đã nhiều lần nói đến hào quang của một đô thị cổ Hà Tiên thời họ Mạc. Trịnh Hoài Đức cho ta một miêu tả sống động: Hà Tiên “đường sá giao nhau, phố xá nối liền, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, người Chà Và (Java) đều họp nhau sinh sống, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây như mắc cửi, thật là nơi đại đô hội ở nơi dọi biển vậy”.
31 Tư liệu mới cho biết thêm: cơ sở dẫn đến sự phồn thịnh của Hà Tiên là tác động của hệ thống thương mại trải trên ba khu vực: Hoa Nam, hạ lưu Mekong và thế giới Mã Lay, trong đó, Hà Tiên là một mắt lưới năng động, một “người chơi lớn”.
32
Sự xuất hiện của Hà Tiên trong hệ thống mới đã gây nên một hiệu ứng đặc biệt đối quá trình kinh dinh miền Tây của người Việt. Giai đoạn này, vai trò quan trọng nhất của họ Mạc là trở thành người hoà giải, điều tiết các tình huống căng thẳng giữa Chân Lạp và Đàng Trong. Dưới sự sắp đặt khéo léo của họ Mạc, “cắt đất - tạ ơn”, “cắt đất - chuộc tội” trở thành hình thức dàn xếp giao tranh hết sức hiệu quả, mà người hưởng toàn lợi là chúa Nguyễn. Nhờ đó, chính quyền Thuận Hoá ngày một lậm sâu vào hạ lưu Mekong. Năm 1755, vua Chân Lạp nhường hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (miền Gò Công và Tân An ngày nay. Hai năm sau, Nặc Tôn tiếp tục cắt 5 phủ: Cần Bột (KamPót), Vũng Thơm (Hương Úc, Kompongsom), Chân Rùm (Nam bộ tỉnh Treang), Sài Mạt (Bentey Méas), Linh Quỳnh . Chúa Nguyễn cho Hà Tiên quản lãnh 5 phủ mới. Mạc Thiên Tứ xin lập thêm đạo Kiên Giang ở Rạch Giá và đạo Long Xuyên ở Cà Mau. Từ đó khu vực từ Hậu Giang sông Cửu Long ra đến biển phía Đông và phía Tây đều thuộc chúa Nguyễn. Hành trình Nam tiến đến đây coi như khép lại.
33
Sự tồn tại của trục quan hệ Hà Tiên - Thuận Hóa là một động lực quan trọng của lịch sử Hà Tiên và Thuận Hóa trong khoảng 5 thập niên của thế kỉ XVIII. Dù mối ràng buộc ấy còn được kéo dài trong các thời kì tiếp theo, nhưng khoảng thời gian vừa nêu là giai đoạn thể hiện rõ ràng nhất nội dung, bản chất và hệ quả của nó. Đặc điểm chính của mối quan hệ này là nó được tổ chức theo mô hình quan hệ triều cống (
tribute relation), một mô hình thấm đẫm sắc màu văn hóa chính trị Nho giáo - phương Đông. Điều đó làm cho Hà Tiên trở thành một chủ thể khác biệt so với các đối tượng quan hệ khác của Thuận Hóa trong bối cảnh mở cõi của người Việt trên đất Nam Bộ.
1 Mượn chữ của một số học giả châu Á khi họ đánh giá về lịch sử Đông Nam Á thế kỉ 18, xem Yumio Sakurai và Takako Kitagawa:
Ha Tien or Banteay Meas in the Time of the Fall of Ayutthaya in
From Japan to Arabia: Ayutthaya’s Maritime Relation with Asia (edited by Kennon Breazeale, The Foundation for the Promotion of Social Sciences and Humanities Textbooks Project, 1999, p. 150)
2 Tước hiệu của Mạc Thiên Tứ sau khi Hà Tiên sáp nhập vào Đàng Trong là Tổng binh trấn.
3 Puangthong Rungswasdisab:
Siam and the Contest for Control of the Trans - Mekong Trading Networks from the Late Eighteenth to the Mid -Nineteenth Centuries in
Water frontier: Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750 – 1880, edited by Nola Cooke and Li Tana, Rowman & Littlefield Publishers, USA, 2004, p. 101.
4 Li Tana và Paul. Van Dyke:
Southeast Asia’s Water Frontier in the 18th Century: New Data and New Lights (Beijing forum 2005 –
The harmony of civilizatons and Prosperity for All – Asia’s opportunities and Development in Globalization).
5 Chingho A.Chen:
Mac Thien Tu and Phrayataksin – a survey on their political stand, conflicts and background in Proceeding of the Seventh, IAHA conference, Bangkok: Chulalongkon Universiy Press, 1979, vol. 2, p. 1534-1575.
6 Nguyễn Văn Kim:
Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực, Kỉ yếu hội thảo khoa học
Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam (đến cuối thế kỉ XIX), Nxn Thế giới, 2006, bản Word.
7 Leonard Y.Andaya (2004),
The coming of foreign Groups in
The Cambridge History of Southeast Asia, vol 2, 1500 – 1800, Edited by Nicholas Tarling, Cambridge University Press, p. 2-4.
8 Anthony Reid (2004)
Chinese Trade and Southeast Asian Economic Expansion in the Later Eighteenth and Early Ninteenth Centuries: An Overview in
Water Frontier : Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750 - 1880, tlđd, p. 21-34.
9 Chingho A.Chen, tlđd, p. 1534-35.
10 Chingho A.Chen, tlđd, p. 1538-40.
11 Yumio Sakurai và Takako Kitagawa, tlđd, p. 150.
12 Yumio Sakurai (2004),
Eighteenth - Century Chinese Pioneers on the Water Frontier of Indochina in
Water Frontier: Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750- 1880, tlđd, p. 46.
13 Bacbara Watson Andaya: “Political Development Between The Sixteenth and Eighteenth centuries” in
The Cambridge History of Southeast Asia, tlđd, p. 58.
14 Bacbara Watson Andaya, tlđd, p. 80.
15 Litana (1999),
Xứ Đàng Trong: lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỉ 17 và 18 (Nguyễn Nghị dịch), Nxb Trẻ, Thành phố HCM, tr. 218.
16 Phan Khoang, tlđd, tr. 327.
17 Dẫn theo Yumio Sakurai
Eighteenth - Century Chinese Pioneers on the Water Frontier of Indochina, tlđd, p. 46.
18 Xem thêm: Li Tana: Mac Thien Tu (1700 - 1780), Published in
Asia: A Historical Encyclopedia From Angkor Wat to East Timor (Santa Barbara, Denver, Oxford: ABC - CLIO, 2004), pp. 806-807; Nola Cooke:
Ha Tien (Tài liệu do GS. Li Tana cung cấp).
19 Nhiều tác giả:
Hà Tiên đất nước và con người, Nxb Mũi Cà Mau, HCM, 1999.
20 Chỗ này
Mạc thị gia phả ghi sai. Đúng ra là năm Mậu Tý (1708), chứ không phải năm Giáp Ngọ (1714). Trương Minh Đạt đã đưa ra nhiều luận điểm thuyết phục để chứng minh niên đại 1708 mới là thời điểm chính xác. Xem: Trương Minh Đạt (2001),
Nhận thức mới về đất Hà Tiên, Nxb Trẻ, Thành phố HCM.
21 Vũ Thế Dinh:
Mạc thị gia phả (Nguyễn Khắc Thuần dịch, giới thiệu và chú thích), Nxb Giáo dục, H, 2005, tr 15.
22 Dẫn theo Phan Khoang (2001),
Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 339.
23 Lê Quý Đôn (1977),
Phủ biên tạp lục, Nxb KHXH, tr. 229-230.
24 Yumio Sakurai và Takako Kitagawa, tlđd, p. 160.
25 Xem thêm: Đặng Hoàng Giang (2008),
Theo dấu đô thị cổ Hà Tiên, Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 10, Hà Nội.
26 Phan Khoang, sách đã dẫn, tr. 337.
27 Phan Khoang, sách đã dẫn, tr. 347.
28
Phủ biên tạp lục, sách đã dẫn, (quyển V - Nhân tài, thơ văn).
29 Dẫn theo: Nhiều tác giả (1999),
Hà Tiên đất nước và con người, Nxb Mũi Cà Mau, Thành phố HCM.
30 Phủ biên tạp lục, sách đã dẫn, tr. 246.
31 Đặng Hoàng Giang (2008),
Theo dấu đô thị cổ Hà Tiên, tlđd.
32 Li Tana và Paul A. Vandyke (2007),
Canton, Cancao, and Cochinchina: new data and new light on eighteen-century Canton and the Nanyang, E-journal of Chinese South diaspora studies, no. 1.
33 Phan Khoang, tlđd, tr .346 .