Lịch sử văn du ký Việt Nam từ trung đại đến nửa đầu thế kỷ XX

Chủ nhật - 26/05/2019 11:03
Lịch sử văn du ký là một vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có những công trình nghiên cứu riêng mà hiện nay ở Việt Nam vẫn còn thiếu vắng. Chúng tôi xin dựa vào một số quan sát của cá nhân và một số từ điển phổ thông để điểm qua vấn đề này với mục đích đưa ra một ý niệm về một đối tượng có lịch sử vận động, thay đổi. Tuy phê bình văn du ký nửa đầu thế kỷ XX còn khá thưa thớt, mỏng mảnh nhưng nhiều vấn đề hiện đại của văn du ký đều đã được chạm đến, như: văn du ký và tính chân thực của nhật ký, về tính lợi ích của du lịch (gián tiếp nói về sự cần thiết của du ký, nhất là so sánh với văn hóa của người khác để mình tự thay đổi), về tính chất phiêu lưu, thám hiểm của du lịch mà văn du ký cần ghi nhận, về du ký và phụ nữ…
Lịch sử văn du ký Việt Nam từ trung đại đến nửa đầu thế kỷ XX
Lịch sử văn du ký Việt Nam từ trung đại đến nửa đầu thế kỷ XX

BÁO CÁO THAM DỰ HỘI THẢO LIÊN KHOA VIỆT NAM HỌC

Chủ đề: “Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và Tiếng Việt năm 2018”

Nguyễn Thị Thúy Hằng[1]

Lịch sử văn du ký là một vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có những công trình nghiên cứu riêng mà hiện nay ở Việt Nam vẫn còn thiếu vắng. Chúng tôi xin dựa vào một số quan sát của cá nhân và một số từ điển phổ thông để điểm qua vấn đề này với mục đích đưa ra một ý niệm về một đối tượng có lịch sử vận động, thay đổi.

  1. Văn du ký trung đại
    • Văn du ký trung đại Việt Nam

Thời trung đại ở Việt Nam, văn du ký phổ biến nhất thường của các tác giả là nhà nho. Họ đi sứ Trung Quốc hoặc thực hiện các cuộc thuyên chuyển hay du lãm trong nước những lúc nhàn rỗi và khi đi về, ngồi hồi tưởng lại, ghi những cảm tưởng, suy nghĩ, những quan sát thu nhận được trên đường du lữ, để lại các áng văn thơ du ký.

Số lượng tác phẩm văn du ký trung đại còn giữ được không nhiều, chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX. Xét mục đích chuyến đi, địa điểm di chuyển đến, và hình thức chữ viết, có thể tạm thời chia văn du ký trung đại thành ba loại:

- Văn du ký của các nhà nho đi lại giữa các vùng trong nước; (Thơ sáng tác trong các chuyến đi của nhà nho rất nhiều nhưng chúng tôi chỉ liên hệ khi thấy cần thiết).

- Văn du ký của các sứ thần Việt Nam đi Trung Quốc; Văn du ký của sứ thần nhà Nguyễn sang Đông Nam Á và Pháp (khoảng từ giữa thế kỷ XIX);

- Văn du ký viết bằng chữ cái Latinh mà ngày nay ta gọi là chữ quốc ngữ của Philiphê Bỉnh và Trương Vĩnh Ký, tuy xuất hiện ở thời trung đại nhưng có những nét của du ký hiện đại.

1.1.1. Du ký của các nhà nho trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam

Các chuyến đi trong phạm vi không gian của nước Việt được ghi chép lại cũng khá đa đạng. Về thời gian, du ký ở các thế kỷ trước đã lác đác xuất hiện ví dụ Bài ký tháp Linh Tế núi Dục Thúy của Trương Hán Siêu (chưa kể thơ, phú có nội dung du ký như thơ của Nguyễn Trãi viết về Côn Sơn, phú của Nguyễn Hàng Đại Đồng phong cảnh phú). Nhưng phải đợi đến thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, thể loại du ký văn xuôi này mới thực sự nở rộ. Đó là bài ký động Nhị Thanh của Ngô Thì Sĩ. Đó là chuyến đi dài ngày đến hơn nửa năm của danh y Lê Hữu Trác từ Hà Tĩnh ra Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Cán với những cuộc du ngoạn trong lúc rảnh rỗi được chép lại trong Thượng kinh ký sự. Chuyến đi về quê Văn Giang, chuyến du ngoạn quanh Hồ Tây mất đến ba ngày và những cuộc đàm đạo thơ ca với bạn thơ tại Thăng Long. Hoặc là một chuyến du ngoạn từ Thăng Long lên núi Sài Sơn vãng cảnh chùa Phật Tích trong phạm vi ba ngày của Phạm Đình Hổ và bè bạn còn ghi lại trong Tang thương ngẫu lục, Vũ trung tùy bút với rất nhiều cảm xúc khác nhau. Ngoài ra, thế kỷ XVIII-XIX còn để lại nhiều bài ký đi thăm chùa chiền, danh lam thắng cảnh khác trong lãnh thổ Việt Nam. Tinh thần chung của du ký thời trung đại là ghi chép về phong cảnh và các di tích văn hóa lịch sử. Nhà nho vốn có tinh thần hoài cổ và cảm hứng ẩn dật.

1.1.2. Văn du ký của sứ thần Việt Nam

Việc đi xa, đi ra ngoài phạm vi đất nước xưa là một dạng hoạt động để lại dấu ấn đậm nét trong văn thơ nhà nho Việt. Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc thời trung đại qui định một loại nhân vật đặc biệt gọi là sứ thần. Các chuyến đi của họ thường gọi là đi Bắc sứ. Các áng văn du ký tiêu biểu thuộc loại này có Bắc sứ thông lục của Lê Quí Đôn (1726-1784), Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh. Trong bài tựa cho Bắc sứ thông lục cho hay thơ viết đi sứ của sứ thần Việt Nam trong lịch sử thì rất nhiều, song văn xuôi thì mãi đến Lê Hữu Kiều mới viết Sứ Bắc kỷ sự (chuyến đi sứ năm 1737) [4, tr.1] - tập này hiện không còn. Và tập Bắc sứ thông lục là tập văn du ký thứ hai của sứ thần Việt Nam, viết bằng văn xuôi chữ Hán trong chuyến đi sứ năm 1760-1761. Lê Quí Đôn ghi chép tỉ mỉ, chi tiết trước hết các nội dung liên quan đến chuyến đi sứ, từ thành phần sứ đoàn, các cống vật, lễ vật; hành trình qua các ngày tháng, các địa điểm được ghi theo hình thức nhật ký, dừng lại làm lễ tế thần sông núi ở đâu, khi nào; ghi chép nội dung đối đáp với các quan lại Trung Quốc các cấp (thường qua hình thức bút đàm) v.v… Có thể nói tập thông lục này có nhiều điểm ta sẽ gặp lại trong Như Tây nhật trình của Phạm Phú Thứ ở cuối thế kỷ XIX, vì chức năng chính của các nhật trình là ghi chép về nội dung hoạt động của sứ thần chứ không phải một khách du lịch. Tuy vậy, bên cạnh việc ghi chép chi tiết các nội dung hoạt động trực tiếp liên quan đến công việc của sứ thần, họ cũng có ghi lại các điều quan sát, các cảm xúc, suy nghĩ của một khách đi đường.

Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh (1750-1805) nói cho đúng ra, rất ít điểm gần gũi với văn du ký. Tập ký này chủ yếu ghi lại những sự việc, những thảm cảnh khi ông theo Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc do bị quân Tây Sơn đánh đuổi. Tâm trạng của người bề tôi tòng vong không cho phép ông quan sát khác biệt văn hóa hay có hứng thú ngâm vịnh. Tuy nhiên, các ghi chép của bọn bầy tôi tòng vong ở Trung Quốc có một giá trị tư liệu quí báu đối với việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Đến giữa thế kỷ XIX, nhà Nguyễn phái một số nhà nho sang vùng Đông Nam Á với mục đích mua hàng hóa, tìm hiểu tình hình người Tây dương (phương Tây) v.v... Trong số các văn du ký viết từ các chuyến đi đó, có thể kể một số ghi chép tiêu biểu như Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức (1785-1849), Hải trình chí lược của Phan Huy Chú (1782-1840). Các tập ký này ghi chép những điều các vị quan sát được từ các xứ thuộc địa như Singapore, Penang, Java, nhận xét về người phương Tây, ví dụ nhận xét về Hồng mao tức người Anh. Nội dung ghi chép trong các tập ký đó cấp cho độc giả hiện đại những thông tin quí báu về lịch sử xâm nhập phương Đông của các thế lực thực dân Phương Tây cũng như cách thức mà người Việt Nam ở giữa thế kỷ XIX tiếp nhận sự khác lạ của một nền văn hóa khác, của những con người khác đến từ Phương Tây đó.

Cuối thế kỷ XIX, do Việt Nam đã dần trở thành thuộc địa của Pháp, quan hệ Việt Nam –Pháp đòi hỏi cử sứ thần sang Pháp nên nhà Nguyễn đã cho một số đoàn đi sứ. Tác phẩm sứ trình tiêu biểu cho kiểu đi xa này chính là Tây hành nhật ký do Phạm Phú Thứ viết [10]. Viết theo hình thức nhật ký, kể tuần tự các công việc, các sự vụ, các chuyến thăm thú, gặp gỡ ở Pháp, đây là một tài liệu có giá trị nhiều mặt. Tuy nhiên, trong tư cách một sứ thần, Phạm Phú Thứ thường rất kiệm lời, có nhưng rất ít khi, bộc lộ suy nghĩ, đánh giá của bản thân về con người và văn hóa Pháp. Thành thử nếu cứ máy móc áp theo định nghĩa văn du ký là ghi lại những sự khác lạ thì tập ký này ít màu sắc du ký.

1.1.3. Văn du ký viết bằng chữ Latinh

Trong khuôn khổ thời gian của thời trung đại, có hai tập ký có thể nói là rất khác với văn du ký trung đại của nhà nho. Đó là Sách sổ sang chép các việc [1] của Philiphê Bỉnh (hoàn thành năm 1822) và Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (hoàn thành năm 1876) của Trương Vĩnh Ký (1837-1898) [3]. Đây là hai tập văn du ký viết bằng tiếng Việt-chữ quốc ngữ. Tập của Philiphê Bỉnh ghi chép và có những nhận xét, quan sát, so sánh văn hóa Việt Nam và văn hóa Phương Tây (cụ thể là Bồ Đào Nha) rất tinh tế, ghi nhận cuộc tiếp xúc văn hóa thuộc loại đầu tiên giữa phương Đông và phương Tây. Tập của Trương Vĩnh Ký có nhiều quan sát cụ thể, tỉ mỉ về phong tục, lối sống, về đời sống văn hóa, nghệ thuật của miền Bắc Việt Nam. Do viết bằng chữ quốc ngữ và bản thân tác giả là những người am hiểu văn hóa, văn học Phương Tây nên văn du ký của họ có khá nhiều nét hiện đại, rất khác với văn du ký của các nhà nho.

  • Văn du ký trung đại thế giới

Theo Từ điển mở Wikipedia (tiếng Anh), văn bản văn du ký sớm nhất hiện nay biết được là Miêu tả nước Hy Lạp của Pausania (thế kỷ II). Vào thời trung đại, văn du ký đã là thể loại phổ biến trong văn học Arập, tiêu biểu là các nhật ký hành trình của Ibn Jubayr (1145-1214) và Ibn Batuta (1304-1377). Đời Tống ở Trung Quốc cũng đã biết đến du ký. Thể loại này được người Trung Quốc gọi là “văn học du ký”, thường được viết bằng các phương thức tự sự, nhật ký, khảo cứu. Một vài tác giả tiêu biểu của văn du ký trung đại ở Trung Quốc như Phạm Thành Đại (1126-1193) với Quế Hải ngu hành chí, Từ Hà Khách (1587-1641) với Từ Hà Khách du ký.

Cũng theo từ điển mở Wikipedia, một trong những áng văn du ký vào loại sớm nhất ghi chép sự vui thích khi đi du lịch là của Petrarsh (1304-1374) chép về cuộc leo núi Ventoux của ông năm 1336. Việc leo núi để tìm hứng thú đứng trên đỉnh cao nhìn ra các ngọn núi thấp hơn còn hàm nghĩa tượng trưng cho quá trình hoàn thiện về đạo đức trong cuộc sống. Giữa thế kỷ XV, Gilles le Bouvier đã giải thích lý do ông viết tập văn du ký Livre de la description des pays (Sách kể chuyện các nước): “Vì nhiều người từ các dân tộc, các nước khác nhau có sự vui thích, khoan khoái, như tôi đã từng có, khi nhìn ngắm thế giới và sự vật trong thế giới và cũng vì nhiều người muốn biết mà không cần đi đến tận nơi, còn một số người lại muốn xem, đi, du hành nên tôi đã bắt tay viết cuốn sách nhỏ này”.

Đến thế kỷ XVIII, ở châu Âu, văn học du hành đã định hình với những cuốn sách du hành mà nội dung chính của chúng là các nhật ký hàng hải. Người châu Âu đang vươn xa ra ngoài các đại dương, bắt đầu lịch sử thực dân của họ thì tất nhiên, nhu cầu giới thiệu các xứ sở xa xôi, các miền đất, các nền văn hóa phương Đông trở nên một nhu cầu lớn. Nhật ký của thuyền trưởng James Cook (1784) cho đến nay vẫn là một tác phẩm bestseller. Hầu hết các nhà văn Anh trong thế kỷ này đều có tham gia viết văn học du hành.

Sang thế kỷ XIX, văn học du lịch (tourism literature) thực sự - phân biệt với travel literature - mới bắt đầu. Những nhà quí tộc, giới tu sĩ, những người có tiền của bắt đầu đi du lịch châu Âu tìm hiểu nghệ thuật, kiến trúc cổ. Robert Louis Stevenson (1850–1894) là người đi tiên phong trong văn học du lịch với tác phẩm Những chuyến đi bằng lừa ở xứ Cevennes (Pháp), lần đầu tiên kể về thú đi du lịch cắm trại, dùng túi ngủ… Văn học du lịch có nội dung thám hiểm cũng bắt đầu phổ biến.

So với người Việt Nam và phương Đông nói chung thì người châu Âu và Mỹ trong các thế kỷ XVIII, XIX, XX đi ra nước ngoài nhiều hơn. Các áng văn du ký của họ kể về các chuyến đi du lịch, thám hiểm, nghiên cứu nhiều nước trên thế giới không dừng lại ở những bài viết ngắn như văn du ký ở ta nửa đầu thế kỷ XX mà thường xuất bản thành sách (travel book). Theo Wikipedia, Samuel JohnsonMột cuộc hành trình đến các đảo vùng Tây Scotland (1775), Mary WollstonecraftThư từ viết trong một chuyến di trú ngắn hạn ở NaUy, Thụy Điển, Đan Mạch (1796), Hilaire Belloc viết Đường tới La Mã (1902), Joshua SlocumMột mình bơi thuyền vòng quang thế giới (1900), D. H. LawrenceNhững buổi sáng ở Meheico và các tiểu luận khác (1927), Rebecca West viết Cừu đen và phượng hoàng xám (về Nam Tư, 1941)…

Nhật ký du lịch của châu Âu cũng thường có qui mô đồ sộ. Theo Wikipedia, Gơt đã có nhật ký đi Italia từ tháng 9-1786 đến tháng 5-1788. Cũng trong năm 1786, James Boswell viết Nhật ký một chuyến đi đến Hebrides.

Trong văn học Phương Tây có thể loại du ký hư cấu, dựa trên những chuyến đi có thực như tiểu thuyết của Kira Salak có Cô Mary người da trắng kể chuyện diễn ra ở Papua New Guine và Congo hay Trên đường của Jack Kerouac (1957). Đây đều là kiểu tiểu thuyết được xây dựng trên cơ sở những chuyến đi có thực. Trong văn học Việt Nam, dạng tiểu thuyết du ký hư cấu như vậy hầu như vắng bóng.

Ở Phương Tây để khuyến khích sự phát triển của văn học du ký, người ta đặt những giải thưởng: Giải thưởng của Anh cho văn du ký mang tên Thomas Cook (Thomas Cook Travel Book Award) hoạt động từ 1980 đến 2004 và Giải thưởng cho những tác phẩm văn du ký xuất sắc nhất của Anh do William Dolman tài trợ (Dolman Best Travel Book Award) bắt đầu từ 2006. Năm 2013 và 2014 mỗi năm có 6 tác phẩm du ký được trao giải thưởng. Điều này cũng nói lên tầm quan trọng của văn du ký trong văn học Phương Tây so với ở nước ta.

  1. Văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

2.1. Thực trạng Văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Phần viết này chúng tôi chỉ điểm qua lịch trình vận động của văn du ký trong nửa đầu thế kỷ XX mà chưa đi sâu phân tích các đặc điểm của văn du ký giai đoạn này.

Bước sang nửa đầu thế kỷ XX, văn du ký tiếng Việt phong phú và đa dạng cả về số lượng và chất lượng, có nhiều giá trị văn học, sử học, văn hóa học.

So với thời kỳ trung đại, ở đầu thế kỷ XX, số người Việt Nam đi xa, kể cả đi ra nước ngoài nhiều hơn hẳn. Sự xuất hiện của báo chí, xuất bản hiện đại đã tạo điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết cho việc công bố và đọc văn du ký. Trên hầu hết các báo, tạp chí xuất bản ở đầu thế kỷ XX ít nhiều đều có đăng văn du ký và giá cả phải chăng của báo chí đã giúp cho người đọc tiếp cận được các áng văn du ký hiện đại này.

Hầu hết các báo, tạp chí giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX đều có đăng văn du ký. Các báo địa phương như Nam Kỳ tuần báo, Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, Thần chung…; các báo có vận mệnh khá ngắn ngủi như An Nam tạp chí; các báo chuyên về văn học như Phong hóa ở các mức độ khác nhau đều đăng văn du ký. Có ba tờ tạp chí và báo công bố nhiều du ký, đó là tạp chí Nam phong, báo Phụ nữ tân văn và tạp chí Tri tân. Chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu chủ yếu mảng văn du ký trên ba tờ báo, tạp chí này vì chúng tiêu biểu cho nhiều mặt: vùng miền, cho các giai đoạn khác nhau và vì khuynh hướng của tờ báo, tạp chí.

Nam phong tạp chí[2] tồn tại trong một thời gian khá dài, từ năm 1917 đến năm 1934. Đây là một tờ tạp chí có nội dung tổng hợp, trong đó phần văn học được dành một địa vị quan trọng, bao gồm cả văn du ký. Nam phong thường cho in những bài văn du ký trung đại bằng Hán văn đã dịch ra tiếng Việt và các bài du ký văn quốc ngữ nửa đầu thế kỷ XX. Về dung lượng lớn, có thể khẳng định du ký Nam phong chiếm vị trí dẫn đầu, cá biệt Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh có dung lượng dài hơn ba trăm trang, bao trùm một khoảng thời gian và không gian khá dài rộng trong chuyến đi Pháp 6 tháng của tác giả năm 1922, rất tiêu biểu cho văn du ký nửa đầu thế kỷ XX về nhiều mặt.

Phụ nữ tân văn hoạt động từ năm 1929 đến năm 1935 ở Sài Gòn, là một tờ báo tư nhân, có xu hướng nữ quyền, cũng thường in văn du ký nhưng dung lượng không thực lớn. Có điều tờ báo này ưu tiên cho một số thiên du ký của phụ nữ như du ký của Phạm Vân Anh[3] (đi sang Pháp) hay du ký của cô Nguyễn Thị Kiêm đi từ Sài Gòn ra Hà Nội để diễn thuyết về chủ đề nam nữ bình đẳng. Tờ báo cũng là một trường hợp khá tiêu biểu của báo chí Nam Kỳ nửa đầu thế kỷ XX. Tiếc là tại Thư viện Quốc gia chỉ còn lưu lại không đầy đủ các số báo nên chúng tôi chỉ đọc được không quá 5 bài du ký và một vài bài bàn về phụ nữ với du ký.

Tạp chí Tri tân tồn tại từ 1941 đến 1945, thuộc về giai đoạn cuối của nửa đầu thế kỷ XX. Đây là tờ tạp chí thiên về khảo cứu, tuy có dành một số trang cho mảng nghiên cứu, phê bình các hiện tượng văn hóa văn học đương đại, song chủ yếu ưu tiên đăng những áng văn du ký có tính chất nghiên cứu, khảo sát. Thống kê sơ bộ cho thấy có 23 thiên văn du ký công bố trên Tri tân từ 1941 đến 1945, có thiên du ký kéo dài nhiều kỳ như Indrapura của Mãn Khánh Dương Kỵ (4 kỳ) hay Bốn năm trên đảo Các Bà (5 kỳ) của Vân Đài, Hai tháng ở gò Óc Eo của Biệt Lam Trần Huy Bá (6 kỳ).

2.2. Tình hình nghiên cứu văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Chỉ riêng số lượng tác phẩm văn du ký trên Nam phong đã đủ để nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm thành một bộ gồm 3 tập dày dặn [2] trong đó sưu tầm tuyển chọn được 52 tác phẩm du ký nửa đầu thế kỷ XX chưa kể du ký trung đại. Bộ tài liệu quí này giúp người đọc hiện đại dễ dàng tiếp cận di sản văn học vẫn ít được biết.

Chúng ta đều biết, trong thập niên gần đây, thể loại văn du ký như đang có sự phục hưng sau một thời gian dài trầm lắng. Các thiên du ký đương đại có thể đã in thành sách mà có thể chỉ mới công bố trên blog cá nhân [như du ký của Vương Trí Nhàn viết gần đây nhân khi ông đi du lịch Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan [7-8-9]. Theo nhận định của Lê Thiếu Nhơn, văn học Việt Nam năm 2013 chứng kiến sự lên ngôi của du ký và tạp văn. Anh nói: “Chúng ta thấy trào lưu sách viết về du ký đang trở lại với những tác phẩm của Phan Việt, Di Li, Dương Thụy, Phương Mai. Thực ra, thể loại du ký không phải mới xuất hiện. Từ những thập niên 40 của thế kỷ trước, học giả Phạm Quỳnh đã viết du ký. Tuy nhiên hiện nay, người Việt đang muốn một cái nhìn mới mẻ để bước ra thế giới nên rất cần thông tin và sự trải nghiệm”. Và cho biết “Rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới đã dự đoán thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của văn học tự sự không dùng trí tưởng tượng, không hư cấu. Du ký là một trong những thể loại đó. Du ký là thể loại được viết từ trải nghiệm, suy ngẫm của người viết về cảnh vật, sự việc, thế thái nhân tình” (Năm 2013, du ký và tạp văn lên ngôi, báo Đà Nẵng điện tử, ngày 13-1-2014, http://www.baodanang.vn/channel/5433/201401/nam-2013-du-ky-va-tap-van-len-ngoi-2300749/). Nhận xét này phản ánh đúng thực tế văn học Việt Nam mấy năm gần đây, cho thấy sức sống tiềm tàng của văn du ký.

Phân loại theo đề tài, Nguyễn Hữu Lễ chia văn du ký nửa đầu thế kỷ XX thành các loại sau: 1) đề tài lịch sử, 2) đề tài danh lam thắng cảnh, 3) đề tài quốc tế, 4) đề tài dân tộc thiểu số. Còn phân loại theo cảm hứng, tác giả này chia thành mấy loại: 1) cảm hứng viễn du, 2) cảm hứng văn hóa và lịch sử, 3) cảm hứng tâm linh, 4) cảm hứng trữ tình, 5) cảm hứng thế sự [5].

Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung của văn du ký rất phong phú, khó có thể dùng 4 nhóm đề tài như trên mà bao quát hết được (ví dụ cô Nguyễn Thị Kiêm đi xuyên Việt ra Hà Nội và Hải Phòng để diễn thuyết về nữ quyền không thuộc loại nào), hoặc một thiên du ký lại có thể xếp vào hai ba loại khác nhau (Ví dụ Pháp du hành trình nhật ký có thể xếp cả vào đề tài quốc tế, cả vào đề tài viễn du). Một tác phẩm văn du ký có thể có rất nhiều cảm hứng khác nhau và có những cảm hứng mà bảng phân loại nói trên không bao quát được. Bốn năm trên đảo Các Bà của Vân Đài có nhiều cảm hứng khác nhau: nhận diện bản chất Khách trú chiếm đoạt tài nguyên biển của dân ta, lãng mạn hóa cuộc sống của dân cư trên đảo biệt lập với đất liền, thể nghiệm tâm trạng phiêu lưu, đối diện với nguy hiểm. Vì thế, trong khi chờ đợi xác định được đầy đủ kho văn học du ký giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, chúng tôi tạm thời chưa phân loại.

Điểm cần chú ý là góc nhìn giới trong khi nghiên cứu văn du ký hiện đại vẫn chưa được chú ý. Những vấn đề phụ nữ đã được văn du ký phản ánh ra sao, người phụ nữ đã tham gia viết văn du ký như thế nào. Đây sẽ là một hướng nghiên cứu của chúng tôi trong một bài viết khác.         

Trước cách mạng tháng Tám, đã có rải rác một số bài viết nhỏ có nội dung ít nhiều liên quan đến phê bình văn du ký. Chẳng hạn trên Phụ nữ tân văn, đoạn văn giới thiệu du ký của Phạm Vân Anh (1929), hay bài viết của Phan Khôi (1932) về sự thiếu chân thực của những điều tưởng như là tai nghe mắt thấy của một số áng văn du ký đương thời. Trên Tri tân (1942), Trần Huy Bá đã bộc bạch rằng năm 1941 ông viết văn du ký kể về hồ Ba Bể nhưng chưa hề đến đó, mặc dù người đọc có cảm tưởng đây là điều tác giả mắt thấy tai nghe. Mấy bài viết tản mạn đó đều tập trung nói nhiều về tính chân thực của văn du ký, một vấn đề mà hiện nay giới nghiên cứu vẫn rất quan tâm.

Cũng liên quan ít nhiều đến văn du ký, Phan Khôi đã bàn về vai trò của thể văn nhật ký trong văn học hiện đại. Ông viết: “Có người luận về văn nhựt ký đã nói như vầy: Nội các thể văn chỉ có nhựt ký là thiệt thà hơn hết, chắc chắn hơn hết; cái thú vị của nó ở trong chỗ đó mà ra. Xem các thể văn khác chưa chắc biết đúng tánh tình của tác giả, chớ xem nhựt ký của ai thì biết đúng tánh tình của nấy. Bởi vì làm thi, làm tiểu thuyết, làm kịch bổn là để cho người thứ ba đọc, cho nên phải dồi mài gò gẫm hết sức, e khi dồi mài gò gẫm quá rồi đến nỗi sai với chơn tình của người làm. Còn xích độc (thơ tín) là để cho người thứ hai coi, sự dồi mài gò gẫm có bớt đi, nhưng cũng chưa dứt hẳn. Đến chép nhựt ký là để cho chính mình coi, mình có trong bụng làm sao, ắt phải viết ra mà nói với mình làm vậy, không cần dồi mài gò gẫm làm chi, tự nhiên phải giữ được cái tánh tình thật mà khỏi mất. Hễ cái gì đã là chơn thật thì phải có thú vị”.

Ta biết thể văn nhật ký được dùng rất phổ biến trong văn du ký, tuy nhật ký không phải là du ký nhưng du ký thường là nhật ký, nên nói về nhật ký là gợi ý suy nghĩ về du ký như một thể loại văn xuôi riêng của văn học hiện đại. Trên thực tế, hầu hết các tác phẩm du ký nửa đầu thế kỷ XX được viết dưới dạng nhật ký. Bàn về nhật ký cũng là gián tiếp bàn đến tính chân thực của tự sự trong văn du ký.

Việc đi du lịch còn có những lợi ích to lớn. Viên Hồng (Phụ nữ tân văn -1931), nhân nói về văn hóa Mã Lai, viết như sau: “Phong dao ta có câu: “Đi một bước đàng, học một sàng khôn”, cái câu ấy tuy nó cũ mèm, tự đời xưa truyền lại, nhưng nó rất ứng dụng với thời đại bây giờ. Ở chung quanh xứ ta, hay ở khắp thế giới, hãy còn biết bao nhiều là phong cảnh nhơn vật xinh đẹp lạ lùng, đáng cho ta thấy biết để mở tầm con mắt và bồi bổ óc khôn cho ta rộng lớn mãi ra? Có biết người biết ta rồi mới có thể so sánh mà biết ai hay ai dở, hễ có so sánh biết ai hay ai dở rồi thì mới có cạnh tranh mà tiến bộ được. Ở các nước văn minh giàu có chẳng những người lớn rất ham du du lịch xứ người, dẫu tốn hao nguy hiểm thế nào cũng chẳng quản, mà họ lại còn khuyến khích nong nả cho bạn thiếu niên đi du lịch nữa”[4]. Bài viết nói đến nhu cầu khám phá, tìm hiểu thế giới rộng lớn xung quanh đất nước ta, đặc biệt là cần thiết phải đi để có được cái nhìn so sánh giữa ta và người thì mới có tinh thần cạnh tranh cho tiến bộ. Du lịch gắn với tinh thần phát triển nên cần khuyến khích thanh niên đi du lịch. Đây là quan điểm tiến bộ về du lịch.

Trên Tri tân năm 1941, nhận xét về tùy bút lãng du của Nguyễn Tuân, Vũ Văn Lợi viết: “Chính ông Nguyễn Tuân nhận rằng “bệnh du lịch” đã truyền vào người ông không phải ở phía mẹ mà ở phía cha”. Nhưng không phải ai đi du lịch cũng được đâu: dư thì giờ chưa đủ, phải thèm đi nữa! Biết bao kẻ thật là giàu có, mà suốt đời có biết đó biết đây là cái gì đâu. Trái lại, nhiều người còn thèm đi hơn ông Nguyễn Tuân nữa kia mà rút cục phải chôn chân một chỗ, sống trong một cuộc đời mòn chờ đợi một cái gì mới mẻ, mà than ôi không bao giờ thấy đến! Nguyên nhân? Chỉ vì trong tay không sẵn đồng tiền. Thế mà ngày xưa đã có người dám nói rằng tiền bạc không tạo nên được hạnh phúc... Có người đi xa vì sinh kế bắt buộc, có kẻ đi xa du học, để cầu chút công danh; cũng có khi đi xa để mưu cuộc hòa bình cho thế giới. Nhưng “đi” đối với tác giả “là hình thức tốt đẹp nhất của thoát ly. Thoát ly khỏi cái tủn mủn của cuộc sống hàng ngày; khỏi phiền phức của sự an bài, để trốn cái trơ trẽn của người cũ” [6]. Bài viết chú ý đến các động cơ khác nhau của việc đi xa, nhấn mạnh khía cạnh lãng mạn, chủ nghĩa cá nhân của việc đi du lịch, gợi ý cho chúng ta ngày nay suy nghĩ về sự thay đổi trong cái nhìn về sự đi xa của con người ở nửa đầu thế kỷ XX.

Về một trong những ngọn nguồn ảnh hưởng đến văn du ký ở nước ta, trên Nam phong năm 1934, Mộng Tuyết cho rằng đó là nhờ Tê lê mặc phiêu lưu ký và Alain Gerbault [11]. Chúng ta biết rằng cuốn truyện này được đưa vào Việt Nam qua các bản dịch khác nhau, đầu tiên là bản dịch thơ lục bát của Trương Minh Ký in trên Gia Định báo năm 1885, đến 1887 thì in thành sách. Bản dịch bằng văn xuôi do Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện sau này được in vào năm 1927. Còn Alain Gerbault (1893-1941) là nhà thám hiểm, một mình điều khiển thuyền buồm đi vòng quanh thế giới và lên một số hòn đảo, tìm hiểu và viết về lối sống của cư dân trên các hòn đảo đó. Mộng Tuyết nhắc đến điều này khi đi ra đảo Phú Quốc có hàm ý đây là một cuộc đi có sắc thái thám hiểm. Từ cái nhìn của một người đương thời, người trong cuộc, chúng ta biết rằng trong những nhân tố khác nhau, có việc xuất hiện văn học phiêu lưu, óc ham thám hiểm khám phá của phương Tây, đã ảnh hưởng đến văn học Việt Nam hiện đại, trong đó có du ký. Hoa Bằng (1943),

Một số bài viết có quan hệ với đề tài văn du ký nửa đầu thế kỷ XX đã gián tiếp hoặc trực tiếp đề cập đến mảng văn du ký của tác giả nữ và vấn đề phụ nữ du lịch. Trong bài Lịch trình tiến hóa của văn học phụ nữ ta in trên Tri tân (1943), Hoa Bằng điểm các tác giả nữ Tương Phố Đỗ Thị Đàm với Giọt lệ thu (1928), tiếp theo là Đạm Phương nữ sử, Huỳnh Thị Bảo Hòa trên Tiếng Dân, Vân Anh trên Phụ nữ tân văn, cho thấy nhà phê bình đã có chú ý đến mảng văn du ký của họ[5]. Trước đó cả chục năm, Phụ nữ tân văn[6], có bài Con gái đi xa, bộc lộ quan điểm mới về phụ nữ và du lịch. Bài viết cho hay, mục đích của cô Nguyễn Thị Kiêm đi từ Sài gòn ra Hà Nội nhằm cổ động cho Phụ nữ tân văn và diễn thuyết ở Hội Khai trí Tiến đức. Điểm lại dư luận ồn ào chê cô Kiêm con gái đi xa không biết có giữ được phẩm giá không, tác giả viết: “Nhiều ông trong báo giới không bỏ qua dịp nào là không binh vực cho đạo đức và luân lý. Thấy cô Nguyễn Thị Kiêm là một thiếu nữ phải đi xa, tuy rằng cùng đi với cha, các ông lo sợ không biết cô ấy có kiên tâm mà giữ nổi phẩm giá của mình hay không? Thậm chí có mấy người đến báo quán phàn nàn rằng: “Con gái sao lại đi xa như vậy, tôi không phục”. Theo ý tôi, bao nhiêu dư luận về việc cô Nguyễn Thị Kiêm ra Bắc đủ chứng rằng: nền luân lý, gốc đạo đức của nước nhà vẫn còn có người binh vực rất sốt sắng! Nhưng có lẽ các ổng sốt sắng thái quá. Đối với một người phụ nữ đứng ở chỗ công chúng mà bày tỏ ý kiến của mình, tôi tưởng các nhà ngôn luận đều có quyền phê bình vì những ý kiến ấy sẽ có ảnh hưởng trong dân gian. Thế mà lạ, ít có ai xét coi tư tưởng của cô Kiêm và cô Nga chánh đáng hay là không, việc cổ động của hai cô có lợi hay là hại cho cuộc vận động của toàn thể nữ giới. Đó là những điều quan hệ mà hình như các nhà đạo đức không cần. Các ông chỉ để tâm vào những việc thuộc về luân lý cá nhân… Đời nay, dẫu là con gái hay con trai đều có thể đi xa để hoặc là học hành, hoặc là sanh kế hoặc là làm một công việc gì có ích cho nhân quần xã hội. Điều cốt yếu là chúng ta phải tránh sự chỉ trích vô bằng, sự áp bức phụ nữ. Nghĩa là chúng ta không nên vô cớ nói xấu, hay là đặt cho đàn bà vào một cái khuôn khổ luân lý riêng nghiêm khắc với họ mà quên nghiêm khắc với đàn ông”. Nguyễn Thị Kiêm chính là tác giả của thiên du ký Dọc đường: cuộc hành trình từ Nam ra Bắc[7] kể về chuyến đi dài ngày từ Nam bộ ra Hà Nội, Hải Phòng để quảng bá cho tư tưởng nữ quyền. Từ trước cách mạng tháng Tám, nói về văn du ký, người ta đã bàn đến một vài nội dung của du lịch, văn du ký có quan hệ với nữ quyền.

Tóm lại, tuy phê bình văn du ký nửa đầu thế kỷ XX còn khá thưa thớt, mỏng mảnh nhưng nhiều vấn đề hiện đại của văn du ký đều đã được chạm đến, như: văn du ký và tính chân thực của nhật ký, về tính lợi ích của du lịch (gián tiếp nói về sự cần thiết của du ký, nhất là so sánh với văn hóa của người khác để mình tự thay đổi), về tính chất phiêu lưu, thám hiểm của du lịch mà văn du ký cần ghi nhận, về du ký và phụ nữ… Đây là những vấn đề mà chúng tôi sẽ tiếp tục đào sâu và nghiên cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Philiphê Bỉnh (1968), Sách sổ sang chép các việc, Viện Đại học Đà Lạt xuất bản, Thanh Lãng giới thiệu.
  2. Du ký Việt Nam –Tạp chí Nam phong (1917-1934) (2007), (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu), 3 tập, Nxb Trẻ, Thành phố HCM.
  3. Trương Vĩnh Ký (1881), Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi, Sài Gòn.
  4. Phạm Thị Ngọc Lan (tuyển chọn du ký trung đại) (2014), Tác phẩm tuyển chọn, Viện Văn học (chưa xuất bản).
  5. Nguyễn Hữu Lễ (2015), “Vấn đề thể tài du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX”, Nghiên cứu văn học (5), 104-115.
  6. Vũ Văn Lợi (1941), ““Tùy bút” hay là “thi vị cuộc sống””, Tri tân (10).
  7. Vương Trí Nhàn blog (2009), “Du lịch bụi Trung Quốc”, http://vuongtrinhan.blogspot.com/2009/10/xuat-ban-bai-ang.html
  8. Vương Trí Nhàn blog (2010), “Năm ngày trên đất Đài Loan”, http://vuongtrinhan.blogspot.com/2010/06/nam-ngay-tren-at-ai-loan.html
  9. Vương Trí Nhàn blog (2014), “Nước Nhật quá xa xôi”, http://vuongtrinhan.blogspot.com/2014/02/mot-nuoc-nhat-qua-xa-xoi.html
  10. Phạm Phú Thứ (2001), Tây hành nhật ký, bản dịch, Nxb Văn nghệ Thành phố HCM.
  11. Trương Tửu (1997), Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam (3), NXB Văn học, Hà Nội.

[1] TS. Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2] Nam phong tạp chí là tên gọi chính thức. Nhưng một số nhà nghiên cứu vẫn gọi đây là “báo” (xem Từ điển Văn học –bộ mới, mục từ Phạm Quỳnh (230, 1366). Thiết nghĩ cần gọi tên đúng của sự vật.

[3] Thực ra, Phạm Vân Anh không phải là tác giả nữ mà chỉ là bút danh của Đào Trinh Nhất.

[4] Phụ nữ tân văn, số 114, ngày 24 -12-1931.

[5] “Lịch trình tiến hóa của văn học phụ nữ ta”, Tri tân (112).

[6] Phụ nữ tân văn, số 264, 25 -10-1934.

[7] Phụ nữ tân văn, số 264, 25 -10-1934.

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay4,249
  • Tháng hiện tại107,100
  • Tổng lượt truy cập1,669,921
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây