Nằm trong chương trình phát triển các ngành khoa học cơ bản và định hướng phát triển chiến lược của Khoa, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt đã mời GS.TS Lương Văn Hy, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Châu Á – Thái Bình Dương – Đại học Toronto, Canada, nguyên Chủ nhiệm Khoa Nhân học – Đại học Toronto, đến thăm Khoa và có buổi thuyết trình khoa học với chủ đề “Việt Nam học tại Bắc Mĩ”.
Giáo sư Lương Văn Hy đã nhận bằng Tiến sĩ về Nhân học tại Đại học Harvard, Hoa Kì vào năm 1981, sau đó Giáo sư đã giảng dạy tại nhiều trường Đại học tại Hoa Kì như Đại học Johns Hopkins, Đại học Hamilton… Từ năm 1989, Giáo sư giảng dạy tại Đại học Toronto Canada.
Trong buổi thuyết trình, các giảng viên, sinh viên trong và ngoài Khoa đã được nghe về những thăng trầm trong nghiên cứu về Việt Nam tại Hoa Kì và Canada suốt 6 thập kỉ, qua ba giai đoạn: trước năm 1975, từ năm 1975 đến 1990 và từ năm 1990 đến nay. Hiện nay, nhiều trường đại học nổi tiếng tại Bắc Mĩ (như Havard, Cornell, Yale,…) đã có những giáo sư chuyên nghiên cứu về Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử, nhân học…
Trong thời gian thuyết trình khoảng gần 2 giờ đồng hồ, GS. Lương Văn Hy đã cung cấp một bức tranh khá bao quát và rất nhiều thông tin hữu ích về Việt Nam học tại Bắc Mĩ. Trong phần thảo luận, Giáo sư đã trả lời nhiều câu hỏi của cử toạ. Những kinh nghiệm trong nghiên cứu liên ngành, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình nghiên cứu về Việt Nam của GS được trao đổi một cách thẳng thắn và chân tình. Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu mà một nhà nghiên cứu lâu năm muốn trao đổi với các nhà khoa học và các bạn sinh viên.
Trong thời gian qua, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt đã mời nhiều giáo sư giảng dạy tại các đại học nước ngoài đến thuyết trình khoa học tại Khoa như GS. Lê Văn Cừ (Đại học Ibaraki, Nhật Bản), GS. Quyên Di (Đại học UCLA, Hoa Kì), GS Ngô Như Bình (Đại học Harvard – Hoa Kì), GS Chúc Ngưỡng Tu (Đại học Nam Kinh – Trung Quốc), GS Lương Văn Hy (Đại học Toronto – Canada)… Đây là một hoạt động có ý nghĩa, nhằm tăng cường không gian trao đổi học thuật của các giảng viên, sinh viên trong Khoa, đồng thời khẳng định vị thế của Khoa trong trao đổi và hợp tác quốc tế.