Tham dự buổi lễ ký kết, về phía Trường ĐH KHXH&N, ĐHQGHN có sự tham dự của GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường, TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, TS. Bùi Văn Tuấn - Phó trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt;
Về phía Trường ĐH Đà Lạt có sự tham dự của TS. Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô trong Ban Giám hiệu và trưởng các phòng chức năng, đại diện lãnh đạo Khoa Việt Nam học;
Về phía Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng có sự tham dự của PGS.TS. Lê Khắc Cường - Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện lãnh đạo khoa Việt Nam học;
Về phía Trường ĐH Ngoại Ngữ - Đại học Huế có sự tham dự của TS. Nguyễn Hồ Hoàng Thuỷ - Phó Hiệu trưởng nhà trường và Ban chủ nhiệm Khoa Việt Nam học;
Biên bản ký kết hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy, tăng cường phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng trên các lĩnh vực khác nhau trên cơ sở thế mạnh của từng trường đại học.
Theo đó, 04 trường đại học sẽ triển khai các hoạt động trao đổi chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo thuộc các khối ngành của các trường đại học; phối hợp thực hiện các đề án, đề tài khoa học về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, các bên thực hiện hợp tác đào tạo đại học và sau đại học gồm trao đổi giảng viên, sinh viên, công nhận tín chỉ giữa các trường đại học; hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học như đồng tổ chức hội thảo, đồng thực hiện các đề tài nghiên cứu, chia sẻ thông tin, số liệu phục vụ nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm của hai bên như: kỷ yếu, tạp chí, sách chuyên khảo.
Trong khuôn khổ hợp tác, 04 trường đại học đã phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học theo định hướng liên ngành”. Hội thảo đã nhận được 72 báo cáo của gần 100 tác giả thuộc các cơ sở đào tạo Việt Nam học trong cả nước. Sau phiên toàn thể, hội thảo được chia ra 3 tiểu ban chuyên môn: Nghiên cứu Việt Nam học theo định hướng liên ngành; Đào tạo Việt Nam học theo định hướng liên ngành; Việt ngữ học và phương pháp dạy tiếng Việt. Mỗi tiểu ban tổ chức phiên họp với các chủ đề có tính độc lập tương đối trong mối quan hệ tổng thể của từng tiểu ban và của toàn Hội thảo. Hội thảo thu hút được sự tham gia đầy nhiệt huyết với tình yêu Việt Nam học sâu sắc của các chuyên gia khoa học và các nhà quản lý thực tiễn. Đặc biệt là sự đóng góp của các cơ sở đào tạo, các cán bộ giảng dạy có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo Việt Nam học đã làm nên thành công của Hội thảo.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hội thảo khoa học mang tính liên ngành cao, đúng như chủ đề của Hội thảo và đề xuất trong tương lai cần phải có những hội nghị, hội thảo chuyên đề quy mô lớn hơn nữa để trao đổi thống nhất về quan niệm nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học trong bối cảnh hội nhập và phát triển, trong đó, phải coi Việt Nam học theo định hướng liên ngành là yêu cầu phát triển của Việt Nam học Việt Nam hiện đại, xác định những nội dung cốt lõi, phương pháp chủ đạo và cách tiếp cận nghiên cứu của Việt Nam học, tiến tới hoàn thiện khung chương trình chuẩn đào tạo cử nhân Việt Nam học cho cả sinh viên Việt Nam và quốc tế.
Tại đây, các diễn giả đã đặt ra những vấn đề hướng đến tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản trị đại học; liên kết đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của các trường. Đồng thời, hướng tới xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo Việt Nam học trong nước và quốc tế và thành lập Hội Việt Nam học.
Một số hình ảnh của Hội thảo