Đó là định hướng của buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trong các lớp hiệp định và các lớp nhóm” được các cán bộ trẻ Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức vào chiều ngày 10/6/2016.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực và cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy dành cho đối tượng sinh viên tiếng Việt đặc biệt của Khoa. Bên cạnh công việc giảng dạy ngành Việt Nam học, hàng năm, Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt còn được giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho các sinh viên quốc tế hệ hiệp định và hệ trao đổi. Ngoài ra, Khoa cũng mở khoảng gần 20 lớp nhóm mỗi năm dành cho các sinh viên ngắn hạn học tiếng Việt. Mặc dù hệ đào tạo khác nhau nhưng các lớp học này đều có chung những điểm đặc thù, khác hoàn toàn với các lớp học 1 -2 sinh viên/giáo viên. Đó là sự đa dạng về quốc tịch, độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính, nhu cầu và cả trình độ tiếng Việt … Chính điều này đã đặt ra những thách thức lớn không chỉ đối với công tác quản lý của Khoa mà còn đối với công việc giảng dạy của các giáo viên trẻ.
Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ giảng viên cũng như các cộng tác viên trong Khoa. Với tâm thế của những người truyền thụ và quảng bá tiếng Việt trong gần ba mươi năm, mỗi giáo viên lớn tuổi đều mong muốn mang kinh nghiệm và tâm huyết của mình để trao đổi và truyền đạt lại cho những thầy cô giáo trẻ. Còn với thế hệ trẻ của Khoa, những con người đang mang trong mình những tri thức mới và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng muốn đưa ra những ý tưởng giảng dạy bằng những thể nghiệm mới để được góp ý và hoàn thiện.
Mười tham luận là con số đáng tự hào cho một buổi Tọa đàm nhỏ nhưng trên hết, đó chính là những mối quan tâm và trăn trở cũng như một số đề xuất thay đổi tư duy và phương pháp giảng dạy phù hợp nhất cho mô hình lớp học đặc biệt này. Có những tham luận đặt ra các vấn đề về việc nâng cao công tác quản lý và cơ sở vật chất của Khoa như báo cáo đề dẫn của ThS. Đào Văn Hùng – Phó trưởng Khoa phụ trách đào tạo Hiệp định và ngắn hạn; Báo cáo của TS. Bùi Duy Dương, ThS. Nguyễn Lan Hương và ThS. Nguyễn Thị Minh Hạnh cũng xoay quanh vấn đề này. Các tham luận của ba tác giả trẻ rất chú trọng tìm ra giải pháp kiểm tra đầu và và xếp lớp hợp lí để sinh viên có thể hưởng thụ chất lượng dạy học tốt nhất. Có những tham luận đưa ra những nội dung và phương pháp giảng dạy hiệu quả cho các lớp hiệp định và những lớp nhóm. Các tham luận của TS. Nguyễn Việt Hương, TS. Nguyễn Trường Sơn đưa ra những phương thức giảng dạy rất cụ thể như dạng bài tập, dạng thức thảo luận, kiểm tra đánh giá sinh viên trong các lớp v.vv… Một nhóm tác giả đưa ra định hướng giảng dạy riêng cho từng trình độ. PGS.TS. Nguyễn Thị Nguyệt chỉ ra cách thiết kế bài giảng cho sinh viên tiếng Việt trình độ C2 (trình độ cao nhất), trong đó chú trọng việc dạy tiếng gắn với việc truyền thụ văn hóa Việt Nam. ThS. Nguyễn Thị Thu Trang đưa ra những thách thức và những đề xuất giảng dạy cho các lớp trình độ cơ sở (thấp nhất). PGS.TS, Nguyễn Thiện Nam gợi ý những phương thức dạy ngữ pháp để giúp sinh viên hiểu được sâu sắc và cặn kẽ hơn như: dịch cấu trúc, sử dụng đồng nghĩa cú pháp, sự so sánh đối lập “có” – “không”… Các ý kiến trao đổi của PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc và PGS.TS. Vũ Văn Thi đã đưa ra những kinh nghiệm quý báu trong việc quản lý các lớp hiệp đinh và cá lớn nhóm. Hai nhà giáo đều thống nhất quan điểm cần duy trì công việc quản lí hiệu quả, không hình thức nhưng trên cơ sở hỗ trợ và đáp ứng như cầu thiết thực của sinh viên.
Thành công của buổi Tọa đàm không chỉ nằm ở phần nội dung mà còn là một bước tiến mới trong hình thức tổ chức Tọa đàm hiệu quả. Hiếm có một buổi tọa đàm nào sôi nổi đến như vậy. Ở trong không gian căn phòng nhỏ, những trang giấy đánh máy dù đã được chuẩn bị nhưng hầu như bị bỏ quên. Tất cả các giáo viên dường như đang nói đến những trăn trở cũng như kinh nghiệm của mình trong suốt nhiều năm. Các ý kiến được phát biểu ngắn gọn và súc tích, người nghe cũng như người nói cùng xóa mờ ranh giới của những trang văn bản để biến buổi tọa đàm trở thành một buổi trao đổi thực sự cuốn hút. Nhờ vậy mà ý nghĩa khoa học của buổi Tọa đàm trở nên có chiều sâu, thực chất và có tính thực tiễn cao hơn.
Trải qua 60 năm truyền thống, việc dạy tiếng Việt, trong đó có nhiệm vụ dạy các sinh viên hiệp định và trao đổi là một phần không thể thiếu trong hoạt động của Khoa, bên cạnh công tác nghiên cứu và giảng dạy ngành Việt Nam học. Buổi Tọa đàm đã phần nào đặt ra và giải quyết những vấn đề đặc trưng nhất trong việc giảng dạy cho đối tượng sinh viên này. Như mục đích ban đầu đề ra, chúng tôi hi vọng rằng thế hệ trẻ trong Khoa luôn cố gắng nâng cao năng lực giảng dạy, góp phần duy trì, phát huy và nâng cao “thương hiệu giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hàng đầu” trong nước và trên thế giới.