- 30/05/2019 09:55:10
- Đã xem: 4323
- Phản hồi: 0
Truyện cổ tích vừa giàu tính dân tộc vừa mang tính quốc tế. Qua Bảng mục lục tra cứu type và motif truyện dân gian của Arne - Thompson, chúng ta thấy rõ rằng giữa các dân tộc có nhiều type truyện (kiểu truyện) giống nhau. Trong đó type truyện Cô Lọ Lem – Tấm Cám (510A, A – T) là một type truyện cổ tích rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam, Đông Nam Á, mà còn ở nhiều nước châu Á và trên thế giới. Sơ bộ thống kê có thể tìm thấy số dị bản ở Việt Nam là 38, Hàn Quốc có hơn 5 bản truyện, Nhật Bản có 40 truyện, miền Nam Trung Quốc có đến 47 bản truyện và Ấn Độ tìm thấy khoảng 8 bản truyện… Với số lượng hàng trăm dị bản ở khắp các nước có thể coi đây là type truyện “nổi tiếng nhất” trong kho tàng truyện dân gian của nhân loại.
Tìm hiểu về type truyện này đã có nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề của truyện từ nhiều khía cạnh khác nhau và bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng thể trong sự so sánh truyện của Việt Nam với các nước ở Châu Á.
Kế thừa các công trình nghiên cứu trên thế giới và mong muốn có một cái nhìn toàn diện hơn, trong bài báo này chúng tôi đi sâu nghiên cứu type truyện Cô Lọ Lem ở Việt Nam và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và đặc biệt là Ấn Độ theo phương pháp cấu trúc – loại hình, phương pháp phân tích so sánh type truyện và motif. Chúng tôi chủ yếu quan tâm đến sự tương đồng và khác biệt về nội dung, kết cấu và các motif cấu thành nên truyện, từ đó lý giải về văn hóa dân tộc ẩn chứa trong đó, tìm ra cội nguồn và hiểu được “đời sống thực” của truyện. Chúng tôi chọn một số truyện tiêu biểu để phân tích như: Tấm Cám (type Tấm Cám củaViệt Nam), Nàng Diệp Hạn, Muội Sẹo và Muội Xinh (type Cô Lọ Lem của Trung Quốc), Kông Chuy Pát Chuy (type Cô Lọ Lem – Kongwi và Patjwi của Hàn Quốc), Benizara và Kakezara (type Cô gái có duyên ngầm của Nhật Bản), Dêvkî Rânî (type Cô Lọ Lem của Ấn Độ)