Ngày hội văn hóa quốc tế - Một lễ hội sống động, muôn màu

Thứ tư - 21/12/2016 08:16
Ngày hội văn hóa Quốc tế và Lễ chúc mừng năm mới 2017 do Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức đã thật sự trở thành một lễ hội vừa phong phú vừa sống động, một dấu hiệu hứa hẹn một tương lai bền vững phía trước của Khoa.
Ngày hội văn hóa quốc tế - Một lễ hội sống động, muôn màu
Ngày hội văn hóa quốc tế - Một lễ hội sống động, muôn màu
Đến hẹn lại lên, vào ngày 16/12/2016, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (VSL) tổ chức Ngày hội văn hóa quốc tế và Lễ chúc mừng năm mới 2017 cho sinh viên Việt Nam và quốc tế đang học tập tại Khoa. Sự kiện năm nay thực sự để lại những dư âm khó quên cho những người tham dự. Lễ hội được khai màn vào giữa buổi sáng bằng một cuộc trưng bày Photovoice (kể chuyện bằng hình ảnh) nhằm giới thiệu những trải nghiệm Việt Nam của sinh viên Quốc tế. Thông qua các bức ảnh tự chụp, các nhiếp ảnh gia không chuyên đã biểu đạt những chiều cạnh đa dạng của đời sống Hà Nội và các địa danh nổi tiếng như Sa Pa (Lào Cai), Tràng An (Ninh Bình), Mũi Né (Phan Thiết). Điều thú vị là họ đã giải thích nội dung, ý nghĩa của các bức ảnh bằng tiếng Việt - thứ ngôn ngữ mà họ đã và đang được dạy bởi các thầy, cô giáo ở VSL. Trong khi mọi người tập trung xem triển lãm thì sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam tất bật trang trí cổng chính của Khoa, các gian trại và chuẩn bị các khâu cuối cùng cho các trò vui sẽ diễn ra trong buổi chiều. Đến khoảng hai giờ chiều, dưới ánh nắng vàng nhẹ của một chiều cuối đông, toàn bộ khuôn viên của Khoa đã ngập chìm trong không khí lễ hội. Trong 11 gian trại ẩm thực - được dựng lên ở mép ngoài sân chơi, các bếp ăn bắt đầu đỏ lửa. Năm nay, có 4 gian trại của sinh viên Việt Nam và 7 gian trại của sinh viên quốc tế. Bên cạnh các trại “độc lập” của sinh viên Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bun Ga Ri, CuBa, Nga, còn có các trại hỗn hợp, chẳng hạn, trại chung của sinh viên Lào, Mông Cổ, Đức, Pháp Hung ga ri... Ở ngoài sân, các nhóm sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế đang tập trung chơi các trò chơi dân gian Việt Nam. Trong tiếng hò reo nồng nhiệt của khán giả, các nhóm sinh viên Việt Nam và quốc tế lần lượt trải qua các trò đối kháng như kéo co, nhảy bao bố. Phần trò chơi được kéo dài bằng tiết mục nhảy sạp quen thuộc - một tiết mục không phân biệt tuổi tác, quốc tịch, vị trí xã hội nên đã thu hút sự nhập cuộc sôi nổi của nhiều thầy, cô giáo và sinh viên. Nửa sau buổi chiều là thời gian dành cho các hoạt động ẩm thực. Lúc này, các gian trại của sinh viên Việt Nam và quốc tế đã hoàn tất việc bếp núc và bắt đầu bán các món ăn truyền thống. Ngoại trừ nhóm đầu bếp và bán hàng, mọi người tham dự lễ hội đều háo hức ghé thăm các gian trại để thưởng thức hương vị ẩm thực của mỗi nước. Nếu các quầy hàng của sinh viên Việt Nam gây sự chú ý bởi các món nem, bánh cuốn, bánh bèo, bún riêu, bún ngan ... thì quầy hàng của sinh viên quốc tế cũng hấp dẫn không kém: lẩu thập cẩm, sủi cảo, trà xanh nóng, trà dâu tây (Trung Quốc), bánh Crept (Pháp), cơm nắm rong biển (Hàn Quốc), bia và nem Lào, sắn hấp, chuối nướng (CuBa) ... Ban tổ chức đã đến tận từng gian hàng thưởng thức để chấm giải ẩm thực - càng khiến cho không khí ẩm thực thêm phần sôi động. Với mức giá rất rẻ, thái độ phục vụ niềm nở và nhất là vì sự hiếu kì, các quầy hàng đều bán rất chạy. Chương trình ẩm thực kết thúc vào cuối buổi chiều. Đêm xuống mang theo những làn gió nhẹ nhàng, quyến rũ. Mùi hoa sữa dịu dàng tỏa khắp không gian, hứa hẹn một đêm hội huyền ảo, say đắm. Theo lời mời của PGS.TS. Nguyễn Thiện Nam - Trưởng Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, đại diện của các trường Đại học trong ngoài nước cùng các cựu sinh viên của Khoa đã về chung vui đêm hội. Về phía trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, có sự hiện diện của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn – Phó hiệu trưởng nhà trường và TS. Phạm Minh Cường - Phó trưởng phòng công tác chính trị sinh viên. Đêm hội cũng chứng kiến sự có mặt của GS. Inagaki Tsutomu, GS. Ohashi Kenichi (Đại học Rikkyo - Nhật Bản), GS. Tưởng Vi Văn – Giám đốc Trung tâm Việt Nam học – Đại học Thành Công (Đài Loan), GS.TS Đinh Văn Đức - Chủ tịch hội Cựu giáo chức ĐHQGHN – nguyên chủ nhiệm khoa tiếng Việt và PGS.TS Nguyễn Văn Chính - Trưởng Khoa Ngôn ngữ học - nguyên giáo viên khoa Việt Nam học và tiếng Việt. Trong số cựu sinh viên trở về thăm Khoa, nổi bật 3 vị đại sứ quán: ngài Valeriu – Đại sứ Rumani tại Việt Nam – cựu sinh viên khóa 1972 – 1976; ngài Saadi Salama – Đại sứ Palestine tại Việt Nam – cựu sinh viên khóa 1980 – 1984, ngài Andrew Holt – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Anh tại Việt Nam – cựu sinh viên khóa 2013. Dĩ nhiên, cũng không thể không nhắc đến ông Justin Jorden – chuyên gia tư vấn của tòa án Melbourne (Úc) – cựu sinh viên khóa 1986 – 1987. Sau khi Phó trưởng Khoa Đào Văn Hùng công bố giải thưởng cho gian hàng ẩm thực các nước, Trưởng Khoa Nguyễn Thiện Nam phát biểu khai mạc lễ hội. Trong phát biểu ngắn gọn của mình, ngoài lời chúc Giáng sinh và Năm mới thành công, ông không quên nhắc đến câu nói của Giám đốc ĐHQGHN trong lễ khai mạc Hội thảo Việt Nam học Quốc tế lần thứ V tổ chức trong 2 ngày 15-16/12 “Đại học Quốc gia Hà Nội tự hào có một Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt lớn nhất nước”. Nói lớn là nói đến lịch sử 60 năm và quy mô đào tạo hiện nay của Khoa. Phó hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn thay mặt nhà trường chúc mừng lễ hội của Khoa, đồng thời tặng quà cho đại diện sinh viên quốc tế. Không khí đêm hội trở nên lắng đọng khi các ngài Đại sứ bước lên sân khấu chia sẻ cảm nghĩ trong lần trở về thăm trường xưa. Với ngài Đại sứ Saadi Salama, “trở lại với Khoa Tiếng Việt, nay là Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt sau hơn 36 năm để dự Đêm hội Văn hoá Quốc tế 2017 theo lời mời của Trưởng khoa phó giáo sư Nguyễn Thiện Nam không khác gì trở về đất tổ. Nơi đây tôi đã học những chữ đầu tiên của Tiếng Việt và trải nghiệm giấc ngủ đầu tiên ở Việt Nam 14.10.1980”. Còn với ông Jay Jordens, “Hàng chục năm đã trôi qua, tôi không quên được sự tận tình trong giàng dạy của các thầy cô trong khoa. Cũng nhiều lần tôi trở lại Việt Nam đi công tác, mỗi làn như thế, tôi đều ghé khoa và cảm giác mỗi lần ghé về khoa là cảm giác như là “Ta về ta tắm ao ta”. Tuy nhiên, không khí đêm hội ngay lập tức được hâm nóng trở lại với các màn trình diễn văn nghệ ấn tượng của khách quý lẫn chủ nhà. Nếu ngài Andrew Holt khiến người nghe thán phục với bài hát tiếng Việt “Tình cờ” thì các sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế đã cho thấy sức sáng tạo vô tận và khả năng hội nhập văn hóa tài tình của tuổi trẻ qua hàng loạt tiết mục vừa truyền thống vừa hiện đại và thấm đẫm tinh thần Việt Nam: hát xẩm “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”, múa “Sắc hoa”, nhảy “Bống bống bang bang”, hát song ca “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây” ... Xen giữa các tiết mục văn nghệ sôi động, Chi đoàn Khoa đã ra mắt câu lạc bộ Sứ giả văn hóa - một sân chơi nhằm thúc đẩy sự gắn kết và tiến bộ giữa sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam đang học tập tại Khoa. Hội tan rồi mà cả chủ lẫn khách đều chưa muốn chia tay. Có những cái ôm thắm thiết, những cái bắt tay thật chặt, những nỗi lòng xao xuyến và rất nhiều tia hi vọng thắp lên. Có thể nói, Ngày hội văn hóa Quốc tế và Lễ chúc mừng năm mới 2017 do Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức là một lễ hội đúng nghĩa, vừa đa dạng vừa sống động – một dấu hiệu hứa hẹn một tương lai bền vững đang chờ Khoa phía trước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay4,268
  • Tháng hiện tại113,043
  • Tổng lượt truy cập1,836,514
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây