Khoa Việt Nam học và Tiếng Việthttps://vsl.ussh.vnu.edu.vn/uploads/vsl/vsl-banner1.png
Thứ hai - 20/03/2017 00:02
PGS. Nguyễn Thạch Giang, một trong những nhà văn bản học Văn Nôm xuất sắc bậc nhất của chúng ta, Tổ trưởng Tổ Việt ngữ đầu tiên - tiền thân của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - Trường ĐHKHXH&NV đã ra đi lúc 2 giờ 15 chiều 14/3/2017 tại nhà riêng, thọ 90 tuổi. Tại lễ tang (18/3/2017), PGS.TS. Nguyễn Thiện Nam đã đại diện Khoa đọc lời điếu rất xúc động. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô, đồng nghiệp cùng các bạn sinh viên Điếu văn tưởng nhớ PGS. Nguyễn Thạch Giang.
PGS. Nguyễn Thạch Giang, một trong những nhà văn bản học Văn Nôm xuất sắc bậc nhất của chúng ta, Tổ trưởng Tổ Việt ngữ đầu tiên - tiền thân của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường ĐHKHXH&NV) đã ra đi lúc 2 giờ 15 chiều 14/3/2017 tại nhà riêng, thọ 90 tuổi. Tại lễ tang (18/3/2017), PGS.TS. Nguyễn Thiện Nam đã đại diện Khoa đọc lời điếu rất xúc động. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô, đồng nghiệp cùng các bạn sinh viên Điếu văn tưởng nhớ nhà giáo - học giả đáng kính này.
Kính thưa Ban tổ chức tang lễ!Kính thưa đại diện các cơ quan, đoàn thể!Kính thưa toàn thể tang quyến! Thưa quý vị và các bạn!
Hôm nay, Trường ĐHKHXH & NV, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, tộc họ nội ngoại, bà con khối phố, đồng nghiệp, bạn bè, học trò…cùng trong niềm tiếc thương vô hạn, long trọng tổ chức lễ truy điệu để tiễn biệt PGS. Nhà giáo Nguyễn Thạch Giang yêu quý của chúng ta về cõi vĩnh hằng!
PGS. Nguyễn Thạch Giang của chúng ta không còn nữa! Trái tim ông đã vĩnh viễn ngừng đập sau 9 thập kỉ miệt mài, vào hồi 14 giờ 15 phút ngày 14 tháng 3 năm 2017.
PGS. Nguyễn Thạch Giang sinh ngày mồng 3 tháng 12 năm 1928 tại Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị trong một gia đình danh gia, có truyền thống huấn học lâu đời.
Thuở trẻ, ông nhận được một nền giáo dục vừa theo truyền thống danh gia, vừa cập nhật Tây học. Ông đã sớm tham gia cách mạng và góp phần vào cuộc kháng chiến cứu nước trường kì của dân tộc. Từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 8 năm 1946: Ông tham gia công tác Bình dân học vụ, công tác tự vệ tại Huế, Quảng Trị. Từ tháng 8 năm 1946 đến tháng 9 năm 1949: Ông nhập ngũ, là chiến sĩ trung đoàn 95 tại Quảng Trị. Từ tháng 10 năm 1949 đến tháng 12 năm 1951: Ông công tác tại ty giáo dục Quảng Trị. Từ tháng 12 năm 1951 đến tháng 5/1955 Ông công tác tại Khu học xá Trung ương, Nam Ninh Quảng Tây Trung Quốc. Từ 1956 đến 1992 Ông công tác tại Trường ĐHTHHN, Nay là Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Bước chân vào khoa học, ông may mắn được những vị được coi là nhất đại tôn sư đương thời dìu dắt như GS. Đặng Thai Mai, các cụ Trần Lê Nhân, Ngô Lập Chi…Cộng thêm sự nỗ lực tự thân không ngừng trau dồi, nên tri thức của ông ngày càng sâu rộng. Trong sự nghiệp nghiên cứu, ông đã được nhận một số giải thưởng quan trọng như: Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng Phan Chu Trinh,…
Tuy nhiên, cái mà một người để lại cho đời đâu phải là lí lịch! Điều làm nên một tên tuổi NGUYỄN THẠCH GIANG mà đời sau sẽ nhớ, nằm ở trong những hình tích, những cống hiến của ông!
Ông được Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường ĐHKHXH & NV, ĐHQGHN nhớ đến với tư cách Vị Tổ Trưởng Việt ngữ học đầu tiên, người thợ xây đặt viên gạch đầu tiên, để bây giờ làm nên một Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt không chỉ Đào tạo mà còn Nghiên cứu khoa học, không chỉ giảng dạy cho sinh viên nước ngoài mà còn đào tạo cả sinh viên Việt Nam, không chỉ đảm trách hệ Cử nhân mà còn Đào tạo Sau đại học.
Để làm nên sự nghiệp cần phải có hành trang! PGS. Nguyễn Thạch Giang như một con ong cần mẫn thâu nạp kiến thức không ngơi nghỉ, với một định hướng khoa học vô cùng chính xác mà khác đời! Ông theo tiền nhân: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nhưng đồng thời cũng rất nghiêm khắc: “ Phải đa mới tinh được!”. Nhờ thế mà ông đạt đến mức: “Tôi quán xuyến được kho sách Hán Nôm của thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ”.
Ngay từ năm 2011, PGS. Nguyễn Thạch Giang đã tâm sự: “Giờ đến lúc tuổi cao sức yếu. Riêng tôi đã chuẩn bị cho một chuyến đi xa!”. Lúc này ông đã thực sự đi xa! Và chúng ta nhìn lại mới thấy giật mình ngưỡng vọng trước sự “chuẩn bị” công phu vô cùng của ông: Gần 80 đầu sách với những pho chữ nghĩa và tâm huyết tràn trề! Có thể kể ra đây một vài viên ngọc quý trong đó như: “Từ ngữ văn Nôm”, “Từ ngữ điển cố văn học”, “Từ điển văn chương Quốc âm”…và công trình khảo đính “Truyện Kiều” như một khuôn mẫu!
Ông cũng được gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người quen thân biết đến, như ông tự thuật trong “Lời quê chắp nhặt”: “Cả một đời miệt mài cầm bút quanh năm suốt tháng không có lấy một ngày nghỉ chủ nhật, một ngày nghỉ hè”. Cũng có lẽ vì thế mà những gì ông để lại luôn có một sức nặng khó định giá. Chỉ riêng với “Truyện Kiều” do ông khảo đính đã tái bản 33 lần với số lượng 200.000 bản. Thật đúng là “Công trình kể biết mấy mươi”. Và cũng với công trình này, ông đã nhận được một vinh dự mà ít nhà khoa học nào có cơ hội nhận: ông đã từng được Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cơm thân mật – như một nghĩa cử của một nhân cách lớn, trí thức lớn, nhà lãnh đạo lớn – tri ân và biết đến một hiền tài quốc gia!...Tôi nghĩ, sẽ không quá lời khi nói rằng: chừng nào người Việt còn biết đến “Truyện Kiều” như một tài sản tinh thần dân tộc; nhớ đến Nguyễn Du như một danh nhân văn hóa dân tộc và thế giới thì chừng ấy người ta sẽ vẫn không quên PGS. Nguyễn Thạch Giang – người đã khảo đính Truyện Kiều để nó được tồn tại với thực sự Chân – Thiện – Mỹ!
Năm 1970 ông từng tâm sự: “Làm một việc gì, lòng tôi bao giờ cũng hướng về 3 phía: Quá khứ, Hiện tại (để biết ơn) và Tương lai (để dám nhận lãnh trách nhiệm của mình với những thế hệ mai sau)”. Với bộc bạch này, và với cách hành xử trong đời của mình, ông quả là một tấm gương về nhân cách chính trực, và đạt đến cái Thần của một bậc Trí Giả!
Những lúc thăng trầm của đời người, ông cũng không tránh khỏi ưu tư khi tâm sự: “Làm việc thầm lặng trong cô đơn, suốt một đời cô đơn để mua vui…”. Và ngay cả tên những tập sách lớn cuối đời ông chọn “Lời quê chắp nhặt” ta như cảm nhận được nỗi cô đơn, chua ngọt, ngậm ngùi! Những nỗi niềm mà ông chẳng cần che dấu trong đề từ, trong lời bạt!... Tuy nhiên, cái mà mọi người biết đến và mong đợi, lại là một Nguyễn Thạch Giang bản lĩnh đúng như lời ông tự nhủ lòng: “Với một lòng cao cả vô vi, ta sẽ có cả Trí, Nhân, Dũng như cổ nhân để học tập và nghiên cứu lâu dài và có hiệu quả!”.
PGS. Nguyễn Thạch Giang, một trong những nhà văn bản học Văn Nôm bậc nhất của chúng ta đã vĩnh viễn đi xa!
Nhưng Ông sẽ mãi trường tồn trong những trước tác, những “cảo thơm lần giở trước đèn” mà ông – “người tạo chữ” – đã để lại với đời!
Than ôi, giờ đây gần trong gang tấc mà nghìn trùng cách biệt.
Thầy ơi, nhớ những lần chúng em đến thăm Thầy, được nghe giọng nói hào sảng của Thầy, được Thầy tặng sách, và chúng em không quên Thầy đã nhiều lần nói Thầy nhìn thấy tương lai của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt thật rộng mở và phát triển.
Thầy ơi,
Đau lòng kẻ ở người đi,
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm,
Trời hôm mây kéo tối rầm,
Rầu rầu ngọn cỏ đầm đầm cành sương"!
Cuối cùng, xin tất cả các quý vị có mặt ở đây dành một phút mặc niệm để tiễn đưa PGS. Nguyễn Thạch Giang yêu quý về cõi vĩnh hằng.
Phút mặc niệm bắt đầu!Xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị!