Khoa Việt Nam học và Tiếng Việthttps://vsl.ussh.vnu.edu.vn/uploads/vsl/vsl-banner1.png
Thứ tư - 19/04/2017 21:40
Cái nắng chói chang của mùa hạ đã bắt đầu phủ bóng khắp những tuyến đường, len lói vào từng con ngõ, chơi trốn tìm cùng những tán cây xanh.Dường như người ta chẳng bao giờ yêu thích cái mùa hè nóng như thiêu như đốt ấy. Khi mà lúc nào người cũng nhễ nhại mồ hôi, mệt mỏi tới phát bực. Thế nhưng khoảng thời gian của mùa hạ lại khiến cho con người ta trân trọng hơn bao giờ hết. Mùa hạ, mùa của cánh phượng được ép cẩn thận trong trang vở, mùa của những tâm tình viết vội trao nhau vào cuốn lưu bút, mùa của cái ôm, cái nắm tay hay những cảm xúc nghẹn ngào không nói nên lời. Đúng vậy, đó là mùa mà không một cô cậu học trò“vượt vũ môn” nào mong muốn; xa thầy cô, xa bạn bè - những con người đã từng của hiện tại mà giờ đây lại trở thành kỉ niệm, để rồi bước vào khoảng thời gian áp lực nhất, căng thẳng nhất trong cuộc đời học trò. Đó là mùa thi cử.
Cái nắng chói chang của mùa hạ đã bắt đầu phủ bóng khắp những tuyến đường, len lói vào từng con ngõ, chơi trốn tìm cùng những tán cây xanh.Dường như người ta chẳng bao giờ yêu thích cái mùa hè nóng như thiêu như đốt ấy. Khi mà lúc nào người cũng nhễ nhại mồ hôi, mệt mỏi tới phát bực. Thế nhưng khoảng thời gian của mùa hạ lại khiến cho con người ta trân trọng hơn bao giờ hết. Mùa hạ, mùa của cánh phượng được ép cẩn thận trong trang vở, mùa của những tâm tình viết vội trao nhau vào cuốn lưu bút, mùa của cái ôm, cái nắm tay hay những cảm xúc nghẹn ngào không nói nên lời. Đúng vậy, đó là mùa mà không một cô cậu học trò“vượt vũ môn” nào mong muốn; xa thầy cô, xa bạn bè - những con người đã từng của hiện tại mà giờ đây lại trở thành kỉ niệm, để rồi bước vào khoảng thời gian áp lực nhất, căng thẳng nhất trong cuộc đời học trò. Đó là mùa thi cử.
Có bao giờ bạn nhận ra rằng, giữa cái nắng gay gắt, giữa vẻ mặt lo lắng, thấp thỏm của các bậc phu huynh khi đưa con em mình đi thi, có những bóng áo xanh không ngại nắng, không ngại mưa, không ngại vất vả mà vẫn luôn giữ nụ cười lạc quan trên môi hay chưa? Tôi cũng như bao người bạn cùng trang lứa khác, cũng có những lúc chuẩn bị cho cuộc “vượt vũ môn” hay người ta vẫn gọi là “cuộc chiến một mất một còn” quyết định cho cả một tương lai. Mùa thi cử còn đẹp bởi bóng những áo xanh tình nguyện…
Tôi yêu thích công việc tình nguyện từ khi còn học cấp 2. Tôi khâm phục cách các anh chị tình nguyện trèo đèo, lội suối, mặc kệ nguy hiểm, gian khổ mà trao tận tay bà con những món quà cứu trợ, để rồi chỉ cần nhận lại nụ cười, giọt nước mắt hạnh phúc họ. Tôi thích cách mà các anh chị đứng đầu trần dưới mưa, nắm tay nhau tạo thành hàng rào để phân luồng giao thông, để đảm bảo an toàn cho các sĩ tử đi thi. Với tôi đó là những hình ảnh đẹp, là ngọn lửa, là động lực thôi thúc cái đam mê đã luôn âm ỉ cháy trong tôi từ khi còn là một cô bé ngây ngô ấy.
Nhưng rồi cho tới khi bước chân vào cánh cổng của trường đại học, tôi mới nhận ra rằng công việc tình nguyện không dễ dàng như tôi đã tưởng tượng về nó. Tình nguyện cần phải có sức khỏe tốt, không bị bó hẹp về thời gian và đặc biệt là phải chịu được vất vả, khó khăn; tôi chẳng được cái nào trong ba tiêu chí cơ bản nhất đó cả, thế nên nghiễm nhiên là tôi trượt ngay từ “vòng gửi xe đạp” khi đi tham gia phỏng vấn vào CLB Xung Kích của trường. Suốt hai năm trời tôi vẫn ấp ủ ước mơ trở thành sinh viên tình nguyện, nhưng tình hình cũng chẳng khả quan hơn là bao. Sự “thê thảm” đó đã khiến tôi luôn suy nghĩ về chữ “duyên” của tôi với con đường này. Có lẽ tôi không phù hợp để trở thành sinh viên tình nguyện như các anh chị, có lẽ con đường này không dành cho tôi. Lâu dần, tôi làm bạn với hai chữ “từ bỏ”.
Một thời gian sau đó tôi mới phát hiện ra rằng, tình nguyện không nhất thiết là phải băng rừng lội suối hay đầu trần đứng dưới mưa; tình nguyện đôi khi chỉ đơn giản là làm một điều nhỏ nhặt nhưng ý nghĩa. Và rồi cuối cùng, không hiểu do sự may mắn hay thế nào, tôi được ghi danh trong Đội máu và Hội đồng hương. Công việc trong hai câu lạc bộ này không cần phải leo núi, bơi sông, cũng không quá nguy hiểm, nhưng với tôi, đó cũng là nhiệt huyết, là đam mê của tuổi trẻ, là chuỗi ngày tôi được “sống thật” với tuổi thanh xuân của chính mình.
Nhiều người vẫn suy nghĩ rằng, tình nguyện là công việc chán ngắt, tốn thời gian, chỉ được lợi cho người mà chẳng được lợi cho mình. Thế nhưng họ không hiểu rằng, cuộc sống đôi khi đẹp vì nhận lại nụ cười ngây thơ của một đứa trẻ được cứu sống bởi nghĩa cử hiến máu cao đẹp, hay là tiếng cười giòn tan của bác xe ôm quá nửa đời người chăm hai đứa con bị tâm thần khi cầm trên tay túi quà tuy nhỏ nhưng chất chứa đầy tình người, tính nhân văn. Cuộc sống chỉ cần như vậy cũng đủ khiến người ta cảm thấy hạnh phúc.
Con đường tình nguyện của tôi, giống như con đường mà bao bạn bè khác đã lựa chọn, cũng có lúc thăng, lúc trầm; lúc được trải đầy hoa hồng nhưng cũng có lúc bị gai của loài hoa ấy ghim vào chân. Một đứa con gái như tôi, từ nhỏ đã được bố mẹ nuông chiều, khi chấp nhận đi trên con đường này chính là đồng nghĩa với việc phải chịu để gai hoa hồng đâm vào chân, vào người. Bạn chịu để gai hồng đâm vào chân nhưng lại không chịu rút nó ra để đi tiếp mà đã vội ngồi xuống khóc lóc thì sau này, khi cuối con đường không chỉ có gai hoa hồng mà còn có cả mảnh thủy tinh thì sẽ như thế nào? Tình nguyện như một khóa huấn luyện dài kì, tập cho tôi tự biết cách nhổ gai hoa hồng khỏi người, dạy cho tôi biết rằng cuộc sống này vốn không có gì dễ dàng cả. Nhưng ai cũng phải có một lần vấp ngã, vấp ngã để trưởng thành hơn, để hiểu rằng cuộc sống thật đáng trân trọng.
Tôi vẫn nhớ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Đúng vậy, sống đôi lúc chỉ đơn giản là cho đi, đâu cần phải nhận lại mới là cuộc sống. Đã bao giờ bạn thử chỉ cho đi thật nhiều, thật nhiều mà không cần nhận lại chưa? Nhìn bề ngoài, nhìn tôi vất vả hàng ngày chạy theo các chương trình hiến máu, cứ tan học hay rảnh rỗi mà có chương trình là tôi lại đi chương trình, rất nhiều người thân, người bạn bảo tôi là “đứa rảnh rỗi sinh nông nổi”. Họ cho rằng tôi quá thừa hơi, thừa sức vào “những chuyện vô bổ”, tại sao thời gian đó không để mà nghỉ ngơi, đọc sách hay đi chơi cùng bạn bè? Nhưng có ai biết được khi tham gia các hoạt động này tôi đã trưởng thành như thế nào? Nếu quen tôi từ khi tôi mới bước chân vào cánh cổng đại học, thì chắc chắn ấn tường trong bạn về tôi sẽ là một cô sinh viên khá kiệm lời, rất nhút nhát và rất ngây ngô. Nhưng bây giờ thì đã khác nhiều rồi, cô gái ấy đã trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn và sâu hơn, đã biết tự tin đứng trước người lạ để tuyên truyền về hiến máu nhân đạo, gạt bỏ được sự tự ti về khả năng của bản thân để đứng trước tất cả mọi người thuyết trình một cách thật nghiêm túc.
Có đi tình nguyện, có tham gia vào các hoat động của “nhà máu”, tôi mới hiểu được rằng trong xã hội này còn rất nhiều người bất hạnh, khổ cực và mong chờ sự sống từng ngày biết chừng nào. Nhìn những em nhỏ rét mướt trong tấm áo mỏng manh hay những bệnh nhi yếu ớt từng giờ từng phút đớn đau nhưng hạnh phúc khi được nhận máu, được sống thêm chút nữa. Hạnh phúc với họ đơn giản mà khiến tôi và bao anh em, đồng chí thấy thật ý nghĩa, thật đáng trân trọng. Có bao người đã hỏi tôi rằng tại sao tôi lại cứ thích tình nguyện, thích máu đến vậy??? Chỉ một lí do đơn giản là tôi muốn được làm những việc mà khi còn có thể, muốn nhìn thấy thật nhiều người xung quanh mình được hạnh phúc và đặc biệt tôi muốn mình là một phần nào đó trong xã hội.
Vậy đấy, cuộc sống trong tôi chỉ đơn giản là được cống hiến, được trải nghiệm và được nhìn ngắm những nụ cười hạnh phúc từ mọi người. Hãy trao đi khi còn có thể để ta được nhận lại bằng cả trái tim nhé!