Lễ trao giải cuộc thi viết Cây bút VSL và Thư Việt Nam năm 2017

Thứ bảy - 20/05/2017 09:54
Sau hơn hai tháng phát động, cuộc thi viết Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2017 do Câu lạc bộ Sứ giả văn hóa (CMC) khởi xướng đã chính thức khép lại với lễ trao giải được tổ chức vào hồi 19h ngày 19/05/2017 tại hội trường B - nhà B7 Bis - Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - Trần Đại Nghĩa - Bách Khoa.
Sau hơn hai tháng phát động, cuộc thi viết Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2017 do Câu lạc bộ Sứ giả văn hóa (CMC) khởi xướng đã chính thức khép lại với lễ trao giải được tổ chức vào hồi 19h ngày 19/05/2017 tại hội trường B - nhà B7 Bis - Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - Trần Đại Nghĩa - Bách Khoa. Tham dự lễ trao giải có TS. Phạm Huy Cường - Phó Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên (Trường Đại học KHXH&NV), thầy Đào Văn Hùng – phó trưởng khoa Việt Nam học & Tiếng Việt (VSL) – kiêm Trưởng Ban tổ chức giải, các thầy cô trong Ban giám khảo, các thầy cô hiện đang công tác ở VSL và ở Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn. PGS.TS. Nguyễn Thiện Nam - Trưởng Khoa Việt Nam học, mặc dù đang công tác ở nước ngoài nhưng với tâm trạng "sướng âm ỉ", cũng chăm chú theo dõi sự kiện bằng livestream facebook. Lễ trao giải còn có sự hiện diện của các phóng viên VTC10 và đại diện của một số câu lạc bộ trong Trường (Câu lạc bộ Điện Ảnh, câu lạc bộ Tiếng Anh...). Dĩ nhiên, nhân vật chính của đêm trao giải vẫn là đông đảo các bạn sinh viên Việt Nam và quốc tế - những người hoặc trực tiếp tham gia viết bài cho cuộc thi hoặc đã luôn theo dõi, khích lệ các tác phẩm của cuộc thi trong suốt thời gian qua. Trong số khách mời quốc tế, rất đáng chú ý là sự xuất hiện của bà Brigitte Morof - phụ huynh của Isabelle Windhorst – nữ sinh đang học tiếng Việt tại VSL, cũng là một thí sinh tham gia cuộc thi. Theo gợi ý của Ban tổ chức, Isabelle Windhorst đã đưa mẹ đến dự đêm trao giải để bà có thêm một trải nghiệm đáng nhớ ở Việt Nam.
Toàn cảnh đêm trao giải
Sau hai tiết mục văn nghệ khởi động của các bạn sinh viên quốc tế và Việt Nam là phần phát biểu khai mạc buổi lễ của thầy Đào Văn Hùng. Thầy khẳng định “sự thành công mỹ mãn” của cuộc thi và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bạn sinh viên, đến Ban giám khảo và đông đảo khách mời. Tiếp theo, với tư cách là thư ký, thầy Đặng Hoàng Giang phát biểu tổng kết cuộc thi. Tổng hợp kết quả nhận xét của Ban giám khảo, bài tổng kết của thầy Đặng Hoàng Giang đã phác họa những đường nét tổng quát của cuộc thi năm nay. Nếu như 15 bài viết của cuộc thi Thư Việt Nam đã khiến Ban giám khảo có những bối rối - ngọt ngào vì không biết chọn tác phẩm nào độc đáo nhất, ấn tượng nhất từ rất nhiều cái ấn tượng, cái độc đáo; thì 27 tác phẩm tham gia cuộc thi Cây bút VSL đã mang đến một sinh quyển tràn đầy hy vọng về năng lực viết và nhận thức của thế hệ trẻ. Các bài viết đã mở ra một góc nhìn rất trẻ, rất sung mãn của một thế hệ sinh viên khoa Việt Nam học nói riêng, sinh viên Việt Nam nói chung: dám nghĩ, dám đi, dám sống. Vì thế, cuộc thi này không chỉ là sân chơi của những tài năng viết văn, mà hơn hết, nó là sân chơi của những nghĩ suy cao thượng, mở ra khả năng viết thật từ cách sống thật của các bạn sinh viên. Tiếp đó, khán giả đã có những phút thư giãn thoải mái khi được xem video giới thiệu về Câu lạc bộ Sứ giả văn hóa và thưởng thức các tiết mục văn nghệ sôi động của các bạn sinh viên Việt Nam.
Các thầy cô giáo lên trao giải cho các thí sinh đạt giải
Cuối cùng, chương trình đã đi đến khoảnh khắc mà mọi người luôn mong đợi: phần công bố và trao giải thưởng. Trong không khí hồi hộp bao trùm cả hội trường, từng giải thưởng dành cho các tác phẩm xuất sắc đã dần được hé lộ. Hai giải nhất đã thuộc về tác phẩm Nhìn từ đôi mắt của một người Mỹ (James Engels) và tác phẩm Hãy cho đi khi còn có thể (Đỗ Hoài Thu k60). Hai giải nhì thuộc về tác giả Lalitpat Kerdkrung-tlan với tác phẩm Việt Nam đã khiến tôi ngạc nhiên như thế nào và tác giả Nguyễn Thị Thúy với tác phẩm Tình yêu của bố. Các giải ba lần lượt thuộc về Việt Nam – quả sầu riêng độc đáo của Lý Vân (sinh viên Trung Quốc), Mãi mãi tuổi thanh xuân của Vũ Thị Hương và Ếch ơi, chào mi, hãy ra khỏi đáy giếng đi nào của Nguyễn Tú Anh. Điểm thú vị nhất của cuộc thi năm nay là để khích lệ tinh thần của các thí sinh, Ban tổ chức đã quyết định bổ sung giải Hữu nghị vào cơ cấu giải thưởng. Nghĩa là, mọi tác giả gửi bài tham gia cuộc thi đều đạt giải, đều là người chiến thắng. Vì tất cả những lí do đó,  trong bản nhận xét của mình, TS. Lê Thị Thành Tâm - một thành viên trong Ban giám khảo, đã viết: “Xin chúc mừng chúng ta, những người đã vì nhau mà tổ chức cuộc thi này, vì nhau mà viết bài tham dự, và vì nhau mà tôn vinh những điều tốt đẹp của nhau”.
Isabelle - một sinh viên quốc tế đạt giải
Trong phần Phát biểu cảm nghĩ, cô Nguyễn Việt Hương – thành viên Ban giám khảo đã trân trọng gửi lời cảm ơn và biết ơn sâu sắc đến Ban tổ chức và toàn thể các tác giả của hơn 40 bài dự thi - “những người tài năng trẻ tuổi, yêu nước và tràn đầy lòng tự tôn dân tộc”. Cô cũng hy vọng cuộc thi năm tới sẽ hội tụ được nhiều tài năng để cuộc thi có thể thành công hơn nữa. Đại diện cho các thí sinh, bạn Tú Anh - sinh viên K59 VSL đã đánh giá rằng đây là cuộc thi hết sức bổ ích cho sinh viên Việt Nam. Tú Anh cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về khả năng sử dụng tiếng Việt vừa điêu luyện vừa dễ thương của các bạn sinh viên nước ngoài. Trong khi đó, đối với Isabelle Windhorst, cuộc thi là một trải nghiệm tuyệt vời giúp cô khám phá sự độc đáo của tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Đại biểu, các thầy cô giáo và sinh viên chụp ảnh lưu niệm
Đêm trao giải cuộc thi viết đầu tiên của Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt đã thành công mỹ mãn. Xin hẹn gặp lại vào ngày này năm sau để tiếp tục nối dài những thành tựu tinh thần sáng giá của các thế hệ sinh viên khoa Việt Nam học và tiếng Việt!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay334
  • Tháng hiện tại65,658
  • Tổng lượt truy cập867,804
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây