Thăm thẳm miền Trung

Thứ hai - 28/08/2017 23:59
Từ ngày 21/8 đến ngày 26/8/2017, sinh viên Khóa 59 - Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt (VSL), dưới sự hướng dẫn của TS. Đặng Hoàng Giang và ThS. Nguyễn Thị Thư, đã có một chuyến đi thực tế ở miền Trung. Đây là một hoạt động thường niên của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt nhằm mang đến cho sinh viên năm cuối cơ hội cảm nhận, khám phá không gian văn hóa miền Trung, từ đó, mở rộng hơn nữa chân trời tri thức Việt Nam học.
Thăm thẳm miền Trung
Thăm thẳm miền Trung
Từ ngày 21/8 đến ngày 26/8/2017, sinh viên Khóa 59 - Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt (VSL), dưới sự hướng dẫn của TS. Đặng Hoàng Giang và ThS. Nguyễn Thị Thư,  đã có một chuyến đi thực tế ở miền Trung. Đây là một hoạt động thường niên của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt nhằm mang đến cho sinh viên năm cuối cơ hội cảm nhận, khám phá không gian văn hóa miền Trung, từ đó, mở rộng hơn nữa chân trời tri thức Việt Nam học. Chúng tôi rời Hà Nội trong đêm, đón bình minh bên bờ biển Nhật Lệ thơ mộng, rồi ghé thăm thành cổ Quảng Trị - nơi được nghe thuyết trình về cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ của quân dân ta trước khi vào Huế chiêm bái Lăng Minh Mạng và Đại Nội. Trong đêm nghỉ lại cố đô, chúng tôi được lên thuyền rồng nghe ca Huế, thả đèn hoa đăng trên dòng Hương giang và nếm các quà vặt dân dã mà hấp dẫn nơi này. Rời đất thần kinh, chúng tôi đến Đà Nẵng, thả mình trong làn nước biển trong xanh của bãi biển Mỹ Khê, phiêu du nơi cõi Bà Nà mộng mị và rong ruổi từ đôi bờ sông Hàn cho đến bán đảo Sơn Trà huyền ảo. Từ Đà Nẵng, chúng tôi vào thăm Phố Cổ Hội An, lang thang trên những con phố cổ kính đến mức ám ảnh, thăm Chùa Cầu, nhà cổ Đức An, Nhà Cổ Tân Kỳ, thưởng thức cao lầu, mỳ Quảng… Trên đường trở về Hà Nội, đoàn ghé vào viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa – Đảo Yến, nghiêng mình trước nhân cách cao cả của một bậc vĩ nhân đã luôn định vị chỗ đứng của mình trong lòng nhân dân và dân tộc. Hà Tĩnh là chặng cuối của cuộc hành trình với hai điểm đến là bãi biển Thiên Cầm và Khu tưởng niệm Mười cô gái thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc. Có thể nói, hành trình khám phá không gian văn hóa miền Trung, dù chỉ kéo dài 5 ngày, đã mang đến cho mỗi thành viên trong đoàn những trải nghiệm khó quên. Có lẽ, nói đến miền Trung là nói đến biển cả và văn hóa biển. Biển trở thành một đặc tính nổi trội trong cơ tầng văn hóa miền Trung. Do một sự sắp đặt khéo léo nào đó của trời và đất, tất cả các tỉnh miền Trung mà chúng tôi đi qua đều ngoảnh mặt ra biển. Chuyến đi của chúng tôi hầu như là một cuộc hành trình dọc theo các hương lộ ven biển với những rặng phi lao kiên cường trước bão cát và gió biển, những trảng cát dài ngút mắt chói chang dưới ánh nắng mặt trời, những bãi biển xanh biếc mời gọi. Biển không chỉ tạo nên cảnh quan thiên nhiên kì thú mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến lối sống của con người. Chúng tôi thực sự ấn tượng trước lối ứng xử bộc trực, thoải mái, phóng khoáng của người dân bất cứ nơi đâu mà chúng tôi ghé thăm. Làm sao tôi quên được phong cách thân thiện, dí dỏm nhưng không kém phần lịch lãm của bác hướng dẫn viên du lịch ở  Hội An – người đã khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác khi khám phá không gian phố Hội. Tôi cũng sẽ nhớ rất lâu hình ảnh các bác trung niên lớn tuổi ở một quán cà phê vỉa hè Đà Nẵng đã kiên quyết nhường ghế cho chúng tôi ngồi xem bóng đá dưới cơn mưa tầm tã buổi chiều. Ẩm thực miền Trung cũng mặn mòi vị biển - điều này được thể hiện rõ nhất ở các loại mắm của mỗi vùng. Ví như đến Huế nhất định bạn phải thử món tôm chua kèm thịt heo ngon trứ danh. Đà Nẵng có món bánh tráng cuốn thịt heo, bún mắm mà nhất định là phải chấm với loại mắm sền sệt làm từ cá thu mới chuẩn vị, cao lầu Hội An với nước sốt xá xíu thanh ngọt. Hay những món ăn đậm vị biển như món ngao xào kèm bánh đa kê Hà Tĩnh, mì Quảng, hủ tiếu,… Miền Trung còn là một không gian văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái địa phương khác nhau. Đến Huế, ta cảm thấy mọi thứ ở đây đều nhỏ nhắn, thâm trầm, mơ mộng. Chắc không hề ngẫu nhiên mà chị Lan Rừng – hướng dẫn viên vô cùng dễ thương của chúng tôi, khi xe sắp đến Huế, đã dẫn ra một giai thoại tiếu lâm để giới thiệu chất nữ tính của con gái Huế và văn hóa Huế: “Chua choa, cái chi em cũng sợ. Nước chảy em cũng sợ, lá rơi em cũng sợ ...”. Gần như ở cực ngược lại với Huế, Đà Nẵng nổi lên như một không gian đô thị hiện đại, cởi mở và sầm uất. Đà Nẵng mang sức sống dồi dào của một thành phố trẻ đang lên, vì thế trở thành điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung. Trong khi đó, Hội An lại là một sự trung hòa  giữa vẻ trầm mặc của Huế và tính hiện đại của Đà Nẵng. Có thể diễn đạt như thế này chăng: Hội An gia nhập vào thế giới hiện đại, mê hoặc thế giới hiện đại nhờ sự cổ điển của nó và tính hiện đại nơi đây, qua sự điều tiết của bộ lọc cổ điển, cũng trở nên mềm mại hơn, cân bằng hơn. Với thế hệ trẻ chúng tôi, khám phá miền Trung không thuần túy là đi du lịch và trải nghiệm điều khác biệt. Điều quan trọng không kém là cuộc hành trình đã giúp các bạn trẻ thấm thía giá trị của các di sản mà họ được tiếp nhận từ thế hệ cha ông. Di sản lớn nhất của miền Trung, với tôi, chưa hẳn là các công trình văn hóa vật thể. Hình như, cái tạo nên một diện mạo đặc biệt cho dải đất này thuộc về các giá trị vô hình: sự kiên cường, nhẫn nại, sự lạc quan vô tận và một khát vọng sống mạnh mẽ của con người, giúp họ vượt qua những thử thách tưởng chừng  bất khả kháng trên hành trình tồn tại. Tại thành cổ Quảng Trị, dưới cái nắng chói chang của những ngày cuối hè, chúng tôi đã rưng rưng nước mắt khi nghe chị thuyết minh kể lại cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ từng góc tường, từng bờ hào, từng ô gạch của “thế hệ 1972”:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời cũng tự trong xanh và lộng gió

Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào”

Trái tim của chúng tôi như thắt lại khi xem sa bàn diễn tả những hi sinh gian khổ của hàng vạn thanh niên xung phong nhằm bảo vệ huyết mạch giao thông tại Ngã Ba Đồng Lộc. Tôi tin rằng, những giọt nước mắt nóng hổi và chân thành ấy sẽ góp phần thanh lọc tâm hồn mỗi người trẻ, giúp họ bớt ồn ào, ích kỷ để sống một cuộc đời có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và quê hương. Khi ngồi ở Hà Nội viết những dòng này, tôi nhớ da diết màu xanh của nước biển, màu cát trắng lân tinh, màu tím mộng mơ xứ Huế. Tôi nhớ tiếng hát ngọt ngào của thầy, nhờ ánh mắt trìu mến của cô, nhớ tiếng cười giòn tan của các bạn trong nắng sớm. Xin cảm ơn Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt, cảm ơn các thầy cô, các ơn bố mẹ, cảm ơn bè bạn đã cho tôi một trải nghiệm đúng nghĩa. Hẹn một ngày trở lại, miền Trung!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay423
  • Tháng hiện tại48,817
  • Tổng lượt truy cập922,456
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây