Cuộc thập tự chinh Lakhon Bassac

Thứ ba - 23/01/2018 11:57
Tiết Thanh Minh trôi qua khoảng hơn tuần lễ, mùa lễ hội Chôn Chnam Thmây (tết chịu tuổi – đón năm mới) truyền thống của người Khmer lại bắt đầu. Đồng bào Khmer lại háo hức chờ đón tiếng trống dập dìu và ánh đèn sặc sỡ của những đêm Lakhon – một hình thức sân khấu truyền thống đặc sắc. Trong nguyên ngữ Khmer, Lakhon có nghĩa là “diễn tả như thật cái không có thật”. Nôm na có thể hiểu là “biểu diễn”, hoặc “sân khấu hóa”.
Cuộc thập tự chinh Lakhon Bassac
Cuộc thập tự chinh Lakhon Bassac
Kính thưa quý độc giả! Việt Nam học (Vietnamese Studies) không chỉ nghiên cứu Việt Nam mà còn khám phá văn hóa của các dân tộc khác - nhất là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á - những nước có chung cơ tầng văn hóa hoặc cùng chia sẻ một số truyền thống văn hóa, tư tưởng, tôn giáo với Việt Nam. Nghiên cứu người cũng là để quay lại hiểu mình một cách sâu sắc hơn. Với cách hiểu như vậy, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một bài ký của tác giả Hồng Lam nói về "số phận" của một loại hình nghệ thuật độc đáo ở Cam Pu Chia. Ngoài giá trị thông tin, bài ký còn gợi lại những kỉ niệm tốt đẹp đã diễn ra trên đất Cam Pu Chia khoảng 30 năm trước của nhiều thầy cô giáo Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt - khoảng thời gian mà họ đến đó để dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

--------------------------------

Tiết Thanh Minh trôi qua khoảng hơn tuần lễ, mùa lễ hội Chôn Chnam Thmây (tết chịu tuổi – đón năm mới) truyền thống của người Khmer lại bắt đầu. Đồng bào Khmer lại háo hức chờ đón tiếng trống dập dìu và ánh đèn sặc sỡ của những đêm Lakhon – một hình thức sân khấu truyền thống đặc sắc. Trong nguyên ngữ Khmer, Lakhon có nghĩa là “diễn tả như thật cái không có thật”. Nôm na có thể hiểu là “biểu diễn”, hoặc “sân khấu hóa”.

Thói quen, người ta gọi chung những buổi biểu diễn nghệ thuật Khmer là “hát Dù kê”. Thật ra, Dù kê (tài sản lâu đời), chỉ là tên của một điệu ca vũ, cùng với Dì kê, Hamôri và nhiều loại hình biểu diễn khác hợp lại mới tạo thành Lakhon – sân khấu nghệ thuật, một kiểu tuồng, cải lương riêng của người Khmer.

Chảy vào Việt Nam, sông Mê Kông tẻ thành hai nhánh sông Tiền và sông Hậu. Người Khmer gọi sông Hậu là Bassac, chia đôi hai vùng đất Khleng (Trà Vinh) phía Bắc và Pres Tro Peng (Sóc Trăng) ở bờ Nam. Thủ phủ xưa của đất Bassac là vùng Bãi Xàu, tức huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng ngày nay. Gần một thế kỷ trước, giao thoa văn hóa các dân tộc đã cho ra đời Lakhon Bassac, cách gọi nhằm phân biệt với những hình thức sân khấu Khmer khác như Lakhon Cambodia, Lakhon Champasac…của phía nước bạn Campuchia.

Vào đầu thế kỷ XX, một vùng ruộng đất rộng lớn quanh chùa Pôthi Saratham (Chùa Sóc Vồ, phường 7, TP Sóc Trăng ngày nay) đều thuộc về gia đình hai đại địa chủ, một người Hoa và một người Khmer. Gia đình địa chủ người Khmer có hai con trai nổi tiếng tên là Lý Cảnh và Lý Sua. Người anh Lý Cảnh được gia đình gửi sang Pháp du học, sau đó định cư tại trời Âu, làm ăn khá phát đạt. Người em, theo truyền thống Khmer, được gửi vào chùa tu học, có thời gian đã trở thành sư trụ trì. Ông Lý Sua đã tích lũy được một vốn văn hóa Khmer truyền thống khá sâu sắc, am hiểu nhiều loại hình nghệ thuật dân gian.

Vào thời đó, Kinh kịch cũng theo chân người Hoa du nhập vào miền Tây Nam Bộ, thường được trình diễn cùng với Hát bội của người Việt vào những dịp lễ tết. Nhiều lần quan sát, thấy trẻ em Khmer tỏ ra thích thú, say mê trong việc bắt chước “diễn” lại những đoạn Kinh kịch, Hát bội mà chúng vừa được xem, ông Lý Sua đã nghĩ đến việc kiến tạo nên một loại hình sân khấu riêng của người Khmer. Vận dụng vốn văn hóa, hiểu biết, nhất là về văn chương và các điệu ca, vũ, nhạc dân gian, ông Lý Sua đã mày mò sáng tác nên những “kịch bản” Lakhon đậm chất Khmer, nội dung chủ yếu lấy chất liệu từ các tác phẩm sử thi và truyện cổ dân gian của dân tộc mình.

Dàn “diễn viên” đầu tiên được ông chọn lựa để đào tạo và thử nghiệm cho loại hình nghệ thuật vừa sáng tạo là chính các em nhỏ người Khmer trong vùng thường hay chọn sân chùa làm nơi tụ tập và đùa giỡn. Thành công vượt sự mong đợi. Những buổi diễn của các em đã khiến người lớn đủ mọi thành phần kéo đến chật các sân chùa rộng mênh mông.

Khoảng năm 1920, ở tuổi ngoài “tam thập” ông Lý Sua xuất tu hoàn tục. Việc làm ăn, quản lý ruộng đất của gia đình, ông không màng đến, chỉ giành toàn bộ thời gian mày mò cải biên kịch bản và thử nghiệm các hình thức Lakhon. Lợi tức ruộng đất mà Lý Sua được thừa hưởng không đủ để ông tạo dựng nên một cái nghiệp nghệ thuật đàng hoàng, phải bán dần.

Thời gian đầu, đoàn hát do ông lập ra được gọi là Lakhon Trơng Khlốt (sân khấu giàn mướp), bởi bài trí giản đơn, nhếch nhác như giàn mướp. Một mình Lý Sua kiêm đủ vai trò, từ ông bầu, tác giả kịch bản đến đạo diễn. Được đồng bào Khmer hưởng ứng, nhưng khi công diễn, đoàn Lakhon Khmer Bassac gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các đoàn Kinh kịch người Hoa, Hát bội người Việt, hay những đoàn Lakhon khác từ Campuchia sang lưu diễn. Gánh Trơng Khlốt sơ sài luôn tỏ ra yếu thế, thường phải nhổ sạp nhường đất. Sống lay lắt, ông bầu Lý Sua không thể trả lương đầy đủ, sung túc cho các diễn viên vốn dĩ không chuyên nghiệp. Bù lại, ông sống, cưu mang họ một cách thân tình. Khá đông nữ diễn viên trẻ đẹp thật sự đã - và được ông công nhận – trở thành nhân tình của Lý Sua. Với ông, tất cả là cuộc chơi, cứu cánh nghệ thuật là sự thăng hoa tột đỉnh của tình yêu và cảm xúc!

Từ Pháp, ông Lý Cảnh cảm thấy bất an vì người em ham rong chơi có thể sẽ phá tan hoang tài sản của gia đình, dòng họ. Nhiều lần khuyên can, người em Lý Sua nghe, không cãi, nhưng dứt khoát… không chia tay với những đam mê. Bất đắc dĩ, Lý Cảnh đã gửi về cho người em một số tiền lớn để Lý Sua “chấn hưng nghệ thuật”, biến đoàn Trơng Khlốt thành một đoàn hát lớn.

Được tiếp sức tài chính, Lý Sua và các diễn viên, cộng sự đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, tìm hiểu và cách tân Trơng Khlốt một cách bài bản và có hiệu quả. Họ đã chọn những yếu tố nghệ thuật đặc sắc nhất của Kinh kịch người Hoa, Hát bội người Việt đưa vào trong bài bản Lakhon. Kịch bản được tạo dựng bằng ba thứ tiếng. Lưu diễn ở những vùng đông người Hoa, đoàn sẽ hát bằng cả tiếng Khmer lẫn tiếng Hoa. Đến nhưng khu vực nhiều khán giả Việt, ca từ sẽ chuyển sang tiếng Khmer và tiếng Việt. Nhờ đó, Lakhon Trơng Khlốt đã được cộng đồng đa dân tộc khu vực Tây Nam Bộ đón nhận nồng nhiệt, đem lại cho đoàn doanh thu lớn. Ông Lý Sua trở thành một một ông bầu hát lớn, tiếng tăm vang dội ở cả hai mặt tiền bạc và đào hoa, với tên gọi Chch Cruôn (đọc âm gần giống Cha - Kuộn). Đó cũng là tên gọi chính thức của đoàn nghệ thuật, thế chỗ cái tên Trơng Khlốt èo uột đã trở thanh quá vãng.

Thừa thắng, ông bầu Lý Sua dẫn đoàn Chch Cruôn sang lưu diễn Camuchia. Mới, lạ, độc đáo, giai đoạn đầu Lakhon Chch Cruôn được khán giả nước bạn chào đón tưng bừng, tiền vé thu về như nước. Trước nguy cơ bị cạnh tranh, các đoàn Lakhon khác ở các vùng, miền Campuchia đã liên kết với nhau, tìm đủ mọi cách đẩy đuổi sự bành trướng của đoàn Chch Cruôn. Các loại hình nghệ thuật đặc sắc, quen thuộc hơn và giá vào cửa luôn thấp hơn của các đoàn hát Campuchia đã phát huy tác dụng cạnh tranh, kéo xa dần sự say mê của khán giả xứ người khỏi những buổi diễn của Lakhon Chch Cruôn. Yếu thế, phải liên tục dời đi diễn nơi khác, nhưng cứ hễ đoàn Chch Cruôn định đến nơi mới nào thì ngay lập tức, ở nơi đó đã có ngay một đoàn hát Campuchia dựng rạp trước, buộc lòng họ lại phải gồng gánh kéo nhau đi. Để tránh sự phá sản, Lý Sua phải đưa đoàn quay lại vùng Bassac để cách tân lần thứ hai.

Những ưu điểm nghệ thuật học hỏi được từ các đối thủ trên đất bạn lại được ông Lý Sua và cộng sự nghiên cứu, tỉa gọt, bổ sung vào vở diễn. Kịch bản thay vì lệ thuộc vào nguyên tác sử thi, truyện dân gian, Lý Sua đã tìm cách “đời thường hóa”, khiến chúng bớt phần ước lệ giáo điều, trở nên dễ hiểu và gần gũi, thân thuộc hơn với đời sống người dân. Lý Sua và cộng sự còn mở rộng phạm vi đề tài, phóng tác thêm nhiều kịch bản từ truyện Nôm của người Việt, văn chương của Pháp theo phong cách Khmer hóa để diễn xuất theo các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ Khmer. Hai kịch bản nổi tiếng nhất của Chch Cruôn được hình thành trong giai đoạn này là vở “Thạch Sanh – Lý Thông”, lấy từ cổ tích và vở “Sromol ontôl Chất” chuyển thể từ truyện Nôm “Người thiếu phụ Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Đến nay, với sân khấu Lakhon Bassac, đó vẫn là hai tác phẩm kinh điển thuộc hàng đặc sắc nhất.

Cách tân lớn lao nhất, đó là việc mạnh dạn pha trộn nhuận nhuyễn điệu hát, lời ca của nhiều dân tộc vào sân khấu Khmer. “Gia sản nghệ thuật” được thể hiện trong các vở diễn, sau giai đoạn cách tân còn giữ nguyên giá trị đến tận ngày nay, ngoài di sản Dù kê, Dì kê còn thêm gồm 86 bài hát Hamôri Khmer, 22 điệu Hát bội của người Việt và 16 bài Ballade dân ca Pháp. Không nghi ngờ gì nữa, sự có mặt của các khúc hát Tây phương trong một di sản nghệ thuật cổ đã nói lên sức sống mãnh liệt của Lakhon Chch Cruôn. Đó là sức sống của sự đổi mới, sự giao thoa và tích hợp đa dạng văn hóa.

Mỗi lần lưu diễn, đoàn đều di chuyển trên những chiếc ghe bầu lớn, biến luôn boong thuyền thành sân khấu, tạo thêm nét độc đáo của một loại hình nghệ thuật vừa biểu diễn trên cạn, vừa biểu diễn dưới nước.

Đầu năm 1934, đoàn quân Chch Cruôn lại làm “cuộc thập tự chinh nghệ thuật” lần thứ hai sang Campuchia. Thành công vang dội, đoàn đánh bạt gần như mọi đối thủ cạnh tranh. Khán giả Campuchia đã say mê như điếu đổ những màn diễn đầy hấp dẫn từ kịch bản, đa dạng phong phú về loại hình và sự sáng tạo, kết hợp đầy thăng hoa trong cả bài trí lẫn thể hiện, cộng với tài diễn xuất khéo léo, đầy tài năng của giàn diễn viên mà Chch Cruôn dày công tuyển chọn, luyện tập và mang sang. Sân khấu của các đòan bản địa trở nên vắng hoe. Khán giả chen nhau chuyển sang chiêm ngưỡng và thán phục đoàn Chch Cruôn. Danh tiếng vang dội đến mức, cứ hễ phát hiện ra đoàn Chch Cruôn “hành quân” theo hướng nào, các đoàn hát lớn của Campuchia lại lập tức rẽ sang hướng khác để né tránh, nhằm chạy trốn sự thảm bại vì cạnh tranh. Không khác gì cuộc đối đầu quyết liệt giữa đoàn xiếc Tạ Duy Hiển với gánh xiếc Hamton Club ở phía Bắc vào khoảng cùng thời điểm, đoàn Chch Cruôn cũng quyết không tha, liên tục nhổ neo giong thuyền hát của mình truy đuổi các đoàn đối thủ. Bằng nghệ thuật đỉnh cao, đoàn Chch Cruôn đã giành thắng lợi tuyệt đối, khiến nhiều gánh hát từng là đối thủ trên đất bạn phải bại sản, nhiều đoàn rã đám. Từ sự mến mộ, khán giả Campuchia đã gọi tên đoàn hát theo tên đất nơi xuất xứ, hình thanh danh xưng kiêu hãnh: Đoàn Lakhon Bassac.

Sau 4 năm làm mưa làm gió, qua đỉnh điểm thành công rực rỡ những năm 1936-1937, đến đầu năm 1938, Đoàn Lakhon Bassac bắt đầu bị phản công bằng “trò chơi gián điệp nghệ thuật”. Ông bầu nhiều đoàn nghệ thuật danh tiếng phía Camuchia đã bỏ ra những khoản tiền lớn mua chuộc, lôi kéo những diễn viên, nhạc công….xuất sắc nhất của đoàn Bassac về vừa biểu diễn, vừa truyền thụ “bí kíp” cho đoàn của họ. Đào, kép, nghệ sĩ múa, thầy đờn xuất sắc của đoàn Bassac rơi rụng dần. Các điệu múa, lời ca, tuồng tích…- những báu vật nghệ thuật của đoàn liên tục bị đối thủ đánh cắp và sử dụng. Lợi thế cạnh tranh của đoàn yếu dần. Đến giữa năm 1938, đoàn đành thu quân về xứ và lụn bại dần.

Đến nay vẫn chưa hề có một công trình nghiên cứu nào tạm gọi là đầy đủ đối với di sản Lakhon Bassac – một hình thức sân khấu đặc sắc vẫn đang tồn tại và được ưa chuộng trong cộng đồng người Khmer Nam Bộ. Ông Lý Sua, tổ khai sinh loại hình nghệ thuật này, theo các bậc cao niên vùng Sóc Vồ, có một “thê đoàn” chính thức 14 bà, chưa kể nhân tình nhân ngãi. Con cháu của ông rất đông nhưng tuyệt nhiên không ai nối nghiệp nghệ thuật, sống tản mác khắp nơi.

Đầu mùa Chôn Chnam Thmây, chúng tôi tìm về Sóc Vồ. Ngôi nhà xưa của gia đình ông Lý Sua vẫn còn nguyên nhưng do một người cháu gọi ông bằng cụ sử dụng. Cô cháu dâu của bậc danh tài nghệ thuật xưa không muốn chúng tôi vào nhà, cũng không có chút ký ức nào về một thời, một dòng nghệ thuật lẫy lừng. Cô chỉ biết, đa phần hậu duệ của ông Lý Sua đã chuyển sang Campuchia sinh sống. Một số ít còn ở rải rác quanh TP Sóc Trăng, nhưng hầu như không có liên hệ nhiều với nhau. Bản thân cô thì ….không hề biết đến ai trong số đó.

Người xưa không còn, nhưng di sản nghệ thuật thì chưa hề mất, chỉ bị lãng quên. Cách thức khiến đoàn Lakhon Bassac chấm dứt chuỗi thắng lợi thật ra không hề uổng phí. Vì bị đánh cắp để cạnh tranh, nghệ thuật biểu Khmer vùng Bassac vô tình đã được tiếp nhận và lan truyền, sử dụng rộng khắp trong cộng đồng Khmer. Nó được lan tỏa không chỉ ờ Sóc Trăng, Trà Vinh hay vùng Tây Nam Bộ Việt Nam mà còn phát dương rộng rãi nhiều nơi ở Campuchia. Phần tinh hoa văn hóa của Lakhon Bassac không hề mai một, vẫn đã và đang tiếp tục đời sống của nó, trở thành di sản chung của một phần di sản văn hóa - nghệ thuật biểu diễn Đông Nam Á.

(Bài đã đăng trên Văn nghệ Công an số cuối tháng, với tựa "Cuộc thập tự chinh nghệ thuật mang tên Lakhon Bassac", ra ngày 24 - 4 - 2012)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,546
  • Tháng hiện tại39,084
  • Tổng lượt truy cập912,723
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây