Có một con đường lên xứ Thượng

Thứ tư - 21/03/2018 09:51
Tôi muốn nói điều này ngay từ đầu, để bạn khỏi lặp lại sai lầm của tôi: nếu đã cầm trên tay cuốn sách Hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên, bạn đừng vội nghi ngờ và thất vọng bởi cái tên gọi tưởng chừng rất chung chung, rất khẩu hiệu của nó. Thay vì vội vã buông sách xuống, bạn cần kiên nhẫn hơn. Thực ra, tên sách đã được cố ý đặt theo một phong cách đặc chất Tây - Nguyên - mẫu - hệ: cũng như người nam trong gia đình, cái tên chỉ là sấm, là cái vỏ bên ngoài tẻ nhạt và vô sự. Còn cái sét, cái đích thực, mới mẻ và hấp dẫn, cũng như người nữ, lại được ẩn dấu một cách tài tình và khéo léo ở bên trong
Có một con đường lên xứ Thượng
Có một con đường lên xứ Thượng
  Tôi muốn nói điều này ngay từ đầu, để bạn khỏi lặp lại sai lầm của tôi: nếu đã cầm trên tay cuốn sách Hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên[1], bạn đừng vội nghi ngờ và thất vọng bởi cái tên gọi tưởng chừng rất chung chung, rất khẩu hiệu của nó. Thay vì vội vã buông sách xuống, bạn cần kiên nhẫn hơn. Thực ra, tên sách đã được cố ý đặt theo một phong cách đặc chất Tây - Nguyên - mẫu - hệ: cũng như người nam trong gia đình, cái tên chỉ là sấm, là cái vỏ bên ngoài tẻ nhạt và vô sự. Còn cái sét, cái đích thực, mới mẻ và hấp dẫn, cũng như người nữ, lại được ẩn dấu một cách tài tình và khéo léo ở bên trong[2]. Có nhiều lí do thôi thúc cuốn sách ra đời. Trước hết, đối tượng của nó, Tây Nguyên, là một vùng đất đặc biệt trên nhiều phương diện: từ điều kiện lịch sử, nguồn lực phát triển cho đến quá trình hội nhập của nó vào cộng đồng dân tộc - quốc gia. Nhưng vùng đất đặc biệt ấy, trong khoảng 2 thập niên trở lại đây, đang chuyển động theo chiều hướng ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Tây Nguyên và nhiều vùng liên đới (tr. 21 - 22). Tính phức tạp của hiện trạng đã đặt ra nhu cầu nhận diện, trầm tư về chính nó để hướng tới một triết lí, một mô hình phát triển bền vững hơn cho Tây Nguyên và không chỉ Tây Nguyên. Tiếp theo các công trình của người Pháp, người Mỹ và các học giả miền Nam được thực hiện trước 1975, từ thập niên 1980 đến nay, Tây Nguyên đã là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, từ năm 2011, khi chương trình Tây Nguyên III chính thức khởi sự[3], Tây Nguyên trở thành chốn đi về của cộng đồng khoa học chính thống, với đủ loại đề tài, phương pháp và phương tiện nghiên cứu. Tình trạng ”trăm hoa đua nở” đã tạo ra một áp lực tri thức rất lớn cho bất cứ ai muốn tìm một lối riêng lên xứ Thượng. Chúng ta hãy cùng xem Hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên là kết quả của phương pháp tư duy nào và phương pháp ấy đã đi xa đến đâu trên đôi chân của nó. Vận dụng các quan điểm lý thuyết hiện đại về phát triển bền vững vùng và các công cụ phân tích của một số chuyên ngành liên quan (kinh tế học, xã hội học, nhân học), kế thừa những nghiên cứu từng có về Tây Nguyên, kết hợp với những khảo sát thực địa cập nhật nhất, các tác giả cố gắng phác họa diện mạo của một vùng đất được gọi là Tây Nguyên. Một Tây Nguyên như nó vốn có và như nó đang là, mà điểm phân ranh giữa hai trạng thái là biến cố 1975. Trước 1975, Tây Nguyên là “mái nhà” của miền Nam, của Việt Nam và của Đông Dương. Về địa quân sự, mọi diễn biến xuất phát từ Tây Nguyên đều có thể tác động trực tiếp tới cấu trúc an ninh - chính trị của ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào. Do đó, giới quân sự thực dân đã sử dụng khái niệm “mái nhà Đông Dương” để xác nhận tầm ảnh hưởng quyết định của Tây Nguyên đối với một địa bàn rộng lớn của Đông Nam Á lục địa. Về địa sinh thái, vai trò mái nhà của Tây Nguyên càng bộc lộ rõ hơn. Hầu hết lãnh thổ Tây Nguyên thuộc phần đỉnh của dãy Trường Sơn Nam, nên trở thành nơi phát nguyên của nhiều hệ thống sông lớn chảy xuống vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Ngoài ra, do sự qui định của điều kiện khí hậu và địa hình, trên vùng Tây Nguyên đã hình thành những hệ sinh thái nhiệt đới rất đặc trưng của vùng đầu nguồn, có chức năng cung cấp và điều chỉnh vật chất, năng lượng cho các cảnh quan sinh thái trung lưu và hạ lưu. Vì vậy, mọi tác động tự nhiên hay nhân tác trên lãnh thổ Tây Nguyên đều có ý nghĩa quyết định đối với sự ổn định hay bất ổn của môi trường sinh thái lẫn môi trường xã hội của các vùng lân cận (tr. 465). Tây Nguyên cũng là vùng hết sức giàu có về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên đất đỏ bazan, tài nguyên rừng và tài nguyên nước. Nguồn tài nguyên này mênh mông, trùng điệp, nhưng hoàn toàn không vô chủ mà từ rất lâu đời đã thuộc quyền sở hữu thiêng liêng của các Làng (tr. 172). Các Làng cổ truyền, thuộc nhiều dân tộc khác nhau, với đời sống văn hóa đa dạng, là chủ thể đích thực của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên độc đáo - cái mà về sau sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Sau 1975, trong quá trình quy hoạch, Tây Nguyên đã chủ yếu được xem như là một kho tài nguyên thiên nhiên vô tận, của trời cho. Vậy nên, phát triển Tây Nguyên thực chất là tìm cách khai thác kho tài nguyên vô tận đó nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển của chính nó và của cả nước. Định hướng này đã được cụ thể hóa thành các chương trình, chính sách lớn: quốc hữu hóa toàn bộ nguồn tài nguyên đất rừng để thành lập các nông lâm trường quốc doanh; di dân từ các vùng đất chật người đông để thành lập các vùng kinh tế mới, đồng thời, tiến hành định canh, định cư cho đồng bào dân tộc tại chỗ; ồ ạt phát triển cây công nghiệp và thủy điện bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; thực hiện đô thị hóa và công nghiệp hóa trên diện rộng... (tr. 122 - 140). Mặc dù đạt được những thành quả ấn tượng về tăng trưởng kinh tế (tr. 245 - 247), nhưng phía sau hào quang tăng trưởng, Tây Nguyên đang đối diện với hàng loạt nan đề cơ bản: (i) Khung thể chế/chính sách vừa không ăn nhập với tình hình thực tế, vừa thiếu đồng bộ giữa các bộ phận trong cấu trúc chính sách (giữa qui hoạch vùng và qui hoạch địa phương, giữa qui hoạch tổng thể với qui hoạch ngành, giữa nghiên cứu thực tiễn và xây dựng chính sách, giữa chính sách đề ra và nguồn lực thực hiện); (ii) Nền kinh tế lạc hậu, khép kín, tự phát, thiếu liên kết, lãng phí tài nguyên; (iii) Dân số gia tăng đột ngột làm xáo trộn cơ cấu dân cư và dân tộc, chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực cách xa ngưỡng yêu cầu, tỷ lệ nghèo đói tuy giảm nhưng phân hóa giàu nghèo tiếp tục gia tăng, nhóm dân tộc tại chỗ ngày càng tụt hậu trong toàn cảnh phát triển của vùng, tiềm ẩn nguy cơ xung đột dân tộc và tôn giáo; (iv) Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, tài nguyên trên đà cạn kiệt, “lời nguyền tài nguyên” dần trở nên hiện hữu (tr. 453 - 464). Những nan đề vừa nêu không tồn tại biệt lập mà ảnh hưởng lẫn nhau theo chiều quan hệ nhân - quả, trong đó, những mâu thuẫn, bất cập trong công tác qui hoạch, thực thi chính sách là tác nhân mang tính khởi điểm, trọng tâm, tác động sâu xa đến nhiều vấn đề còn lại. Tuy nhiên, phản ánh trung thực hiện trạng không phải để phê phán hay phủ định nó; mà là tìm cách giải thích các nhân tố đã góp phần định hình nên hiện trạng và nghiên cứu, tìm tòi những lựa chọn khác, giải pháp khác phù hợp hơn, tối ưu hơn nhằm cải thiện hiện trạng ấy (tr. 512). Vì vậy, trong chương VII, các tác giả đã nêu lời đáp cụ thể cho những câu hỏi lớn của Tây Nguyên, cả trước mắt lẫn lâu dài: gồm quan điểm - định hướng phát triển mới với tầm nhìn 30 - 50 năm và 4 nhóm giải pháp vừa cơ bản, vừa cấp bách tương ứng với 4 lĩnh vực cốt yếu của phát triển bền vững: thể chế chính sách, kinh tế, văn hóa - xã hội và tài nguyên - môi trường (tr. 473 - 510). Trong cấu trúc nội dung, song song với những vấn đề mang tính đại cương, các tác giả cũng lựa chọn phân tích, diễn giải nhiều vấn đề vẫn còn ở tình trạng bỏ ngỏ, nhờ đó, tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn cho cuốn sách này. Có thể đơn cử 2 ví dụ điển hình: vấn đề tôn giáo và vấn đề tính đặc thù của Tây Nguyên. Lâu nay, trong giới quản lý nhà nước và trong một bộ phận đáng kể giới nghiên cứu khoa học, tình hình tôn giáo ở Tây Nguyên (đặc biệt là đối với cộng đồng Tin Lành) thường được nhìn nhận tương đối tiêu cực. Các tôn giáo mới vẫn được xem là tác nhân gây nên những xáo trộn văn hóa, chính trị, xã hội ở vùng Tây Nguyên. Sách Hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên cũng phần nào thừa nhận tính phức tạp của bức tranh thực tế: “Một mặt, sự cực đoan thái quá của nhiều mục sư và nhóm tín đồ đã khiến cho việc cải đạo đồng nghĩa với việc chối bỏ quyết liệt các giá trị văn hóa truyền thống và tạo nên sự phân biệt, kì thị không đáng có giữa họ với các nhóm xã hội khác trong cùng cộng đồng; mặt khác, lợi dụng các mâu thuẫn âm ỉ giữa một số nhóm người Thượng với người Kinh (liên quan đến vấn đề đất đai), nhiều phần tử từ bên ngoài đã mượn vỏ bọc tôn giáo để kích động ý thức phản kháng của người dân tộc tại chỗ, gây chia rẽ dân tộc, ảnh hưởng đến tình hình trị an ở địa phương và quốc gia” (tr. 215). Tuy nhiên, các tác giả cũng cho rằng, không nên và không thể đồng nhất một khía cạnh bộ phận với toàn thể đời sống tôn giáo trong các buôn làng Tây Nguyên. Nếu đặt hiện tượng cải đạo trong bối cảnh chuyển đổi của Tây Nguyên từ sau 1975, chúng ta sẽ thấy rằng, cải đạo chỉ trở nên phổ biến khi không gian sinh tồn truyền thống của các cộng đồng cải đạo bị phá vỡ, kéo theo sự suy tàn của các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đặc biệt là sinh hoạt tâm linh. Bị hẫng hụt về đời sống tinh thần, các dân tộc Tây Nguyên tất yếu tìm đến một cứu cánh tâm linh mới. Chính vì thế, họ đã lựa chọn các tôn giáo mới như Thiên Chúa giáo hay Tin Lành khi các tôn giáo này xuất hiện. Hơn nữa, khi đã bén rễ trong cộng đồng, các tôn giáo mới đã ảnh hưởng tích cực đến đời sống của họ. Đúng như phân tích của các tác giả, “với bản chất duy lí, khi thâm nhập vào thế giới buôn làng, các tôn giáo thế giới như Thiên Chúa giáo hay Tin Lành không chỉ mang đến một hệ thống đức tin mới, mà còn du nhập một lối tư duy mới: tư duy duy lí. Đây là sự bổ trợ cần thiết cho các cộng đồng khi họ đối diện với thị trường bên ngoài trong tình trạng hạn chế cả về học vấn, ngôn ngữ phổ thông, kĩ năng tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lẫn năng lực xã hội hóa” (tr. 215). Thực tế này gợi ra những câu hỏi mà việc nghiêm túc trả lời chúng có thể mang lại một ý nghĩa sâu sắc nào đó trong lĩnh vực học thuật và trong công tác dân tộc, tôn giáo ở nước ta hiện nay: Các tôn giáo thế giới đã đóng vai trò gì trong sự vận động của các cộng đồng dân tộc tại chỗ? Giữa các tôn giáo và các nền văn hóa bản xứ đã trải qua một quá trình cộng sinh, tiếp biến như thế nào để cùng tồn tại?... Gần đây, khái niệm tính đặc thù của Tây Nguyên bắt đầu được giới quản lý và giới khoa học trong nước đề cập và cùng xem đó như là cơ sở tham chiếu thực tiễn cho công tác qui hoạch Tây Nguyên. Đặc biệt, vào đầu năm 2014, một văn bản dưới dạng dự thảo của Chính phủ nhằm ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và an ninh – quốc phòng Tây Nguyên (tầm nhìn 2020) đã đưa từ ghép ”đặc thù” vào trong đầu đề. Nhìn chung, cho đến nay, trong nhận thức của số đông, sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên vẫn được xem là yếu tố quan trọng nhất giúp phân biệt Tây Nguyên với các vùng khác trong cả nước. Cuốn sách đã cho ta một cách nhìn khác: với Tây Nguyên, sự giàu có về tài nguyên chỉ là phần nổi, phần thứ yếu của một tảng băng. Phần chìm mới là phần đặc trưng nhất của nó: sự chi phối sâu sắc, quyết định, toàn diện của Tây Nguyên đối với các vùng ngoại vi. Trong khía cạnh này, cụm từ ”mái nhà” đã lột tả một cách đầy đủ và sinh động tính đặc thù của Tây Nguyên: nơi xuất phát, che chở, điều tiết, giữ nhịp cho cuộc sống của toàn bộ sinh thể tồn tại dưới mái nhà ấy, cụ thể là toàn bộ khu vực Nam Đông Dương. Ở Việt Nam, hiếm có vùng nào mà tầm ảnh hưởng đối với ngoại vi lại bao quát cả trên tầng mặt lẫn bề sâu như vậy. Cho nên, công tác qui hoạch Tây Nguyên không thể bó hẹp trong phạm vi một vùng cụ thể mà phải được đặt trong bối cảnh qui hoạch của cả nước và của vùng tam giác Đông Dương. Mặt khác, để tương ứng với chức năng mái nhà của Tây Nguyên, ý niệm về sự phát triển cần được hiểu theo một cách khác. Ở đây, phát triển không hẳn là khai thác, bóc lột tài nguyên bằng mọi giá. Ngược lại, phát triển có nghĩa là bảo tồn, làm giàu vốn tài nguyên hiện hữu để Tây Nguyên có thể trở thành một vùng dự trữ sinh thái chiến lược vì tương lai lâu dài của nhiều thế hệ, nhiều cộng đồng, nhiều vùng kinh tế - xã hội liên quan. Trong điều kiện ấy, Tây Nguyên không hưởng lợi từ con đường bóc lột mà từ sự giàu có, đa dạng tài nguyên của một vùng dự trữ đúng nghĩa. Đó là một cách làm giàu sang trọng (Jacques Dournes) mà Tây Nguyên đã lỡ mất cơ hội áp dụng trong quá khứ nhưng vẫn còn có thể áp dụng trong một giới hạn nào đó ở hiện tại (tr. 475 - 479). Qua sự phản chiếu của cuốn sách này, vùng đất Tây Nguyên đã hiện hữu với tất cả sự đa dạng, sinh động, kì thú và không kém phần phức tạp của nó. Điều đọng lại trong lòng người đọc không chỉ là những dữ kiện phong phú về một vùng đất cụ thể, mà còn là hình ảnh của một số phận đầy thăng trầm trên hành trình đi từ cổ truyền đến hiện đại, từ dòng riêng hội nhập vào nguồn chung. Cuốn sách cũng gợi ra nhiều vấn đề mới mẻ và có sức nặng mà để nhận thức chúng, chúng ta phải tìm kiếm thêm những cách tiếp cận mới, những công cụ nhận thức mới và những trải nghiệm đúng nghĩa. Quan trọng hơn cả, cuốn sách còn khơi dậy ý thức trách nhiệm đối với tất cả những người trong cuộc. Về phần mình, tôi tin rằng, thông điệp mà các tác giả đưa ra sẽ khiến nhiều người phải trăn trở, thao thức: “Trong bối cảnh hiện nay, làm một điều gì đó cho Tây Nguyên hay quyết tâm phát triển Tây Nguyên theo hướng bền vững chính là cách tốt nhất để đáp lại sự hào phóng mà vùng đất này đã ban tặng cho cả nước và đưa Tây Nguyên đi đến viễn cảnh mà nó xứng đáng thuộc về. Đây còn là cơ hội hiếm có để nhắn gửi một thông điệp với thế hệ tương lai rằng, thế hệ hiện tại đã suy tư, tìm tòi, hành động đến cùng trong những khả năng và giới hạn của thời đại họ, không phải chỉ để cho họ, mà cho cả muôn đời mai sau” (tr. 513). Có thể nói, cuốn sách Hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên xứng đáng có một chỗ đứng sang trọng trong các nghiên cứu cùng loại. Và đúng như nhà văn hóa Nguyên Ngọc đã viết trong Lời giới thiệu, ”đây là một cuốn sách cần đọc, ít nhất đối với những người có liên quan theo cách này hay cách khác với Tây Nguyên, hoặc quan tâm đến Tây Nguyên”. [1] Viện Tư vấn phát triển (2014), Hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên, Nxb Tri thức, Hà Nội. [2] Người Gia Rai – một dân tộc mẫu hệ ở Tây Nguyên, có câu hát: Ong jing grom - Kau jing kömla'...(Anh làm sấm - Em làm sét ...) [3] Tên gọi đầy đủ của nó là Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (2011 - 2015) do Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam chủ trì.  

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay4,495
  • Tháng hiện tại108,846
  • Tổng lượt truy cập1,517,562
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây