Trong một cuốn sách nhỏ được xuất bản gần đây -
Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam[1], TS. Nguyễn Xuân Xanh đã cung cấp nhiều thông tin thú vị, sâu sắc phản ánh quan niệm và cách sử dụng tiền bạc của người Mỹ. Về cơ bản, người Mỹ cho rằng, khi bạn có của cải, cách tốt nhất là ... đem cho người khác. Quả thực, hiến tặng (
endowment) đã trở thành một truyền thống lâu đời của nước Mỹ. Đến thăm Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19, học giả trứ danh người Pháp Alexis de Tocqueville nhận thấy người Mỹ có thói quen “không ngừng giúp đỡ người khác và sẵn sàng dành thì giờ và tài sản của mình để đóng góp cho nhà nước” (tr 23). Cuối thế kỉ 19 - đầu thế kỉ 20, song song với quá trình tăng trưởng kinh tế thần kỳ - đưa nước Mỹ vươn lên trở thành cường quốc số 1 thế giới, các hoạt động nhân ái ở Mỹ cũng bùng lên mãnh liệt. Giới nhà giàu mỹ đã bỏ tiền túi ra để xây dựng các trường đại học khồng lồ: Johns Hopkins ở Baltimore, Ezra Cornell ở Itthaca, Leland Standford ở Palo Alto và John D. Rockefeller ở Chicago. Cũng trong thời kì này, tỷ phú Andrew Carnegie đã hiến tặng 90% gia sản của ông cho xã hội - trị giá 350 triệu đô la (tương đương 4,76 tỷ đô la theo thời giá 2014) để xây dựng thư viện, trường học, đại học, cấp học bổng và nhiều tài trợ khác ở nhiều quốc gia trên thế giới. Phong trào nhân ái tiếp tục dâng cao trong các thập niên đầu sau thế chiến 2 và trở nên thăng hoa từ cuối thập niên 1980 trở lại nay. Thời kì này, rất nhiều người khổng lồ trong lĩnh vực tài chính đã tự nguyện bước vào lĩnh vực thiện nguyện. Tỷ phú George P.Mitchell đã tặng 360 triệu đô la cho một số lĩnh vực khoa học như vật lý hạt, phát triển bền vững và thiên văn (tr 35). James Simons - thuộc quỹ đầu tư Hedge funds tặng 1,1 tỉ đô la cho các dự án nghiên cứu trong toán học và các ngành khoa học khác. Năm 2006, tỷ phú Warren Buffet gây xôn xao dư luận thế giới khi cam kết tặng 31 tỉ đô la cho Quỹ Bill và Melinda Gates vì mục đích nhân ái (tr 57). Đặc biệt, vào mùa hè 2010, hai đại tỷ phú Bill Gates và Warren Buffet đưa ra một sáng kiến lịch sử có tên “Cam Kết Hiến Tặng” (
The Giving Pledge) nhằm kêu gọi các cá nhân và gia đình giàu nhất hành tinh hiến tặng ít nhất phân nửa tài sản của họ cho những mục tiêu nhân ái hoặc từ thiện. Sau khi ra đời, Cam Kết Hiến Tặng đã thu hút sự tham gia của 40 tỷ phú Mỹ (tr 53). Không chỉ giới nhà giàu, số người dân Mỹ hàng năm hiến tặng cho các quỹ nhân ái còn đông hơn lượng cử tri đi bỏ phiếu. Năm 2013, trong tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới, số tiền hiến tặng ở Mỹ vẫn tăng 3,5% so với năm trước với tổng số tiền trên 300 tỉ đô la. Người ta ước tính rằng, trong các thập niên tới, khoảng 41 đến 136 ngàn tỉ đô la từ các quỹ nhân ái của Mỹ sẽ được chuyển giao cho các thế hệ tương lai (tr 99).
Đến đây, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: tại sao người Mỹ lại hiến tặng một cách hào phóng như thế? Người ta cho rằng, văn hóa nhân ái của người Mỹ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các quan điểm đạo đức Tin Lành. Chủ nghĩa Calvin - một nhánh của Tin lành, dạy người Mỹ rằng “người giàu là một người được ủy thác cho sự phồn vinh để anh ta sử dụng nó cho phúc lợi của nhân loại, giống như một người quản gia có trách nhiệm trực tiếp làm theo ý Chúa” (tr 27). Nghĩa là, người Mỹ không xem giàu có như là thành quả của các năng lực cá nhân xuất chúng, mà người giàu đơn giản chỉ là người được Chúa gửi gắm, ủy thác một khối lượng tài sản khổng lồ và trách nhiệm của anh ta là phân chia nó sao cho công bằng nhất. Trong cuốn sách nổi tiếng “Phúc âm của sự thịnh vượng”, tỷ phú kiêm nhà đại bác ái Andrew Carnegie viết: “hãy xem tất cả những lợi tức thặng dư đã đến với anh ta đơn giản chỉ là những quỹ ủy quyền mà anh ta đã được chọn để quản trị, và được thừa nhận một cách nghiêm ngặt như bổn phận quản trị với những phương cách, được tính toán tốt nhất theo sự phán đoán của anh ta, để tạo ra những của cải có lợi nhất cho cộng đồng. Con người của phồn vinh, do đó trở thành một người thuần túy được ủy thác và là tác nhân cho các anh chị em nghèo hơn của anh ta, đem những sự khôn ngoan, kinh nghiệm và năng lực vượt trội của mình để quản trị, làm cho họ tốt hơn họ sẽ là, hay có thể tự làm cho họ được” (tr 122- 123).
Mặt khác, được khai sáng bởi đức tin tôn giáo, người giàu ở Mỹ luôn mang cảm giác biết ơn cuộc đời, do đó, họ tự nhận thấy “có nghĩa vụ đầu tư lại cho xã hội”. Trong Thư Cam Kết Hiến Tặng, Warren Buffet tâm sự: “Nếu sử dụng hơn 1% tài sản cho mục đích riêng, điều đó không làm tăng thêm hạnh phúc hay sức khỏe của chúng tôi. Ngược lại, số tiền 99% có thể có tác dụng to lớn lên sức khỏe và phúc lợi của người khác. Sự thật này đã quyết định con đường của tôi và gia đình tôi. Hãy giữ tất cả những gì chúng tôi nghĩ có thể cần đến, và phân phối phần còn lại cho những nhu cầu của xã hội” (tr 61). George B. Kaiser – chủ tịch BOK Financial Corporation – một trong 100 người giàu nhất Hoa Kỳ cũng viết những lời rung động trái tim người: “Tôi nghĩ, tôi đến với hoạt động nhân ái chủ yếu bằng cảm giác tội lỗi. Tôi đã sớm nhận ra rằng vận may lớn của tôi không phải do tính cách cá nhân hay sáng kiến vượt trội mà do sự may mắn thầm lặng. Tôi có ân huệ được sinh ra trong một xã hội tiến bộ với bố mẹ chu đáo. Cho nên tôi có thuận lợi của cả hai về mặt nuôi dạy và di truyền (“trúng số noãn sào”). Khi nhìn quanh những người không có những thuận lợi này, tôi ý thức ngay rằng tôi có một trách nhiệm đạo lý hướng các nguồn lực của tôi giúp lập lại sự cân bằng” (tr 70).
Khi đọc những dòng tâm sự của các đại tỷ phú Mỹ, tôi có cảm giác như họ cũng là những Phật tử chân chính. Thậm chí, nói theo ngôn ngữ của nhà Phật, họ là những hóa thân của các vị Bồ Tát tự nguyện xuống cõi trần để hóa độ chúng sinh. Hóa ra, có một mối liên hệ rất gần gũi giữa đạo đức Tin Lành và đạo đức Phật giáo trên vấn đề hiến tặng của cải, tài sản. Thông qua các khái niệm “bố thí” hoặc “cúng dường”, các tông phái Phật giáo cũng luôn khuyến khích con người, với tâm từ bi và hoan hỉ, sẵn sàng chia sẻ của cải tư hữu cho người nghèo khổ và người có đức hạnh thanh cao. Trong kinh, Đức Phật từng đưa ra một thí dụ rất hay về giá trị của bố thí: một căn nhà bị cháy, chủ nhân đem ra được khỏi nhà đồ vật nào, đồ vật ấy hữu dụng đối với chủ nhân; những đồ vật còn lại trong nhà bị thiêu hủy, chẳng ích lợi gì cho chủ nhân cả. Cũng như vậy, sắc thân này cũng ví như một căn nhà luôn luôn bị thiêu hủy do bởi 11 thứ lửa (tham, sân, si, sinh, già, chết, sầu não, than khóc, khổ thân, khổ tâm, thống khổ) không ngừng nghỉ. Bậc Thiện trí biết vậy, nên mang của cải đem ra bố thí cho người khác. Thí dụ nổi tiếng này phản ánh một cái nhìn xuyên suốt, tường minh của nhà Phật về của cải, vật chất: tất cả của cải trong thế gian này đều là của chung. Nếu người nào có phước, thì người ấy được thừa hưởng một phần của cải ấy – thực chất là thừa hưởng cái quả của nhân Thiện mà chính mình đã tạo trong kiếp hiện tại và những kiếp quá khứ, và thời gian được thừa hưởng lâu hay mau hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ lớn nhỏ của cái nhân Thiện. Bậc Thiện trí thì luôn hiểu rằng, của cải mà mình đang thừa hưởng có tính chất tạm thời, không bền vững, nếu chỉ sử dụng cho mình thì hết, để lâu ngày thì bị hư. Cho nên, họ đem của cải ấy bố thí để tạo nên phước thiện là thứ báu vật của riêng mình, có tính chất bền vững lâu dài, theo mình như bóng theo hình, mọi nơi, mọi kiếp đều cho quả báu an lạc
[2]. Tóm lại, với của cải, càng cho càng được, càng giữ càng mất. Rõ ràng, phía sau vỏ bọc tôn giáo là một cái nhìn mang tính khai sáng về bản chất của của cải và rộng hơn, của vật chất; về giá trị to lớn của hành động hiến tặng, bố thí đối với hạnh phúc của con người mà ở tầm trí tuệ thông thường không thể nào hình dung nổi. Dĩ nhiên, một khi được tiếp nhận, nhận thức này sẽ góp phần thúc đẩy sự trưởng thành văn hóa cho con người, khiến họ không chỉ thấy rõ sự vô thường, mong manh của kiếp người trước vũ trụ vô thủy vô chung, mà còn nhận ra rằng mọi thứ trên đời, trong đó có tiền bạc, suy cho cùng chỉ là phương tiện để giúp con người sống hạnh phúc hơn, viên mãn hơn.
Trở lại với văn hóa hiến tặng của người Mỹ, mặc dù rất hào phóng trong việc bố thí, nhưng người Mỹ không làm từ thiện theo lối “phát chẩn” mà có một cái nhìn rất sáng suốt về cách cho. Từ trước đến nay, mọi nguồn của cải hiến tặng đều được dồn cho các lĩnh vực trọng yếu của xã hội - đặc biệt là giáo dục và khoa học công nghệ. Nếu giáo dục cung cấp tri thức mới và xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội thì khoa học công nghệ mở ra các khả năng đột phá cho con người. Quỹ Rockefeller được xem là một điển hình cho cách làm nhân ái của người Mỹ. Nhà kinh tế học Jeffrey Sachs của Đại học Columbia đã miêu tả về quỹ Rockefeller như sau: “Mô hình nên được noi theo là Quỹ Rockefeller, một thể chế phát triển ưu việt của thế kỷ 20, chứng minh rằng các tài trợ nhằm vào tri thức có thể đạt những kết quả tốt. Các món tiền của Rockefeller hỗ trợ diệt trừ giun móc ở Nam Mỹ; phát minh vắc xin bệnh sốt vàng; phát triển penicillin; xây dựng các trường y tế công trên khắp thế giới (ngày nay trở thành những trường hàng đầu không tranh cãi được trong ngành); xây dựng và tài trợ các trung tâm nghiên cứu lớn như Đại học Chicago, Viện Brookings, Đại học Rockefeller, và Văn phòng quốc gia Nghiên cứu Kinh tế; kiểm soát bệnh sốt rét ở Brazil; xây dựng các trung tâm nghiên cứu để thực hiện cuộc cách mạng xanh tại châu Á và nhiều thứ khác nữa” (tr 48).
Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác ở châu Á, vốn dĩ không có truyền thống hiến tặng. Các dòng của cải ở các quốc gia này thường được luân chuyển trong quỹ đạo gia tộc và đối với người giàu, kẻ thừa hưởng gia sản không phải ai khác ngoài con cháu họ. Tuy nhiên, gần đây, chịu ảnh hưởng của các hoạt động khai sáng và các phong trào thiện nguyện gắn liền với vai trò của nhà chùa (Phật giáo), nhà thờ (Thiên chúa giáo, Tin lành) và các đoàn thể nhà nước, người giàu nói riêng và người Việt Nam nói chung đang có xu hướng quan tâm và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động bác ái, nhân đạo. Dù còn gặp nhiều trở ngại về văn hóa, hành lang pháp lý và trình độ dân trí nhưng xu hướng hiến tặng của người giàu và các tầng lớp trong xã hội đang mở ra triển vọng giải quyết nhiều vấn đề của đất nước và tạo ra các chuẩn mực mới có khả năng định hướng nếp nghĩ, hành vi của người dân theo hướng văn minh. Từ tấm gương của doanh nhân Phạm Văn Bên - người đã bỏ ra hơn 40 tỷ đồng để xây Ký túc xá ở trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn duy nhất là chuẩn bị cho đất nước một thế hệ “vừa có tài mà phải có tâm”, người viết bài này hi vọng rằng, tới đây, giới nhà giàu Việt Nam sẽ tự nguyện đóng góp của cải và cùng suy nghĩ để tạo ra các ngôi trường phi lợi nhuận lành mạnh và chất lượng. Những ngôi trường ấy không cần quy mô hoành tráng nhưng có thể giúp người học phát triển những năng lực tiềm tàng để đạt đến một chuẩn mực trí tuệ và đạo đức mà họ xứng đáng có được. Với niềm mong mỏi ấy, tác giả kết thúc bài viết bằng cách dẫn lại một lập luận rất đáng chú ý của Li Ka-Shing - một trong những đại tỉ phú và một nhà nhân ái lớn của châu Á khi ông kêu gọi giới nhà giàu Á Đông thay đổi nhận thức về cách sử dụng tiền bạc: “Ở châu Á, các giá trị truyền thống của chúng ta khuyến khích và đòi hỏi tài sản phải được chuyển tiếp cho dòng họ... Tôi muốn thúc giục và hy vọng thuyết phục được quý vị rằng nếu chúng ta có thể làm thế (nhân ái), chúng ta sẽ vượt qua niềm tin truyền thống ... Ngay cả khi cấu trúc của thể chế chưa chuyển động về hướng hỗ trợ một văn hóa hiến tặng, chúng ta cũng phải từ trái tim xem việc xây dựng xã hội như một nhiệm vụ đồng nghĩa với hỗ trợ con em chúng ta” (tr 94-95).
[1] Nguyễn Xuân Xanh (2016),
Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, TP. HCM. Các trích dẫn được sử dụng trong bài đều nằm trong sách
Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam.
[2] Tỳ kheo Hộ Pháp (2001),
Tìm hiểu phước bố thí, Nguồn: http://trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/TimHieuPhuoc/index.htm