Tổng kết cuộc thi Cây bút VSL 2017

Thứ bảy - 20/05/2017 10:28
Cuộc thi Cây bút VSL 2017 do Câu lạc bộ Sứ giả văn hoá khởi xướng đã khép lại, cũng là một sự kết thúc tốt lành của mùa gặt hái đầu tiên những thành công ngoài mong đợi.
Cuộc thi Cây bút VSL 2017 do Câu lạc bộ Sứ giả văn hoá khởi xướng đã khép lại, cũng là một sự kết thúc tốt lành của mùa gặt hái đầu tiên những thành công ngoài mong đợi. Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau chiêm nghiệm lại những ý tưởng và lời văn đẹp, tôn vinh những cây bút trẻ thực sự có nghề của sinh viên Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, chia sẻ những nỗi niềm và tâm hồn của tuổi thanh xuân trong sáng. Cuộc thi của chúng ta đã mời gọi được 27 tác giả sinh viên tham gia, trong số rất nhiều sinh viên muốn tham gia nhưng lại âm thầm viết cho riêng họ. Chúng tôi cũng xin hân hoan chờ đợi những bài viết âm thầm đó vào mùa sau, năm sau, với hy vọng về một thế hệ sinh viên VSL không chỉ yêu thích ngành học Việt Nam học mà còn luôn sẵn sàng và đam mê viết sâu sắc hơn nữa về những cảm nhận đối với cuộc đời, nhận thức đối với cộng đồng. Cuộc thi Cây bút VSL mùa đầu tiên đã bất ngờ nhận được những bài viết công phu và ấn tượng của sinh viên các khoá trong Khoa Việt Nam học và tiếng Việt. Qua những trang viết chứa đựng nhiều tâm sự chân thật, nhiều ước mong đáng quý và nhiều suy tư sâu sắc, các tác giả dự thi đã mang đến một sinh quyển tràn đầy hy vọng về năng lực viết và nhận thức của thế hệ trẻ. Những bài viết ấy đã tự khắc chân dung của chính họ trong mỗi đường nét nội tâm. Đó là những cảm nhận thơ trẻ về tác phẩm Cánh buồm đỏ thắm (của nhà văn Aleksandr Grin), là Câu chuyện về cuộc đời tôi, Cho tôi xin một vé về tuổi thơ, là những lời kể miên man hồn hậu về một thời sinh viên hoa mộng: Đại học trong tôi, Hà Nội của tôi, Khung trời tuổi hai mươi, Những bước đi đầu đời, Tuổi thanh xuân qua đi như thế… Đó là hình ảnh một lớp người trẻ tự tin chọn lựa phong cách sống hiện đại và thực tế: Hãy sống theo cách của bạn, Thần tượng của tôi, Phái đẹp không hẳn là phái yếu, Tình yêu và sự nghiệp. Họ đã yêu, đã sống và kể cho chúng ta nghe về nỗi khắc khoải nao lòng của những niềm sâu kín: “Tôi tin rằng khi một ai đó cất tiếng khóc chào đời, thì ở đâu đó đã có người đợi họ và sẽ yêu thương họ suốt một đời về sau (…); tình yêu mà tôi từng trân quý như viên pha lê lấp lánh, lấp lánh rồi rơi xuống vỡ tan. Không nhặt lên thì tiếc, mà ôm lại vào lòng thì đau. Đến mãi sau này, tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng về những ngày tháng đó nhưng lại không mảy may có chút hối hận. Người ấy bây giờ đối với tôi vẫn vẹn nguyên những cảm xúc thật đẹp của quá khứ - một thứ gì đó vừa gần gũi nhưng cũng xa lạ đến vô cùng” (trích Ai cũng có một người để từng yêu như thế); lời văn thổn thức, đẹp nhẫn nại như những câu văn chúng ta từng đọc trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Đó là những người trẻ biết suy tư về người thân, về các việc giản dị quanh mình bằng thái độ trân trọng, chân thành, với cách viết rất hiện đại, giàu ám ảnh: “Ngày bà đi, em cháu hỏi “anh sao rồi”, cháu chỉ cười bởi cháu chỉ nên nhớ bà chứ không nên buồn. Ngày hôm qua bà ở đây, hôm nay bà vẫn bên gia đình mình và ngày mai bà cũng sẽ cùng cháu ở mọi góc cháu nhìn cuộc sống của mình, mọi việc cháu làm cũng như cách mà cháu nghĩ về mọi điều xung quanh mình: hi vọng, kiên cường và ngay thẳng.” (trích Gửi bà nội, cô và tôi). Các tác giả trẻ còn đưa chúng ta đi rất xa, đến những vùng trời không chỉ là trải nghiệm nhận thức mà còn để sống thêm nhiều cuộc đời khác, thêm ý nghĩa cho thời tuổi trẻ vùng vẫy nợ tang bồng: “Đằng sau sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc là những mảnh đời không ai ngờ tới. Đó là những nụ cười đen nhẻm, lấm lem nhưng ánh mắt hồn nhiên trong trẻo của đứa trẻ vùng cao khi vẫy chào chúng tôi. Là hình ảnh chị địu em trên lưng, dáng người còm cõi, đôi má ửng đỏ vì trời lạnh, manh áo cộc chẳng che kín được thân, đôi chân trần bước hằn lên đá, cậu em nằm trên lưng chị ngủ an lành. Cả thế giới của cậu nhẹ nhàng, an yên. Chỉ mong những nụ cười ấy cứ ngày ngày lớn lên vô lo, vô ưu như thế. … Còn trẻ, hãy đi những nơi bạn muốn, làm những gì bạn thích, tỏ tình với những ai bạn yêu. Có sao đâu, con người ta ai cũng có một đời để sống.” (trích Mãi mãi tuổi thanh xuân). Có khi, người viết trẻ đáng yêu lại thách thức chúng ta, mời gọi chúng ta những chuyến đi mạo hiểm để nhìn ra thế giới bao la, như lời của tác giả bài viết Ếch ơi chào mi, hãy ra khỏi đáy giếng đi nào!: “Tuổi trẻ cho phép bạn sai lầm và mạo hiểm nhưng nếu bạn cứ chọn mãi vùng an toàn, bạn sợ hãi trước khó khăn chắc hẳn bạn sẽ chẳng bao giờ khám phá được những điều kì diệu về cuộc sống này ở ngoài kia. Nếu tôi sợ khổ, sợ lạnh, sợ say xe, sợ một quãng đường dài hơn chục tiếng không dám đi, tôi sẽ chẳng thể chứng kiến tận mắt cuộc sống muôn màu muôn vẻ nơi núi cao vực thẳm. Cũng chẳng thể kết giao với những người bạn mới đáng quí và cùng chung chí hướng. Trong lòng tôi cũng nung nấu một ý chí sau này mình sẽ làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam và giúp đỡ thật nhiều người hơn nữa - ước mơ đầu đời của tôi. Không ngồi một chỗ sẽ cho bạn những trải nghiệm đắt giá đấy chứ.”. Tư thế ấy, suy nghĩ ấy, mở ra một góc nhìn rất trẻ, rất sung mãn của một thế hệ sinh viên khoa Việt Nam học nói riêng, sinh viên Việt Nam nói chung: dám nghĩ, dám đi, dám sống. Có thể nói, chủ đề được quan tâm nhiều nhất trong cuộc thi này là tình cảm gia đình. Đó là tấm lòng người con đối với bố, với mẹ. Không ai không thấy rằng Việt Nam là xứ sở duy tình, nơi văn hoá tình nghĩa thấm đẫm trong mọi cư xử và chiều hướng tư duy. Bởi thế mà những bài viết về mẹ, về bố đã chiếm trọn tình cảm của người đọc. “Mỗi lần có người lạ hỏi tôi: “Bố có nhà không cháu”, “Bố cháu đi làm à” là một lần mẹ chen ngay vào và trả lời trước: “Bác nhà đi lái tàu ở xa lắm”…Tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được câu trả lời của mẹ. Thế nhưng đến bây giờ thì tôi cũng đã hiểu tại sao mẹ luôn là người trả lời câu hỏi ấy và tôi biết ẩn sau câu trả lời ấy có lẽ là cả một dòng nước mắt chảy ngược.” (trích Mẹ - người con yêu nhất); Những ngày trời trở gió vết mổ lại như cào xé than người gầy còm của mẹ. Đêm Hà Nôi con nghe tiếng rao của người bán hàng rong lại nhớ ngày ở nhà mẹ đi chợ sớm…còn bây giờ 1 mình mẹ, 1 góc nhà, ôm trọn nỗi đau thể xác. Bao giờ cuộc đời mẹ mới hết khổ đây? Mẹ từng nói với con rằng ông trời hành mẹ như vậy nhưng cũng cho mẹ quà to lắm, cuộc đời mẹ không tròn hạnh phúc nhưng đã có con là hạnh phúc của mẹ. Nhiều lúc cũng muốn gào lên với mẹ “Mẹ đừng vĩ đại thế có được không?” mà sao không cất nên lời.” (trích Cảm ơn mẹ vì mẹ đã là mẹ của con). Điều đặc biệt trong cuộc thi lần này là có một bài thơ rất có nghề, khó nghĩ được là của một sinh viên không chuyên ngành ngữ văn:

Mắt mẹ đục mờ con có hay biết gì

Màu tháng năm chảy trôi lên mái tóc

Màu tháng năm là màu của khó nhọc

Màu tháng năm là màu của những vết chân chim

Con đặt ba lô và dõi mắt đi tìm

Ngày con bé mẹ thường ẩn hiện trong khói bếp

Con lớn rồi mẹ rời xa mỏi mệt

Cười an yên trong nhánh khói đầy vơi”

(An yên trong mắt mẹ)

Rất nhiều tình yêu dành cho mẹ, nhưng không có nghĩa rằng những trang viết về bố là không thể lay động. Những lời văn này xứng đáng là những lời đẹp trong mọi nghĩa về người bố, về ngọn núi Thái Sơn trong lòng mỗi người chúng ta: “Tình yêu của bố! Là đêm trước ngày chị cưới, bố đã thức trắng đêm để viết lời phát biểu cho ngày trọng đại của chị. Chị nói chị đã tìm được một người nói yêu chị, rất ngọt ngào và hứa hẹn trăm năm hạnh phúc với chị, điều mà ngày xưa bố đã làm cho mẹ. bố con chưa bao giờ lặng lẽ như vậy! Bên ô cửa sổ, bố cứ nhìn hoài về con đường ngày mai sẽ tiễn chị theo chồng, mà con đường cứ dài mãi, dài mãi, vậy là bố đang sắp mất đi một thứ quý giá nhất trong cuộc đời, cô công chúa cả mà bố hết mực thương yêu đã tìm được hoàng tử của đời mình.  Dưới ánh đèn mờ ảo, tấm lưng to lớn của bố trông thật cô đơn, bố cặm cụi viết, rồi xóa, rồi lại viết…tờ giấy ấy đến nay con vẫn giữ, nó nằm giữa những kỷ vật khác, sờn mép và có những vết lạ trông như thứ gì đã nặng hạt, rơi xuống rồi vụn vỡ! Bố con thực đã khóc…” (trích Tình yêu của bố). Từ ngôi nhà của tình yêu thương gia đình, các tác giả trẻ đưa người đọc đến một ngôi nhà khác: VSL – Khoa Việt Nam học và tiếng Việt. Xem nơi học tập là nhà, xem nơi trưởng thành tuổi thanh xuân là nhà, có lẽ là niềm tin rất đỗi chân thành về nơi trao nhận tri thức của những người trẻ. “VSL chính là nơi mà tôi gửi gắm biết bao đam mê, biết bao yêu thương và biết bao lưu luyến thời sinh viên. Tôi đam mê những con người VSL, tôi đam mê văn hóa VSL, và hơn thế nữa, tôi đam mê hết mực tình người VSL”(trích VSL – ngôi nhà nhỏ của tôi). tôi muốn nói rằng cuộc sống trong mắt tôi nhiều lắm bạn à, đó là gia đình, là bạn bè, là trường học, là VSL(…) Hai tiếng “gia đình” giản đơn mà sao thân thương đến lạ, có lẽ giờ thì không còn từ nào để diễn tả tình yêu của tôi với gia đình, và có lẽ các bạn đang đọc bài viết này cũng như vậy nhỉ? Tôi chỉ muốn nói rằng: “tôi yêu nhà tôi lắm.” (trích Tôi yêu nhà tôi lắm). Một đơn vị đào tạo cấp Khoa của một trường Đại học được sinh viên tin và yêu như thể một mái gia đình là dấu hiệu lành mạnh của một hệ sinh thái nhân văn, điều mà mọi nền học vấn khai phóng nào cũng hướng đến. Cuối cùng, chúng ta hãy lắng nghe một lời nói chân thực về giá trị của tình nguyện – những giá trị không dễ được nhìn thấy, được nói ra từ những ồn ã của cuộc sống hôm nay: “tình nguyện không nhất thiết là phải băng rừng lội suối hay đầu trần đứng dưới mưa; tình nguyện đôi khi chỉ đơn giản là làm một điều nhỏ nhặt nhưng ý nghĩa. Và rồi cuối cùng, không hiểu do sự may mắn hay thế nào, tôi được ghi danh trong Đội máu và Hội đồng hương. Công việc trong hai câu lạc bộ này không cần phải leo núi, bơi sông, cũng không quá nguy hiểm, nhưng với tôi, đó cũng là nhiệt huyết, là đam mê của tuổi trẻ, là chuỗi ngày tôi được “sống thật” với tuổi thanh xuân của chính mình. Tình nguyện như một khóa huấn luyện dài kì, tập cho tôi tự biết cách nhổ gai hoa hồng khỏi người, dạy cho tôi biết rằng cuộc sống này vốn không có gì dễ dàng cả. Nhưng ai cũng phải có một lần vấp ngã, vấp ngã để trưởng thành hơn, để hiểu rằng cuộc sống thật đáng trân trọng. Có bao người đã hỏi tôi rằng tại sao tôi lại cứ thích tình nguyện, thích máu đến vậy??? Chỉ một lí do đơn giản là tôi muốn được làm những việc mà khi còn có thể, muốn nhìn thấy thật nhiều người xung quanh mình được hạnh phúc và đặc biệt tôi muốn mình là một phần nào đó trong xã hội.” Những câu văn nhẹ nhõm này trích trong bài Hãy cho đi khi còn có thể cũng sẽ trôi qua mắt chúng ta, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết “cho gió cuốn đi”. Nhưng, tôi tin rằng, những trang viết về tấm lòng rộng mở, về sự hy sinh âm thầm cho hạnh phúc của cộng đồng, về ý nghĩa của sự tồn tại của “mình” trong “mọi người” bởi “giọt máu”, về sự an tâm khi nhìn thấy người khác được vui chắc sẽ còn sống lâu dài trong mỗi chúng ta. Cuộc thi này không cốt chỉ tìm kiếm những tài năng viết văn, mà hơn hết, nó là sân chơi của những nghĩ suy cao thượng, mở ra khả năng viết thật từ cách sống thật. Xin chúc mừng chúng ta, những người đã vì nhau mà tổ chức cuộc thi này, vì nhau mà viết bài tham dự, và vì nhau mà tôn vinh những điều tốt đẹp của nhau. Xin hẹn gặp lại ở Cây bút VSL mùa sau, tiếp tục nối dài những thành tựu tinh thần xứng đáng của các thế hệ sinh viên khoa Việt Nam học và tiếng Việt!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay604
  • Tháng hiện tại114,251
  • Tổng lượt truy cập1,837,722
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây