Việt Nam: nhìn từ đôi mắt của một người Mỹ

Chủ nhật - 07/05/2017 17:42
Vì nhiều nhân duyên đặc biệt, James Engels - một chàng trai Mỹ biết 6 ngoại ngữ và tốt nghiệp Đại học năm 18 tuổi, vào một ngày đẹp trời, đã trở thành sinh viên tiếng Việt của Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt. Không lâu sau khi đến Việt Nam, James đã cảm thấy một phần tương lai mình sẽ gắn bó với mảnh đất hình chữ S và quyết định sẽ làm một luận án tiến sỹ về Việt Nam. BTC cuộc thi Thư Việt Nam xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một cách nhìn độc đáo về Việt Nam của chàng sinh viên trẻ trung và tài năng này.

.................

Trong ký ức văn hóa của nước Hoa Kỳ, Việt Nam là nơi đã diễn ra cuộc chiến tranh làm thay đổi bối cảnh chính trị của cả thế giới từ giữa thế kỷ 20 đến hiện nay. Ngoài cái đó ra, Việt Nam không tồn tại trong trí tưởng tượng của Hoa Kỳ và phương Tây. Trong các phim được sản xuất ở Mỹ, hình ảnh Việt Nam thường gắn liền với đồi núi Tây Nguyên, thời tiết nung nóng của các cánh rừng màu xanh nhiệt đới, bạo lực và bóng tối - phản chiếu một cảm giác buồn rầu của dân Mỹ về cuộc chiến tranh. Nhưng trong các phim này, người xem không thấy tiếng nói của người Việt Nam. Trong lịch sử có rất ít trường hợp mà hai bên của cuộc chiến tranh cố gắng hiểu nhau. Vấn đề bao trùm của nước Mỹ là chúng tôi thiếu hiểu biết về Việt Nam. Trong bài viết này, mục đích của tôi không phải để phàn nàn, phê bình đời sống ở Việt Nam, cũng không để khen Việt Nam và chê các vấn đề. Dù sao, tôi không thể thay đổi hẳn ý thức của một nước có dân số hơn ba trăm triệu người. Tôi chỉ có khả năng nói về ảnh hưởng tích cực của Việt Nam trong cuộc đời tôi là thế nào. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn miêu tả “cách nhìn” của tôi về Việt Nam đã thay đổi như thế nào: từ các ý thức trừu tượng, mơ hồ ban đầu đến một cảm nhận rõ nét về một đất nước tuyệt vời và đa dạng như hiện nay. Đầu mùa hè năm 2015, tôi tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Như nhiều sinh viên khác, tôi đối diện với vấn đề định hướng nghề nghiệp: nếu tôi không chọn học một lĩnh vực chuyên môn (kỹ thuật cơ khí, khoa học máy tính…), thì tôi sẽ không có cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường. Hơn nữa, bà ngoại của tôi là người Việt Nam, nên tôi muốn đến đất nước này để tìm hiểu cái di sản văn hóa đã góp phần nhào nặn nên tôi của ngày hôm nay. Ở thời điểm đó, tôi được nhiều người có kinh nghiệm định hướng về mặt học thuật - sẽ làm tiến sĩ về xã hội và văn hóa của Việt Nam. Vẽ một bức tranh về Việt Nam theo quan điểm của tôi là việc khó khăn, vì Việt Nam là một nước vừa rộng rãi vừa hẹp hòi, vừa tự hào vừa khiêm tốn, và trong giấc mơ của người dân ở đây, vừa đa dạng vừa thống nhất. Để giải thích về vấn đề này, tôi sẽ nói về ba kinh nghiệm khác nhau đã giúp tôi hiểu rõ hơn về những đặc sắc của nước này. Kinh nghiệm đầu tiên là hai sự kiện khác nhau, nhưng theo đánh giá của tôi thì chúng đều là một. Sự kiện thứ nhất là hoạt động thiện nguyện đầu tiên của tôi ở miền Nam. Sau khi tôi học xong trình độ C tiếng Việt ở Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (VSL), tôi có dịp đi làm tình nguyện tại một cơ sở bảo trợ xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích của cơ sở này là tạo ra một môi trường an toàn để ủng hộ trẻ em đang sống trong hoàn cảnh nguy hiểm hoặc là không ổn định, kể cả tàn bạo, thuộc gia đình di cư hay vô gia cư. Tôi được biết từ khi bé rằng tôi có cả khả năng lẫn niềm đam mê dạy học. Khoảng thời gian làm việc ở tổ chức thiện nguyện đó đã ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm của tôi. Nó mang đến cho tôi một cơ hội để xem hai mặt của Việt Nam: mặt đẹp và mặt chưa đẹp. Họ đã dạy cho tôi rằng trẻ em ở nơi nào trên thế giới cũng giống nhau trong những điều kiện nhất định. Hầu hết trẻ con đều thích đá bóng, nô đùa, bắt chước một người giáo viên tình nguyện chưa biết gì về cuộc sống của họ. Mặc dù hoàn cảnh của các em rấ khó khăn nhưng tôi vẫn tôn trọng họ vì họ có thái độ sống tích cực và mạnh mẽ. Sự kiện tiếp theo diễn ra vào tháng 2 của năm nay: tôi có dịp đi Đà Nẵng để thăm một trung tâm dinh dưỡng cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Chuyến đi cho tôi biết nhiều thông tin mới, đặc biệt, tỉ lệ của dị tật thể chất và tinh thần hoàn toàn vượt ra ngoài sức tưởng tượng của tôi. Lòng tôi đau thắt. Cảm giác thấy rõ nhất lúc đó là tội lỗi, vì tôi là một người Mỹ, đứng ở đó như đại diện của nước mình – nguyên nhân tạo ra nỗi khổ sở này. Nhưng không ai trong số các trẻ em này quan tâm đến quốc tịch tôi cả. Gặp tôi, các em đầu cảm thấy buồn cười và đều muốn leo lên bả vai của một người cao nhất mà họ từng gặp từ trước đến giờ để ngắm cảnh đẹp xung quanh cái trung tâm đã nuối dưỡng mình.  Họ đã dạy cho tôi là con người luôn khao khát những cái giống nhau: sắc đẹp trong cuộc đời và thuộc về một cái gì đó lớn hơn mình.
Nụ cười bao dung và trẻ thơ của người Việt
Trải nghiệm thứ hai là một chuyến đi cực Bắc Việt Nam. Vào tháng 3 năm ngoái, tôi đã có cơ hội đi tỉnh Hà Giang, để thăm những cộng đồng dân tộc thiểu số. Hoàn cảnh ở đó hoàn toàn khác các đồi màu xanh và ruộng lúa – vốn đã trở thành hình ảnh đại diện cho “Việt Nam” trong quan niệm của phương Tây từ mấy thập kỷ nay. Khu vực này đang trải qua một mùa đồng rét mướt và thiệt hại. Tháng giêng của năm ấy, một số tỉnh ở cực Bắc Việt Nam đã chịu đựng cơn tuyết đầu tiên sau nhiều năm, kể cả Hà Giang. Các núi ở đó có hình thú khác so với núi đồi ở Mỹ - chúng có đỉnh nhọn hoắt với đủ loại màu sắc, có lẽ là một sản phẩm đã bị cắt ra với bộ kéo và xẻng của Chúa. Những chỗ đất bằng là nơi ở cho các cây bụi, một loại khách khó chịu. Tuy nhiên, những người ở đó, chẳng hạn là người Hmông, từ lâu đã tổ chức nên một xã hội có khả năng thích nghi với loại môi trường khắc nghiệt này. Họ có cuộc sống bình thường như những người khác. Họ khóc, họ cười, họ dựng vợ gả chồng. Họ cũng có nhiều phong tục kỳ lạ, rất cổ và không mấy quen thuộc với thế giới hiện đại, đặc biệt là những nguyên tắc liên quan đến hệ thống thân tộc và cấu trúc xã hội phụ hệ. Ở cộng đồng này cũng có một vấn đề vô cùng quan trọng, là nhiều người Hmong vẫn chưa biết nói, đọc tiếng Việt - một trở ngại lớn trong qua trình hội nhập. Cả chính phủ Việt Nam lẫn một số tổ chức phí chính phủ lớn, chủ yếu là Liên Hợp Quốc đã cố gắng thực hiện một vài chương trình để giúp đỡ họ tiến kịp trào lưu hiện đại hóa. Tôi không muốn đánh giá về nền văn hóa này, và cũng không chắc là những nhận định của tôi về  họ có đúng hoàn toàn không. Nhưng đây là một ví dụ để cho thấy Việt Nam đa dạng thế nào, và trong một điều kiện địa lí hạn chế vẫn có nhiều loại người, nhiều cuộc sống khác nhau. Thế nên, với tôi, quá trình khám phá Việt Nam không bao giờ kết thúc.
James chụp ảnh kỷ niệm với thầy Hiệu Trưởng (GS.TS. Phạm Quang Minh) và các thầy giáo ở Khoa VN học
Tuy nhiên, trải nghiệm quan trọng nhất của tôi ở Việt Nam là học tiếng Việt. Lúc đầu nó khó lắm, và nói một câu không bị phát âm sai là một nhiệm vụ hình như tôi không thể vượt qua. Nếu người ta không tiếp xúc với người dân bản xứ nơi thì khả năng hiểu biết về nơi đó chắc chắn sẽ bị hạn chế. Bây giờ tôi đi làm việc, nghiên cứu bằng tiếng Việt, đang viết một bài sẽ được xuất bản bằng tiếng Việt, và đã chọn nghiên cứu Việt Nam trong cả đời của mình. Tôi hy vọng là sẽ thành công trong việc này, vì tôi sẽ không thể thành công được nếu Việt Nam không đặc sắc, không có những người thân thiện và chủ động giúp tôi để hiểu Việt Nam rõ hơn. Cuối cùng, tôi cũng mong muốn hỗ trợ những người mới khám phá Việt Nam - một đất nước đầy ánh sáng, sôi động, đẹp đẽ, và đang được cất giữ cẩn thận trong trái tim của tôi.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay595
  • Tháng hiện tại114,242
  • Tổng lượt truy cập1,837,713
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây