Thần tượng của tôi

Thứ năm - 30/03/2017 14:15
Sau một thời gian phát động, Cuộc thi Cây bút VSL lần thứ nhất (2017) đang nhận được sự phản hồi tích cực từ các bạn sinh viên trong Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt. Để khuyến khích tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, từ nay trở đi, chúng tôi sẽ cho đăng tải trên website của Khoa các bài viết có chất lượng tốt. Hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết Thần tượng của tôi của bạn Lương Ngọc Phương Anh (k61). Nếu bạn muốn phát triển kĩ năng viết và đặc biệt, nếu bạn muốn lưu dấu ấn của mình trong "lịch sử thành văn" của VSL, hãy đầu tư thời gian và tâm huyết để viết và gửi bài cho chúng tôi.
Sau một thời gian phát động, Cuộc thi Cây bút VSL lần thứ nhất (2017) đang nhận được sự phản hồi tích cực từ các bạn sinh viên trong Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt. Để khuyến khích tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, kể từ nay, chúng tôi sẽ cho đăng tải trên website của Khoa các bài viết có chất lượng tốt. Hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết Thần tượng của tôi của bạn Lương Ngọc Phương Anh (k60). Nếu bạn muốn phát triển kĩ năng viết và đặc biệt, nếu bạn muốn lưu dấu ấn của mình trong "lịch sử thành văn" của VSL, hãy đầu tư thời gian và tâm huyết để viết một cái gì đó và gửi cho chúng tôi.

-------------------------

Bạn đã bao giờ yêu một ai đó hơn cả chính bản thân mình hay chưa? Đã bao giờ bạn thần tượng một chàng trai hay một cô gái mà đem người đó trở thành động lực sống hay chưa?  Có người thần tượng ba mẹ mình; có người lại thần tượng một vị giáo sư tiến sĩ nào đó, và cũng có người thần tượng những tài năng nghệ thuật với ánh hào quang rực rỡ trên sân khấu. Tôi cũng không phải ngoại lệ, tuổi trẻ của tôi đẹp bởi vì có thêm hai chữ thần tượng; và tôi lấy họ làm động lực sống của chính mình. Tôi cũng từng ái mộ các ca sĩ nước ngoài, cũng cuốn theo vòng xoáy trào lưu khi đó, thậm chí là điên cuồng như một con ngốc. Tôi mua ảnh về dán khắp bốn bức tường trong phòng, mua huy hiệu và móc khóa treo đầy lên cặp sách; hãnh diện, tự hào khi có người khen ngợi thần tượng của mình, và cũng trong tư thế sẵn sàng như một người lính khi bức tường thần tượng bị kẻ khác mang ý định đạp đổ. Tôi coi thần tượng như lẽ sống của mình, cuồng nhiệt, hết lòng vì nó. Đó là quãng thời gian đẹp nhưng cũng có lúc thật là tồi tệ vì rắc rối. Có lẽ vì đã trưởng thành rồi nên tôi cũng không còn cái khái niệm gọi là điên cuồng vì thần tượng nữa. Hàng ngày chỉ lặng lẽ lên mạng đọc tin tức, đi đường vô tình nghe bài hát quen thuộc cũng chỉ ngân nga giai điệu trong đầu. Tôi sợ khi nói ra sẽ bị chê bai là trẻ con, tôi sợ người mình yêu quý bị mang ra làm đề tài để bàn luận. Lâu dần, cái tình cảm ái mộ ấy được cất giấu thật sâu trong lòng, chỉ để bản thân biết.  Tôi cũng ý thức được cái gọi là văn hóa thần tượng hơn. Yêu quý một ai đó không có nghĩa là mang ra cuộc sống mà nói; đôi khi, chỉ cần là một thứ tình cảm bình dị, không ồn ào, không xô bồ, vậy là đủ.  Người mà tôi yêu mến, là một cậu bé, phải, một cậu bé kém tôi ba tuổi, nghĩa là cậu bé ấy mới chỉ học cấp ba. Thế nhưng cậu bé đó đã là một ca sĩ, đã đặt chân vào con đường nghệ thuật đầy chông gai.
Ai cũng có một thần tượng của riêng mình (Nguồn: Internet)
Tôi không có thói quen thần tượng theo hiệu ứng đám đông, có nghĩa rằng tôi không yêu quý người ta chỉ bởi vì vẻ ngoài long lanh hay bắt mắt. Tôi yêu quý họ bởi vì tôi khâm phục họ, khâm phục sự nỗ lực không ngừng nghỉ của họ. Cậu bé kia cũng vậy. Nhóc con ấy so với người bạn cùng nhóm thì đúng là không đẹp đến vượt trội, thậm chí bạn tôi còn dè bỉu là xấu. Nhưng sự kiên trì và nỗ lực của nhóc con ấy lại chính là một vẻ đẹp. Cậu bé ấy ngay từ khi còn nhỏ đã là một nghệ sĩ, mang trên vai sức nặng của sự kỳ vọng, ngày ngày rèn luyện, kiên trì theo đuổi ước mơ của mình. Hãy nghĩ mà xem, năm tôi và bạn chín tuổi, chúng ta vẫn còn hay làm nũng, hay vòi vĩnh ba mẹ mình thì cậu bé ấy đã tiến một bước vào con đường của ánh đèn sân khấu. Năm mười hai tuổi, tôi và bạn vô lo vô nghĩ, vẫn hồn nhiên chơi đùa, hàng ngày đi học có ba mẹ đưa đón thì nhóc con ấy đã phải vừa đi học vừa luyện tập, mỗi ngày đều ngoan ngoãn bắt hai chuyến xe buýt để về nhà, dành toàn bộ thời gian cuối tuần thay vì chơi điện tử, xem ti vi thì lại chăm chỉ tập luyện vũ đạo, luyện hát. Rồi tới giờ khi nhóc mười sáu tuổi, nhóc đã kiếm được ra tiền nuôi ba mẹ, trong khi tôi là sinh viên đại học, chưa thể tự kiếm nổi cho bản thân lấy một đồng. Tôi khâm phục sự cố gắng không ngừng nghỉ của cậu bé này. Đã có lúc tôi mang chính mình và cậu nhóc lên bàn cân để so sánh và tôi cảm thấy xấu hổ vì sự thua kém của mình nên đã bắt bản thân mình cũng phải nỗ lực, nỗ lực theo cậu bé. Cậu bé nói tiếng anh rất tốt, tôi đăng ký một khóa học tiếng anh.  Cậu bé ấy biết nhảy, tôi và bạn bè lập một nhóm nhảy, cùng nhau tập luyện. Nhóc biết chơi ghi-ta, tôi đi tìm lớp ghi-ta đăng kí học một khóa; bé con kiếm được ra tiền, tôi nộp hồ sơ xin việc làm thêm, dù cho tiền lương không nhiều nhưng cũng chính là tiền do mình làm ra. Tất cả những việc tôi làm đều là vì không muốn thua kém cậu nhóc ấy. Và rồi tôi nhận ra, cậu bé đó truyền cho tôi một nguồn cảm hứng mới, giúp tôi tìm ra được khả năng thật sự của mình, là động lực của tôi mỗi ngày… Cậu bé đang được chiếu sáng bởi ánh hào quang, bởi sự tung hô của công chúng, nhưng mấy ai hiểu được rằng, để có được hào quang ấy là sự đánh đổi của mồ hôi, nước mắt, và có khi là cả máu. Tuổi thơ của cậu nhóc là những ngày tháng trong phòng tập, là các cuộc thi tài năng lớn nhỏ, là những lúc mệt mỏi mà chẳng dám kêu ai. Có người đã từng hỏi cậu nhóc rằng làm thần tượng có mệt hay không, nhóc chỉ cười rồi trả lời: “Em quen rồi ạ!”. Cậu bé ấy an ủi bạn mình nếu có khó khăn, có đau đớn thì sẽ cùng chia sẻ, thế nhưng rồi lại đem cái khó khăn của chính mình kìm nén lại trong lòng. Còn nhớ khoảng thời gian em luyện tập chuẩn bị cho buổi biểu diễn vào sinh nhật mình, có một động tác nhào lộn trên cao mà em tập hoài vẫn không được; thầy giáo an ủi em, nói rằng nếu khó quá có thể bỏ qua. Em không nói gì, một lát sau liền lặng lẽ ra ngoài cửa đứng khóc. Luyện tập với cường độ cao khiến chấn thương cũng từ đó mà xuất hiện trên người em. Vết bầm tím, vết chầy xước, thậm chí là cả chảy máu. Trong buổi tiệc sinh nhật ấy, em thực hiện rất nhiều màn vũ đạo khó. Những động tác nguy hiểm khiến eo của em gặp vấn đề nhưng em vẫn cứng đầu không chịu từ bỏ, kết quả là đến buổi biểu diễn buộc phải đeo đai bảo hộ để giảm bớt sự đau đớn do chấn thương. Buổi biểu diễn hôm đó, em làm cho những người yêu quý em vừa hãnh diện nhưng lại vừa xót xa, xót xa khi tưởng tượng ra hình ảnh em tự giam mình trong phòng tập, đến kiệt sức vẫn không chịu dừng lại. Trước mặt chúng tôi em vẫn cứ tươi cười, đem vết thương, sự khó khăn của mình mà giấu đi. Em mải miết ca hát, đóng phim suốt một năm dài đằng đẵng để rồi cả năm trời không có lấy một ngày nghỉ, không có thời gian để đến trường đi học, cũng không được ở cùng ba mẹ. Điều này là quá sức với một đứa trẻ. Nhóc à, nhóc vẫn còn là trẻ con mà, em vẫn được quyền khóc, được quyền nói ra suy nghĩ của mình, tại sao em lại không làm vậy? Có phải em sợ sẽ bị người khác chê là yếu đuối, sợ làm cho ba mẹ và chúng tôi thất vọng phải không? Nhóc con à, cứ chậm chậm một chút, khi mệt mỏi thể có thể nghỉ ngơi; khi chán nản có thể đi đến một nơi thật xa và hét lên thật lớn, đừng quá vội vàng để bỏ lỡ mất niềm vui của tuổi trẻ. Em đánh đổi khoảng thời gian được ở cùng ba mẹ cho những ngày tháng bay qua bay lại giữa các thành phố, nhưng điều đó làm em vui, phải không? Em vui vì được sống với ước mơ, với đam mê của mình. Tôi nể phục sự kiên trì của em và cũng nể phục luôn cả nhân cách của em. Một cậu nhóc mười sáu tuổi mà mang suy nghĩ của người trưởng thành, của một “ông cụ non” . Em tôn trọng các bậc anh chị đi trước, tôn trọng cả những người bạn cùng nhóm của mình. Học giỏi, hiểu biết rộng nhưng lúc nào em cũng rất khiêm tốn. Em kéo ghế cho đàn anh để anh ấy không phải ngồi khổ sở dưới đất; trong bữa tiệc chúc mừng, em nâng ly cùng đàn chị nhưng vẫn chú ý đặt miệng ly của mình thấp hơn miệng ly của chị gái kia; vô tình gặp bậc tiền bối ở sân bay liền không quên bỏ mũ xuống trước rồi mới cùng họ nói chuyện. Đó là những thứ tưởng chừng như đơn giản, nhỏ nhoi, có thể bị người ta lãng quên nhưng với em, em chú tâm đến từng hành động như vậy. Các đàn anh đàn chị đi trước còn nói em chính là “giáo viên đạo đức của họ, nói với họ phải biết tôn trọng người khác”. Một đứa trẻ mười sáu tuổi mà có thể hiểu chuyện như vậy, quá thực là rất hiếm gặp. Cậu nhóc cũng đã dạy cho tôi về nhân cách của một con người, dù là điều nhỏ nhặt nhất nhưng cũng là hành động của sự tôn trọng. Tôn trọng người khác chính là tôn trọng chính bản thân mình. Em là một cậu nhóc có vẻ ngoài lạnh lùng nhưng lại mang trái tim nhân hậu và ấm áp, một đứa trẻ mang lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm… Không biết từ bao giờ tôi xem em như một người em trai của mình, một đứa em trai cần được yêu thương, được che chở. Nhóc con à, tôi chỉ mong em lớn chậm một chút để chúng tôi có thể bảo vệ em, cùng em đi hết thanh xuân của tuổi trẻ. Em đừng vì chúng tôi, vì những người yêu mến em mà ép buộc bản thân trở thành người lớn trong thân xác của một đứa trẻ, không ai có thể trách em được bởi vì chúng tôi biết, em đã đem toàn bộ sự cố gắng của chính mình đặt vào trong đó. Hãy cứ hồn nhiên, thoải mái vui đùa như những bạn bè cùng trang lứa khác, vui vẻ tận hưởng cơn mưa rào thanh xuân của mình. Rồi đến một lúc nào đó, khi chúng tôi phải buông tay em để sống cho hạnh phúc riêng của chúng tôi, cũng là lúc em tìm kiếm vũ trụ nhỏ của chính mình; những ngày tháng dõi theo em sẽ là những dòng hồi ký không bao giờ phai, để đến khi nhìn lại chúng ta đều cảm thấy tự hào cho một thời tuổi trẻ, một thời có em, có chúng tôi, cùng nhau bước đi trên con đường của vinh quang và niềm kiêu hãnh. Yêu quý em không bao giờ là đơn phương, cậu nhóc ạ…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay239
  • Tháng hiện tại56,311
  • Tổng lượt truy cập1,619,132
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây