Tưởng nhớ những bóng cây

Thứ hai - 20/03/2017 23:36
Đầu thu năm ngoái, trên đường vô Nam công tác, chúng tôi có ghé vào một quán nhỏ ven đường. Quán nhỏ vô danh sẽ chẳng có gì đáng nhớ cả, cho đến khi, tôi ngước nhìn lên và thích thú nhận ra rằng, chúng tôi đang ngồi dưới bóng râm của một cây thị cổ. Trong khu vườn yên tĩnh, thị trổ lá vươn cành ôm lấy không gian, chở che cho quán nhỏ. Sau vòm lá biếc, những quả thị lấp ló xuất hiện, một số đã ngả vàng. Sắc vàng là dấu hiệu cho biết, thị đã chín rồi, chỉ còn chờ tay người hái xuống thôi. Chắc không ai nỡ vô tâm trước sắc hương mê hoặc của thị chín. Màu sắc và mùi hương đặc trưng ấy đã đi qua tuổi thơ của bao thế hệ người Việt nông thôn, lắng xuống rồi bừng lên thành cổ tích, ca dao, huyền thoại: “Thị ơi thị, thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Trên quãng đường còn lại, tôi miên man nghĩ về những cây cổ thụ ở quê nhà. Bao năm rồi, hình ảnh và số phận của chúng không thôi ám ảnh tôi.
Tưởng nhớ những bóng cây
Tưởng nhớ những bóng cây
Đầu thu năm ngoái, trên đường vô Nam công tác, chúng tôi có ghé vào một quán nhỏ ven đường. Quán nhỏ vô danh sẽ chẳng có gì đáng nhớ cả, cho đến khi, tôi ngước nhìn lên và thích thú nhận ra rằng, chúng tôi đang ngồi dưới bóng râm của một cây thị cổ. Trong khu vườn yên tĩnh, thị trổ lá vươn cành ôm lấy không gian, chở che cho quán nhỏ. Sau vòm lá biếc, những quả thị lấp ló xuất hiện, một số đã ngả vàng. Sắc vàng là dấu hiệu cho biết, thị đã chín rồi, chỉ còn chờ tay người hái xuống thôi. Chắc không ai nỡ vô tâm trước sắc hương mê hoặc của thị chín. Màu sắc và mùi hương đặc trưng ấy đã đi qua tuổi thơ của bao thế hệ người Việt nông thôn, lắng xuống rồi bừng lên thành cổ tích, ca dao, huyền thoại: “Thị ơi thị, thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Trên quãng đường còn lại, tôi miên man nghĩ về những cây cổ thụ ở quê nhà. Bao năm rồi, hình ảnh và số phận của chúng không thôi ám ảnh tôi. Khi tôi bắt đầu biết khám phá thế giới xung quanh, làng vẫn còn nhiều cổ thụ. Đó là một tập hợp sống động gồm nhiều loài cây khác nhau: ngô đồng, đa, gạo, trôi, bàng, sung, duối, thị, chay, nhãn, vải, mít, bưởi, đào tiên, hồng, ... Thế hệ chúng tôi lớn lên dưới bóng cổ thụ. Cổ thụ cho trái chín, cho bóng mát, cho không gian vui chơi và chuyện trò, cho không gian tưởng tượng và mơ ước, cho các bài học đầu đời và cho muôn vàn kỉ niệm sâu nặng với quê hương. Khi đã trưởng thành, tôi lại biết thêm rằng, các loài cổ thụ mà tôi từng gắn bó chỉ là những mảnh vỡ còn sót lại của một quần thể phong phú đã tồn tại lâu đời trong quá khứ. Quả thế thật, trước thập niên 1970, làng tôi rợp bóng cổ thụ. Thế giới khổng lồ ấy là sự đan xen của 3 loại hình cây xanh: các loài cây tâm linh (mọc ở chùa, đình, đền, miếu - trung tâm của đời sống tín ngưỡng), các loài cây phòng hộ (mọc ngoài bờ sông, dọc đường làng, ngoài cánh đồng nhằm chống bão lụt, che mưa nắng) và các loài cây gia dụng (chủ yếu là các loại cây ăn trái, mọc trong vườn của các hộ gia đình). Trong điều kiện của một làng ven sông, mưa nắng thất thường, giao thương cách trở, sự có mặt của cổ thụ cho phép con người duy trì một nếp sống an hòa. Ở đó, họ vừa khai thác vừa nương theo tự nhiên để tồn tại và phát triển. Các loài cổ thụ được con người xem như một thứ tài sản thiêng liêng bất khả xâm phạm. Chỉ khi vì một lí do bất đắc dĩ, chẳng hạn khi cổ thụ bị bão quật đổ, con người mới nghĩ đến chuyện đốn cây. Nhưng ngay cả trong trường hợp bất đắc dĩ ấy, người ta cũng không quên trồng một cây con bên cạnh gốc cây cũ. Và theo năm tháng, cây mới sẽ lần hồi lớn lên trong tình yêu tạo vật của con người và vào một thời điểm xa lắc nào đó, sẽ trở thành cổ thụ. Thuở trước, quanh gốc cổ thụ ven đường, người ta đặt rất nhiều bình vôi. Vào ngày rằm hoặc mùng Một, người làng cắm nhang vào những chiếc bình vôi ấy để bày tỏ sự kính ngưỡng hoặc an ủi đối với thần linh và các linh hồn không nơi nương tựa. “Thần cây đa, ma cây đề”, mỗi cây là một thế giới với hai nửa thực - hư, thiêng - tục mà trách nhiệm của con người là phải nhận ra sự có mặt của những thế thế giới ấy, những sinh linh vô hình ấy để sống sao cho hợp với qui luật của tạo hóa. Thế rồi, sau các phong trào hay các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, cổ thụ trong làng dần vắng bóng. Trong dãy dài danh sách cổ thụ của làng, nhóm cây tâm linh phải ra đi đầu tiên, sau đó, đến nhóm cây phòng hộ. Tuy diễn ra chậm hơn một chút, các loài cổ thụ trong vườn nhà cũng lặng lẽ rời bỏ con người. Đến bây giờ, mẹ tôi vẫn còn nhớ ngày hai cây trôi mọc trước cổng chùa làng bị đốn. Đó là một chiều thu hiu quạnh. Có một cái gì đó rất quý giá, rất gần gũi đã mãi mãi ra đi. Tiện đây, cho phép tôi kể thêm đôi điều về loại cây đặc biệt này. Không rõ tên khoa học của nó là gì, nhưng người quê tôi vẫn gọi nó là cây trôi. Có lẽ, đó là loài cổ thụ đẹp nhất mà tôi từng được thấy. Rễ trôi bao giờ cũng tỏa ra trên một không gian rộng và cắm sâu vào lòng đất. Từ nền tảng ấy, trôi huy động mọi năng lượng có thể có để hướng lên bầu trời. Hẳn thế mà trôi phát triển chiều cao rất nhanh và luôn vươn cao trong một tư thế thẳng tắp đến kì lạ. Trong thế giới cổ thụ của làng, trôi bao giờ cũng cao vượt lên các loài cây khác. Cả những đứa trẻ thường hay leo trèo cũng bất lực trong việc chinh phục chiều cao của trôi. Không phải ngẫu nhiên mà các loài chim lớn thường làm tổ trên ngọn trôi vì từ điểm cao chót vót ấy, chim thực sự cảm thấy an toàn. Trôi tri ân mặt đất và loài người bằng một loại quả rất dễ thương. Quả trôi không nhiều, gần giống quả xoài, thường mọc trên tán cao. Khi chín, nó có màu vàng sáng, thơm mềm, mọng nước và vị rất thanh. Nhưng đến nay, làng đã tuyệt bóng trôi rồi. Tôi đang lo là sẽ không còn cơ hội nào để gặp lại loài trôi thân thuộc nữa vì hình như, loài cây này rất hiếm và chỉ tồn tại trong những vùng thổ nhưỡng đặc trưng. Cây thị mà tôi tình cờ gặp trên đường đi công tác chỉ càng gợi lên một hoài niệm xa xăm: cây thị cuối cùng trong làng, chắc cũng cổ kính và lực lưỡng như cây thị ấy, đã bị đốn cách đây 10 năm. Người ta chặt cổ thụ để lấy gỗ bán, làm củi đun, để “thông quang” đường xá, hoặc chẳng để làm gì cả. Đã có chủ trương thì cứ chặt, vậy thôi. Bây giờ, làng tôi vẫn rợp bóng cây xanh nhưng đa phần trong số đó là cây còi, cây tạp. Cây nào thì cũng là cây thôi, vì cây nào mà không thu vào các bô nic và thải ra ôxy cho con người?! Nhưng đó chỉ là chức năng tối thiểu của mọi loài cây trong thế giới thảo mộc. Cổ thụ thì không thế: ngoài chức năng tối thiểu, nó còn đảm nhận nhiều chức năng đặc biệt, vừa hữu hình vừa vô hình, vừa trước mắt vừa lâu dài mà chỉ riêng mình cổ thụ mới đủ khả năng. Bởi vậy, khi một cây cổ thụ ngã xuống, không nên hiểu một cách giản đơn là làng đã mất thêm một bóng cây xanh. Cổ thụ ra đi còn mang theo một cái gì hơn thế: một quan niệm sống, một lối hành xử đã được chắt lọc, truyền thụ qua đằng đẵng thời gian. Nhiều lúc, tôi tự hỏi mình: rốt cục, người xưa kì công trồng cây để làm gì nhỉ? Dĩ nhiên rồi, con người trồng cây trước hết là để thích nghi với tự nhiên vì nếu thiếu cây thì làm sao con người sống nổi. Điều đó thì ai cũng biết. Nhưng cây xanh còn là phương tiện để con người kí thác vào đó những thông điệp, những lẽ sống ở đời. Thử nghĩ mà xem, nếu muốn con cháu không quên đạo lí của tiền nhân, còn cách nào hợp lí hơn là để lại cho chúng một bóng cây cổ thụ. Trong môi trường nông thôn cổ truyền, khó có thể tìm thấy một phương tiện nào hữu hiệu hơn cổ thụ trong khả năng truyền tải những ngụ ngôn tinh tế, thâm trầm. Vẻ uy nghi, lừng lững, cổ kính và phong trần của cổ thụ toát lên những đức hạnh, phẩm chất mà con người ở thời đại nào cũng cần đến:
  1.  Sự ngay thẳng, đàng hoàng: cổ thụ bao giờ cũng mọc thẳng giữa thanh thiên, bạch nhật;
  2. Sự kiên trì, nhẫn nại: muốn trở nên cổ thụ, bất cứ loài cây nào cũng phải trải qua vô số thử thách, cam go trên hành trình tồn tại đằng đẵng;
  3. Sự bao dung, độ lượng: cổ thụ sẵn sàng bảo vệ, chở che cho bất kì sinh thể nào tồn tại dưới tán rợp của nó;
  4. Sự khiêm nhường, từ tốn: kiếp người vốn bé nhỏ và ngắn ngủi nên con người phải dựa vào cổ thụ để tăng thêm khả năng đề kháng trước tự nhiên thất thường. Vậy nên, thay vì ảo tưởng về năng lực của mình, hãy khiêm nhường, từ tốn để học hỏi, điều chỉnh và thích nghi.
Khi con người triệt phá cổ thụ, họ cũng gián tiếp từ chối những giá trị ấy để đi theo một lối sống khác - một lối sống thường được gọi tên bằng vô số mỹ từ: mới, hiện đại, tiến bộ. Nhưng có vẻ như, dưới khoảng trống mênh mông mà cổ thụ để lại, chúng ta đang ngày càng trở nên ồn ào hơn, hời hợt hơn, luẩn quẩn hơn và mong manh hơn trước vô vàn áp lực của cuộc sống. Mùa thu này, trong nắng hanh hao của tiết Vu Lan, tôi và người làng có một vài dự định ấp ủ. Mùa xuân tới, chúng tôi sẽ trồng thêm cây mới, để chuẩn bị những bóng cổ thụ cho tương lai.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm1
  • Hôm nay485
  • Tháng hiện tại46,989
  • Tổng lượt truy cập920,628
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây