Những kỉ niệm khó quên ở B7bis

Thứ sáu - 13/09/2013 23:12
Rất nhiều hình ảnh và âm thanh trong không gian B7bis vẫn còn mãi trong kí ức của tôi, và đó chính là động cơ làm cho tôi phấn khởi trong việc dạy tiếng Việt ở Osaka...
Những kỉ niệm khó quên ở B7bis
Những kỉ niệm khó quên ở B7bis
Vào những năm đầu của thập niên 90, việc xin visa sang Việt Nam còn rất khó khăn, tôi đã phải huỷ bỏ 2 vé máy bay trước khi lên đường sang Việt Nam chỉ bởi vì cái tội vừa mới nghe tin trường mình kí kết hợp đồng với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà đã phấn khởi đến mức chưa có visa đã lật đật đi mua vé máy bay. Nhận được tin đã có visa rồi thì tôi lên xe đến Tokyo luôn để xin visa tại Đại sứ quán Việt Nam. Trong khi chờ đợi nhân viên đại sứ quán tới, tôi đã gặp một cụ già mặc áo bà ba tuyệt đẹp. Cụ ấy khuyên tôi bằng tiếng Việt rằng đến Việt Nam thì phải mang theo Seirogan (loại thuốc trị bệnh tiêu chảy). Tôi nghĩ chắc là cụ bà đã sống ở Nhật lâu ngày nên mới cẩn thận như vậy chăng. Tôi cầm hộ chiếu có in visa, chào bà cụ rồi về thẳng Osaka luôn. Sau khi chia tay bạn bè, người thân ra tiễn tôi ở sân bay Osaka, máy bay cất cánh bay sang Bangkok vì hồi đó chưa có chuyến nào bay thẳng đến Hà Nội. Qua 2 ngày quá cảnh ở Bangkok, tôi đã đặt chân đến sân bay Nội Bài, nơi tôi có nhiều kỉ niệm nhất đứng thứ hai sau B7bis. Ông tài xế chở tôi đến phố Đại Cồ Việt. Tôi còn nhớ trên đường đến đấy ông đã đố tôi mấy câu tiếng Việt cực kì khó nghe và nói “đây là tiếng Việt thật sự!”. Cuộc sống ở Hà Nội của tôi bắt đầu như vậy. Kí túc xá B7bis không những vừa là nơi ăn ở vừa là nơi học, mà còn là nơi lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với các nhà Việt Nam học trên thế giới, trong đó có cả học giả Nhật Bản. Hồi đó tôi không hề biết giáo sư ở phòng bên cạnh là một học giả cực kì nổi tiếng và có công lao to lớn trong giới Việt Nam học tại Mĩ mà chỉ biết đó là thầy Ô-ha-rô (tức là GS Stephen O’Harrow) hay đến phòng mình uống trà trò chuyện với nhau mà thôi. Nhưng đối với tôi B7bis cũng là một nơi có đủ điều kiện để hiểu biết về ngôn ngữ và văn hoá “bình dân” của Việt Nam. Đặc biệt là các chú bảo vệ đã dạy cho tôi nhiều điều hết sức quan trọng trong cuộc sống ở Hà Nội. Sau khi học xong giờ học trên lớp – hồi đó phần nửa bên trái của kí túc xá là lớp học và các văn phòng khoa tiếng Việt, còn phần nửa bên phải là phòng ăn, căng tin và căn phòng nghỉ của lưu học sinh – tôi thường chạy đến phòng bảo vệ uống trà và nói chuyện. Chính các chú bảo vệ là người đã chỉ cho tôi cách hút thuốc lào và cho tôi nếm thịt chó, và họ cũng đã giới thiệu cho tôi thợ làm đàn ghi-ta thật giỏi. Thời gian học ở B7bis chỉ độ khoảng nửa năm, nhưng trong một thời gian ngắn như vậy mà tôi đã được học khá nhiều môn, và giá trị của những môn mà tôi đã được học đến bây giờ vẫn chưa phai đi chút nào. Trước tiên là môn tiếng Việt do thầy Lê Văn Phúc giảng dạy. Tôi quen với khuôn mặt của thầy Phúc từ trước thông qua băng video tiếng Việt trung cấp do thầy Tomita soạn trong thời gian thầy Phúc sang dạy tiếng Việt ở Đại học Ngoại ngữ Osaka. Đến năm 1990 thầy vẫn còn trẻ trung và vui vẻ như trong băng video. Thầy hay kể cho tôi nghe về những ngày thầy dạy ở Osaka. Điều đó đã làm cho tôi cảm thấy như đang ở nhà, tạo ra một bầu không khí ấm áp trong giờ của thầy. Môn thứ hai là Phương ngữ tiếng Việt của cô Hoàng Thị Châu. Môn này cũng làm nền tảng cơ sở rất quan trọng cho việc nghiên cứu của tôi bây giờ. Có một hôm thầy Ô-ha-rô đến phòng tôi nói chuyện phiếm như thường ngày. Thầy chợt cầm lấy một quyển sách tôi để trên bàn và hỏi “Cô giáo này là ai?”. Tôi trả lời đó là cô Hoàng Thị Châu dạy phương ngữ học cho tôi. Sau đó thầy chép lại tên sách và tác giả. Nghe nói mấy tháng sau cô Châu được thầy Ô-ha-rô mời sang thuyết trình về chuyên môn ở chỗ thầy. Chắc đó cũng là một cơ duyên mà kí túc xá B7bis đã tạo nên chăng? Khoảng chừng mười năm sau, khi tôi nghe được tin sách Tiếng Việt trên các miền đất nước của cô – chính là sách giáo trình cho giờ học của tôi và anh Kasuga – đã nhận được Giải thưởng Nhà nước, thì tôi sang Việt Nam luôn để chúc mừng cô và tặng một chút quà của anh Kasuga và tôi như là học trò cũ của cô. Còn một môn nữa là Ngữ âm tiếng Việt do thầy Mai Ngọc Chừ phụ trách. Tôi còn nhớ rất kĩ những lời giảng thật dễ hiểu của thầy Chừ, mặc dù nội dung giờ của thầy lúc nào cũng gồm những lí thuyết rất phức tạp nên nhiều khi khó hiểu. Đến bây giờ cách giảng dạy của thầy Chừ vẫn là những bài giảng kiểu mẫu mà tôi bắt chước theo cho những giờ dạy của mình ở trường. Trong thời gian ở Việt Nam, một trong những sự kiện khiến cho lưu học sinh thấy buồn và nhớ nhà nhất là chuyện bị bệnh. Tôi cũng có một lần bị sốt nên phải nghỉ giờ của cô Châu. Nhưng hồi đó chưa có máy điện thoại di động như hiện nay. Tôi không biết làm sao nên cứ nằm thiêm thiếp trên giường thì trong giấc mơ tôi nghe thấy tiếng của ai đó nghe quen quen. Tôi mở mắt ra thì hoá ra đó là tiếng của cô Châu. Cô mang theo hoa quả đến tận phòng của tôi và vừa gọt vỏ cam vừa hỏi thăm sức khoẻ tôi. Tôi quá xúc động nhưng hồi đó tôi chưa thể biểu đạt hết trăm phần trăm cảm nghĩ của mình bằng tiếng Việt. Thực ra lúc đó tôi cảm thấy như mình đang được ẵm trong vòng tay ấm áp của người mẹ. Đó cũng là một kỉ niệm không thể nào quên được ở B7bis. Sau khi tôi thực tập phương ngữ Nam bộ ở miền Nam từ cuối tháng 10 năm 1990 đến đầu tháng 3 năm 1991, tôi nghe tin thầy Nguyễn Tài Cẩn đã về nước sau khi dạy xong ở Pháp nên tôi trở về Hà Nội luôn để xin được gặp thầy và được học mấy buổi với thầy. Nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô khoa tiếng Việt và khoa Ngôn ngữ, đặc biệt là của thầy Trần Trí Dõi, tôi được gặp thầy Cẩn và được học mấy buổi với thầy. Thầy đọc rất kĩ những câu hỏi tôi gửi đến thầy trước và trả lời cho tôi thật tử tế. Tôi vẫn nhớ thầy vừa cầm điếu thuốc lá Nga vừa trình bày lí thuyết lịch sử ngữ âm tiếng Việt cho tôi. Cũng có một hôm thầy dẫn tôi đến nhà thầy và học luôn trong phòng đầy sách. Trong thời gian đó, khu Bách khoa đã có nhà khách mới gọi là “A2”. Thực ra nó đầy đủ tiện nghi hơn B7bis, như nước nóng, máy điều hoà, v.v. nên tôi đặt phòng ở đấy. Nhưng rốt cuộc thì hàng ngày tôi vẫn lại sang B7bis gặp bạn cũ ăn cơm nói chuyện với họ, chỉ đến tối khuya thì tôi mới về A2 để ngủ mà thôi.
Những ngày sinh viên ở B7bis
Những ngày sinh viên ở B7bis
Nghe nói những quán phở, quán bún chả ở phố Đại Cồ Việt hiện nay hoàn toàn không còn nữa. Còn nhớ có một buổi tối, tôi ngồi ở phòng bảo vệ và than đói bụng, thì chú bảo vệ lập tức chạy đi mua bánh mì cho tôi. Không biết tiếng rao “bánh mì nóng” quen thuộc mỗi buổi tối bây giờ có còn không. Những hàng quán, những tiếng rao..., rất nhiều, rất nhiều hình ảnh và âm thanh trong không gian B7bis vẫn còn mãi trong kí ức của tôi, và đó chính là động cơ làm cho tôi phấn khởi trong việc dạy tiếng Việt ở Osaka. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn các thầy cô, các anh chị và các bạn đã cho tôi nhiều kỉ niệm đẹp, không thể nào quên ở B7bis và tôi xin gửi lời chúc mừng 45 năm thành lập Khoa Tiếng Việt của chúng ta ngày đó – Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt của ngày hôm nay.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay2,749
  • Tháng hiện tại32,443
  • Tổng lượt truy cập1,248,631
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây