Những kỉ niệm vui buồn của một thời không bao giờ quên

Thứ sáu - 04/10/2013 11:12
Những chuyện xảy ra ngày ấy nay đã thành câu chuyện cổ tích khó tin, nhưng những người trong cuộc thì thấy nó vẫn luôn luôn sống động, vẫn tràn ngập cảm xúc thương xót và tự hào.
Những kỉ niệm vui buồn của một thời không bao giờ quên
Những kỉ niệm vui buồn của một thời không bao giờ quên
Những năm sau “đổi mới”, kinh tế khá dần lên, các hội hưu, hội đồng môn, hội đồng hương mới bắt đầu hoạt động sôi nổi. Hội Cựu giáo chức của chúng tôi cũng thế. Hàng năm, vào dịp ngày 20 tháng 11, chúng tôi được ông Phan Hải, Tổ trưởng Tổ hưu mời đến họp ở Khoa Tiếng Việt. Hôm đầu tiên đến, tôi ngỡ ngàng không nhận ra đường vào Khoa Tiếng Việt khi trước. Con đường Trần Đại Nghĩa mới mở rộng thênh thang thay cho dòng sông Sét đen ngòm bẩn thỉu khi xưa. Đi vào cổng lớn, hai toà nhà khang trang đẹp đẽ, có khuôn viên rộng rãi, xanh tươi… Cơ ngơi của Khoa Tiếng Việt đúng là “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, với một đội ngũ cán bộ trẻ trung, năng động, được đào tạo bài bản, thật đáng mừng. Tôi nhớ lại những ngày đầu đến nhận công tác ở Khoa. Đó là vào năm 1980, là thời kì kinh tế suy thoái, khó khăn thiếu thốn nhất của đất nước. Khoa Tiếng Việt ở một ngôi nhà trong một dãy nhà tương tự của Trường Đại học Bách Khoa. Ngôi nhà 4 tầng đã xuống cấp, cạnh đó có một nhà bằng gỗ ép chia ra từng gian làm lớp học, nền tráng xi măng lồi lõm, mỗi lần trời mưa thì bùn lớp nhớp. Phía sau lớp học là sông Sét, những ngày nồm, gió bốc lên một mùi xú uế nặng nề làm ô nhiễm không khí cả một khu vực Trường Đại học Bách khoa. Lúc mới đến Khoa, tôi xin dự một số giờ của các giáo viên cũ để học tập phương pháp dạy tiếng Việt, vì đây là một môn mới đối với tôi, mặc dầu tôi đã nhiều năm đảm nhiệm dạy chương trình ngữ văn ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Người tôi đến dự giờ nhiều nhất là anh Phan Đắc Huệ, một người ít nói nhưng rất chân thành (nay anh đã qua đời rồi). Anh Phan Đắc Huệ bảo: “Sao chị khiêm tốn thế?”. Tôi nói: “Chưa biết thì phải học, có gì là khiêm tốn đâu!”. Lớp đầu tiên tôi được phân công dạy là lớp Inđônêxia. Ông Chủ nhiệm Khoa, Giáo sư Hoàng Trọng Phiến, dẫn tôi vào giới thiệu với lớp. Học viên là cán bộ Đại Sứ quán Inđônêxia, có cả ông Đại sứ. Họ học tiếng Việt là “để cho biết” thôi, và rất có thái độ trọng thị đối với thầy cô giáo. Nhưng rồi lớp cũng không kéo dài được vì họ bận công việc ở cơ quan. Lớp thứ hai là 2 cậu sinh viên Palextin và 2 cán bộ Đại sứ quán Ôxtrâylia: Cô Maclean Bí thư thứ nhất và cô Caroline Bí thư thứ hai. Hai cô này là dân ngoại giao nên rất lịch lãm và khéo léo. Các cô có ý thanh minh về chuyện quân đội Ôxtrâylia có một thời kì sang giúp Mĩ đánh Việt Nam: “Lúc đầu có sang, nhưng về sau chính phủ Ôxtrâylia biết là mình nhầm nên đã rút hết quân về nước sớm nhất”. Tôi giải thích cho cô biết là không sao đâu, dân Việt Nam không thù dai. Các cô rất có cảm tình với Việt Nam, nhưng phàn nàn là thanh niên Việt Nam ngỗ nghịch hay trêu chọc các cô khi họ đang lái xe trên đường: “Bọn họ không sợ chết hay sao?” Cô Careline bức xúc nói. Tôi thường dùng những giờ luyện nói tiếng Việt để sinh viên tự giới thiệu về đất nước của họ, mục đích là để sinh viên luyện nói và cũng để mình hiểu thêm tâm tình của họ. Hai cậu sinh viên Palextin, Saadi và Anwar, đều từ một nước đang phải chiến đấu gian nan cho nền độc lập của nước mình, nên rất cảm phục nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, cậu Saadi là một thanh niên rất hăng hái nhiệt tình. Có hôm trời mưa, sân trường ngập nước, từ nhà trên xuống nhà dưới phải lội qua một quãng bùn lùng bùng. Saadi liền vào nhà kho tìm một tấm ván để lót đường cho thầy cô và các bạn vào lớp. Sàn nhà đầy bùn đất, cậu Saadi nhỡ làm rơi cái bát xuống, đành phải lấy khăn mùi soa lau đi, thái độ vẫn vui vẻ như thường. Thật là tội nghiệp! (Cậu Saadi này về sau cưới một cô giáo Việt Nam và được cử làm cán bộ ngoại giao của Palextin ở một số nước, hiện nay đang là Đại sứ Palextin ở Hà Nội, nói tiếng Việt rất giỏi). Thời gian đó, chúng ta còn nghèo và rất khó khăn. Tuy vậy, nhà nước ta cũng dành cho sinh viên nước ngoài những chế độ ưu đãi đặc biệt. Lưu học sinh được hưởng tiêu chuẩn bao cấp cao hơn cán bộ của ta. Hầu hết anh chị em sinh viên đều hiểu và thông cảm với điều kiện vật chất còn khó khăn của nước ta. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những nhận xét của sinh viên không khỏi làm các thày cô chạnh lòng. Ví như có người gọi “Hà Nội là thủ đô của xe đạp”. Cũng phải thôi! Lúc đó xe đạp là phương tiện phổ biến và chủ yếu của người dân dùng để đi lại. Các sinh viên ở các nước tư bản phát triển thì có cái nhìn thông cảm hơn. Về ý kiến nói Hà Nội là một “thành phố xe đạp”, một cậu sinh viên Thuỵ Điển (tôi quên mất tên) nói: “Đi xe đạp là rất hay, để luyện tập sức khoẻ và không làm ô nhiễm môi trường. Ở Thuỵ Điển, xe ô tô nhiều quá, xả khói bụi nhiều. Hơn nữa, ở Thuỵ Điển hiện nay còn một tệ nạn nữa là phim Mĩ tràn vào đến tận các gia đình, phá hoại nền văn hoá truyền thống của Thuỵ Điển”. Cậu Thuỵ Điển muốn an ủi mình: Cảnh nghèo cũng có mặt tốt của nó! Hồi đó, Khoa Tiếng Việt là nơi duy nhất trong cả nước đào tạo sinh viên nước ngoài, kể cả sinh viên ở các nước tư bản, nhưng về các phương tiện vật chất, Khoa không nhận được một sự ưu tiên nào. Không như Ban Chủ nhiệm ở các khoa khác trong trường, Ban Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt ngoài việc lãnh đạo chuyên môn dạy và học ra, lại còn phải lo nơi ăn chốn ở cho sinh viên nước ngoài, trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi điều kiện tối thiểu nhất. Thật là một nhiệm vụ hết sức nặng nề! Người Việt Nam thì đã quen chịu đựng mọi thiếu thốn gian khổ, nhưng đối với những sinh viên nước ngoài đã quen cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở nước họ, nay sang đây, phải chịu cảnh trời nóng mà mất điện, mất nước xoành xoạch, quạt cũng thiếu, làm gì có điều hoà nhiệt độ ở các phòng như ngày nay. Khu nhà vệ sinh thì nhiều muỗi quá, những con muỗi được nuôi dưỡng ở sông Sét to gấp đôi con muỗi thường. Sinh viên chịu không thấu, phải kêu ca với chị Nhẫn, người phụ trách y tế trong khoa, nhưng chị Nhẫn cũng đành chịu, biết làm thế nào? Kiếm đâu ra thuốc xịt muỗi được quảng cáo hàng ngày trên TV như ngày nay? Nhà bếp là phải lo những bữa ăn tử tế cho sinh viên để họ có sức khoẻ mà học tập, nhưng mọi thứ lương thực, thực phẩm đều thiếu. Trang thiết bị ở nhà bếp rất sơ sài, cái tủ lạnh cũ kĩ sứt mẻ. Một hôm có sinh viên Ba Lan kêu lên: “Hôm qua tôi về muộn, mở tủ lạnh để lấy suất ăn thì thấy một con chuột đang ngồi trên cái bánh mì của tôi!”. Có những tình huống mà những người phụ trách dẫu có tài giỏi đến đâu cũng không biết xoay xở thế nào. Tuy vậy, mặc cho cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, Ban Chủ nhiệm và các cán bộ trong Khoa cũng đã có nhiều cố gắng để tạo nên một cuộc sống tinh thần vui vẻ cho sinh viên. Hàng năm, cứ đến ngày Quốc khánh của các nước, Khoa đều tổ chức liên hoan văn nghệ chúc mừng, tặng hoa sinh viên, có tất cả sinh viên các nước cùng tham dự. Dẫu điều kiện giao thông có khó khăn, năm nào Khoa cũng tổ chức những cuộc đi dã ngoại cho sinh viên tham quan Vịnh Hạ Long, các di tích lịch sử, tổ chức vào Nghệ An thăm quê Bác Hồ… Những cuộc đi dã ngoại cũng đã góp phần gắn bó tình cảm của sinh viên đối với Khoa và các thầy cụ giáo, cũng tạo điều kiện cho sinh viên hiểu biết Việt Nam hơn. Tổ Công đoàn nhà bếp cũng cố gắng cải thiện đời sống cho cán bộ trong Khoa, mỗi năm nuôi hai con lợn để cuối năm có thể chia cho mỗi cán bộ 3 cân thịt, và về quê xa mua gạo nếp cho mọi người ăn Tết. Ai đã từng sống trong thời kì bao cấp, phải nhiều lần đứng xếp hàng mỏi chân mới mua được 5 lạng thịt tiêu chuẩn tem phiếu hàng tháng của mỗi người… thì mới biết món quà 3 cân thịt lợn với 5 cân gạo nếp cho cán bộ ăn Tết là quý giá như thế nào! Đã xa lắm rồi thời kì xảy ra những câu chuyện trên, nay đã thành câu chuyện cổ tích khó tin, nhưng những người trong cuộc thì thấy nó vẫn luôn luôn sống động, vẫn tràn ngập cảm xúc thương xót và tự hào mỗi lần nghĩ đến, thương xót các đồng chí, đồng nghiệp đã sớm đi xa, và tự hào vì chúng ta đã đồng hành cùng nhân dân ta vượt qua bao sóng gió để đến được bến bờ hạnh phúc ngày hôm nay!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay2,004
  • Tháng hiện tại55,439
  • Tổng lượt truy cập1,464,155
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây