Những kỉ niệm Thuỵ Điển (phần 3)

Thứ tư - 02/10/2013 20:25
Nhật kí tháng cuối trong 10 tháng dạy tiếng Việt tại Thuỵ Điển của nhà giáo Hà Vinh.
Những kỉ niệm Thuỵ Điển (phần 3)
Những kỉ niệm Thuỵ Điển (phần 3)
Nhật kí tháng cuối trong 10 tháng dạy tiếng Việt tại Thuỵ Điển của nhà giáo Hà Vinh.

7/6/1980

Lễ chia tay chính thức với SIDA được tổ chức hôm qua. Mình với hai thày giáo dạy cùng (Nguyễn Hữu Bình và Luis Branch ) và các sinh viên được mời dự bữa ăn trưa ở một nhà hàng. Mấy quan chức và nhân viên SIDA có quan hệ làm việc với chương trình Tiếng Việt này đều có mặt. Họ tổ chức những lễ lạt như thế này giản đơn mà thân tình vui vẻ. Vào cuộc có ăn uống chuyện trò. Kết thúc là những phát biểu cám ơn, tặng quà rồi chia tay đậm đà tình cảm ai cũng tỏ ra lưu luyến. Ngay cả mình, biết là hơn tháng nữa sẽ gặp lại các sinh viên trong lớp ở Việt Nam mà sao cũng không thể nhẹ nhàng rời nhau. Còn hẹn sẽ có một cuộc Farewell Party với Bình và Luis. Hai anh này thì không biết bao giờ mới gặp lại. Mà cũng không lấy gì làm chắc sẽ gặp trong tương lai gần. Chỉ có Bình, vì anh ấy hẹn sẽ về VN vào dịp sinh viên sang Hà Nội, nên hi vọng gặp lại nhiều hơn. Mình nói vài lời cám ơn và chút tâm sự những ngày sống và làm việc ở đây. Nói bằng tiếng Anh. So với ngày mới tới thi bây giờ mình đã có thể nói nghe và giao tiếp bằng tiếng Anh đôi khi vài câu tiếng Thuỵ Điển chứ không đến nỗi dùng ngôn ngữ cử chỉ nữa! Tuy thế vẫn cứ còn lúng túng và thiếu tự tin. Mà cũng phải thôi, tiếng Anh của mình là thứ học không cơ bản lại cóc nhảy . May mà mình là thằng vừa láu cá vừa không sợ súng thành ra đôi khi liến láu làm cho đối tác phải giơ tay! Tan cuộc liên hoan Lars theo đến nhà lấy đồ về giặt hộ như lâu nay cậu ta vẫn giúp mình. Phải hỏi thật Lars: Lúc nãy tôi nói tiếng Anh, liệu có sai nhiều không? Có lẽ để an ủi, Lars khen: Thày nói khá lắm! Một ngày trời đẹp. Mình chưa thấy có ngày nào Stockholm có phong cảnh và thời tiết chiều người như thế này. "Giữa mùa hè thời tiết ở đây thường là đẹp !" Anh Bình giải thích. Sáng nay anh ấy a lô hẹn và chúng mình đã có cuộc dạo chơi bằng xe đạp ra phía bờ biển ngoài rìa thành phố. Vì Stockholm là thủ đô hình thành bởi cả nghìn hòn đảo và bán đảo nên phía nào thành phố cũng là biển. Không mấy xa để chúng mình đến đó. Trời nắng rực rỡ từ sáng sớm. Thấy bảng điện tử thông báo thời tiết ghi 27oC. Có cảm giác là mọi người già trẻ lớn bé nam nữ hôm nay đều đổ ra đường thì phải?! Chả bù cho những ngày mùa Đông cả thành phố chìm trong cái điệp khúc có khi cả tháng hoặc màu xám chì hoặc tuyết trắng mênh mông. Trên đường lúc ấy nếu có một vật chuyển động thì chỉ là ôtô. Phải xuống các Tunel Barnan (tàu điện ngầm - tiếng Thuỵ Điển) mới gặp được người! Còn hôm nay mình và Bình no mắt ngắm dòng người đông đúc dập dìu từ nhiều ngả đường dẫn ra bờ biển. Nhiều bãi cây cỏ kín đặc các lán vải cùng với trẻ con người lớn quây quần ăn uống chuyện trò nhưng đa phần là nằm phơi nắng. Mà hầu như mọi người ai cũng muốn để cho cơ thể mình được tiếp xúc với ánh mặt trời nhiều đến mức tối đa! Đã thấy những đôi nam nữ gần như tout nude rất tự nhiên ôm nhau bên bụi cây rệ cỏ... Thấy nhiều trẻ con nhảy vào làn nước trong của biển tắm táp thì ít mà chủ yếu là đùa nghịch, rất ấn tượng. Mà cũng không chỉ có trẻ con. Qua nhiều bến tắm mình thấy còn kín đặc cả người lớn, đa phần là những đôi nam nữ tuổi teen. Hẳn là được ngày nắng ấm như thế này là hiếm ở xứ này nên ai cũng không muốn bỏ lỡ dịp cho thân thể da thịt được tắm ánh mặt trời và tắm làn nước biển chăng? Với họ thời tiết và nhiệt độ như hôm nay có lẽ là bình thường nhưng mình vẫn cảm thấy lạnh. Khoác cái bluson mà vẫn thấy run mỗi khi gặp luồng gió từ biển thốc thẳng vào. Cùng Bình ăn trưa xong chúng mình chia tay. Hẹn hôm sau sẽ cùng lên Furudal nghỉ chuyến cuối cùng với các sinh viên. Chương trình đó được sắp xếp từ đầu năm học.

8/6/1980

16 giờ rưỡi rời Stockholm đi Furudal. Cách S. chừng hơn bốn trăm cây số ở F. có một cơ sở đào tạo không hẳn cho một chuyên ngành nào. Nó chỉ như một kiểu trường học. Không gian và cảnh quan không những đẹp thuận tiện mà còn rất lí tưởng cho việc tổ chức những chương trình học tập rèn luyện cả ngắn ngày cũng như dài ngày. Ở đây có đủ phòng học, thư viện, phòng thể dục giải trí , kí túc xá và nhà ăn phục vụ rất chu đáo. Lần trước mình đã cùng các sinh viên lên ăn Tết với các công nhân Việt Nam từ Bãi Bằng được đưa sang học tiếng Anh và bổ túc nghiệp vụ về sản xuất giấy ở ngôi trường này. Lần ấy chỉ là chuyến du ngoạn ngắn 4 ngày. Lần này mình sẽ có một chuyến nghỉ dài tới hơn 10 ngày. Với các sinh viên thì đây là chuyến kết hợp học tập với nghỉ ngơi. Họ sẽ có những buổi bổ túc tiếng Anh. Cũng là dịp may cho mình rèn luyện nghe và nói tiếng Anh đây ! Sẽ đi tàu hoả đến Avrik. Từ đây chúng mình sẽ đi bus vào trường. Trở lại nơi xưa kia đã một lần đến rồi mà mình không thể nhận ra! Lần trước mình đến vào lúc thời tiết là vừa hết Đông đang chớm vào Xuân, nơi đây là một vùng mênh mông tuyết trắng. Tuyết phủ hết không thể thấy đâu là đường, là rừng, là sông lạch và cây cối. Đôi ngày cả những ngôi nhà nhỏ bên sườn các đồi gò còn bị chìm khuất trong bão tuyết. Lần này hiện ra trước mắt mình cây cối xanh tươi, hoa cỏ rực rỡ và nhất là những hồ đầm mênh mông ôm những rừng thông trông thật là ngoạn mục! Đó là những ngày giữa mùa Hè của vùng Bắc xa xôi! Gặp gỡ với các giáo viên sẽ giảng dạy tiếng Anh. Nhận thấy sự nhiệt thành ở những thày cô giáo ở đây. Hi vọng mình sẽ có dịp học hỏi được nhiều cả về kiến thức lẫn phương pháp. Những ngày làm việc bên này mình đã thấy bao nhiêu lỗ hổng của bản thân. Sẽ lấp những lỗ hổng đó. Với một cá nhân đó là điều không quá khó cốt là có muốn và có quyết tâm? Nhưng với hệ thống giảng dạy, là chuyên môn của mình thì thấy thật bi quan. Chỉ với việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thôi, nơi mình đã có mấy chục năm giảng dạy đào tạo liên tục rồi mà cũng còn rất nhiều lỗ mỗ. Nó cần chỉnh sửa, bổ cứu ở tất cả các khâu chương trình, tài liệu, phương tiện và cả người dạy nữa... Đang nghĩ ngợi rất nhiều về những điều này! 12 giờ khuya rồi. Chưa ngủ. Nghe tiếng cú rúc... Lâu lắm rồi mới lại nghe tiếng con chim quen thuộc này. Nhớ nhà nhớ nước và người thân. Cảm thấy mình may mắn.

22/6/1980

Britta đón mình và Bình ra chơi ở nhà nghỉ của gia đình trên một hòn đảo. Chị ấy và Nil Ostrom (her husband) đã thu xếp để mình có thể được biết, được thưởng thức, được xúc tiếp nhiều nhất với cảnh quan, tập quán ...và nhất là phong tục khác lạ ở đây. Britta chính là người đã cố vấn để thiết kế chương trình đào tạo tiếng Việt này. Nhờ chị tư vấn mà SIDA đã tổ chức lớp học theo hai giai đoạn: năm đầu ở Thuỵ Điển năm sau ở Việt Nam. Mình may mắn có chuyến đi này cũng là ăn theo lớp học thôi! Cả năm học này Brita không thể tham gia vì chị đang nghỉ để sinh con. Đây là đứa thứ hai. Đứa đầu năm nay chừng 2 tuổi, kháu khỉnh và nghịch ngợm. Ngay sau tuần đầu tới Thuỵ Điển, Britta đã đón mình đến thăm nhà. Britta hình như là người Thuỵ Điển đầu tiên học tiếng Việt (?). Mình cũng đã dạy cho chị ấy năm ngoái, khi ở Việt Nam. Có chuyện đáng nhớ là lần đi lao động đào đất ở sông Tô Lịch, đoạn cổng chùa Láng vì mải mê bê tay những cục đất mà chị bị tuột mất chiếc nhẫn. Không hi vọng sẽ tìm được lại, vì làm sao biết chiếc nhẫn nằm ở hòn đất nào trong cả một núi đất vừa vợt lên (?!) thì có người đã thấy mang trả lại cho chị. Mình nhớ nét mặt Britta hôm ấy không nén được xúc động, rưng rưng nói lời cám ơn người đã tìm lại được cho chị vật kỉ niệm vô giá: chiếc nhẫn cưới! Người ấy chính là anh Khôi, một nhân viên nhà ăn ở Khoa Tiếng Việt của mình. Cảm tình của chị với Việt Nam và tiếng Việt hẳn it nhiều có tác động của sự việc đáng nhớ này(?). Lúc này Britta đang soạn một tài liệu dạy tiếng Việt, tới đây chị sẽ đến Bãi Bằng huấn luyện cho các chuyên gia Thuỵ Điển đang giúp ta xây dựng nhà máy giấy. Mình vừa cùng Britta thu băng xong cuốn sách. Tài liệu in và máy catset ghi giọng đọc của mình coi như một kỉ niệm những ngày hợp tác làm việc ở Thuỵ Điển.

29/6/1980

Khách sạn Metropa, Berlin. Lại vào nghỉ đêm nay ở cái KS mà tất cả hành khách đi máy bay Đức đều trú ngụ mỗi khi đợi hay đổi chuyến trong chặng qua Berlin. Lần sang (tháng 10 năm trước) mình cũng đã ở đây một đêm cho đến 16 giờ hôm sau mới lên máy bay của hãng Bắc Âu (SAS) đi Thuỵ Điển. Sẽ có gần một ngày nằm khườn ở đây vì chiều mai mới có chuyến bay về VN. Tình cờ biết ông Mệnh đang dạy ở Humbol. Hỏi thăm biết là khá xa nên không có ý muốn đến chỗ anh ấy. Mấy người mình vừa nói chuyện dưới phòng ăn nói là ở cùng trường chỗ M. đang dạy. Gửi hộp thuốc Ba số (555) cho ông ấy như một lời chào. Cứ như chim, hôm qua, một ngày mà mình qua đến ba địa điểm mà từ chỗ nọ đến chỗ kia xa cách phải tính đến đơn vị trăm cây số. Sáng bay từ Stockholm sang Tuku chiều và tối ở Henxinhky. Maisan về Phần Lan trước để đón mình ở sân bayTuku. Lấy vé tàu hoả, gửi đồ ở ga xong chúng mình đi ăn trưa và chớp nhoáng ngắm cái thành phố cổ này. Không biết chặng tàu hoả Tuku - Henxinhky bao xa nhưng chừng hơn một giờ ngồi tàu đó đến ga cuối. Maisan dẫn mình đến Viện NCVH Phần Lan gặp gỡ với mấy GS. ở đây như lịch hẹn. Thật ra việc thăm cơ quan này chỉ như một lí do để SIDA trả tiền vé bay và khách sạn cho mình khi ghé Phần Lan trước khi bay về Việt Nam. Mục đích của mình cũng là mong muốn của Maisan là mình có chuyến thăm quê hương của chị ấy, thế thôi. Maisan dẫn đi thăm nhà thờ Henxinhky, thăm thư viện thành phố, thăm nhà hát và vài công viên bến cảng khá tiêu biểu ở thành phố này. Thời gian it mà lại muốn biết được nhiều nơi nên mình và Maisan đã có một cuộc marathon khá là gấp gáp. Bây giờ ngồi đây mà đầu óc chưa thật tái hiện được đầy đủ, rõ ràng những địa danh và con người đã thăm đã gặp hôm qua. Chỉ cảm động về nhiệt tình và sự thu xếp hợp lí chu đáo của Maisan nên mình có một cuộc đi chơi để biết thêm một vùng đất mà chưa bao giờ dám nghĩ tới. Và cũng không hi vọng có dịp thăm lại! Đêm qua khi mình đã yên vị ở khách sạn, Maisan còn mấy lần điện thoại hỏi han dặn dò. Sáng sớm cô cũng gọi để mình xuống xe buýt ra sân bay cứ như là sợ mình ngủ quên… Vài tiếng nữa sẽ lên máy bay bay về VN. Sắp gặp lại Th. và các con sau 10 tháng xa rồi đây!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay3,256
  • Tháng hiện tại106,918
  • Tổng lượt truy cập1,830,389
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây