Kỉ niệm chuyên gia

Thứ sáu - 25/10/2013 21:17
Có lẽ không ở đâu, ở cấp học nào nghề dạy học của tôi lại trải qua những cảm xúc kì lạ và phải tìm tòi áp dụng những phương pháp giảng dạy độc đáo như những năm tháng dạy học tại Cămpuchia.
Cuối năm 1980, sau khi tốt nghiệp khoá 21, Khoa Ngữ Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, hơn chục anh chị em chúng tôi được phân công về Khoa Tiếng Việt của Trường làm giáo viên giảng dạy. Cùng trong cái quyết định với tôi còn nhiều đồng nghiệp nữa. Có được hơn chục giáo viên về cùng chỗ ngày ấy phải nhắc tới công lao của thầy Hoàng Trọng Phiến, Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt. Một con người đầy nhiệt huyết với sự phát triển của bộ môn tiếng Việt và văn hoá Việt Nam. Vừa tập sự giảng bài vừa trau dồi tiếng Anh, chúng tôi rất mau trưởng thành và được đứng lớp. Học trò của tôi những ngày đầu về khoa là người Lào, Thuỵ Điển, Phần lan, Palextin, CHLB Đức… Tuy nhiên thời gian tôi đứng trên bục giảng lâu nhất, có nhiều kỉ niệm nhất là khi đi làm chuyên gia giảng dạy tiếng Việt cho học sinh Cămpuchia ở Trường Đại học Tổng hợp Phnômpênh. Hai năm giảng dạy ở đây ngay sau thời kì diệt chủng để lại trong tôi biết bao kỉ niệm về nghề thầy. Có lẽ không ở đâu, ở cấp học nào nghề dạy học của tôi lại trải qua những cảm xúc kì lạ và phải tìm tòi áp dụng những phương pháp giảng dạy độc đáo như những năm tháng dạy học tại Cămpuchia.
Tác giả Nguyễn Trọng Tân
Tác giả Nguyễn Trọng Tân
Về chuyên môn tôi phải dạy một lớp chính khoá, trong đó làm chủ nhiệm một lớp, ngoài thời gian lên lớp ban ngày tôi được phân công dạy thêm một lớp buổi tối cho cán bộ Văn phòng Chính phủ Cămpuchia. Lịch dạy của chúng tôi kín đặc như chạy đua với thời gian để bù lại những gì đó mất dưới chế độ diệt chủng. Trừ lớp buổi tối, ở lớp chính quy có một đặc điểm thật giống nhau, phần lớn học sinh là phụ nữ đã lớn tuổi, khoảng bảy chục phần trăm goá chồng. Có người đã gần năm mươi tuổi. Tất cả họ đều đó có trình độ phổ thông trung học trước khi nạn Pônpốt tràn về. Nhưng gần bốn năm bị đày ải, chữ nghĩa rơi rụng nhiều cùng với những sang chấn về tâm lí, khiến khi trở lại trường, cũng như nhiều công việc khác họ rất bỡ ngỡ e dè. Do số lượng nữ giới còn sống sót nhiều hơn sau thời kì diệt chủng, cộng với sự năng nổ, là lực lượng chính làm ra kinh tế nuôi sống gia đình, vai trò của những người phụ nữ Cămpuchia những năm tháng này mang tính quyết định. Đặc biệt rõ là chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tập tục cưới chồng của phụ nữ Cămpuchia còn lưu giữ đến ngày nay là một ví dụ. Người đàn ông sau khi lấy vợ vẫn thực hiện việc ở rể cho đến khi có con đầu lòng mới tách ra ở riêng. Điều này cũng dễ giải thích khi gần ba triệu người chết phần lớn là đàn ông đang sung sức của đất nước và trụ cột của mỗi gia đình. Kỉ niệm thứ hai vui hơn là khả năng học ngoại ngữ rất khá của học sinh Cămpuchia, đặc biệt là học sinh nữ. Chỉ vài tháng học tập mà nhiều nữ sinh đã có thể làm những bài luận dài mà chỉ mắc rất ít lỗi chính tả, tôi còn giữ những bức thư của một số học sinh gửi cho tôi trong đó đặc biệt là thư của cô học trò giỏi nhất lớp. Quê cô ở tỉnh biên giới Bat Tam Boong. Chữ cô viết rất đẹp, hành văn lưu loát, nội dung sáng rõ khiến tôi thật bất ngờ. Tên cô học trò đó là Xuôn Ra Ny. Sau năm học đầu tiên, nhà quá nghèo Xuôn Ra Ny về quê nghỉ hè thăm gia đình nhưng cũng chuẩn bị tinh thần để không tiếp tục trở lại trường nữa. Ngày chia tay cô, cả lớp lưu luyến, bùi ngùi không biết có được gặp lại cô sinh viên giỏi giang này nữa hay không. Nhưng rồi không biết Xuôn Ra Ny thuyết phục bố mẹ thế nào mà được đồng ý cho đi học tiếp. Mừng quá, từ quê nhà cô viết liền hai lá thư cho tôi với một niềm vui khôn tả. Tôi xin chép lại lá thư đó để thấy khả năng học tập và ý chí vươn lên của lớp sinh viên vừa trải qua đêm dài diệt chủng và đang khao khát bổ sung kiến thức xây dựng lại quê hương mình. “Mông kôlborêy, ngày 7 tháng 8 năm 1982. Thầy kính nhớ. Hôm nay là ngày thứ 7, em đến Mông kôlborêy, thượng lộ bình an, chỉ say xe và mửa theo đường (bị nôn dọc đường) Bat Tam Bang. Còn gia đình em mạnh khoẻ tất cả. Em xa cách thầy chỉ năm ngày mà thấy nhớ quá. Không biết thầy có nhớ em không? Nhưng em đón (đoán) thầy không nhớ em đâu. Mà chỉ em nhớ thầy thôi phải không thầy. Thầy kính mến! Thầy đón (đoán) xem em có được học năm thứ hai không? Thầy ơi , khi em đến nhà cảnh vật xung quanh em đều quen thuộc cả làm sao em ra đi nữa được (được nữa). Còn bố và chị em cũng không muốn cho em xa gia đình lần thứ hai nữa. Nhưng mà làm sao em bỏ thầy và các bạn được. …Vì vậy bố và chị đồng ý hi sinh tình cảm giữa em và gia đình một thời gian nữa . Tóm lại là em được học năm thứ hai cùng các bạn trong lớp và được gần thầy một năm nữa. Thầy có vui không? Còn em thì vui lắm. Cuối thư, chúc thầy mạnh khoẻ và mọi điều tốt đẹp nhất đến với thầy. Trong thư có gì sai mong thầy thông cảm vì em viết thư ở nhà bạn không có từ điển đem theo. Em của thầy. Xuôn Rany”. Còn cảm giác của các chuyên gia, những người thầy, người cô chúng tôi khi ở nước ngoài hoàn toàn khác với những chuyến xuất ngoại bình thường, nó cũng không giống với những điều người ta nghĩ về những chuyên gia quốc tế. Hầu như ngành nào của Việt Nam cũng cử cán bộ sang giúp bạn vực lại cuộc sống và các hoạt động sau gần bốn năm bị Kheme Đỏ san phẳng đến tận nền móng. Tất cả đều họ đều được gọi là chuyên gia. Các đoàn chuyên gia ở tập trung trong khu A40, nên chỉ vài bữa là biết nhau. Ở đó có sân vận động, có các sân chơi thể thao như bóng chuyền, cầu lông. Chiều đến chúng tôi thường gặp nhau và trao đổi với nhau những tin mới về chiến sự trên vùng biên giới, tình hình của nước nhà và quốc tế. Sách báo từ trong nước chuyển sang thường rất chậm nên ai có bản tin Thông tấn xã là người giàu có về tin tức nhất. Cán bộ cao cấp thì được cung cấp bản tin tham khảo “mật” của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và bản tin của Thông tấn xã Cămpuchia (SPK). Mỗi lần gặp nhau ở sân thể thao tôi lại mượn về đọc. Tôi nhớ lúc đó đoàn chuyên gia Chính phủ thì có ông Nguyễn Côn, bên Tổ chức có ông Trần Lưu Vị, bên Tuyên huấn có ông Trần Trọng Tân - thường gọi là Hai Tân… Mang tiếng là chuyên gia giáo dục, là đi nước ngoài nhưng có biết bao điều mà mỗi khi nghĩ lại tôi thấy vừa buồn cười vừa không khỏi xót xa. Tiếng Việt mình có câu “lá lành đùm lá rách”, đối với bạn những năm tháng đó sự giúp đỡ của Việt Nam là hết lòng nhưng cũng chỉ là sự sẻ chia của lá rách đùm lá rách hơn. Chúng tôi phải đem tiền Việt sang đóng đảng phí, đem cả sổ căng tin sang Phnômpênh để hàng tháng được phân cho nhau mua từng bánh xà phòng, kem đánh răng… Cán bộ và học sinh nước bạn lại còn thiếu thốn hơn mình nữa vì thế các thầy cô vốn là những người năng động chịu khó đó triệt để tận dụng thời gian để chạy chợ. Không giống như kiểu “chạy chợ” của lưu học sinh Việt Nam ở các nước châu Âu, khi mà mỗi người Việt được đi nước ngoài dù là đi công tác hay đi học cũng coi là niềm hi vọng đổi đời của cả một gia đình. Chúng tôi đi làm chuyên gia ở Cămpuchia là xác định đi chiến trường. Chuyện chạy chợ của các thầy cô giáo Việt Nam là sự lăn lộn để bù đắp lại thiếu thốn trong sinh hoạt ngay chính nơi mình dạy học. Hàng tuần đều có chuyên gia của các ngành về Hà Nội và lại có người mới sang. Hành lí đem theo máy bay những năm tháng đó cũng dễ. Thế là chuyến bay nào cũng có hàng của Việt Nam được gia đình gửi sang Cămpuchia. Sau khi bán xong lại mua những mặt hàng mà ở Việt Nam khan hiếm để gửi về. “Hàng ngoại” mà chúng tôi đem sang trao đổi phổ biến nhất là các loại bít tất, xà cột mua từ các chợ của Hà Nội. Bán chênh lệch giá, có tiền lại mua hàng may mặc và các hàng tiêu dùng. Chủ yếu mặt hàng mua tại Cămpuchia những năm đó là hàng của Thái Lan. Việc mua gom xà cột của các sĩ quan quân đội đem sang Căm pu chia lúc đầu khiến tôi rất ngỡ ngàng. Không biết bắt đầu từ đâu mà rộ lên cái tin cán bộ Cămpuchia rất mê đeo xà cột bằng da của Liên Xô mà các sĩ quan quân đội Việt Nam từ cấp tá trở lên được trang bị. Ngoài chợ người ta cũng thu mua xà cột với giá rất cao. Thế là hình thành ở đầu phía Việt Nam, người nhà lùng mua thứ hàng kì quặc này gứi sang. Mỗi cái xà cột bằng da tại Hà Nội khoảng 1.700 đồng đem sang Phnômpênh bán cho các đại lí gom hàng ở chợ được khoảng 2.500 đồng, lãi gấp rưỡi. Những cái còn mới hoặc chưa dùng thì giá còn cao hơn nữa. Mặt hàng thứ hai được tiêu thụ rất mạnh là các loại bít tất người lớn và trẻ em. Thời tiết ở Cămpuchia nóng quanh năm nhưng hầu như ai cũng đi tất. Tất sợi Đông Xuân của Việt Nam đem sang bao nhiêu cũng hết... Còn chiều ngược lại, thị trường Việt Nam đang rất sính các loại vải pho, mỡ chình, đồ lót bằng mút của Thái Lan cho phụ nữ, xà phòng Camay, kem đánh răng Hino, kem UB... Thậm chí cả những miếng giẻ rửa bát bằng cước. Ngày nghỉ cuối tuần các thầy cô trong đoàn chuyên gia giáo dục chúng tôi lại theo xe đò về Sài Gòn, trên nóc xe ngất ngưởng từng tải giẻ rửa bát, dưới sàn xe chật cứng các túi du lịch đựng hàng hoá cung cấp cho chợ Bến Thành. Tuy cuộc sống mưu sinh vất vả thật, nhưng phải công nhận những năm dạy học ở Cămpuchia chúng tôi ăn uống khá sung sướng. Trong lúc ở Hà Nội, bìa mua hàng cho cán bộ mỗi tháng được khoảng 2 đồng mì chính, 5 lạng thịt... thì ở Cămpuchia, thực phẩm khá dồi dào, chúng tôi muốn mua hàng tạ mì chính cũng có. Thịt lợn thì rất rẻ, nhất là mỡ lợn. Các cô giáo vừa chịu khó vừa đảm đang, trước khi về Việt Nam nghỉ phép thường ra chợ mua vài chục cân mỡ về đun lên để nguội đổ cả tóp lẫn mỡ nước vào thùng lương khô, chứa cả vào xô nhựa đem về Hà Nội có mỡ ăn quanh năm. Tuy phải nấu ăn tự túc, nhưng lương thực thực phẩm ở Cămpuchia khá rẻ. Trong vườn ngôi nhà chúng tôi ở có tới cả chục cây dừa quanh năm trĩu quả. Thỉnh thoảng vào ngày chủ nhật chúng tôi lại mời các em học sinh xa nhà đến chơi, thày trò lên sân thượng hợp sức kéo gô ngọn dừa vào chặt cả buồng quả non, bổ ra lấy nước luộc gà, thật là một món ăn quá đỗi sang trọng trong cái thời kì bao cấp khốn khó ấy. Ăn mãi thịt gà luộc nước dừa cũng ngán, chúng tôi chuyển sang món chim nướng, một loại đặc sản nổi tiếng của Cămpuchia. Chim ngói để cả con vặt sạch lông rồi tẩm gia vị nướng như kiểu người dân Nam bộ nướng cá lóc. Còn món cá hấp, cá chiên rất lạ miệng thì thỉnh thoảng học sinh trong lớp lại tổ chức nấu để chiêu đãi thầy cô mỗi chuyến đi dã ngoại. Bây giờ kể lại chuyện này chính tôi cũng cảm thấy buồn cười nhưng có trải những năm tháng sống trong thời bao cấp, gạo không đủ ăn, phải nhúng ướt đầu đũa cho dính vài mảnh muội mì chính để hoà vào bát canh chung của cả nhà thì mới thấy những năm tháng làm chuyên gia ở nước bạn Cămpuchia cũng là quãng đời sang trọng và đủ đầy của chúng tôi giữa thời cả nước phải thắt lưng buộc bụng vì cái đói cái nghèo sau chiến tranh. ___________ * Nhà văn Nguyễn Trọng Tân nguyên là CBGD Khoa Tiếng Việt (1980-1983). Từ 1984, anh chuyển công tác về Hội Nhà văn Việt Nam.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm1
  • Hôm nay80
  • Tháng hiện tại31,829
  • Tổng lượt truy cập905,468
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây