B7 Bis: Mái trường ấm cúng trong đời tôi

Thứ năm - 21/11/2013 10:04
Hồi ức của một cựu sinh viên Trung Quốc - một người gần như suốt đời sống bằng tiếng Việt.
B7 Bis: Mái trường ấm cúng trong đời tôi
B7 Bis: Mái trường ấm cúng trong đời tôi
Trong bản sơ yếu lí lịch của tôi, về trình độ văn hoá, tôi vẫn khai mình là học sinh của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Việt Nam. Tôi thật có duyên với Khoa Tiếng Việt của Trường, đã từng may mắn được vào học những hai lần! Lần đầu từ năm 1965 đến năm 1967, khi đó Khoa Tiếng Việt còn chưa thành lập chính thức; lần thứ hai, từ năm 1994 đến năm 1995. Thời gian đã trôi qua 48 năm kể từ khi lần đầu tiên tôi vào học Khoa Tiếng Việt, nhưng vẫn còn rất nhiều điều được lắng chìm trong đáy sâu kí ức của mình, mỗi khi nghĩ đến, lòng tôi lại không khỏi bồi hồi. Năm 1965, tôi được nhà nước tuyển chọn làm lưu học sinh gửi sang Việt Nam học chuyên ngành Tiếng Việt. Lưu học sinh Trung Quốc khoá 65 có trên 30 người, toàn là con trai, rất thích hợp với hoàn cảnh thời chiến của Việt Nam. Thời điểm 1965-1967, chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn leo thang nhanh chóng. Chúng tôi đi chuyến tàu liên vận quốc tế sang Hà Nội, mới rời khỏi ga Đồng Đăng đã phải xuống tàu để tránh máy bay. Trên đường đi, đâu đó vẫn được nhìn thấy trận địa pháo cao xạ và tên lửa phòng không. Tuy Mĩ còn chưa dám động đến Hà Nội là trái tim Việt Nam, nhưng Hà thành lại tràn đầy không khí sẵn sàng chiến đấu. Thân xe khách được sơn màu rằn ri, xe tải thì được che phủ bằng lớp nguỵ trang, trên sân thượng những ngôi nhà lầu có đặt ụ súng cao xạ, trên vỉa hè đường phố có nhiều hố tránh bom cá nhân. Tôi rất ấn tượng về loại hố đó và cho là một sáng tạo tài tình của một thứ văn hoá giản dị: hố làm bằng một đoạn ống xi-măng đúc sẵn chôn vào đất, sâu khoảng 1 mét và có nắp, vừa đủ rộng cho một người ngồi xổm. Khi có báo động, người đi đường cứ việc nhảy vào rồi đậy nắp lên là xong. Sơ sài nhưng rất thực dụng. Phía Việt Nam bố trí chúng tôi học tập tại Đại học Tổng Hợp Hà Nội, thế là ngôi nhà B7 Bis trở thành nơi ăn ở cũng như học tập của chúng tôi. Khi đó, ngôi nhà tổng hợp màu trắng của Đại học Bách khoa còn chưa xây cất, B7 Bis nghiễm nhiên là ngôi nhà khá “oai” trong khuôn viên Trường Bách khoa. Nhà có tất cả bốn tầng, tầng một là văn phòng và nhà ăn, tầng bốn là phòng lớp học, tầng hai và tầng ba là phòng kí túc xá, mỗi phòng có bố trí ba học sinh ở chung. Mé Tây phía trước nhà, có hầm trú ẩn là công trình tránh bom dành cho lưu học sinh. Mới đến một nơi lạ đất lạ người, không biết ngôn ngữ, lại có chiến tranh, chúng tôi ai nấy đều không khỏi bỡ ngỡ, không yên. Ấy thế mà với sự chăm lo và giúp đỡ hết sức chu đáo và nhiệt tình của Khoa Tiếng Việt, chỉ sau một thời gian rất ngắn, chúng tôi đã hoà mình vào các bạn Việt Nam, các mặt sinh sống và học tập đều được đi vào nền nếp. Trong thời gian học ở B7 Bis, ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là chiến tranh. Chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy những tội ác chiến tranh: đứng trên bờ bên này Sông Hồng, nhìn đám cháy kho dầu Gia Lâm do bị rốc-két bắn trúng mà cứ tưởng như máy bay Mĩ đã thả một trái bom nguyên tử cỡ nhỏ; đến làng Phú Xá phía tây bắc thành phố thấy cảnh đau thương tang tóc của bà con nông dân ngoại thành mà cảm thấy vừa thương tiếc vừa căm thù… Chúng tôi cũng đã chứng kiến được chiến thắng của quân và dân Thủ đô Việt Nam: nhìn thấy ba quả tên lửa lao vút lên trời rồi chụm nhau vào một điểm trên không, thế là một chiếc máy bay địch bị bắn rơi; có một buổi tối đi qua phố, tôi tận mắt thấy cảnh một tên phi công to béo của Mĩ bị trói giật cánh khuỷu và áp giải về hướng Hoả Lò. Về đời sống vật chất thì mới khó khăn làm sao. Tuy phía bạn cho phép chúng tôi được mua hàng tại Câu lạc bộ quốc tế, nhưng vẫn thấy thiếu nhiều thứ lắm. Trong bài lên lớp, để chúng tôi biết đến các món ăn đặc sắc, người soạn đã nêu tên đủ thứ các món ăn ngon miệng có tiếng ở Hà Nội, riêng món phở thôi, đã có rất nhiều thứ, nào phở gà, nào phở bò,... thế mà vì bị hạn chế bởi điều kiện vật chất, thành ra cũng chỉ được tiếng mà không được miếng. Theo thoả thuận giữa Chính phủ hai nước Trung- Việt, hàng tháng phía bạn cấp cho chúng tôi mỗi người 125 đồng Việt Nam làm học bổng, trong số đó, 80 đồng là chi phí tiền ăn, 45 đồng là tiền tiêu vặt. Khi đó, tỉ giá giữa Đồng Việt Nam và Nhân dân tệ Trung Quốc là 100/73, vậy nên với số tiền đó, chúng tôi sống một cách dư dật. Nhưng vì điều kiện vật chất hết sức thiếu thốn, nên nhân viên phục vụ của Khoa phải khắc phục rất nhiều khó khăn để bảo đảm ăn uống tử tế cho chúng tôi: hàng ngày chúng tôi vẫn được ăn ba bữa no đủ, được uống một cốc sữa vào bữa sáng và có hoa quả tráng miệng thường là quả chuối vào bữa trưa và bữa tối. Thấy đa số trong chúng tôi là người miền Bắc Trung Quốc, thích ăn bánh, các chị nấu bếp đã “sáng chế” ra một loại bánh hấp giống như bánh “bao zỉ” của Trung Quốc, bên ngoài thì vẫn trắng xốp, bên trong thì dùng nửa quả trứng vịt luộc chín làm nhân, thú thật ăn thì không ngon miệng cho lắm, nhưng lại thấy rất ngon lòng: chiếc bánh mang tình cảm nồng thắm của nhân viên nhà trường đối với học sinh Trung Quốc. Phải biết, theo tiêu chuẩn, chính nhân viên nhà bếp cũng chỉ được ăn ngày hai bữa. Cảm ơn nhân dân Hà Nội đã nuôi nấng chúng tôi trong khi chính họ phải thắt lưng buộc bụng để kiên trì cuộc kháng chiến. Vì đang thời chiến, cho nên việc học hành cũng phải phù hợp với yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng đi sơ tán, được trang bị mỗi người một chiếc ba-lô con cóc trong đó để sẵn ít đồ đạc thật cần thiết, một chiếc bi-đông nước, một đôi dép “kháng chiến” là loại dép làm bằng xăm lốp ô-tô và chiếc mũ nồi cứng, nếu thêm khẩu súng trường nữa thì trở thành một dân quân Hà Nội chính cống. Khi đó các bạn sinh viên Việt Nam hầu hết đi sơ tán về nông thôn Sơn Tây và các tỉnh khác, cả khu trường Bách khoa rộng lớn chỉ có rất ít học sinh. Buổi tối, sau bữa cơm chiều, chúng tôi thường đi dạo bách bộ trong sân trường Bách khoa. Tuy nhiên, dù lên lớp hay nghỉ ngơi, chúng tôi luôn phải cảnh giác, sẵn sàng chạy báo động máy bay. Hồi đó, chiếc loa trong phòng kí túc xá và hệ thống loa phóng thanh đặt ngoài trời đã trở nên gần gũi và không thể thiếu được đối với mọi người. Loa đưa tin chiến thắng, loa lên án kẻ thù, loa nhắc nhở dân, loa báo động, loa báo yên, cho đến tận ngày nay tôi vẫn nhớ thuộc một số câu học được ở loa: “Tối nay không có điện”; “Có một tốp máy bay địch đang hoạt động trên bầu trời phía… Hà Nội, đồng bào sẵn sàng cảnh giác, khi có báo động, hãy nhanh chóng ẩn nấp”; “Có một tốp máy bay địch đang bay gần bầu trời Hà Nội, đồng bào hãy xuống hố ẩn nấp”; “Máy bay địch đã bay xa, mời đồng bào trở lại sinh hoạt bình thường”; “Hiện nay, trên bầu trời Hà Nội chỉ có máy bay ta hoạt động, dân quân tự vệ không nên bắn”… Nhờ có loa, chúng tôi đã biết được nhiều thông tin và học được nhiều từ ngữ tiếng Việt. Đặc biệt, qua chiếc loa trong phòng, lần đầu tiên tôi được lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi chống Mĩ cứu nước vang dội núi sông. Giọng trầm của Người đã truyền sức mạnh to lớn cho mọi người, tôi thấy máu trong cơ thể mình như sôi lên, cứ muốn cầm súng cùng các bạn Việt Nam ra trận. Phải công nhận rằng, việc lắp loa trong phòng ở của lưu học sinh là một sáng kiến của Khoa Tiếng Việt. Khi mới vào trường, trình độ tiếng Việt của chúng tôi còn chưa đến mức i tờ, tất cả phải bắt đầu từ số “không”. Lúc đó, không có sách giáo khoa xuất bản đàng hoàng, chỉ có giáo trình tự soạn và in xoàng. Trong khi đó, các thầy cô giáo dạy chúng tôi lại không biết tiếng Trung. Nghĩa là thầy thì “mù” tiếng Trung, trò thì “mù” tiếng Việt, trong tình trạng thầy trò mù tiếng nhau như vậy, thầy cứ dạy theo ý thầy, trò cứ học bắt chước theo thầy, hai bên chỉ được trao đổi bằng các từ ngữ có chữ Hán giải thích kèm theo sau từng bài. Đợi đến năm thứ hai, Trường mới bố trí một thầy biết tiếng Trung dạy chúng tôi. Cách bố trí nhân sự và cách giảng dạy như thế này, lúc đầu quả là gây nhiều khó khăn, buộc cả thầy lẫn trò phải tìm mọi cách để hiểu nhau, nhưng cuối cùng, hoá ra lại rất hiệu quả. Từ đó tôi vỡ ra một lẽ: bắt buộc và chủ động là hai yếu tố tích cực thúc đẩy công việc giảng dạy và học hành. Sau khi trở thành thầy giáo, tôi cũng đã chú ý áp dụng hai yếu tố đó. Để nâng cao hiệu quả giảng dạy, các thầy cô giáo đã nghĩ ra nhiều cách. Tôi vẫn nhớ cô Thanh, người mảnh khảnh, vừa mới từ Liên Xô (cũ) tốt nghiệp về nước, khi lên lớp, cô đòi chúng tôi phải thay phiên nhau “kể chuyện thời sự”. Thế là chúng tôi có dịp tập nói tiếng Việt rất hiệu quả. Bất chấp nhiều điều khó khăn, Khoa đã tổ chức chúng tôi đi thực tế ở một làng khá lớn (hình như mang tên Đại Từ thì phải) nằm trên mạn tây nam thành phố Hà Nội. Tại đấy, chúng tôi vừa học tập vừa lao động, từ đó tôi được biết tên gọi của các phương tiện làm đồng áng như cuốc, thuổng, mai, lưỡi cày v.v; biết đến tên gọi của nhiều loại cây như củ mài, cây bưởi, cây mít v.v. Cũng tại đấy, chúng tôi được đi trên con đường làng lát gạch – công trình hạ tầng cơ sở của các vị chàng rể đóng góp bằng tiền cheo – mà tìm hiểu một số kiến thức về văn hoá-phong tục Việt Nam. Đợt đi thực tế ấy mới hiệu quả và ấn tượng làm sao! Công bằng mà nói, học sinh Trung Quốc chúng tôi đều rất cố gắng và học giỏi. Ngoài giờ lên lớp, chúng tôi còn tranh thủ học thêm. Lúc đó, Hà Nội có nhiều hiệu sách tư nhân với quy mô không lớn. Chúng tôi thường xuyên lui tới các hiệu sách đó, có khi để tìm mua sách, có khi chỉ với chủ đích là tập khẩu ngữ: nấn ná hồi lâu, chuyện trò với bà chủ hiệu rồi mới mua (có khi lại không mua) một quyển sách rẻ tiền! Cách học tập tốn nước bọt mà không tốn tiền bạc như thế này đã giúp chúng tôi nhanh chóng nắm được khẩu ngữ tiếng Việt. Khi đó, tại B7 Bis, số nước gửi lưu học sinh sang học cũng như số lượng lưu học sinh đang sống và học ở đây không phải là nhiều, hình như chỉ có một cô gái Mông Cổ, một anh Bun-ga-ri, hai anh chị In-đô-ni-xi-a, đôi vợ chồng Cu-ba và chúng tôi. Vậy nên lưu học sinh Trung Quốc có “thanh thế” lớn hơn cả. Khoa và Trường đều dành phần quan tâm tới chúng tôi. Tôi còn nhớ, có lần liên hoan đón Tết, tuy chúng tôi mới chỉ hát một bài đồng ca thôi, nhưng mà ông Hiệu trưởng Nguỵ Như Kontum đã bước lên sân khấu để tặng hoa. Hồi ức không phải bao giờ cũng chỉ có những điều đẹp và vui. Trong khoảng thời gian ấy, đã xảy ra một chuyện không vui với chúng tôi. Để tiện việc đi lại, Phòng Văn hoá của Đại Sứ Quán Trung Quốc đã mua hộ chúng tôi mỗi người một chiếc xe đạp “Vĩnh cửu”. Xe thì mới tinh, đi rất ngon, ai nấy đều hết sức giữ gìn. Rồi một buổi tối, tất cả chúng tôi đi xem biểu diễn văn nghệ tại Nhà Hát lớn. Đến khi lấy xe quay về, thì một vài bạn thấy xe mình bị mất cái chuông. Đây là một chuyện nhỏ nhặt và hết sức bình thường, lẽ ra nên bỏ qua. Nhưng chúng tôi lại thiếu suy nghĩ chín chắn, đã báo cáo lên trường. Không lâu sau, trường thông báo đã phá án và trả lại đúng số chuông bị mất. Nhìn chiếc chuông mới trăm phần trăm, chúng tôi mới vỡ lẽ là các bạn Việt Nam đã mua chuông mới để trả lại cho chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy ân hận và từ đó rút một bài học xử sự. Trong thời gian lưu học lần đầu, tôi đã may mắn được hai lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Lần đầu tiên, Người đến Đại Sứ quán Trung Quốc để xem chương trình biểu diễn của Đoàn xiếc Đường sắt Trung Quốc, cùng đi có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trước khi bắt đầu chương trình biểu diễn, đám lưu học sinh chúng tôi đứng vây quanh Người ngồi ở giữa, Bác cháu trò chuyện rất thân mật, rất vui vẻ. Nhìn vào Người, tôi rất xúc động: hoá ra một vị vĩ nhân lại rất bình dân, thế mới vĩ đại làm sao! Lần thứ hai, mùa hè năm 1966, Hồ Chủ tịch tiếp lưu học sinh Trung Quốc tại Phủ Chủ tịch. Người ân cần dạy bảo chúng tôi đủ điều. Tôi nghĩ thầm, một vị nguyên thủ quốc gia đang có chiến tranh, bận trăm công nghìn việc, thế mà lại quan tâm tới công việc học hành của đám lưu học sinh bình thường như chúng tôi, đúng là ơn sâu nghĩa nặng, không còn gì bằng. Sau buổi gặp mặt, tôi vinh dự được thay mặt toàn thể lưu học sinh Trung Quốc viết một bức thư dâng Người để tỏ lòng cảm ơn. Năm 1967, chúng tôi về nước để tham gia Cuộc Cách mạng văn hoá. Với vốn liếng tiếng Việt mà tôi tích luỹ được qua thời gian chưa đầy hai năm ở và học tại Khoa Tiếng Việt, tôi đã bước vào nghề phiên dịch rồi nghề dậy học, để từ đó trở thành một người gần như suốt đời sống bằng tiếng Việt. 27 năm sau, năm 1994, một lần nữa, tôi được Nhà nước gửi sang Việt Nam lưu học. Vẫn Khoa Tiếng Việt, vẫn ngôi nhà B7 Bis. Tôi thấy các thầy cô và nhân viên tại đây vẫn nhiệt tình, vẫn chu đáo, vẫn làm việc có bài bản, vẫn rất…Khoa Tiếng Việt. Chỉ có khác là Khoa đã được trưởng thành toàn diện, đã có tiếng tăm trong và ngoài nước Việt Nam và trở thành một cơ sở “xuất khẩu tiếng Việt tại chỗ” mạnh nhất Việt Nam. Tình hình của Khoa Tiếng Việt hồi đó đã quá rõ ràng, xin đặt ngoài khuôn khổ của bài hồi kí này. Năm nay tôi đã bước vào tuổi 70. Nghề nghiệp và cuộc đời tôi đã gắn liền chặt chẽ với Khoa Tiếng Việt nói riêng và ngôn ngữ tiếng Việt nói chung. Tôi đã, đang và sẽ cố gắng đóng góp sức nhỏ mọn của mình vào việc giao lưu văn hoá giữa hai nước Trung-Việt. Tiện thể nói thêm, thằng cháu đích tôn của tôi đã chào đời vào đúng ngày quốc khánh Việt Nam – ngày 2 tháng 9 năm 2004. Đấy là duyên, là số, hay là cả hai? B7 Bis thật là mái trường ấm cúng trong đời tôi. Với tư cách một cựu học sinh, tôi xin chân thành cảm ơn thầy họ Đào, cảm ơn thầy Thôi, cảm ơn cô Thanh, cảm ơn các thầy cô đã từng dậy tôi mà tôi không còn nhớ tên! Cảm ơn Khoa Tiếng Việt, cảm ơn Trường Đại học Tổng hợp mà ngày nay mang tên là Trường Đại học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay4,171
  • Tháng hiện tại112,593
  • Tổng lượt truy cập1,675,414
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây