Khoa Việt Nam học và Tiếng Việthttps://vsl.ussh.vnu.edu.vn/uploads/vsl/vsl-banner1.png
Thứ sáu - 08/11/2013 19:09
Đọc xong câu chuyện đó, tôi vùng dậy và thấy trong lòng mình một niềm vui khôn tả. Tôi reo lên một mình: “A! Ta đã đọc được rồi! Ha ha!”, cứ như thể là Ac-si-met phát hiện ra định luật vật lí vậy.
Sau khi ở Căm-pu-chia khoảng hai tháng, tôi vẫn chỉ biết mấy câu giao tiếp thông thường. Còn chữ thì tôi cũng có học theo lớp do đoàn chuyên gia tổ chức buổi tối nhưng lớp chỉ kéo dài được vài ba tuần rồi giải tán vì các thầy, tức các đồng chí phiên dịch, bận đi công tác luôn. Phải nói là chữ Khơ-me khó học, sau vài ba tuần, không thể nhớ hết mặt chữ. Tài liệu để học thì không có. Một lần, Nguyễn Văn Phúc mượn được cuốn “Tự học tiếng Khơ-me” của Hoàng Học (bản in ronéo), Phúc rủ tôi cùng học. Nhưng Phúc chỉ được mượn một tuần cho nên phải chép tay cho xong. Sau khi chép xong quyển sách ấy, dường như tôi đã quen mặt chữ hơn và đánh vần được những chữ đơn giản. Nhưng vốn liếng về chữ cũng chỉ dừng lại ở đó và rụng dần.
Sau khi dạy xong lớp tiếng Việt đầu tiên, các sinh viên đi thành phố Hồ Chí Minh để học tiếp đại học. Tôi chưa có lớp mới nên được nhỉ ở nhà. Thời gian này, ngoài việc đi chợ nấu ăn và chăm sóc vườn rau thì tôi không biết làm việc gì khác. Sách vở, báo chí đều rất hiếm. Tôi quyết định học nói tiếng Khơ-me cho vui và cũng là để gây một bất ngờ. Thế là tôi lấy luôn cuốn giáo trình tiếng Việt, nhờ một số bạn phiên dịch như Tuyết, Điển, Tiến... đọc phần từ mới bằng tiếng Khơ-me để tôi phiên âm (anh Điển nay là Phó Vụ trưởng ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng thường dịch cho các phái đoàn cao cấp của chính phủ còn anh Tuyết là Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Cơ quan đại điện của Bộ GD&ĐT tại Tp HCM). Sau đó tôi dịch sang tiếng Khơ-me toàn bộ các bài để học. Thời gian đầu, tôi cố gắng mỗi ngày một bài. Sau khoảng một tháng, tôi đã giải quyết gần xong quyển 1, coi như xong phần cơ bản. Buổi sáng, khi tôi đi chợ thì tôi tập nói chuyện với các bà các chị bán hàng người Căm-pu-chia, người Hoa, người Việt. Tuy nhiên, không ai trong đoàn biết là tôi đang học nói tiếng Khơ-me cả. Tuyết thì cũng chỉ nghĩ là tôi hỏi từ để dạy mà thôi.
Một bữa tôi đi Sài Gòn về, có đem theo quà của một cô sinh viên Căm-pu-chia tên là Mia-li-ni gửi bố mẹ ở Phnôm-pênh. Tôi rủ anh Tùng, cũng là giáo viên khoa tiếng Việt, cùng đi. Anh Tùng nói: “Nhưng bọn mình không biết tiếng, đến nói thế nào?”. Tôi trả lời là anh yên tâm đi, em biết nói rồi... Sau khi ở nhà Mia-li-ni ra, anh Tùng hỏi ngay tôi: “Này, học ở đâu đấy? Học bao giờ? Nói có vẻ giỏi lắm”. Tôi nói: “Dễ thôi, nếu anh thích thì em bảo cho, 10 ngày là nói được”. Sau đó, tôi và Nguyễn Trọng Tân (nay công tác ở Hội nhà văn Việt Nam), Vũ Thanh Tùng quyết định chỉ nói tiếng Khơ-me với nhau để học…
Hôm đi phiên dịch cho hai đoàn đại biểu Việt Nam-Căm-pu-chia là một cái mốc đánh dấu sự thành công của việc học tiếng Khơ-me của tôi. Cũng sau lần ấy, tôi được biệt phái sang Bộ Y tế dạy ở Trường đại học Y-Dược-Nha Phnôm-pênh cùng Nguyễn Văn Chính. Tối nào tôi cũng xem vô tuyến khoảng một tiếng và cầm sẵn bút, vở để nếu nghe thấy từ nào mình chưa biết thì ghi ngay (phiên âm bằng chữ Việt) rồi hỏi phiên dịch. Nhưng làm thế nào để học chữ? Lúc đầu, tôi định ra phố theo học một lớp xoá mù chữ kiểu bình dân học vụ như ở ta hồi sau độc lập. Tôi cần học chữ Khơ-me theo cách của người Căm-pu-chia mù chữ học chữ, vì tôi đã nghe nói tạm thông thạo. Tuy nhiên, cuối cùng tôi không theo lớp “bình dân học vụ” vì không chủ động được thời gian. Nhờ có một bộ sách học chữ và tập đọc của học sinh tiểu học Căm-pu-chia, tôi bắt đầu học chữ với sự giúp đỡ của bất cứ người Căm-pu-chia nào. Trong cặp của tôi lúc nào cũng có hai quyển tập đọc lớp một, lớp hai của học sinh tiểu học Căm-pu-chia. Người mà tôi hay hỏi nhất là bà già tạp vụ của khách sạn tôi ở và anh lái xe của chúng tôi. Sau hai tuần liên tục với bất kể thời gian rỗi nào ngoài giờ dạy, miệt mài với những dòng chữ trông như giá đỗ đầy khó khăn, tôi đã đọc được một câu chuyện trong cuốn tập đọc lớp một. Câu chuyện này tên là “rương bai” (chuyện hạt cơm) có nội dung như sau:
“Một hạt cơm biết nói đã kể về cuộc đời mình từ khi còn là hạt lúa giống cho đến khi được nấu chín thành cơm. Hạt cơm khuyên các bạn nhỏ đừng lãng phí vì để có hạt cơm cho các bạn ăn bây giờ là mồ hôi và công sức của không biết bao nhiêu người đã đổ ra”.
Đọc xong câu chuyện đó, tôi vùng dậy và thấy trong lòng mình một niềm vui khôn tả. Tôi reo lên một mình: “A! Ta đã đọc được rồi! Ha ha!”, cứ như thể là Ac-si-met phát hiện ra định luật vật lí vậy. Thế là lúc đó, tôi thấy trước mắt tôi, một thế giới mới dường như đang mở ra. Một nền văn minh lấp lánh những hào quang rực rỡ của Đền Ăng-co trong những dòng chữ đầy ý nghĩa kia dường như đang dần hiện lên trước mắt tôi. Cho dù về sau, do những biến đổi của thời cuộc và công việc, tôi không còn giữ mãi được niềm say mê và tình yêu lạ lùng đó nữa nhưng bây giờ mỗi khi nhớ lại buổi trưa hôm đó, tôi vẫn còn thấy cảm động. Sau đó, tôi đọc liên tục và trong khoảng tháng rưỡi tôi đã đọc xong cả mấy cuốn tập đọc lớp hai, lớp ba. Về sau, tôi đọc báo “Pro-chia-chuân” và “Phnôm-pênh”, rồi đọc một số tiểu thuyết mới như “Nẹ-del-khiết-ch’ngai” (Người đã xa) của Khiêu-cành-nha-rit. Ông này nay là Bộ trưởng trong Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia; “Vưl-môôc-t’rò-lum” (Trở về tổ ấm) của Ti-chi-huốt. Cuốn “Vưl-môôc-t’rò-lum” này, sau đó tôi đã cho Sĩ Tuấn mượn và được Sĩ Tuấn dịch, đặt tựa đề khác là “Bí mật tượng bốn mặt” (Nxb Văn hoá Dân tộc). Tôi cũng đọc một số tiểu thuyết thời “Xoọng-kum” (Thời Xi-ha-nuc xưa) như “Phca-côláp-Páy-Lin” (Hoa hồng Páy lin); “Phca-xrò-pun” (Cánh hoa tàn) của Chua-nát. Khoảng năm 1986, tôi có dịch đăng ở báo “Tuổi trẻ Thủ đô” một câu chuyện cổ tích Căm-pu-chia. Sau đó tôi có dịch một số truyện vừa, rồi đưa một truyện nhờ Nguyễn Trọng Tân, lúc đó đã đi làm nhà văn, in hộ nhưng một thời gian sau Trọng Tân trả lời là truyện hơi non, không in được. Ước mơ trở thành dịch giả văn học Khơ-me thế rồi cũng tan biến một cách nhanh chóng.
Đầu năm 1990, tình cờ tôi biết Trường Đại học Tổng hợp Phnôm-pênh tổ chức thi tốt nghiệp tiếng Khơ-me cho các sinh viên nước ngoài đang theo học năm thứ tư ở đây, tôi liền đến xin thi cùng và được đồng ý cho thi. Tôi vẫn nhớ có bốn môn thi: ngôn ngữ, văn học, lịch sử, địa lí. Tất cả đều thi viết. Tôi lại miệt mài ôn thi trong khoảng 3 tuần. Cuối cùng thì tôi đã có một giấy chứng nhận thi đỗ loại khá chương trình Đại học tiếng Khơ-me do Trường Đại học Tổng hợp Phnômpênh cấp để làm kỉ niệm cho những năm hai mươi tuổi của đời mình.
Năm 1990, tôi về nước, những tưởng sẽ không bao giờ được dùng cái vốn tiếng Khơ-me “khổ công” ấy nữa, thế nhưng vào năm 1993, khi tôi đang ở Nhật Bản, tôi lại có dịp dùng nó. Thời gian đó, chính phủ Nhật gửi cảnh sát Nhật sang Căm-pu-chia tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình (PKO-Peace Keeping Operation) để giúp Căm-pu-chia tổ chức tổng tuyển cử. Nhiều người Nhật rất quan tâm đến sự kiện này. Có một số người Nhật biết tôi biết tiếng Khơ-me nên đã nhờ tôi dạy. Thế là tôi đã dạy cho một lớp khoảng 15 học viên, và tôi cũng đã có được những kỉ niệm khó quên từ những giờ dạy tiếng Khơ-me này. Và năm 2007-2008, bất ngờ, tôi lại được Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN giao phụ trách về mặt chuyên môn chương trình tiếng Khơ-me cho học viên của Ban Biên giới, Bộ ngoại giao phục vụ công tác cắm mốc biên giới. Thế là, cứ như “tình cũ không rủ cũng đến” vậy.