Tìm lại nhà B7 bis sau 45 năm

Thứ tư - 13/11/2013 23:47
Trong khoảng gần 2 tiếng nói chuyện, dường như những từ ngữ ngủ yên trong tiềm thức của ông đã được kích hoạt và bắt đầu trỗi dậy, về cuối, ông nói tiếng Việt nhiều hơn và cầm cuốn sách đọc rất đúng thanh điệu.
Tìm lại nhà B7 bis sau 45 năm
Tìm lại nhà B7 bis sau 45 năm
Quãng 10 rưỡi sáng qua tôi nhận được điện thoại của Thầy Nguyễn Văn Chính ở khoa Ngôn ngữ nói là có một cựu sinh viên B7bis học từ năm 1964-1967 đi tìm Khoa, đang lạc sang đây, có ở Khoa thì chờ ông ấy và cho ông ấy một cuốn sách 45 năm. Ok. 11 giờ thì ông này đến cùng một người trẻ tuổi phiên dịch tiếng Trung. Ông này vừa nói tiếng Anh vừa tiếng Trung, vừa đôi chút tiếng Việt. Ông cho biết, ông tên là Cung Diệu Kim, học ở đây từ 64-67 (tức là từ hồi tổ Việt Ngữ chứ chưa thành lập Khoa). Bây giờ ông là công dân Mĩ, sống ở Mĩ gần 3 chục năm rồi. Lần này ông về Hà Nội dự đám cưới một người quen lấy vợ Việt Nam nên đi tìm lại trường cũ và thầy cô cũ. Ông cũng muốn tìm hiểu lại xem những bạn cùng lớp cũ là những ai mà ông không còn nhớ hết nữa. Trước hết tôi tặng ông ấy cuốn “Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt: 45 năm, những chặng đường”. Ông lần tìm xem ảnh các thầy cô và phát hiện ra thầy cũ của mình là thầy Nguyễn Văn Tuyên (đã mất), ông nói rằng, thầy Tuyên hồi đó rất vui tính, hay cười. Ông rất thích thầy Tuyên nhưng giờ rất buồn vì thầy không còn. Ông hỏi Khoa còn lưu trữ danh sách sinh viên cũ không và muốn xem danh sách sinh viên lớp ông hồi đó. Việc này thật khó rồi đây. Tôi phải nói thật là qua bao lần di chuyển, thay đổi, nay ở Khoa không chắc còn. Tuy nhiên, tôi sẽ hỏi 1 người, hi vọng là thầy giáo đó có thể có chăng.
Ông Cung Diệu Kim xúc động khi thấy hình ảnh của cố nhà giáo Nguyễn Văn Tuyên, thầy giáo cũ yêu quý của ông.
Ông Cung Diệu Kim xúc động khi thấy hình ảnh của cố nhà giáo Nguyễn Văn Tuyên, thầy giáo cũ yêu quý của ông.
Tôi gọi điện cho thầy Phan Hải, nói là có một ông xưng là Cung Diệu Kim, cựu sinh viên năm 64-67, muốn xem danh sách các bạn cùng khoá, liệu anh có còn danh sách đó không? Tôi cũng nhấn mạnh là ông í đi tìm khoa từ sáng, lúc đầu người ta bày cho đến khoa Hoá ở Lê Thánh Tông, sau lại được chỉ sang khoa Ngôn ngữ ở Nguyễn Trãi, rồi mới đến B7bis Trần Đại Nghĩa. Thầy Hải, ngần ngừ một tí rồi nói: “Thôi người ta đã cất công như vậy thì tôi cố tìm, tôi cũng không thể nhớ là có anh Cung Diệu Kim hay không, anh nói ông ta đợi tôi 20 phút”. Nhà thầy Hải ở gần Khoa, đi bộ chừng 4-5 phút. Thầy Hải được coi là một “từ điển sống” về Khoa Tiếng Việt-Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt bây giờ. Ông lưu trữ đầy đủ nội dung các cuộc họp, các loại tư liệu liên quan đến giáo viên, nhân viên, sinh viên… qua nhiều thời kì. Tuy nhiên, đã gần 50 năm thì không dám tin là còn. Trong lúc chờ thầy Hải thì chúng tôi nói chuyện về Khoa, về toà nhà B7bis. Tôi cũng nói với ông rất tiếc là nếu ông đến Khoa vào thứ Bảy tuần trước thì chắc ông gặp một số thầy cô cũ và họ có thể nhớ ra ông. Khoảng gần nửa tiếng sau, thầy Hải xuất hiện, tay cầm cuốn sổ cũ và nói: “Có có, Cung Diệu Kim, số 19 trong danh sách”. Hai người làm quen nhau trở lại, và ông Cung Diệu Kim vô cùng phấn khích, nói nhiều, lẫn lộn giữa tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Việt vì ông đã tìm thấy trong danh sách toàn bộ bạn bè Trung Quốc và bạn bè quốc tế của mình hồi đó, nhất là cô bạn Ma-rốc lai Việt mà lúc đầu ông nhớ nhầm là Mê-hi-cô. Thầy Hải và ông đều nhớ ra những người quen chung trong danh sách đó.
Ông Cung Diệu Kim - số 19 trong danh sách sinh viên 64-67 của thầy Phan Hải.
Ông Cung Diệu Kim - số 19 trong danh sách sinh viên 64-67 của thầy Phan Hải.
Thật ra, sau khi học xong chương trình tiếng Việt, ông đã đi làm phiên dịch một thời gian cho các kĩ sư Trung Quốc sang giúp Việt Nam xây dựng nhà máy rồi mới về nước. Đầu những năm 80, ông sang Mĩ du học và ở lại bên đó, bây giờ ông chủ yếu sống ở Thượng Hải vì đã về hưu. Mặc dù đã từng làm phiên dịch nhưng vì 45 năm không dùng tiếng Việt nên ông quên nhiều. Tuy nhiên, trong khoảng gần 2 tiếng nói chuyện, dường như những từ ngữ ngủ yên trong tiềm thức của ông đã được kích hoạt và bắt đầu trỗi dậy, về cuối, ông nói tiếng Việt nhiều hơn và cầm cuốn sách đọc rất đúng thanh điệu.

13/11/2013

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay3,757
  • Tháng hiện tại112,179
  • Tổng lượt truy cập1,675,000
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây