Phnôm Pênh - những chuyện vui buồn

Thứ hai - 04/11/2013 23:39
Một sáng đang trên lớp, cô Hồng Liên dạy lớp bên chạy sang bảo tôi: “Anh cứu em với”. Tôi sang lớp cô, nhìn lên bảng, thì ra cô đọc chính tả, một sinh viên lên bảng viết. Bài đọc có đoạn “buổi sáng tôi thường dậy sớm quét nhà…”.
Cuối năm 1980, chúng tôi tốt nghiệp ra trường và được phân công về làm giáo viên của Khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài thuộc biên chế CK. Cái danh xưng đặc biệt này là dành cho những người chuyên phục vụ cho nước bạn Lào và Cămpuchia. Nhưng sau này chủ yếu là cho Cămpuchia.
Tác giả Vũ Thanh Tùng. (Ảnh: Thành Long)
Tác giả Vũ Thanh Tùng. (Ảnh: Thành Long)
Những ngày đầu, chúng tôi chưa được lên lớp mà chủ yếu là phải học chuyên môn và ngoại ngữ. Chúng tôi thật biết ơn GS Hoàng Trọng Phiến, Chủ nhiệm khoa lúc đó. Ông yêu cầu chúng tôi phải đi dự giờ, học ngoại ngữ và viết bài tham gia hội thảo khoa học. Khoa tổ chức hẳn một lớp học tiếng Anh cho lứa chúng tôi. Lớp học này kéo dài đến một hai năm gì đó, vì sau này chúng tôi thay nhau đi làm nhiệm vụ ở Cămpuchia không theo được đến cùng. Tôi nhớ lớp này do các thày Lê Tuấn và Bùi Phụng trực tiếp dạy. Khoa Tiếng Việt lúc đó đã khá nổi tiếng vì nhiều lẽ. Vì những nhân vật có danh tiếng thực sự tài hoa như các thày Thạch Giang, Bùi Phụng, Hoàng Trọng Phiến, Đỗ Ngoạn, Hồ Hải Thuỵ, Nguyễn Văn Lai, Đỗ Thanh, Nguyễn Trung Thu, Nguyễn Anh Quế…; vì dạy toàn “Tây” và còn vì nhiều chuyện ngoài chuyên môn. Ví như chuyện hơn 10 năm không kết nạp một đảng viên nào. Khi chúng tôi về, trong một lần sinh hoạt chi bộ, tôi đã nói đùa rằng chi bộ chúng ta đặt vòng 10 năm rồi. Lúc đó anh Đặng Văn Đạm là đảng viên ít tuổi đảng nhất (10 tuổi) và đang là bí thư chi bộ. Anh Đạm là một người rất gương mẫu và thật thà đến độ bực mình. Một lần anh đi dạy ở sứ quán Liên xô, học sinh biếu anh hộp sữa, anh báo cáo với lãnh đạo khoa. Chuyện này bây giờ kể như một chuyện đùa. Nhưng thời ấy, không báo cáo, nếu lãnh đạo biết thì anh bị lôi thôi to. Khi về khoa, chúng tôi được biết, ngay từ trước năm 1979, các anh chị Phan Đắc Huệ, Nguyễn Thị Khánh, Phạm Hà Khánh Vân đã được cử vào Trường Đảng phía Nam để dạy tiếng Việt cho một số nhà lãnh đạo thuộc quân đội Khơ-me đỏ li khai đưa lực lượng sang Việt Nam yêu cầu ta giúp đỡ. Các anh Đặng Ngọc Cừ, Phan Hải, Lê Văn Quán, Phạm Tuấn Khoa, Trịnh Đức Hiển, Vũ Văn Thi, Nguyễn Văn Thông, Bùi Duy Dân và các chị Đỗ Thu, Hồng Ngọc là những người đầu tiên được Bộ cử sang làm chuyên gia ở Cămpuchia vào năm học 1981-1982. Năm học sau, chúng tôi gồm các anh chị Đặng Văn Đạm, Hồ Đình Thiện, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Thiện Nam, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Thanh Hà và tôi tiếp tục sang. Chị Nguyễn Thị Khánh, anh Nguyễn Duy Phúc và Nguyễn Ngọc Bích sang muộn hơn ít ngày. Vài tháng sau, Bộ cử thêm chị Trần Thị Hường, anh Nguyễn Chí Hoà và Hà Thu Hương sang tăng cường lực lượng. Riêng Nguyễn Thiện Nam và tôi ở lại dạy đến ba năm liền. Trước khi đi, mỗi người được Bộ cho mượn một cái va li, một bộ comple cũ. Tiếng là đi chuyên gia nhưng thực chất là đi chiến trường như một dạng dân công hoả tuyến. Tháng 6-1982, khi sang Phnôm Pênh, chúng tôi ở chung trong một căn biệt thự khá đẹp hai tầng nằm ở trung tâm của Đoàn Chuyên gia gần khu chợ Boong Kinh Coong bị bỏ hoang, cây cối um tùm. Xung quanh toàn là các đơn vị quân đội và các Đoàn chuyên gia các bộ ngành khác. Phnôm Pênh lúc đó như một thành phố chết: hoang tàn, đổ nát, rất ít dân. Tôi nhớ, ông Phó Văn phòng Đoàn Chuyên gia tên là Phán, ban đêm thường hay đeo đèn ló trên đầu, xách súng đi săn cầy, cáo ngay xung quanh chỗ ở. Phnôm Pênh được quy hoạch rất khoa học. Những con đường thẳng tắp, chia phố xá thành những ô vuông vức. Rất nhiều biệt thự bỏ hoang, cỏ mọc lên đến tầng ba, tầng bốn. Thành phố không có nước máy, chỉ có điện hạn chế. Ban đêm không dám đi ra ngoài vì không đêm nào không có tiếng súng vọng về. Muốn đi ra khỏi khu chuyên gia phải qua vài vọng gác của các chú bộ đội. Thời gian đầu, chúng tôi báo cơm tập thể ở nhà ăn Đoàn Chuyên gia. Sáng, chiều đi dạy; trưa, tối mang bát đi ăn cơm tập thể. Trên quãng đường đi về từ nhà đến bếp ăn tập thể, anh Tân và tôi thay nhau kể chuyện tiếu lâm suốt cả năm trời đến nỗi cô Thu Hương kêu lên “chuyện đâu mà nhiều thế?”. Tuổi còn trẻ, chúng tôi thường thấy đói nên lân la làm quen các cô cấp dưỡng để xin miếng cháy. Chúng tôi đùa nhau “Hãy coi chừng miếng cháy, lại thành sợi tơ hồng, ông tơ xe duyên thắm, khéo nên vợ nên chồng”. Sau này, chúng tôi xin được lĩnh tiêu chuẩn về tự nấu ăn lấy cho tiện. Chúng tôi tiếp quản mấy luống rau muống, rau rền của các anh chị đi trước để lại. Chăm chút cũng đổ mồ hôi để bớt tiền mua thực phẩm. Một lần, tôi và Nam suýt khóc vì vườn rau xanh mơn mởn bị bò của mấy chú bộ đội ăn trụi. Thi thoảng chúng tôi làm món thịt lợn ba chỉ xào dưa cải. Ông Trưởng đoàn Phan Hoàng Mạnh tặc lưỡi: “Mấy cha ăn sang quá trời!”. Có một chuyện, bây giờ mới dám kể. Trọng Tân, Nam và tôi tính hay nghịch. Một buổi tối, chúng tôi lấy lá chuối, cuộn thành chiếc kèn, chụm hai tay thổi như tiếng trẻ con khóc “oe… oe… oe…”. Chúng tôi định trêu anh Đạm thôi. Ai ngờ, anh chị em trong đoàn quá sợ hãi. Mấy ông Cục II bên cạnh tưởng có trẻ bị bỏ hoang, vác súng lùng sục suốt đêm. Không tìm thấy gì. Ngay hôm ấy, họ chuyển đi chỗ khác. Lại còn chuyện, có đêm Thanh Hà khó ngủ bỗng thấy có người về đòi phòng ở. Không chỉ một đêm mà mấy đêm liền. Thế là mấy thày phải thay nhau vác súng canh gác suốt đêm. Sau nhờ bà Hăng Chuôn, vợ ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục của bạn và cũng là sinh viên mời thày cúng đến làm lễ trấn yểm mới yên. Đoàn Chuyên gia Đại học, ngoài hơn chục anh chị em giáo viên còn có một ông Trưởng đoàn, ông trợ lí Trưởng đoàn, một phiên dịch và một lái xe. Trưởng Đoàn Chuyên gia Đại học là chú Phan Hoàng Mạnh. Ông là Vụ Trưởng một vụ của Bộ, vốn là cán bộ miền Nam tập kết, tốt nghiệp Đại học Bách khoa nhưng tính cách như một nghệ sĩ. Sau này tôi mới biết ông làm thơ khá hay, thạo nhạc lí, rất giỏi việc và sống tình nghĩa. Ông nói tiếng Pháp như “tây”. Một lần, tôi và ông cùng về nghỉ phép, ông sang nhà tôi ở Trung Tự chơi và dẫn tôi sang nhà ông Trần Hoàn, lúc đó là Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội ở ngay sau nhà tôi. Gặp nhau, hai ông kêu nhau bằng tên cũ ngày xưa. Ông Trần Hoàn lấy cây guitar trên vách xuống. Thế là hai ông say sưa hát “Sơn nữ ca, Lời người ra đi…” coi như không có tôi. Đoàn có một nội quy do ông Trưởng đoàn thảo ra, quy định một số điều hết sức cụ thể từ trách nhiệm của mỗi người, phân công giữ vũ khí, tưới hoa đến việc sử dụng cái tủ lạnh cà tàng, việc lấy nước và giấy cho nhà vệ sinh. Để dễ nhớ, chúng tôi phổ thành bài hát theo làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Chúng tôi dùng cây guitar mang theo vừa đàn vừa hát. Chỉ có Nam là dân xứ Nghệ gốc nên hát chuẩn và khá hay bài nội quy này. Sau đó, chúng tôi ghi âm bài hát bằng một cái máy quay sử dụng băng cối. Khi ông Trưởng đoàn ở Hà Nội sang, ông gọi tôi lên và phán: “Chú về Hà Nội, tụi bay đem nội quy ra đặt thành vè nhạo chơi phải không?” Chẳng biết ai lại đặt điều rồi? Tôi cãi: “Không phải đâu. Phổ thành bài hát hẳn hoi. Chú muốn nghe, cháu kêu Nam lên hát chú nghe.” Tôi kêu Nam lên. Chúng tôi đàn và hát. Ông nghe và chắc là “sướng”. Nghe xong, ông bảo: “Thu cho chú một băng”. Hàng ngày, chúng tôi đi dạy cả sáng lẫn chiều. Buổi sáng dạy ở Trường Tiếng Phnôm Pênh. Buổi chiều, đi dạy ở các Bộ và Văn phòng Trung ương Đảng. Trường Tiếng có một ô tô tải loại nhỏ, làm thêm 2 hàng ghế dùng đưa đón giáo viên. Lái xe tên là Rươn, dáng cao to như cao bồi da đỏ miền tây trong các phim Mĩ nhưng rất hiền. Có cô giáo người Nga thích tay này lắm. Lúc đó, Trường Tiếng mở các lớp học tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha. Ngoài đoàn giáo viên Việt Nam còn có đoàn giáo viên Liên xô khoảng 7, 8 người; giáo viên Đức là một cặp vợ chồng và một giáo viên người Cu Ba dạy tiếng Tây Ban Nha. Buổi chiều, các Bộ cho xe đến đón giáo viên. Tôi dạy ở Văn phòng Chính phủ, cô Thuận dạy ở Văn phòng TƯ Đảng nên có xe đẹp đến đón, các Bộ khác xe không đẹp bằng nên các thày cô khác có ý “tị” với cô Thuận và tôi. Riêng tôi còn được nhờ dạy môn giảng văn lớp 10 cho Trường Bổ túc Văn hoá 19 tháng 8 của Đoàn Chuyên gia vào buổi tối (hệ PTTH 10 năm). Lúc đầu, ông Trưởng đoàn không cho tôi đi dạy vì sợ tôi dạy nhiều bị ốm. Nhưng sau, bí người nên đành để tôi đi. Tôi dạy hết chương trình văn lớp 10, Văn phòng Đoàn Chuyên gia trả cho 600 đồng (bằng nửa năm lương của kĩ sư mới ra trường). Năm đó, Đoàn Chuyên gia đề nghị và Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh lập một Hội đồng thi riêng cho Đoàn Chuyên gia tại Phnôm Pênh. Tôi được cử cùng Hội đồng thi đem bài thi về thành phố Hồ Chí Minh và tham gia chấm thi. May thay, những đề văn tôi luyện cho anh chị em gần như trúng tủ. Chấm thi được ba ngày, ông Chủ tịch Hội đồng gọi tôi lên gặp riêng và thông báo “Điểm thi Phnôm Pênh đỗ 100%. Chú mày phải khao đi”. Thế là trưa đó tôi mời mấy anh đi ăn trưa vừa hết số tiền Văn phòng Đoàn Chuyên gia trả cho cua dạy của tôi. Lúc đó, chúng tôi lên lớp, tính giờ và Đoàn Chuyên gia xác nhận. Ngoài số giờ quy định thì Bộ bên ta trả tiền vượt giờ. Năm học đầu tiên tôi dạy vượt hơn 800 giờ. Tính ra số tiền vượt giờ mua được 2 tạ gạo. Nghỉ hè, về nước tôi lên Bộ xin thanh toán. Một người của Bộ khất chưa có tiền và hẹn lần sau về lên Bộ sẽ trả. Gần một năm sau về nước, tôi lên thanh toán cũng bằng số tiền cũ nhưng chỉ còn mua được 20 cân gạo thôi. Trong lúc đó gia đình tôi ở quê đúng là phải chạy ăn từng bữa. Cũng chẳng còn biết trách ai nữa. Cái khó nhất của chúng tôi khi lên lớp là ở Cămpuchia lúc đó nhiều người biết tiếng Pháp và rất ít người nói tiếng Anh. Chúng tôi lại không biết tiếng Pháp. May trong đoàn có anh Tuyết là phiên dịch cho Trưởng đoàn. Anh Tuyết đã dịch toàn bộ phần từ mới trong các giáo trình cấp tốc do chúng tôi soạn sang tiếng Khơ me và nhà trường đã in rô nê ô để phát cho sinh viên. Anh Tuyết cũng tham gia dạy phần dịch Việt - Khơ me. Chúng tôi bàn nhau phải quyết học tiếng Khơ me. Anh Tân, Nam và tôi giao hẹn không được nói tiếng Việt. Bữa ăn, chúng tôi nói tiếng Khơ me. Ông Trưởng đoàn không hiểu chúng tôi nói gì, hỏi lại, chúng tôi trả lời bằng tiếng Khơ me. Ông tức mình xổ ra một tràng tiếng Pháp. Thế là cả nhà phá lên cười. Anh Tuyết cũng dạy chúng tôi học tiếng Khơ me theo bài bản, lớp lang hẳn hoi. Nhưng cái chữ thì khó cực. Chúng tôi cũng học đủ để đi chợ mua bán, tán tỉnh mấy bà, mấy cô ở chợ nhưng vẫn là kẻ “mù chữ”. Chỉ có Thiện Nam là học khá nghiêm chỉnh, đến nay vẫn còn xài được cái chữ ngoằn ngoèo như giá đỗ ấy. Dạy tiếng Việt đôi khi cũng gặp chuyện oái oăm. Một sáng đang trên lớp, cô Hồng Liên dạy lớp bên chạy sang bảo tôi: “Anh cứu em với”. Tôi sang lớp cô, nhìn lên bảng, thì ra cô đọc chính tả, một sinh viên lên bảng viết. Bài đọc có đoạn “buổi sáng tôi thường dậy sớm quét nhà…”. Sinh viên viết sai dấu của từ “buổi sáng”. Tôi ghé tai cậu lớp trưởng nói nhỏ một câu. Cậu ta trợn mắt rồi phá lên cười. Chẳng biết cậu ta nói lại với lớp thế nào. Chỉ biết, từ đó lớp ấy không ai viết sai từ “buổi sáng” nữa. Sau này, nhiều lượt anh chị em của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và các trường khác cũng được Bộ cử sang giảng dạy ở Cămpuchia. Anh chị em chúng tôi cũng dạy ở nhiều trường khác như Đại học Y khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm, Trường Chính trị Cao cấp… Chuyện làm chuyên gia ở Cămpuchia vui buồn lắm nỗi. Bây giờ, mỗi khi có dịp, chúng tôi nhớ lại chuyện cũ rồi tự an ủi nhau “sông có khúc, người có lúc”. Một đất nước, một dân tộc cũng ứng với câu nói này. Còn nhiều chuyện có thể kể. Nhưng đành thôi. Hẹn một dịp khác vậy.

Những ngày Thu 2013

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay4,051
  • Tháng hiện tại107,713
  • Tổng lượt truy cập1,831,184
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây