Văn học chiến tranh Việt Nam (phần 4)

Thứ hai - 17/02/2014 21:43
Mời quý vị và các bạn xem tiếp phần cuối của tiểu luận "Văn học chiến tranh Việt Nam" của TS Lê Thị Thanh Tâm – Chủ nhiệm Bộ môn Văn học và Nghệ thuật.
Mời quý vị và các bạn xem tiếp phần cuối của tiểu luận "Văn học chiến tranh Việt Nam" của TS Lê Thị Thanh Tâm – Chủ nhiệm Bộ môn Văn học và Nghệ thuật.

4. Những ghi chép chân thực về chiến tranh Việt Nam – hồi ức vô giá viết bằng máu

Ký chiến tranh có thể xem là bức tranh tô đậm những thời khắc quan trọng của cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 30 năm của nhân dân Việt Nam. Với các tiểu loại phong phú của ký như hồi ký, bút ký, tùy bút, ký sự, truyện ký..., nhân vật, sự kiện và những sự thật khốc liệt của chiến tranh đã đi vào văn học như một cuốn phim bất tận. Ngoài những tác phẩm ký nổi bật được nhắc tới bên trên, hầu hết các tiểu loại hồi ký, bút ký, truyện ký xuất hiện nhiều vào thời bình, khi chiến tranh đã lùi xa và những vết thương của nó đã bắt đầu thành hình, nhức nhối. Ký thời chiến được mở màn với nhiều cây bút sắc sảo. Người viết ký xuất sắc nhất phải kể đến Trần Đăng. Hai tập ký Trận phố RàngMột cuộc chuẩn bị là những trang ký bình dị, tự nhiên, thô ráp và mạnh mẽ. Nguyễn Huy Tưởng với Ký sự Cao Lạng đã tái hiện diễn biến chiến dịch Biên giới thu đông 1950. Tác phẩm đã bao quát cả chiều rộng không gian chiến dịch và các sự kiện khá chi tiết, kết hợp bút pháp kể và miêu tả làm cho tác phẩm đậm màu sử thi, cảm hứng lịch sử. Nguyễn Tuân tài hoa và phóng túng trong các tùy bút Đường vui, Tình chiến dịch, Tùy bút kháng chiến… Các tác phẩm ký Chiến tranh không mảnh đạn, Di họa chiến tranh, Tình mẫu tử của Minh Chuyên thời kỳ chống Mỹ cũng là những trang viết đáng giá. Người ta có thể đọc thấy những nỗi đau vô bờ của những người mẹ, người chị, người vợ Việt Nam sống sót của qua khói lửa chiến tranh. Hiện tượng nhật ký thời chiến được tìm thấy gần đây như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc đã gây chấn động thế giới, ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm và lý tưởng của thanh niên Việt Nam thời hiện đại. Thử làm một lát cắt từ đầu thế kỷ 21 đến nay trong văn học khu vực sông Mê Kông (gồm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, phía Tây Nam thành phố Hồ Chí Minh), vùng đất được xem là nóng bỏng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, người ta mới thấy hết những nỗ lực đến thế nào của người còn sống tưởng nhớ tri ân người đã khuất. Trước hết là tác phẩm Những năm tháng không quên (3 tập, ký của Nhiều tác giả, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau năm 2004), Chuyện xưa còn nhớ (Hàn Vĩnh Nguyên, NXB Văn nghệ, 2006), Dọc đường chiến đấu (Nhiều tác giả, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, 2003), Trên đồng nước nổi (Hồi ký cách mạng, Nhiều tác giả, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Tháp, 2000), Sóng dậy đồng nước (Nguyễn Đắc Hiền, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, 2004), Năm tháng đã qua (Trần Văn Miêng, NXB Mũi Cà Mau, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, 2003), Trên nền dĩ vãng (tập truyện ký, Nguyễn Thị Mỹ Hồng, NXB Phương Đông, Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, 2005), Những tấm gương thầm lặng (Bút ký lịch sử, Nhiều tác giả, NXB Mũi Cà Mau, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, 2005), Giữa Đồng Tháp Mười (truyện ký, Nguyễn Xuân Đỉnh, Võ Thúy Phượng, NXB Văn nghệ, 2007), Đồng Tháp 30 năm (1975 – 2005), Ký ức 30-4 (Hồi ký của nhiều tác giả, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp, 2005)… Tất nhiên danh sách này còn rất dài, bao gồm rất nhiều tác phẩm ở dạng hồi ký kể lại những đoạn đời tham gia cách mạng hoặc viết chân dung các tướng lĩnh và chiến sĩ vào sinh ra tử cho miền Nam đất thép thành đồng. Hình ảnh quân và dân miền Nam gắn bó hy sinh vô điều kiện trong cuộc chiến khốc liệt suốt 30 năm đã làm cho những tác phẩm ký trở thành những kỷ niệm vô giá và phần nào làm chứng nhân cho một giai đoạn đau thương nhất của đồng bào Nam Bộ. Đó là cuộc đời của chị Út Tịch - người mẹ, chiến sĩ, liệt sĩ anh hùng của đất Trà Vinh, là quãng đời hoạt động nữ biệt động thành Lâm Thị Phấn (được thăng hoa thành nhân vật Bạch Cúc trong phim Người đẹp Tây Đô) , là những tâm sự của má tư Ninh Hòa, là chuyện kể chiến đấu của anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Bảy, anh hùng quân đội Võ Văn Mừng,”  là Đỗ Phú Thứ - người con của mảnh đất nghèo An Trạch trước ngày hy sinh đã thổ lộ: “Máu tôi còn đổ thì tôi còn chiến đấu”…Tác phẩm Sóng dậy đồng nước (Nguyễn Đắc Hiền) và tập hồi ký cách mạng Trên đồng nước nổi (Nhiều tác giả) ghi lại chiến công oanh liệt của quân dân Đồng Tháp trên mặt trận Giồng Thị Đam, Gò Quản Cung… Những chứng tích ấy không phải chỉ được nhắc tới trong bảo tàng quá khứ chiến tranh mà dường như vẫn sống dậy trong mỗi trang viết. Nhờ các tập ký mà chúng ta biết thêm những sự kiện đặc biệt lạ lùng chỉ có trong thời chiến như Phòng mổ trên Đồng Tháp Mười, Phòng pha chế trên lưng (Nguyễn Xuân Đỉnh), Phòng thu thanh dã chiến ( Lê Giang), Sống cùng thời gian (trích tập ký Chuyện con người của Nguyễn Huỳnh Hiếu viết về những người làm bạc giả phục vụ kháng chiến) … Tập ký của Bác sĩ Nguyễn Hồng Trung Chuyện một thời và mãi mãi ghi lại câu chuyện về năm người thầy thuốc ưu tú của đất Vĩnh Long có công với cách mạng: Giáo sư Nguyễn Văn Thủ, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, giáo sư Trương Công Trung, Giáo sư Bùi Chí Hiếu, liệt sĩ bác sĩ Nguyễn Hồng Phước… với những chi tiết chân thực về tài năng và sự hy sinh của những trí thức lớn, những người con của Nam Bộ một lòng với cách mạng. Các tập hồi ký này có thể xem là phần tham khảo lịch sử rất có giá trị đối với những ai muốn hiểu sâu hơn chiến công của lực lượng quân y, dân y trong cuộc kháng chiến gian khổ ở chiến trường miền Nam. Trong suốt cuộc chiến đẫm máu giành lại từng tất đất quê hương, phụ nữ Nam Bộ đã là một bộ phận không thể thiếu của lực lượng quần chúng tham gia cách mạng. Lê  Huỳnh Thanh Uyên với bài viết Tháng tư ở Vĩnh Hưng đã dựng lại chân dung người phụ nữ Nam bộ bất khuất bằng những trang viết hết sức cảm động: “Chị vạch bầu sữa căng tròn cho con bú, linh tính mách bảo đây là lần cuối cùng chị được cho con bú. Chị ôm con, nhìn nó một cách trìu mến, chị vuốt mái đầu thơ dại của nó mà nước mắt chị rớt. Chị khóc không phải vì sợ kẻ thù mà khóc vì sợ con mình rồi đây sẽ mồ côi mồ cút. Chị ráng ép cho con bú thật no lần cuối. Chị ngồi đó trước bầy quỉ dữ, bọn chúng trở nên nhỏ nhoi, còn cái dáng ôm con của chị bỗng cao voi vọi. Đất trời như lặng yên, chiến tranh như ngừng lại trước tình mẹ con  thẳm sâu mà đau đớn của chị”…Những bài viết như Em đi từ sông Trẹm (Vĩnh Trà), Viếng mộ em (Quách Văn Bảy), Người con gái dân y (Nguyễn Thị Mỹ Hồng), Tâm sự của má Phan Thu Loan (Kha Thị Ngọc Đẹp), Cô Mụ Hiếu (Hàn Vĩnh Nguyên), Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè (Nguyễn Hồng Trung), Mênh mang tình mẹ, Sáng ngời tình mẹ (Hoài Phương)… lần lượt như những cuốn phim nhỏ ghi dấu vẻ đẹp tâm hồn và đức hy sinh của phụ nữ miền ĐBSCL. Người đọc không chỉ hình dung họ như những nhân vật trong các trang sách, tiểu thuyết, mà nhờ ký, họ trở thành những ký ức biết nói, những tấm gương có thật giữa cuộc đời. Nhiều chương hồi ký đã làm sống lại những “ngã tư Đồng Lộc” của miền Nam, những tấm gương hy sinh mãi mãi gây chấn động trong lòng người đọc.
Từ trái sang: TS Lê Thị Thanh Tâm, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái tại hội nghị khoa học Nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học và Tiếng Việt, tháng 10/2013. (Ảnh: Thành Long)
Từ trái sang: TS Lê Thị Thanh Tâm, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái tại hội nghị khoa học Nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học và Tiếng Việt, tháng 10/2013. (Ảnh: Thành Long)

* * *

Nhìn lại văn học chiến tranh Việt Nam, sau tất cả mọi đau đớn và mất mát, những gì còn đọng lại trong những trang viết được đổi bằng máu chính là vẻ đẹp của một đất nước mà những anh hùng là những người “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận), “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi). Người Việt Nam được thế giới biết đến như một xứ sở nhiều chiến tranh. Nhưng Việt Nam không có nghĩa là chiến tranh. Nhà thơ Quang Dũng từng viết: Ngày trở lại quê hương khúc hoan ca rớm lệ! Khúc khải hoàn chiến thắng của người Việt Nam trong bất kỳ cuộc chiến nào cũng đều là tiếng ca đầy nước mắt. Đó là cốt cách tâm hồn và giá trị Việt Nam trong hành trình vệ quốc đau thương và anh dũng vô song.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay3,763
  • Tháng hiện tại112,185
  • Tổng lượt truy cập1,675,006
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây