Những kỉ niệm Căm-pu-chia

Thứ năm - 07/11/2013 00:56
Thỉnh thoảng có nhóm sinh viên đến chơi, họ hỏi: Ở thế này thầy không "óp xốc" (buồn) à? Thầy không sợ "à Pốt" à? (À Pốt = thằng Pốt, tức là Pôn pốt). Tôi trả lời là: Ở một mình thì làm được nhiều việc, còn sống hay chết thì cũng đã có số.
Những kỉ niệm Căm-pu-chia
Những kỉ niệm Căm-pu-chia
Những năm 80 của thế kỉ 20, tôi đi dạy tiếng Việt ở Phnômpênh Căm-pu-chia. Đối với tôi và nhiều anh chị em Khoa tiếng Việt, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, ĐHKHXH&NV Hà Nội), đó là một thời kì đáng nhớ, đầy ắp những kỉ niệm của xứ sở nhiệt đới, rực rỡ đủ sắc màu và mùi quả chín… Tôi xin kể lại đây vài kỉ niệm hồi ở xứ sở Chùa Tháp.
Tác giả Nguyễn Thiện Nam (PGS.TS, Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt).
Tác giả Nguyễn Thiện Nam (PGS.TS, Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt).

1. Không khí “chiến tranh”

Ngày ấy, Căm-pu-chia vừa thoát khỏi ách diệt chủng của Pôn-Pốt được vài năm. An ninh ở Phnômpênh chưa được tốt lắm. Việc đi Căm-pu-chia lúc đó đồng nghĩa với đi làm nghĩa vụ quốc tế hoặc còn gọi là đi chiến trường K. Tôi vẫn còn nhớ trong một cuộc họp ở văn phòng Bộ lúc đó tại Hai Bà Trưng, Thứ trưởng Hoàng Xuân Tuỳ có nói với chúng tôi: “Nghĩa vụ của các đồng chí là đi một năm. Nếu đồng chí nào dám đi ba năm thì khi trở về Bộ sẽ cấp cho một căn hộ, tăng vượt một bậc lương”. Câu nói đó, đúng được vế sau vì tôi là người duy nhất đã đi đến hơn ba năm lần đó và sau khi trở về đã được tăng vượt một bậc lương. Trưa 21 tháng 6 năm 1982, một chiếc máy bay TU 104 đáp xuống sân bay Pô-chen-tông, quang cảnh lúc đó cũng gần giống một sân bay quân sự. Xa xa về phía tây có một số máy bay trực thăng và sân bay rất nhiều người mặc quân phục cả Việt Nam lẫn Căm-pu-chia. Điều gây ấn tượng mạnh nhất với tôi khi đặt chân lên mảnh đất Căm-pu-chia là cô gái trả hành lí cho khách ở cửa ra vào. Tay phải cô cầm một khẩu súng ngắn, còn tay trái thì kiểm tra cuống phiếu gửi hành lí của khách. Tôi cảm thấy hơi căng thẳng và hơi hoang mang. Tôi nghĩ “Chà, không khí chiến tranh đến mức này cơ à?”. Lúc tôi kéo chiếc va li “tầm tầm” (hồi đó ai đi nước ngoài thì được Bộ phát cho một va li cũ) qua cửa ra vào, mắt tôi cứ liếc vào khẩu súng, sợ ngộ nhỡ nó có bị cướp cò… Về sau này, khi đã quen thân cô gái ấy, tôi có kể lại chuyện này, cô ấy cười mãi và bảo là: “Đâu có chuyện bọn em cầm súng để soát cuống vé hành lí, mà là lúc đó có ai đó vừa nhờ em cầm hộ khẩu súng của một hành khách quân sự gửi”. Hoá ra không phải là “chiến tranh” đến mức ấy.

2. Phiên dịch “mù chữ”

Khi dạy tiếng Việt ở Căm-pu-chia, nhớ lời thầy Nguyễn Tài Cẩn dặn trước lúc đi là cố gắng học lấy cái tiếng Khơ-me, tôi đã cố gắng tự học theo kiểu phiên âm tiếng Việt để tiện giao tiếp chứ không học chữ vì thấy khó học. Khi phiên dịch của đoàn chuyên gia Đại học đi vắng, nếu có công văn giấy tờ, giấy mời gì đó cần thiết thì tôi giúp đoàn bằng cách nhờ cậu bé hàng xóm của đoàn tên là Pâu, học lớp 3 tiểu học sang đọc hộ thành tiếng rồi dịch lại cho đoàn. Thế rồi có một hôm vào tháng 10 năm 1983, khi tôi đã ở Căm-pu-chia được 15 tháng, ông phó đoàn chuyên gia Đại học tên là Toản nhờ tôi làm phiên dịch cho một cuộc hội đàm mà phía Căm-pu-chia có 4 thứ trưởng của 4 bộ, phía Việt Nam cũng tương tự và có một đoàn đại biểu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân do Giáo sư Hiệu trưởng tên là Nguyễn Phát dẫn đầu. Cuộc hội đàm thảo luận về việc Việt Nam giúp Căm-pu-chia chuẩn bị thành lập Trường Đại học Kinh tế Phnôm-pênh. Lí do ông ấy phải nhờ tôi là vì đoàn có hai phiên dịch, một người tên là Hoá, một người tên là Tuyết. Tuy nhiên Hoá đã hi sinh còn Tuyết thì bận đi công tác đột xuất tại Xiêm-riệp, Bat-tam-băng với ông trưởng đoàn. Tất nhiên là lúc đầu tôi từ chối việc này. Nhưng cuối cùng không thể tìm được ai nên ông động viên tôi rất nhiều và ông còn bảo, “lúc nào mày bí quá thì tao dùng tiếng Pháp cho”. Cuối cùng công việc của một buổi sáng đã trôi qua và ông ấy không cần dùng tiếng Pháp giúp tôi trong cuộc hội đàm. Đó là một kỉ niệm khó quên đối với tôi vì tôi làm phiên dịch nhưng còn “mù chữ”. Cũng ngay hôm đó có cô giáo trẻ “chọc quê” tôi là “biết nói mà không biết chữ là không có chiều sâu” nên tôi đã quyết định tự học chữ. Thế rồi sau đó tôi đã đọc được cả tiểu thuyết Khơ-me.

3. Bị nhầm là sinh viên

Vào năm 1987, một buổi sáng tháng 9, tôi đang đứng ở hành lang tầng hai trước văn phòng Trường Đại học Y-Dược-Nha Phnôm-pênh để chuẩn bị lên dạy một lớp lưu học sinh đi Việt Nam thì có một phụ nữ dáng người đoan trang, đài các (kiểu người lai Trung Quốc), dắt một em gái nhỏ nhắn độ 18 tuổi đến. Chị chào tôi bằng tiếng Khơ-me, trong đó cũng có sự phân biệt anh/chị/em/cháu…kiểu như tiếng Việt và hỏi tôi là “Em có biết lớp lưu học sinh Y đi Việt Nam học tiếng Việt ở đâu không?” Tôi trả lời là “Lớp ở tầng 3, lên cầu thang kia, ngay phòng đối diện cầu thang chị ạ”. Chị bảo là “Chị cho em đây đi Việt Nam nhưng không biết có học được tiếng Việt không. Nghe mọi người bảo là tiếng Việt nhiều tóc lắm” (tức nhiều dấu). Tôi bảo là: “ Tiếng Việt dễ thôi chị ạ”. Chị lại hỏi: “Thế em cũng học trong lớp ấy để đi Việt Nam à? Em biết tiếng Việt trước à?” Tôi cười và nói: “Không, tôi là giáo viên người Việt Nam, dạy tiếng Việt cho lớp lưu học sinh này đấy”. Chị vội vàng xin lỗi “Ông giáo trẻ” và gửi gắm luôn tôi, nhờ giúp đỡ cho cháu Thiary, con gái chị được học hành tấn tới”…

4. Một mình một tổ

Năm 88 – 89 chỉ còn tôi dạy ở Trường Đại học Y -Dược-Nha Phnôm-pênh, mặc dù con số sinh viên học tiếng Việt vẫn là con số nghìn. Thời gian này tôi đã viết xong bộ “Tiếng Việt cho người Căm-pu-chia” 3 tập, có song ngữ cẩn thận. Thầy có thể ra bài tập cho trò tự học thoải mái. Đến kì thi thì tôi nhờ đoàn giáo viên tiếng Việt ở trường Tổng hợp, trường kinh tế, khoảng 15 người lên hỏi thi vấn đáp hộ. Thời gian này tôi không ở Khách sạn Bộ Y tế nữa mà bạn chuyển tôi đến một biệt thự cũ ở phía cuối đường Monivong, gần bệnh viện Pạ đệ voát (Bệnh viện Cách mạng) bây giờ đã lấy lại tên cũ là Bệnh viện Calmet. Biệt thự này thật ra có hai toà nhà khá to. Tôi ở toà nhà đẹp hơn, có hai tầng, sáu phòng. Hai toà nhà này nằm trong một khu vườn rộng, có nhiều xoài, dừa, na, chanh…và mấy cây hoa đại, tựa như một ngôi chùa lặng lẽ. Tôi cũng không hiểu sao tôi đã có thể sống một mình trong toà nhà đó cả năm trời. Về khuya, gió từ sông Mekong thổi qua mấy cây dừa trong vườn rào rào, thỉnh thoảng mấy trái dừa già lại rụng thịch thịch tấp đầy gốc. Có hôm độ nửa đêm, đang ngủ, nghe tiếng động sầm sầm, tôi giật mình, với khẩu súng ngắn, mượn của đoàn, kê dưới gối, lặng lẽ ngồi dậy, trống ngực đập thình thình. Hoá ra tiếng cửa sổ ở phòng khác quên đóng bị gió đập. Một lần, có đoàn giáo sư của Bộ Y tế Việt Nam sang giảng ở Trường Y. Họ gồm GS. Đỗ Trọng Hiếu, GS. Hoàng Bá Long, GS.Nguyễn Văn Thành, GS.Dương Chạm Uyên. Tôi mời các giáo sư đến thăm “tu viện” / “ngôi chùa” của tôi. Các giáo sư kinh ngạc khi biết tôi ở bên này đã lâu, sống một mình trong một khu vườn hoang, tự đi chợ, thổi cơm, ăn một mình và đi dạy tiếng Việt cho cả nghìn sinh viên, lại suốt ngày mải mê với bài vở hay những tập xtăng-xin đầy chữ ngoằn ngoèo giá đỗ. Sau đó, mỗi khi về Hà Nội, tôi liên lạc và 4 giáo sư lại hẹn tôi uống rượu ở một nhà nào đó trong nhóm họ. Thỉnh thoảng có nhóm sinh viên đến chơi, họ hỏi, ở thế này thầy không óp xốc (buồn) à?, thầy không sợ “à Pốt à?” (À Pốt = thằng Pốt, tức là Pôn pốt). Tôi trả lời là: ở một mình thì làm được nhiều việc, còn sống hay chết thì cũng đã có số. Hồi ấy thì tôi không sợ, nhưng bây giờ nghĩ lại thì tôi thấy hãi!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay3,207
  • Tháng hiện tại111,629
  • Tổng lượt truy cập1,674,450
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây