Những kỉ niệm Thuỵ Điển (phần 1)

Chủ nhật - 29/09/2013 20:49
Nhà giáo Hà Vinh kể lại kỉ niệm đi dạy tiếng Việt ở Thuỵ Điển vào năm 1980. Phần 1: ngày 26/10/1979.
Những kỉ niệm Thuỵ Điển (phần 1)
Những kỉ niệm Thuỵ Điển (phần 1)
Nhà giáo Hà Vinh kể lại kỉ niệm đi dạy tiếng Việt ở Thuỵ Điển vào năm 1980.
Lời thưa: Năm 2013 này Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐHKHXH&NV kỉ niệm 45 năm thành lập (1968 – 2013). Trước khi được đổi tên thành Khoa VNH&TV (2008) thì Khoa đã có những đơn vị tiền thân như tổ Việt ngữ (thuộc khoa Ngữ Văn Trường ĐH Tổng Hợp HN 1956 -1964) rồi Tổ Việt ngữ (trực thuộc Trường 1965- 1968) và Khoa Tiếng Việt (1968 – 1995), Khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài (1995-2008). Tôi có may mắn là đã liên tục giảng dạy ở đây 38 năm (1964 – 2002) từ khi mới là một chàng sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp cho đến lúc đã thành một thày giáo già.Gần đây, sau 10 năm nghỉ hưu, trong một dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11) tôi trở về khoa gặp lại nhiều bạn bè đồng nghiệp khiến bao kỉ niệm dâng trào… Vào dịp này tôi cũng nhận được thư, quà thăm hỏi của vài học sinh cũ. Đó là mấy bạn Thuỵ Điển tôi đã dạy trong khoá học 1979 - 1982. Đây là khoá học khá đặc biệt được tổ chức do sự phối hợp giữa yêu cầu của Cơ quan phát triển quốc tế Thuỵ Điển (SIDA) và sáng kiến của Khoa Tiếng Việt khi đó do GS.TS Hoàng Trọng Phiến làm chủ nhiệm. Gọi là đặc biệt vì lớp học có 11 sinh viên người Thuỵ Điển được thiết kế một chương trình học 2 năm mà năm đầu giảng dạy và học tập tại Thuỵ Điển năm thứ hai ở Việt Nam và do Khoa Tiếng Việt chúng ta phụ trách. Tôi được làm việc với lớp này trong suốt khoá học. Nhờ đó mà tôi có dịp tới Thuỵ Điển để có Những kỉ niệm Thuỵ Điển. Những kỉ niệm Thuỵ Điển mà các bạn sẽ đọc sau đây cũng là một phần kỉ niệm của tôi với việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và Khoa Tiếng Việt mà cả đời tôi gắn bó! Hà Nội, 8/2013.

26/10/1979

Đến Thuỵ Điển hôm nay đã là ngày thứ ba. Ngày đầu tiên đến lớp học tiếp xúc với các sinh viên. Đây là lớp tiếng Việt do SIDA (Swedish International Development Authority) tổ chức có 11 sinh viên, chương trình học 2 năm, năm đầu học tại Stockholm (Sweden) năm thứ hai sẽ học ở Việt Nam. May mắn được cử sang dạy lớp này nhưng là lần đầu ra nước ngoài mà lại đến một nước vào loại phát triển nhất châu Âu nên mọi thứ với mình đều rất lạ. Mình đúng là một con chim chích lạc rừng, bị ám ảnh bởi cái tâm thế một người nhà quê ra tỉnh, một con thuyền lá tre ra thẳng Đại Dương từ trong cái ao làng nhỏ xíu, nông choèn!... Trên máy bay từ Hà Nội sang Berlin tình cờ ngồi cạnh Lương Ninh, một CBGD môn lịch sử ở ĐHSP đã từng nghe tên và đọc bài nhưng giờ mới gặp mình đã tâm sự với ông ta như vậy. Tối 23 máy bay từ Berlin đến Alanda (Thuỵ Điển) transit ở sân bay Quốc Tế Copenhagen (Đan Mạch) hạ cánh muộn, có lẽ phải gần nửa đêm. Một mình đặt chân xuống xứ lạ giữa đêm tối mênh mông lòng rất hoang mang! Đang ngơ ngác tìm lối ra thì qua cửa kính ngăn cách hành khách với bên ngoài mình thấy lố nhố những khuôn mặt biểu lộ sự thân thiện và có người chỉ trỏ hướng dẫn mình đến chỗ lấy hành lí. Thì ra đó là các sinh viên ra đón. Gặp anh Bình, người Việt đi cùng với các sinh viên. Ngày sắp sang đây mình nhận thư của B. Biết anh sẽ cùng dạy lớp này. Gặp nhau lần đầu mà thấy sự nhiệt tình chu đáo của B. và các bạn, thật cảm động! Hết mọi lo lắng cứ lẩn quẩn trong đầu suốt từ lúc chuyển máy bay ở Copenhagen. Sau khi bà Việt kiều có tên là Lệ Tân bay đi Oslo (Norway) mình ở lại cái sân bay rộng mênh mông chằng chịt đường đi lối lại tấp nập náo nhiệt hành khách đi và đến, lòng thực sự bối rối. Lại nghĩ liệu sẽ ra sao đây khi xuống máy bay ở bên kia (Stockholm- TĐ) mà không gặp người đón. Bà Tân là một người thật tốt. Bà ấy đã đưa cho mình ít đồng tiền kim loại mệnh giá nhỏ của Thuỵ Điển, ghi cho số điện thoại của sứ quán Việt Nam và hướng dẫn cách “cầu cứu” phòng khi đến sân bay không có người đón. May là mình đã không rơi vào tình trạng đó. Sứ quán ta cũng cử người ra đón. Xong các thủ tục nhập cảnh mọi người đưa mình về chỗ ở. Ngồi trong xe nhìn ra ngoài đường mình ngạc nhiên hết sức về ánh đèn vàng và một màn đêm đặc quánh như sương khói gói kín cả xe và người cùng những gì xung quanh. Không thấy con đường mà chỉ thấy những đốm sáng của đèn ô tô kết nối với nhau như chuỗi ngọc chuyển động liên tục và uốn lượn thật là ngoạn mục! Một khung cảnh mình mới được thấy lần đầu trong đời! Về đến chỗ ở (một nhà khách, điạ chỉ: 9 Kommandergatan, 2flor.) đã rất khuya mà anh Bình và các sinh viên còn tổ chức một bữa ăn nhẹ có bánh, sữa, trà với hoa quả để mừng mình tới như một tiệc tẩy trần theo văn hoá Đông phương. Giấc ngủ đầu tiên ở xứ Bắc Âu dù sau một chặng đường xa từ phía này sang phía kia quả đất mà chỉ chập chờn với những lạ lẫm vừa gặp và chút lo lắng thấp thỏm về những gì sẽ đến trong thời gian tới! Mấy ngày tiếp theo Annelie Larsson (An), người được SIDA giao việc điều phối lớp học dẫn mình đi làm quen với giao thông đường phố và các cung cách giao tiếp mua sắm. Cũng là lần đầu mình làm quen với việc đi lại bằng tàu điện ngầm (Tunel Barnna) và xe buýt… Không tiện hỏi tuổi nhưng mình đoán Annelie chừng ngót nghét 30, là một phụ nữ không có vẻ đẹp nổi bật nhưng có một khuôn mặt dễ mến, đặc biệt trong công việc và quan hệ thì rất chu đáo và nhiệt tình. An đón mình ngay sáng sớm hôm sau rồi dẫn mình ra phố. Trước hết, An mua cho mình một cái bản đồ giao thông Stockholm rồi hướng dẫn cách sử dụng. An có cách hướng dẫn tỉ mỉ và khoa học. Cả hai đang ở một vị trí bảo mình giở bản đồ, An chọn một điểm đến rồi như ra bài tập mình phải tự tìm đường đến điểm phải đến. Lúc ấy chúng mình ở rất gần KV (Kursverksamhetten vid Stockholms Universitet) An yêu cầu mình tìm đường. Khi mình tìm đúng và dẫn An đến đúng cổng KV, An rất vui. Mình cũng vui và cảm thấy bớt bỡ ngỡ đi nhiều! Sáng nay mình có buổi tiếp xúc đầu tiên với cả lớp học. Biết các sinh viên đã học được vài tuần với anh Bình, mình nói ít lời chào bằng tiếng Việt, cũng là vì mình không nói được tiếng Anh mà tiếng Thuỵ Điển thì lại càng không. Mình nói: Xin chào các anh các chị! Tôi đến đây hôm kia. Tôi đi bằng máy bay. Từ Việt Nam đến đây rất xa. Tôi cảm thấy mệt. Hôm nay tôi đã khoẻ. Nghe các anh chị nói tiếng Việt tôi hiểu. Phát âm tiếng Việt của các anh chị rất tốt. Tôi nhắc lại cuộc nói chuyện vừa rồi nhé! "- Anh có khoẻ không? Các anh chị hỏi. - Cám ơn, tôi khoẻ. Tôi trả lời vậy và hỏi lại: - Học tiếng Việt có khó không? Các anh chị sinh viên trả lời: - Tiếng Việt khó lắm! Tôi nói: Tiếng Việt không khó lắm đâu! Các anh chị sẽ nói tiếng Việt rất giỏi. Tôi là giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Các anh chị sinh viên lại hỏi tôi: - Năm nay anh bao nhiêu tuổi? Tôi trả lời: - Năm nay tôi 37 tuổi. Tên tôi là Vinh. Gia đình tôi có năm người là tôi, vợ tôi và ba người con (một con gái, hai con trai). Gia đình tôi sống ở Hà Nội. Hôm qua tôi đã đi tham quan thành phố. Thành phố Stockholm rất lớn. Đây là một thành phố cổ và rất đẹp. Tôi rất thích thủ đô Stockholm của các bạn!" Xem phần 2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay1,561
  • Tháng hiện tại37,290
  • Tổng lượt truy cập910,929
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây