Chuyến đi về nguồn (18-21/4/2013)

Thứ sáu - 26/04/2013 20:34
Các điểm đến của đoàn chúng tôi là Ngã Ba Đồng Lộc, Địa đạo Vịnh Mốc, Nghĩa trang Vĩnh Linh, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn. Trong chuyến công tác này, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt có 6 cán bộ tham gia.
Chuyến đi về nguồn (18-21/4/2013)
Chuyến đi về nguồn (18-21/4/2013)
Chào mừng ngày Giải phóng đất nước 30/4, từ ngày 18-21/4 Công đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức chuyến đi về nguồn đầy ý nghĩa do PGS. TS Đặng Xuân Kháng làm trưởng đoàn và TS. Nguyễn Quang Liệu phụ trách. Các điểm đến của đoàn chúng tôi là Ngã Ba Đồng Lộc, Địa đạo Vịnh Mốc, Nghĩa trang Vĩnh Linh, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn. Trong chuyến công tác này, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt có 6 cán bộ tham gia. Vượt 600 cây số, chúng tôi tới điểm đến đầu tiên trong hành trình là di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Địa đạo được xây dựng từ năm 1965 và mất 3 năm mới hoàn thành, chiều dài trục chính khoảng 2km, có hội trường, chỗ ở gia đình, gian hộ sinh, giếng nước, nhà vệ sinh, với sức chứa cao điểm lên tới 1200 người. Tới đây, vừa ngạc nhiên với khả năng phi thường của con người khi xây dựng được một địa đạo như thế, chúng tôi vừa ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tráng lệ của khung cảnh. Những rặng tre xanh rì rào đưa gió, con đường dài ven biển… như nhắc nhở chúng tôi về một thời khốc liệt nhưng không thiếu trữ tình. Ngày hôm sau, chúng tôi lên đường viếng thăm Thành cổ Quảng Trị và ba nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh, Đường 9, Trường Sơn. Niềm mong mỏi khiến mọi dư âm mệt nhọc của gần hai ngày dài trên xe dường như tan biến, chúng tôi đầy năng lượng dù trời Quảng Trị nắng như thiêu đốt. Tới Thành cổ, bước nhẹ chân bên từng nhánh cỏ, trên nấm mồ chung của bao người thanh niên chưa kịp biết tên, chúng tôi được nghe thuyết minh lại 81 ngày đêm ác liệt năm 1972. Tất cả chúng tôi đều khóc, dù nước mắt rơi hay thấm trong lòng. Mất mát ấy quả là tàn khốc, và lịch sử sẽ không bao giờ được phép lãng quên. ussh-130425-02 Rời Thành cổ, chúng tôi đi nghĩa trang. Ba nghĩa trang, một cảnh trí, hàng hàng bia mộ ngay ngắn nằm dưới những đồi thông râm mát, ngút ngàn chẳng biết đâu là điểm kết, như chính sự hy sinh của toàn dân tộc. Ở nghĩa trang Trường Sơn, những em bé Vân Kiều tấm lòng trong trắng phải làm người dẫn đường đưa chúng tôi tới từng khu mộ. Niềm an ủi lớn nhất cho chúng tôi là các nghĩa trang được chăm sóc rất cẩn thận, sạch sẽ khang trang, và chúng tôi tìm được mộ thân nhân của các cán bộ trong trường để dâng lễ. Ngày cuối cùng của hành trình, chúng tôi về với Ngã Ba Đồng Lộc, nơi năm xưa mười cô gái trẻ măng đã hy sinh anh dũng khi đang thông đường cho những chuyến xe băng băng vào chi viện chiến trường miền Nam. Chúng tôi thành kính thắp hương tưởng niệm, không quên đặt cùng với lễ đôi chùm bồ kết để các chị gội mái tóc bết bùn đất còn chưa kịp chải khi nằm xuống. Lặng nhìn trời Can Lộc xanh thăm thẳm, trái tim chúng tôi không nguôi bồi hồi thổn thức về trang sử đau thương nhưng hào hùng mà các cô gái thanh niên xung phong trên mọi miền Tổ quốc để lại, trong đó có mảnh đất Đồng Lộc anh dũng này. Trở lại nơi xuất phát, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, “địa chỉ hồng” của cả đoàn, chúng tôi mang theo biết bao cảm xúc. Có tiếng sóng biển Cửa Lò, Cửa Tùng rào rạt giữa bình minh yên tĩnh, có nước sông Lam, sông La, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn mênh mang vỗ về bến bãi, có những rừng thông xôn xao bên các nghĩa trang và Ngã Ba Đồng Lộc, có nước mắt lặng thầm xót thương và tri ân những chàng trai cô gái đã dâng trọn tuổi xuân cho đất nước, có cả nụ cười thỏa nguyện của những con người đã cùng nhau hoàn thành trọn vẹn chuyến đi về nguồn mong đợi bấy lâu. Chia tay trong nuối tiếc, chúng tôi thầm mong một ngày nào đó lại được đồng hành đến với những di tích lịch sử khác trên đất nước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay3,032
  • Tháng hiện tại32,726
  • Tổng lượt truy cập1,248,914
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây