Sinh viên Tây ăn Tết ta!

Thứ sáu - 15/02/2013 21:18
Thật may mắn khi lần này tôi đến tìm gặp các sinh viên nước ngoài lại đúng vào ngày mà Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức cho các bạn sinh viên ăn Tết bằng một sự kiện “Ngày Văn hóa quốc tế và Lễ chúc mừng năm mới 2013”.
Sinh viên Tây ăn Tết ta!
Sinh viên Tây ăn Tết ta!
Trời chuyển gió đưa cái lạnh từ phương xa phủ lên đất trời Hà Nội. Và lắc rắc mưa bụi nữa, những hạt mưa bụi li ti trong suốt như pha lê đậu hờ hững lên tóc, lên áo. Không khí Tết đã về thật rồi sao? Thật may mắn khi lần này tôi đến tìm gặp các sinh viên nước ngoài lại đúng vào ngày mà Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức cho các bạn sinh viên ăn Tết bằng một sự kiện “Ngày Văn hóa quốc tế và Lễ chúc mừng năm mới 2013”. Mấy năm rồi, hôm nay tôi mới lại trở lại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Đại học KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội) để trò chuyện với sinh viên nước ngoài về Tết cổ truyền Việt Nam. Ngày cuối năm ai cũng bận rộn, giờ tìm được một khoảng thời gian thư thả, bách bộ trên con đường xanh rợp tán cây xà cừ, trong lòng tôi chợt dâng lên cảm xúc xao xuyến khi thấy xung quanh mình không khí Tết đã cận kề lắm rồi. Trời chuyển gió đưa cái lạnh từ phương xa phủ lên đất trời Hà Nội. Và lắc rắc mưa bụi nữa, những hạt mưa bụi li ti trong suốt như pha lê đậu hờ hững lên tóc, lên áo. Không khí Tết đã về thật rồi sao? Thật may mắn khi lần này tôi đến tìm gặp các sinh viên nước ngoài lại đúng vào ngày mà Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức cho các bạn sinh viên ăn Tết bằng một sự kiện “Ngày Văn hóa quốc tế và Lễ chúc mừng năm mới 2013”. Khoảng sân nhỏ bé của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đầy ắp tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng chúc tụng. Khác với những lần đón Tết trước, năm nay, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt còn tổ chức cho các bạn sinh viên nước ngoài thi nấu các món ăn truyền thống ngày Tết của đất nước mình. Theo như cách nói của PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Chủ nhiệm Khoa thì đây là một cách để các bạn vơi bớt nỗi nhớ nhà khi đón Tết xa quê hương, đồng thời cũng là để nối nhịp cầu giao lưu văn hóa Tết giữa các dân tộc… Tôi hít thở một hơi thật sâu như để cảm nhận sâu sắc hơn không khí Tết bốn phương đang ùa về tụ hội ở khoảng sân nhỏ bé này. Cây vú sữa già lâu năm rì rào rì rào tỏa bóng như một chiếc ô khổng lồ lên các gian hàng nhỏ của các bạn sinh viên nước ngoài làm cho khung cảnh của Ngày hội văn hóa càng lãng mạn. Vẫn cái vẻ chân thành, thân thiện và rất cởi mở, các bạn sinh viên nước ngoài đã kéo tôi đi hết gian hàng này đến gian hàng khác, mời tôi thử nếm hết thảy các món ăn mà cả dân tộc họ ngưỡng mộ trong ngày Tết truyền thống. Anay Martínez Conzálex, cô gái Cuba xinh xắn với hai hàng mi cong rợp đã cuốn hút tôi từ nụ cười như “mùa thu tỏa nắng”. Anay khoe rằng, tên tiếng Việt của em là Mai, cái tên do Bộ Ngoại giao chọn cho em khi em sang đây học tiếng Việt, em càng yêu mến cái tên đó hơn khi biết hoa mai là một loài hoa cao quý, dịu dàng và thanh khiết mà người Việt Nam ngưỡng mộ, nâng niu. Ở Cuba, Anay sống ở TP Lahabana. Bố em từng làm ở Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam, chính bố là người đã thắp lên tình yêu Việt Nam đối với Anay. Ông đã kể cho Anay về những danh thắng ở Việt Nam, về văn hóa Việt Nam, về con người Việt Nam trọng chính nghĩa yêu hòa bình. Tình yêu đó đã đưa Anay đến với Việt Nam. Anay chân thành nói với tôi rằng: “Em học tiếng Việt cũng rất vất vả, khó hơn học tiếng Anh nhiều, nhưng càng học em càng khám phá ra một điều là bản thân tiếng Việt với âm sắc, vần điệu đã trở thành một giai điệu, một làn điệu nghệ thuật rồi”. Tại gian hàng nho nhỏ của các bạn sinh viên Cuba, tôi được thưởng thức các món ăn ngày Tết đặc sắc vô cùng. Từ món salát chế biến từ cá ngừ, sốt myonaire, dầu ô liu đến món chuối rang có một không hai. Những lát chuối thân thuộc đầy chất quê hương Việt, dưới bàn tay của các bạn Cuba, vị chuối trở nên mặn mòi khó quên. Anay bảo tôi, món chuối này người dân quê hương cô ăn trong những dịp Tết với cơm đậu đen, cho một chút hạt tiêu hoặc tí vị cay của ớt, cùng xuýt xoa với vị thơm ngọt của chuối thì không còn gì bằng. Anay lại mời tôi thưởng thức món bánh ngọt Torrejia, món bánh Arepa và món nem Choqueta – đều là những món ăn bản sắc của người dân Cuba. Anay và các bạn của mình đã chuẩn bị thực đơn này từ nhiều ngày, cũng đau đầu lên kế hoạch nấu nướng, mua sắm nguyên liệu để hôm nay có được những món ăn “dân tộc” nhất mang đến Ngày hội văn hóa quốc tế. Nhưng có lẽ độc đáo nhất ở “gian bếp” của các bạn Cuba có lẽ là món rượu mojito. Cách chế biến rất đơn giản: Cho một chút đường trắng vào rượu trắng, cho rau húng và sođa vào chờ ngấm, sau đó khuấy đều lên. Quả thực, vị rượu cay cay nồng nồng, thơm ngọt của các bạn Cuba đã níu chân khách ở lại lâu hơn. Khi biết tôi là nhà báo, các bạn sinh viên CH Séc cứ tíu ta tíu tít, họ kéo tôi vào gian hàng nhỏ đang thơm nức mùi khoai tây rán. Đó cũng là một món ăn truyền thống của CH Séc. Bara Jivková, cô sinh viên nhỏ bé với nụ cười tươi rói hút hồn khoe với tôi, dù chỉ là khoai tây rán nhưng cô và các bạn đã phải nhiều lần “hội thảo” cách pha bột mỳ, trứng và tỏi như thế nào để khi rán, khoai không bị nát và thơm ngậy, có vị cay cay của tỏi. Quả thực, món khoai rán của các bạn CH Séc thật tuyệt vời. Đến mức mà một vị trong Ban giám khảo chấm món ăn đã phải thốt lên, chưa bao giờ ông ăn món khoai tây rán nào ngon đến vậy… Bara cho tôi hay, năm nay em sẽ ở lại ăn Tết ở Việt Nam. Hai năm trước em đã được đón Tết ở Việt Nam, một lần tại Hà Nội và một lần ở Cam Ranh (Khánh Hòa), với em đó sẽ là những cái Tết có ý nghĩa nhất. Bara được một gia đình người bạn Việt Nam đưa về nhà đón Tết. Chính tình cảm thân tình, chan hòa và nồng ấm của các bạn Việt Nam đã làm cho Bara vơi đi nỗi nhớ bố mẹ, người thân khi mà khoảnh khắc thiêng liêng năm mới năm cũ đang tới gần. Tôi hỏi Bara, đến gia đình Việt đón Tết em trổ tài nấu món gì, thì em cười rất tươi: “Đó là món cá chép rán và món súp cá ăn với nộm khoai tây chị ạ”. Tôi lại hỏi Bara, món ăn ngày Tết của người Việt em thích nhất món nào? Bara hóm hỉnh bằng giọng nói tiếng Việt ngọng nghịu: “Bánh chưng ạ! Ăn thơm mềm và đặc biệt, em còn được nghe kể loại bánh này có gắn với một câu chuyện cổ tích bánh chưng bánh giầy của người Việt, nên càng thú vị chị ạ”. Câu chuyện rôm rả giữa tôi và Bara còn cho tôi hiểu vì sao em chọn Việt Nam để sang học chuyên ngành lịch sử. Bara chọn Việt Nam vì theo cảm nhận của riêng em, Việt Nam là đất nước đã trải qua nhiều chiến tranh nhưng kỳ lạ là người Việt Nam luôn chiến thắng. Thêm nữa, Bara thích khám phá lịch sử ở một nền văn hóa hoàn toàn khác so với lịch sử nhiều nước châu Âu. Bố em là một nhà khoa học vật lý, mẹ làm thư ký cho một trường ĐH ở Braha, cả hai đều ủng hộ Bara sang Việt Nam còn vì một lí do nữa, Việt Nam là đất nước thanh bình, con người thân thiện, tình cảm… Sinh viên Kim Sang Huan, đến từ đất nước Hàn Quốc đang trình diễn món súp Hàn Quốc. Kim múc cho tôi một bát ăn thử. Quả thực, đó là món súp đặc biệt nhất mà tôi được thưởng thức. Trong một bát súp có vị thơm của chả cá, hương thơm của gạo và vị ớt cay nồng. Món súp này còn có cả bắp cải thái chỉ và hành phi. Món súp của các bạn xứ sở Kim chi đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên Việt Nam, ai cũng xuýt xoa vừa ăn vừa thổi, thật hợp với tiết trời se lạnh. Kim kể, bố mẹ em ở tỉnh Gyeong Sang Buk Do với nghề trồng nho. Từ ngày còn học cấp III, Kim đã thích sang Việt Nam, nên em đã lên mạng Internet tìm hiểu và đã tìm được cơ hội sang Việt Nam du học. Cũng như Bara, Kim đến Việt Nam vì yêu mến cái vẻ thanh bình của đất nước này. Kim thích những buổi sáng sớm đi dọc trên đường phố, thấy cảnh người đi chợ sớm chở đầy các bao tải rau trĩu trịt vào thành phố. Còn kỷ niệm với Tết Việt, Kim cho hay, năm trước em đón Tết ở một khách sạn lớn ở Nha Trang. Khách sạn đã làm một chiếc bánh chưng khổng lồ để khách thập phương đến tham quan. Chưa bao giờ Kim được nhìn thấy một chiếc bánh lớn như thế, đủ thấy sự kỳ công của các nghệ nhân và cũng đủ thấy người Việt đón Tết rôm rả thế nào. Kim bảo tôi, món ăn của người Việt trong ngày Tết truyền thống có quá nhiều, mà món nào cũng dễ ăn, trong đó Kim và các bạn Hàn Quốc vô cùng thích thú món nem, thịt đông và giò xào. Phía sau các món ăn đó còn là bản sắc văn hóa của một dân tộc yêu hòa bình. Kim bảo, Kim sẽ viết thư về cho các bạn ở quê để kể về ngày hội văn hóa hôm nay, kể về Tết Việt Nam với những tình cảm thân thương nhất. Còn biết bao món ăn truyền thống, mang đậm đà bản sắc dân tộc mà các bạn sinh viên nước ngoài mang đến giao lưu. Đó là món bánh xèo Nhật Bản, món khoai tây chiên bơ và salát “cesar” của các bạn sinh viên Ucraina, là món sủi cảo Đông Bắc của các bạn sinh viên Trung Quốc. Các bạn Mông Cổ còn mang đến ngày hội văn hóa những bộ váy áo truyền thống được người Mông Cổ mặc trong lễ hội Naa Dam truyền thống… Tại ngày hội văn hóa quốc tế, các bạn sinh viên Việt Nam cũng đã mang bản sắc Tết Việt đến để giới thiệu với các bạn sinh viên nước ngoài. Đó là món chè sen long nhãn, bánh trôi, kẹo lạc trà xanh, bánh cuốn và nem rán. Nhịp cầu như gần hơn, nối liền những tâm hồn sinh viên trong trẻo, những tâm hồn đã hơn một lần biết rung động thưởng thức vẻ đẹp của Tết Việt… Sinh viên Tây ăn tết ta! Sinh viên Tây ăn tết ta! Sinh viên Tây ăn tết ta! Sinh viên Tây ăn tết ta! Sinh viên Tây ăn tết ta! Sinh viên Tây ăn tết ta!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay43
  • Tháng hiện tại108,465
  • Tổng lượt truy cập1,671,286
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây